Cửa sổ của trái tim.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

        Tại nhà thương Saparico, chiều nào cũng vậy, luôn vang lên tiếng guitar trầm buồn hoài niệm dưới bóng cây bạch dương lúc nào cũng lay động trước gió. Người thanh niên phương Đông với thân thể gầy gò, gương mặt điển trai với làn da ngả màu ngà, hai mắt anh được bịt lại bằng thứ vải xô trắng muốt, các ngón tay thì vẫn đều đều gảy lên những sợi dây đồng rung lên những âm thanh trong trẻo nhưng mang theo chút gì đó mơn man,chậm rãi. Những bản tình ca Pháp vang dậy, hoà vào mây gió, chim chóc cũng phải dừng lại lắng nghe.

Từng chiếc lá phong đỏ ối rơi xuống cũng là lúc tiếng đàn anh đã ngừng, một cô y tá người Pháp tóc vàng, da trắng nhẹ nhàng bước tới gọi:
                - Vous Đại! Vous Đại! Anh có người nhà tới gặp.
                 - D'accord, tôi vào ngay đây.


Đại thuần thục quàng dây đàn guitar lên vai, chầm chậm mò mẫm chiếc gậy tre dựng ở ghế rồi lần từng bước chậm rãi theo người y tá bước vào phòng bệnh. Đại vốn là một người nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn trong các buổi hòa nhạc lớn tại Nhà Hát, trong con người anh bộc lộ vẻ tài năng hiếm thấy, được bạn bè phương Tây lẫn đồng bào Việt Nam mến mộ. Đặc biệt, Đại có lòng yêu nước mạnh mẽ, thấy được sự khổ cực trăm bề của dân ta, Đại tạm dừng nghệ thuật, cầm chắc tay súng, cùng các anh em chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp vào những năm Pháp tấn công miền Bắc. Đau đớn thay, khi tuổi trẻ còn rực rỡ trong Đại thì chỉ trong một khoảnh khắc, sự nghiệp lẫn hạnh phúc sụp đổ, anh bị một mảnh đạn bắn mù đôi mắt. Cửa sổ của tâm hồn, của nghệ thuật chân thực bị bóng đêm che lấp.

Nhưng Đại không từ bỏ ước mơ, anh quay lại sự nghiệp biểu diễn khi miền Bắc thắng lợi, được một người bạn nước ngoài giới thiệu, anh được bảo lãnh sang Pháp chữa trị, nhưng tạm thời vẫn chưa tìm được một đôi mắt hoàn chỉnh để ghép. Đại buồn và suy sụp một thời gian, nhưng lý trí choán lấp những gì muốn làm anh gục ngã. Đại điên cuồng tập đàn, sáng tác nhạc trong bóng tối suốt ba tháng tại Pháp và giờ anh đã có trong tay một vài bản thảo nhỏ, định bụng sẽ xuất bản nếu anh phẫu thuật thành công.

Trinh đem giỏ trái cây đặt vào cạnh tủ gỗ, cô kéo ghế ngồi gần Đại hơn rồi nhẹ nhàng nắm lấy tay Đại chào hỏi:
- Thầy... thầy còn nhớ em không?
- Em là? -Đại còn ngờ vực vì giọng nói trong trẻo đều đều kia.
Cô gái xúc động nhỏ nước mắt, nghẹn ngào:
- Em là Trinh đây! Học trò của thầy mà thầy không nhớ sao?

Đại thoáng bất ngờ rồi quơ hai tay lên không trung như kiếm tìm điều gì đó. Trinh vội đưa bàn tay ấy áp sát gò má chị, gò má nóng hổi, đỏ hồng lên vì ngượng ngùng, xúc động. Đại thoáng mừng rỡ vì được gặp lại cô học trò mình dạy tại trường Nữ sinh Bác Ái, khi ấy anh mới hai mươi tuổi. Trinh của năm ấy, đẹp, ngây thơ trong trẻo như đóa cúc họa mi nở rộ vào buổi sáng ngày, còn Trinh của ngày nay, Đại thật tiếc khi chẳng có cơ hội mà ngắm nhìn chị nữa rồi...
- Em...định cư ở đây lâu chưa?- Đại ngập ngừng.
- Cũng được sáu tháng rồi thầy ạ. Em không ngờ, lại có thể gặp lại thầy trong khoảnh khắc trớ trêu như thế này. Vậy...đôi mắt của thầy bây giờ ra sao?


Đại bật cười trước câu hỏi của cô học trò, anh đáp:
- Em thấy đấy, không có nó, thầy vẫn sống được, vẫn sáng tác được, vẫn đệm đàn được mà. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nó thực quý, mất đi đôi mắt thầy cũng đau đớn khôn cùng, nhưng nghị lực vẫn là quyết định tất cả em ạ, ta còn tâm hồn đẹp, còn tuổi trẻ, ta phải đứng lên mọi thứ chứ?

Trinh xót xa trước hoàn cảnh của Đại, giá như chị có thể giúp được gì đó cho anh, thì thật tốt. Thời học sinh, Trinh đã có cảm tình với Đại, vì Đại hiền lành, có nghị lực và tài giỏi, lại quan tâm tới học trò. Trinh đã có lần tỏ tình dưới hàng chục bức thư tay với những nét chữ đều đặn và lời văn ngọt ngào chị học trong vài cuốn sách lãng mạn của nước ngoài, dù những bức thư kia ẩn danh người gửi, nhưng có vẻ Đại đã nhận ra điều gì đó. Khi nhận, anh cầm lên ngắm nghía đôi chút rồi gói lại, giữ gìn chúng rất cẩn thận, cho đến bây giờ anh vẫn mang theo những lá thư ấy bên mình.

Nhân buổi tốt nghiệp, Đại đã gặp riêng Trinh. Hai thầy trò ngồi trước hàng phượng vĩ đỏ rực cả vòm trời, cùng nhau hát những bài ca cách mạng đầy hùng hồn và sâu sắc. Trinh hát rất hay, những nốt ngân của chị tựa như loài họa mi giữa núi rừng phô diễn tiếng hót.

Ngừng đàn, Đại nhẹ nhàng bảo chị:
- Những bức thư kia, là em viết cho thầy đúng không?

Trinh không đáp, chỉ đỏ mặt cúi đầu. Đại nhẹ nhàng xoa đầu Trinh:
-Thầy nghĩ em còn quá trẻ để suy nghĩ tới điều này. Nếu say, hãy chọn nơi bình yên để uống, nếu yêu, hãy chọn người đáng để mình say em ạ.
- Nhưng em tin, em đang chọn đúng người em đang say thưa thầy!

Tình cảm cứ thế lớn lên trong tâm hồn của một thiếu nữ, đầy rung động và man mác lòng nhiệt huyết của thanh xuân. Bẵng đi một thời gian, khi đã sang Pháp định cư, Trinh vẫn cố kiếm tìm người đàn ông với cây đàn guitar thật phong trần, thật đẹp đẽ để nói ra hết tiếng lòng của mình chôn giấu, giờ gặp lại cố nhân xưa, bao lời muốn nói, giờ chỉ gói gọn lại trong một câu:
- Thầy có còn nhớ...đến lời em nói khi xưa không?
- Thầy nhớ, nhớ chứ. Học trò "ruột" của thầy làm sao thầy quên được?

Nhắc đến hai chữ "học trò", Trinh cụp mắt xuống, trong lòng chị chỉ muốn thay đổi mối quan hệ chỉ đơn giản là thầy-trò kia, nhưng dường như, Đại không hề để ý.
- Vâng, thầy dạy phải. Chúng ta chọn đúng người để say. Em...em đã chọn được người mình sẽ trao con tim tới trọn đời.
- Lẽ nào?
- Em sắp kết hôn rồi, thưa thầy. Tuần tới mời thầy tới dự lễ cưới của chúng em.
- À, vậy được. Nhớ để thầy chân văn nghệ của buổi lễ nhé.Chúc hai em trăm năm hạnh phúc.

Đại vẫn cứ thản nhiên thế, từng câu, từng câu như kim châm vào lòng Trinh. Vội vã chào Đại, Trinh theo sự chỉ dẫn của cô y tá kia ra về. Từng hàng cây phong lá đỏ ối đang xào xạc chực rơi trong làn gió heo may mát rượi, Trinh vừa đi, vừa ngoái lại phòng bệnh cũ kĩ, chỉ hy vọng có một cái ôm thật chặt níu chị lại, nhưng chị hình như mơ tưởng quá nhiều rồi.

Trinh chọn đúng người, nhưng sai thời điểm. Lẽ nào chị lại không biết trái tim người ta dễ dàng thay đổi vào một thời điểm nào đó, mà Đại sợ nhất điều này. Cho dù người ta chờ được, cũng chỉ là nhất thời.

Còn Đại, ngồi bần thần trên giường bệnh, anh trách sự ngu ngốc trong từng lời anh phát ra vừa nãy, dù không nhìn thấy nhưng trong thâm tâm anh cảm nhận cô gái kia tổn thương thế nào. Ngay cả anh cũng thương cô ấy mà, sao anh lại không nói ra? Cơ hội tốt sao anh không nắm bắt? Tất cả, tất cả mọi thứ đều sụp đổ, đau đớn như chính đôi mắt của mình, chỉ vài ngáy nữa thôi, người anh thương mặc váy cô dâu, đôi mắt này lại không được hưởng những diễm phúc đó, nay càng xa xỉ hơn bội phần.

Anh lại viết nhạc. Những lúc như vậy anh chỉ biết tìm âm nhạc để truyền cảm hứng. Viết, mải mốt, rồi lại xé toạc tờ giấy trên tay, anh thể nào tập trung được. Hình ảnh cô gái ấy không biết tự khi nào lại lởn vởn trong tâm trí anh một cách bất ngờ. Đại nhận tình yêu đúng người, đúng thời điểm, nhưng anh để vụt mất đi cơ hội chỉ trong khoảnh khắc thoảng qua. Biết đến bao giờ, có cơ hội thứ hai đây?

Ngày anh hoàn thành bản thảo và phổ nhạc cũng là lúc ngày cưới đã đến. Đại trông thật bảnh bao với bộ vest Tây phương còn thơm mùi vải do bạn anh chuẩn bị. Anh lần mò từng bước trên chiếc gậy tre bịt sắt đi tới chỗ cô dâu và chú rể. Bó cúc họa mi trắng muốt được trao tận tay cô dâu với lời chúc hạnh phúc, là điều cuối cùng anh có thể nói với chị, chú rể kia cũng là người lịch sự, ôm lấy anh và đáp:
- Tôi thề có Chúa, tôi sẽ chăm sóc cô ấy thay thầy và luôn khiến cô ấy hạnh phúc.
- Cảm ơn cậu, cậu thật tốt.

Đại ngồi lên ghế, khoác cây đàn guitar lên vai, bắt đầu những giai điệu trong trẻo tinh khôi như mặt trời, như hàng cây kẽ lá buổi sớm. Còn cô dâu, khi nghe những lời ca kia, chị bất ngờ có, xúc động có, tựa vào vai chú rể khóc nấc từng tiếng. Chỉ khi bài hát kết thúc, người nghệ sĩ mù kia thanh thản ra về, chú rể kéo tay Trinh, thì thầm:
- Tại sao em lại làm vậy với người ta?
- Em...không biết nữa, anh hai ơi, chuyện hôm nay, em với anh không được để thầy Đại biết được, bởi vì...bởi vì, em còn một tâm nguyện...muốn giúp cho thầy ấy tiếp tục đam mê của chính mình.
- Vậy là em quyết định hy sinh đôi mắt để trao cho Đại- Huy dồn dập hỏi.
- Vâng, chỉ làm như vậy, em thấy mình đã đi đúng con tim.
Huy nhìn cô em gái mà chính anh cũng đau lòng theo. Em của anh đã hy sinh lớn tới như vậy, người làm anh sẽ giúp em hoàn thành tâm nguyện.

Một thời gian sau, Đại đã nhìn thấy ánh sáng đầu tiên của cuộc sống, anh vui mừng gấp bội phần. Thế là, động lực lớn đã khiến anh vươn lên, anh lại tiếp tục công việc sáng tác nhạc và bài hát anh biểu diễn trong đám cưới của Trinh, đã trở thành một biểu tượng tình ca của Việt Nam, được dịch ra mười thứ tiếng khác nhau và được phép phát sóng trên nhiều quốc gia. Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại quay về nước và được viện Âm Nhạc chọn làm đại diện để phát biểu. Tại hội nghị, một lần nữa, bài hát "Cúc họa mi, em còn thương tôi chứ" được bật lên, Đại ngồi đó hát vang từng lời ca nhẹ nhàng trong trẻo kia:

Cúc họa mi em còn nhớ tôi không?
Ngày em tới cả mùa xuân tràn về
Cúc họa mi em còn nhớ tôi không?
Người con trai đã làm em rung động.
Làm em rơi lệ, làm em đau khổ
Làm em nhớ nhung cả tháng cả năm
Tôi vẫn đứng đây chờ em đến
Chờ em trao cơ hội khác cho tôi
Để tôi có thể mang em hạnh phúc
Cúc họa mi em còn nhớ tôi không?

Đại nhìn lên màn chiếu bóng trắng đen, hình ảnh Trinh hiện ra, thật đẹp thật tinh khôi, Đại rơi nước mắt, anh đứng lên cúi xuống chào trước màn chiếu bóng kia thay cho lời cảm ơn sâu sắc. Vốn dĩ, Đại muốn tìm Trinh để cảm ơn vì chính cô là nguồn cảm hứng để anh có thể sáng tác ra ca khúc này, nhưng mọi tin tức của cô gái ấy đều biệt tăm. Rồi một ngày, anh đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi vô tình nghe trộm được từ hai y tá khoa mắt, anh mới biết được đôi mắt anh có ngày hôm nay do người con gái ấy...Hy sinh thật nhiều, thật lặng lẽ, Đại chỉ biết tìm cô gái trong vô vọng. Trước khi dừng lời, Đại rơi nước mắt, nói với toàn khán giả trước hội trường kia:
- Tôi muốn cảm ơn người ấy, người mang đến tương lai cho tôi, và tôi cũng muốn xin lỗi em, vì những lời vô tình cùng thái độ hờ hững dành cho em, Nếu như...hai chúng ta có thể gặp lại, tôi muốn yêu em lại như cách em yêu tôi.

Cả hội trường ai nấy đều vỗ tay vang dội, có người chấm khăn trên đôi mắt đỏ hoe. Ở góc phía cuối hội trường, một người phụ nữ, mặc áo dài trắng, bịt vải xô trên đôi mắt, đang mỉm cười hạnh phúc:
- Em biết mà, em đã chọn người đáng để em say!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro