Bị chê bai ngoại hình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đùa với lửa có ngày đứt tay, có nằm mơ Lương cũng chẳng thề ngờ ông chú hàng xóm mới nói thế mà đã toan làm thật. Thôi thì từ nay cô xin chừa, khômg dám gọi người ta là chú nữa. Không vậy mà ngay sáng hôm sau cô cố ý dậy thật sớm, quét nhà rửa chén nấu nước sôi, hỏi đường ra tạp hoá mua chè khô thuốc lá, lựa thật kĩ mấy cân hoa quả bên phòng cô Bắc. Mọi thứ ở tư thế đã sẵn sàng, chỉ chờ người ta mang dụng cụ tới làm thôi. Khổ nỗi ông trời lại thích trêu người, Lương chờ hoài, chờ mãi, chờ đến mức mặt trời mọc lên vững chãi, đồng hồ điểm mười hai giờ mới thấy ông chú già ấy phóng xe ba gác đỗ xịch giữa sân.

Phù. May quá! Ngoài việc cằn nhằn nhẹ việc ông chú tới muộn, Lương chẳng biết nói lời vàng ý ngọc ra làm sao.

- Sao chú muộn thế? Tôi tưởng chú không đến thật.

Lại lỡ miệng rồi. Câu nói vô tình không suy nghĩ, ấy vậy mà vào tới tai người ta như mọc gai trong đó. Có lẽ cọc cằn khó nghe tới nỗi, bao xi măng đang vác dở trên vai ông chú nóng nảy ném bịch xuống đất. Khói bụi bay mù mịt khắp nơi, ánh mắt cũng trở nên lạnh lùng hơn ban nãy.

- Còn gì ăn không?

Lương ngẩng đầu nhìn ông chú già không chớp mắt. Cái người này nghe vẻ hành tung cực bí ẩn, hẹn buổi sáng mà giữa trưa mới chịu tới, đã thế không phải người thân cũng chẳng phải bạn bè, hỏi cơm trưa như thật khiến cô cũng buồn cười. Cơ mà khi nhìn thấy gương mặt ấy lấm tấm mồ hôi, cả chiếc áo thấm đẫm mùi nắng nóng, cô chợt thấy lòng mình chùng xuống.

- Còn cơm nguội thôi.

Lời còn chưa dứt, đã nghe câu:

- Rang đi.

Tự nhiên hơn ở nhà. Lương còn chưa kịp chối, người ta chỉ còn lại bóng lưng. Hồi sáng đi chợ Lương mua được ít dưa chua, chục quả trứng và mớ rau muống to. Sàn bếp chưa có cô đặt bếp gas tạm dưới nền, nồi cơm điện nhỏ chỉ dư cơm hơn một bát, may vẫn còn vài quả trứng và dưa chua lát nhỏ, nếu khéo làm cũng không đến nỗi nào.

Không hiểu là do hàng xóm căn giờ quá chuẩn, hay bởi cô nhanh mắt thoắt tay, mà khi vừa tắt bếp đổ ra đĩa cũng là lúc người ta sang tới nơi. Mái tóc ướt khuôn mặt rất sạch sẽ, quần áo lấm lem được thay bằng bộ đồ lao động mới, ông chú già không khách sáo mà ăn uống rất tự nhiên.

Ước chừng khoảng mười phút trôi qua, tô cơm đầy trống trơn không còn lấy một hạt.

- Che đồ lại đi. Mười phút nữa bắt đầu.

Trên tay cầm chiếc bát bằng sành, Lương ngạc nhiên hỏi chú già hàng xóm.

- Làm luôn? Không nghỉ ngơi sao?

- Quen rồi!

Mặc dù ông chú hàng xóm có dáng người cao lớn, thân hình khoẻ mạnh hơn so với người ta, những mà Lương vẫn cảm thấy xót cho cái dạ dày vô tội kia.

- Mà nhớ cho kĩ, tôi tên Lâm chứ không phải không khí.

Nghe anh nói Lương chỉ ậm ừ cho qua, thoáng mấy phút thôi đã thấy cát, gạch nhanh chóng được di chuyển vào trong sân. Lâm dùng một số thùng sơn to chứa nước, nhìn cách anh cầm bay xây vẫn gượng gạo, Lương biết người thợ hồ này không phải dân chuyên.

Từng hàng gạch xây lên bằng đầu gối, mải chú tâm nên nền trời mau tối, chẳng mấy chốc mà mọi thứ đều trở nên đen thui. Khẽ lau vết mồ hôi lăn dài trên trán, Lâm nói với cô gái đang loay hoay rửa xẻng, xô, bay xây phía ngoài sân.

- Nấu cơm đi. Lát tôi sang.

Nghĩ mà bực. Nếu không phải ông chú do cô Bắc giới thiệu, cộng thêm việc cô không quen biết ai làm nghề này, cô sẽ không việc gì phải chấp nhận đồng ý nấu cơm ngày ba bữa. Không người thân đến đây ở nhờ thì đã sao, thêm chuyện cả ngày ăn cơm bụi ngoài quán nữa, anh nói với cô những chuyện này để làm gì. Đã thế chẳng cần biết cô từ chối hay không, thẳng thừng tuyên bố nếu đồng ý nấu cho người ta cơm ngày ba bữa, thì sẽ giảm số tiền công sửa nhà xuống còn một trăm một ngày. Nếu một tuần vẫn chưa xong, sẽ chỉ lấy năm trăm tất cả.

Nhưng mà nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, con người này có lẽ không phải xấu, cứ xét chuyện lúc chiều thì thấy ngay thôi. Một mình đảo vữa một mình xây, gạch túc tắc tự bê từng chồng một, Lương tranh làm cũng chỉ lạnh mặt nói là không mượn. Kể ra người ta cũng có tâm đấy chứ, chí ít đối với một cô gái nhỏ nhắn như Lương, thì mấy việc làm ấy có vẻ hơi quá sức.

Cố kiếm lấy lý do thuyết phục hơn, có người không tự nguyện đứng lên vo gạo nấu cơm tối. Trong nhà lộn xộn không có chỗ để bếp gas, Lương đành lôi ra cửa đặt ngay giữa giàn su su. Vì đã muộn nên chỉ nấu vài món nhanh, thịt rang, đậu sốt, su su luộc. Mùi thơm lan toả quanh các phòng trọ nhỏ, mấy người phòng bên ra ngoài ngó nghiêng nói chuyện làm quen. Chủ yếu là công nhân hoặc mấy cô buôn hàng xén ngoài chợ, xóm trọ nghèo có rất ít đàn ông. Các đức ông chồng hoặc đi làm ăn xa, hoặc đang ở quê nhà chăm mẹ già con nhỏ. Mỗi con người mang trong mình một số phận riêng, đặc điểm chung duy nhất là tình người.

- Mọi người ăn tối rồi sao?

Mọi người đang xôn xao trò chuyện, không để ý một bóng dáng cao lớn xuất hiện từ lúc nào. Đứng trước nhiều ánh mắt tò mò, Lương cúi đầu im lặng không nói gì. Chỉ nghe một chị trong đó hồ hởi hỏi.

- Nghe dân tình đồn là xóm trọ có thêm người mới, đảm đang tháo vát nấu cơm ngon khiến cho cậu Lâm phải nhanh chân đăng ký cơm ngày ba bữa đúng không?

Với bản năng nhanh nhạy trong giao tiếp, mới mấy giây Lâm đã kịp tiếp lời.

- Dạ. Công của cháu một ngày năm trăm cơm ăn ba bữa, tính thế vẫn còn rẻ chán.

Những tiếng cười đùa khiến bầu không khí xôm hẳn lên. Qua một lúc họ nháy nhau cungt về phòng, chừa lại không gian riêng cho đôi trẻ. Lương thấy bàn tay mình lạnh toát, những người dân lao động thường chất phác thật thà, lời nói ra không mang nhiều hàm ý sâu xa, nhưng bản thân cô vẫn không bình tĩnh nổi, ý nghĩ ghép đôi một kẻ lập dị cùng một cô gái xấu xí lởn vởn trong đầu không thể thoát ra.

Hơn một lần bị người đời châm chọc, người tiếc thương cho khuôn mặt nhỏ nhắn, kẻ chê cười may mắn hẹn kiếp sau. Từng lời đâm chọt tranh nhau tìm đến não, mọi áp lực đè nén đầu óc cô như muốn nổ tung ra.

- Chảy máu kìa.

À, thì ra là đứt tay. Cảm giác tê tê nơi đầu ngón, định thần lại mới biết vừa sơ ý làm vỡ chiếc bát con, không cẩn thận bị mảnh vỡ cứa vào.

- Bịt vào đi.

Anh bạn hàng xóm tiến lên đưa cho cô mảnh giấy, chất lỏng giống như kiểu mất kiểm soát, thấm đẫm hết cả mấy ngón tay thon dài.

- Đi rửa đi. Nước lạnh có thể giúp cầm máu.

Từ đầu chí cuối Lương vẫn chỉ im lặng, hành động hôm nay tự nhiên lóng ngóng lạ thường, ngón tay hơi xót nên khi ăn mất cảm giác ngon.

- Đừng nghĩ nhiều. Con người ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc.

Thế à. Hai chữ hạnh phúc với cô hơi xa xỉn. Trong cuộc sống khi xã giao bình thường, chỉ cần người ta không thì thầm to nhỏ về nhan sắc thì đối với cô đã là may mắn lắm rồi. Khi đã bước đến một giới hạn chịu đựng khủng khiếp nào đó, con người ta sẵn sàng nghĩ tới những điều tiêu cực nhất. Giống như ốc sên sống thu mình trong chiếc vỏ dày cứng, tự động rụt lại để bảo vệ chính bản thân mình. Giấc mơ về một người có thể chấp nhận khiếm khuyết này, chỉ có thể là điều ước trong truyện cổ tích mẹ vẫn kể cô nghe ngày trước. Trong suy nghĩ về đàn ông bằng thái độ tử tế nhất, đối với Lương mà nói cũng chỉ là những con quỷ sa tanh mà thôi.

Thế cho nên, đối với người đàn ông không quen không biết này, thái độ bài xích sẵn có từ trong máu.

- Anh ăn xong rồi thì về cho tôi còn dọn.

Cô đã thành công trong việc đuổi khéo người ta, vì anh hàng xóm này thực sự chưa ăn đến bát thứ ba. Có vấn đề gì chứ, căn bản cô đâu có quan tâm. Thầm cầu mong cho việc sửa phòng này sớm hoàn tất, để cô có thể không mất công giáp mặt những người lạ mỗi ngày. Chưa kể việc cô Bắc hàng ngày phải canh cho cô tắm, chuyện rửa bát cũng phải đi rõ xa.

Cũng may ông chủ vắng nhà, mọi việc coi như không mấy bất tiện. Chỉ có điều đêm qua rồi đến đêm nay, hai lần không hẹn mà vẫn gặp anh bạn hàng xóm này ở đó. Hình như Lâm xuống dưới uống nước, Lương đứng lấp sau cánh cửa mãi đến khi Lâm đi khỏi, mới rụt rè dè dặt hỏi cô Bắc:

- Anh ta sống nhờ ở đây sao cô?

Câu hỏi của Lương có chút bất ngờ, mất một lúc cô Bắc mới hiểu ra.

- Chủ nhà là bạn cậu Lâm. Cậu ấy sống ở đây trông nhà giúp, cũng khá lâu rồi.

Cô Bắc cứ thế kể một tràng về người ta, nào là người tốt hiếm có, mạnh khoẻ cường tráng, phóng khoáng nhiệt tình. Cứ dăm ba câu lại khen Lâm hết lời. Người ngoài mà nghe được, lại nghĩ Lương có ý gì đó mới chủ động hỏi han. Thật lòng mà nói, cô không hề muốn liên quan tới người đàn ông này. Nhưng sự đời có ai ngờ, trong cuộc sống có những cuộc gặp gỡ, vốn dĩ là do ông trời cố tình sắp đặt. Dù không muốn đối mặt, nhưng đôi khi, người ta lại vô tình chứng kiến cảnh bản thân mình lâm vào tình thế khổ sở nhất. Ví như sáng sớm hôm sau, khi Lương đang lựa thịt ở quầy thịt bò, vô tình nghe thấy hai gã hàng mổ bên cạnh tán gẫu với nhau:

- Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không chịu đeo khẩu trang.

- Nhưng mày có thấy nó xấu không?

Khá nhột.

Những câu nói cợt nhả về vẻ bề ngoài, Lương đã nghe đến mòn lỗ tai. Cố tỏ ra khá tự nhiên, mắt hướng về phía cô hàng thịt trược mặt, Lương vô tư hỏi thăm về giá:

- Ba chỉ bao nhiêu vậy chị?

- Trăm bảy.

Con người vốn dĩ là động vật khó thuần phục nhất, giống như đối với một số người, đạo đức là môn học cần phải học cả đời. Trên lý thuyết là vậy, còn thực tế, lời nói là vũ khí có sức công phá lớn tới nỗi, có thể nhẫn tâm giết chết một con người.

- Ối anh ơi! Một phần người chín phần ma, anh nói xem nó có xấu không?

Từng từ họ nói ra giống như sợi chỉ tơ mảnh, ra sức siết chặt lồng ngực chằng chịt vết thương của Lương. Tổn thương quá khứ giống như người ta dùng vải xô lau bụi trên kính, cứ mãi cò cưa đưa đẩy từ ngày này sang tới năm kia, mãi mãi chẳng bao giờ dứt, càng chẳng thể nào nguôi. Có những con người, chà đạp người khác chính là thú vui khó bỏ. Ví như trong quá khứ, Lương từng bị miệt thị ngoại hình một cách tiêu cực. Không những bị xỉ nhục, lăng mạ về ngoại hình, thậm chí cô còn bị ném bất kể thứ gì vào người khi họ có trong tay. Khi thì quả cà chua, cây rau úa, tệ hơn nữa là mấy chục trứng sống bị hỏng đến mức bốc mùi hôi thối.

Có những lần mùa đông bị người ta dội nước cống, cả người ướt sũng rét run, cô bước lên xe buýt khiến mọi người nôn oẹ, phụ xe bất đắc dĩ cầm cổ tay cô lôi xuống, khiến cho Lương suýt thì ngã dúi dụi.

Nhưng mọi thứ, xem ra vẫn chưa là gì. Tệ nhất là khi, cô bị người ta dội cả can nước mắm, hắt cả bát mắm tôm vào người. Kết quả của lần bị bạo lực tinh thần đó, cho dù rất đau lòng, cô vẫn nhắm mắt cắn răng cắt phăng mái tóc dài đen mượt của mình.

Có sao đâu.

Cuộc sống khắc nghiệt năm ấy, đã tôi luyện cô trở nên trầm lặng giổng như ngày hôm nay. Những tưởng bản thân vô cảm với tất cả mọi thứ, vậy mà giây phút nghe ông chú hành xóm nói:

- Đàn ông sức dài vai rộng không lo làm ăn, chỉ chăm chăm đứng đó bàn tán miệt thị ngoại hình của một cô gái. Không thấy nhục à?

Cả người Lương thực sự run lên. Với ngoại hình này, cô không có nổi một người bạn, chứ đừng nói người ta sẵn sàng ra mặt giải vây. Bất ngờ hơn cả, người đó chính là người mà trong ba ngày qua cô gặp nhiều nhất. Người hùng, siêu nhân, phật bà quan âm hay đại khái là thế, Lương nghĩ tới điều này ngay sau khi nghe anh nói câu ấy.

Cô không rõ hàng xóm sao xuất hiện ở đây giờ này, thân hình cao lớn vững chãi, anh đứng đó từ bao giờ, bao thuốc trong tay cũng bị bóp dập nát, cơn giận dữ nơi đáy mắt cuộn trào hiện lên đục ngầu. Hai gã hàng mổ xấu hổ cúi gằm mặt, lí nhí nói mấy câu đại ca em xin lỗi.

Lâm dường như thoáng chút mất bình tĩnh, tay chỉ thẳng mặt bọn chúng mà gầm lên.

- Người cần xin lỗi là cô gái này, không phải tôi.

- Dạ dạ. Em gái à, anh có hơi quá lời, anh xin rút lại mấy lời khó nghe ban nãy.

Lâm giống như đàn anh đang đanh giọng dạy bảo em út, ánh mắt chỉ dịu đi khi quay sang nói với cô hàng thịt bò:

- Chị Xá cân thịt bò cho cô gái này đi. Hết bao nhiêu ghi vào sổ cho em.

Chủ sạp thịt nãy giờ đứng đó giương mắt nhìn, nghe Lâm nói thế mới nhanh nhảu đáp lời.

- Được được. Bắp nay ngon lắm! Để chị cắt cho.

Bán hàng mà, có khách sộp ai chẳng thích. Bàn tay nhanh thoăn thoắt cắt gọn gàng miếng bắp ngon nhất cẩn thận bỏ vào trong gói báo. Có người nãy giờ đứng ngẩn ngơ đến đơ người, quên luôn việc từ chối ý tốt của người ta. Mãi sau mới chợt nhận ra, bọc to chị bán hàng đã đặt ngay ngắn vào tay mình rồi.

- Sao anh lấy nhiều thịt thế? Trong một ngày không thể ăn hết được.

Ánh mắt Lâm nhìn về hướng xa xăm nào đó, hình như anh không muốn đối diện cô lúc này.

- Muốn nấu gì cũng được. Ăn không hết thì mang lên tủ nhà ông chủ để nhờ.

Nói xong Lâm cũng xoay người đi thẳng, chỉ còn lại bóng lưng thẳng tắp khuất xa dần. LXoay xoay gói thịt trên tay, Lương nghĩ về thực phẩm có thể chế biến với thịt bò. Xào với ngọn su su sân nhà trọ sẵn có, mua thêm ít dưa về nấu với thịt bò, còn quả có thể cho vào luộc chấm muối vừng.

Nhún nhún vai, vậy là có hai món giải quyết được thịt bò rồi!

Sau khi từ chợ trở về phòng, hai người không ai nói với ai câu nào. Lâm vẫn một mình đảo vữa xây tường, còn Lương chuyên tâm một mình nấu bữa trưa. Cô chia thịt làm ba túi, giữ lại một phần, phần còn lại mang qua tủ nhà ông chủ gửi nhờ. Nghe cô Bắc nói anh ta sống trong miền Nam, có khi cả năm không về nhà lần nào, đồ dùng trong nhà mọi người trong khu trọ có thể lấy dùng thoả mái. Có vấn đề gì chỉ cần nói qua Lâm một câu là được.

Nghĩ lại cũng thấy mình may mắn, từ khi lên đây mọi chuyện với Lương khá thuận lợi. Đang ngồi tước xơ ngọn su su ở sân, bỗng điện thoại trong túi cô đổ chuông.

Là bà ngoại gọi đến, Lương không chần chừ mà nhấn nút nghe. Đầu dây bên kia thấy tín hiệu đã dồn dập hỏi:

- Cháu gái, sao con bảo lên ở cùng bà và cậu mợ mà không lên à con?

Cố bịa ra lý do gì đó hợp lý, mà hình như không được.

- Dạ. Con tìm được nhà trọ rồi! Chiều mà rảnh con qua chơi với bà và cậu mợ ạ!

- Ôi cái con bé này. Định để bà lo muốn chết sao?

Lương mím môi, cố trấn an bà.

- Bà đừng lo. Con tự bảo vệ mình được mà.

- Vậy nhớ bôi thuốc đều nha. Hết gọi bà gửi cho.

Hai bà cháu quan tâm nhau một hồi, nghe lời bà dặn Lương luôn miệng nói dạ vâng. Nhưng nghĩ lại thấy tường nhà tắm mới cao đến ngực, vật liệu xây dựng vẫn còn nằm ngổn ngang, hứa với bà đi chơi quả thực hơi bốc đồng. Kể ra ở lại cũng không phải làm gì, chỉ làm mấy việc lặt vặt như thấy phích hết nước nóng thì đun thêm, bao thuốc anh bạn hàng xóm hút còn một vài điếu sẽ chạy đi mua ngay, hay đôi khi gọt vài củ đậu cắt vài miếng dưa hấu xếp lên đĩa.

Chủ phòng đi bỏ lại người làm kể cũng ngại, đó là lý do suốt bữa ăn Lương mải nghĩ không thể tập trung. Đến khi nghe người ngồi đối diện cất chất giọng trầm trầm, có người mới chịu ngẩng lên nhìn người ta.

- Chiều cô muốn đi đâu sao?

Thực ra Lương thoáng chút giật mình, không nghĩ chuyện gì cái người này cũng biết. Cứ như bức vách có tai vậy. Nghĩ thì cũng thấy lạ, hàng xóm mới này kể ra có hơi nhiều chuyện. Thỉnh thoảng ngồi lẩm bẩm nói một mình, tuyệt nhiên không cần cô phải trả lời lại. Ví như lúc này đâu cần đợi người ta từ chối, anh tiếp lời giống như đang muốn chèo kéo khách.

- Cả đi lẫn về tôi lấy hai trăm. Nếu đồng ý tôi bớt cho hai chục.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro