Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

3

- Alo, xin lỗi, chị Xuân phải không ạ?

- Vâng, Xuân nghe. Xin lỗi ai gọi vậy ạ?

- Vâng, chào chị, tôi là Loan ở đội điều tra, công an hình sự thuộc Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, chúng tôi đang thụ lý một vụ án. Chúng tôi thấy số điện thoại của chị trong một vật chứng mà chúng tôi thu thập được. Và giờ tôi đang gọi chị để xin chị sắp xếp cho một cuộc hẹn với hy vọng là chị có thể giúp chúng tôi nhanh chóng điều tra phá án.

- Ơ, xin lỗi, nhưng tôi không hiểu gì cả. Mà vụ án chị nói là gì? Sao chị biết số điện thoại của tôi? Mà tôi có liên quan gì chứ?

- Chị cứ bình tĩnh. Tôi xin nói thêm cho chị hiểu rõ hơn, là chị không hề có liên quan gì đến vụ án cả. Và như tôi đã nói, chúng tôi tình cờ có số điện thoại của chị nhờ một vật chứng được tình nghi là có liên quan đến vụ án, nên chúng tôi muốn gặp chị để nhờ chị giúp đỡ và xác minh một số thông tin thôi. Nghĩa là chúng tôi hy vọng là chị có một số thông tin hữu ích nào đó mà có thể giúp chúng tôi trong quá trình điều tra thôi, chứ không có gì đâu chị à. Chị đừng sợ hay lo lắng gì cả. Cụ thể thế nào, khi gặp chị, chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn. Chị thấy sao?

- Dạ vâng, chị nói vậy thì tôi cũng yên tâm. Nghe đến công an, mà lại liên quan đến vụ án gì đó là tôi sợ lắm. À, mà hiện tôi đang ở Đồng Tháp lận, thì không biết tôi gặp chị ở đâu được?

- Khi nào chị về lại Sài Gòn? Chị có thể đến cơ quan của chúng tôi được không?

- À, không, tôi sống ở Đồng Tháp chứ không phải ở Sài Gòn. Vậy coi chừng chị nhầm người rồi.

- Vậy à? Xin lỗi, thực ra là chúng tôi chỉ có số điện thoại chứ không biết là chị ở đâu. Chúng tôi cứ nghĩ là chị ở Sài Gòn. Xin lỗi, hiện chị đang kinh doanh hàng thời trang phải không?

- Vâng, đúng rồi.

- Vậy chị có thể cho tôi địa chỉ của chị được không? Chúng tôi sẽ nhờ đồng đội ở dưới đó liên hệ với chị cho tiện.

- Dạ được, chị ghi lại nhé: Shop Ái Xuân, địa chỉ: 18 Nguyễn Tất Thành, Thị Xã Sa Đéc, Đồng Tháp.

- Vâng, cám ơn chị rất nhiều! Chúng tôi sẽ nhờ các đồng chí khu vực liên hệ với chị sớm. Rất mong chị giúp đỡ.

- Dạ, không có gì. Hy vọng tôi có thể giúp được gì đó cho các anh chị.

- Vâng, vậy chị nhé. Cám ơn chị rất nhiều! Chào chị!

- Dạ, chào chị!

Thiếu úy Loan nhanh chóng báo cáo kết quả điện đàm vừa rồi cho cấp trên. Thiếu tá Quang yêu cầu cô liên hệ với công an địa phương để nhờ sự hỗ trợ, làm hồ sơ đầy đủ, trình bày rõ ràng rồi fax xuống cho họ.

Sau sáu ngày, thiếu úy Loan nhận được các thông tin phản hồi và cô lập tức trình lên sếp.

- Vào đi, ... à, Loan đó à, có gì không em?

- Dạ, báo cáo anh, em đã nhận được kết quả phản hồi từ các anh em về vụ án Tô Dự.

- Kết quả thế nào em?

- Dạ, báo cáo anh, chị Xuân, người mà chúng ta có số điện thoại, ở Sa Đéc, bảo chỉ có thể nhớ bốn người có dùng điện thoại T-phone mà chị có lưu số: một người ở Sa Đéc; hai người ở Cao Lãnh và một người ở Quận 5. Chị ấy nói, những người chị quen biết có thể có điện thoại T-phone cũng nhiều, có thể ở Sài Gòn cũng có nhiều người nữa, nhưng chị không để ý. Em có gọi điện cám ơn và chị hứa là khi nào nhớ được ai đang dùng T-phone nữa thì sẽ gọi trực tiếp cho em luôn. Thông tin những người vừa nêu cũng đã có trong hồ sơ này. Dạ, anh xem ạ.

- Ừ, cám ơn em! ... Ừm, người ở dưới Sa Đéc là nữ à, buôn bán mỹ phẩm, chắc loại rồi. Ở Cao Lãnh, một nam, một nữ. Nam là Lý Thành Phong, 32 tuổi, kinh doanh thủy sản à...Ở Quận 5 cũng là nam à, 26 tuổi, Mã Thành Tài, nhà có xưởng cơ khí à...Ừm, em đã cho điều tra kỹ hơn về cậu này chưa?

- Dạ rồi anh, anh này là người Hoa, nhà khá giả, anh ta cũng đang có một con SH 250i màu đen. Hiện anh này đang phụ quản lý phân xưởng của gia đình. Theo thông tin sơ bộ mà em thu thập được thì anh này cũng có ăn chơi đấy, thỉnh thoảng có đàn đúm bạn bè ăn nhậu, đi bar...v...v...

- Ừ, có gì khả nghi không em?

- Dạ, hiện tại thì chưa thấy gì anh à. Em cũng đã nhờ anh em ở Quận 5 theo dõi, hỗ trợ thêm cho mình.

- Ừ, nhờ vậy thôi, chứ chẳng mong khai thác thông tin hữu ích gì thêm đâu. Có Lộc ở ngoài đó không, kêu vào gặp anh. Em cố gắng theo dõi xem có thu thập thông tin gì thêm không nhé. Nhớ thỉnh thoảng gọi chị gì ở Sa Đéc đấy, xem có thể cung cấp thêm cho mình vài cái tên sở hữu T-phone nữa không. Cũng đừng bỏ lơ anh chàng ở Cao Lãnh nhé, nhờ anh em dưới đó hỗ trợ thêm. Giờ mình chưa có manh mối rõ ràng nào cả nên có thông tin gì thì cứ điều tra cho rõ, tránh bỏ sót.

- Dạ, em hiểu rồi anh. Em xin phép, để em ra gọi anh Lộc vào.

- Ừ, cám ơn em!

Thiếu tá Quang xem kỹ lại hồ sơ của Mã Thành Tài lần nữa. Anh chăm chú nhìn vào bức ảnh chân dung. Đây là một thói quen của anh, xem mặt đoán tính cách. Một kiểu đại khái như là "xem mặt mà bắt hình dong", nhưng thực ra, việc này cũng giúp anh rất nhiều trong công việc. Từ kiến thức được học còn thời sinh viên trong tâm lý tội phạm và nhất là qua thực tế thường xuyên đối diện với nhiều bọn tội phạm khác nhau, anh đã tự đúc kết cho mình các chi tiết trên khuôn mặt gắng với những tính cách nào, xem có khả năng trở thành tội phạm không, và nếu thế thì thuộc loại tội phạm nào...Tuy nhiên, các yếu tố này được dùng để mang tính khẳng định lại, hay có hướng phán đoán thôi, chứ không thể được dùng như là một yếu tố then chốt để phá án. Hiện tại, cái tên Mã Thành Tài được xem là một manh mối chính vì gần với hướng điều tra nhất, mặc dù cũng còn rất mơ hồ. Bên cạnh đó, các đầu mối của anh cũng chưa có nguồn tin gì cả. Anh ngồi ngửa người dựa vào ghế, hai tay chắp sau đầu thở dài. Vừa lúc đó thì có tiếng gõ cửa.

- Vào đi...Lộc à, ngồi đi em.

- Dạ, anh cho gọi em.

Thiếu tá Quang vắn tắt về vụ án và nội dung yêu cầu của mình sắp giao cho thiếu úy Lộc hiểu rõ. Anh muốn Lộc cùng anh em theo dõi đối tượng Tài xem có thể thu được manh mối gì không; cần thiết, có thể mời lên cơ quan để lấy lời khai về chứng cứ ngoại phạm vào thời điểm xảy ra án mạng và vụ va chạm. Nếu thấy không có gì khả nghi thì chuyển hướng điều tra khác, tránh mất nhiều thời gian và lãng phí nhiều công sức vào một đầu mối chưa rõ ràng. Hiện tại, với anh, bất kỳ một manh mối dù rất nhỏ cũng đều cần được sàng lọc kỹ càng, tránh bỏ sót.

Sau một tuần theo dõi, không thấy có dấu hiệu gì đáng ngờ; sốt ruột, thiếu úy Lộc phối hợp với công an phường mời Mã Thành Tài lên cơ quan lấy lời khai. Kết quả là vào thời điểm đó, anh chàng này còn đang say sưa với tụi bạn tại quán Út Nhỏ. Có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng. Tin tức nhanh chóng được báo lên sếp Quang. Một tiếng thở dài nặng nhọc nữa bậc ra.

Đã 0h, quay sang cạnh, vợ anh đã ngủ từ lúc nào. Gác tay lên trán, anh vẫn không thể nào ngủ được. Không hiểu sao vụ án của Tô Dự cứ ám ảnh anh. Dĩ nhiên, cái tên Tô Dự này chẳng để lại trong anh một ấn tượng gì, nhưng cái tên đó lại có mối quan hệ với con ông chủ nhà hàng Hương Xưa nổi tiếng. Vấn đề có thể đã đẩy sang một chiều hướng khác. Tình hình điều tra cũng chưa có tiến triển gì. Các dấu vân tay để lại trên điện thoại T-phone rất lộn xộn. Tuy vậy, đội ngũ khoa học kỹ thuật hình sự đã khẳng định là không tìm thấy dữ liệu nào phù hợp trên hệ thống lưu cả. Do đó, họ sẽ lưu lại, khi nào có dự liệu mới, họ sẽ đối chiếu. Và nếu có kết quả phù hợp, họ sẽ báo cho bên anh biết. Nhiều khi sốt ruột, có đôi lần anh đã bảo thiếu úy Loan gọi điện hỏi thăm, nhưng rốt cuộc đều nhận một câu trả lời là: chưa có kết quả. Mà không biết họ có nhiệt tình làm hay không? Hay là bỏ vào sọt rác hay chất trong đống hồ sơ đầy bụi bặm nào đó rồi. Anh cũng chẳng biết. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của anh. Vì thế, cứ hy vọng và giả định rằng họ đang làm hết mình.

Còn hệ thống chân rết cũng làm anh thất vọng không kém; họ chẳng mang về cho anh một chút thông tin giá trị nào cả. Nhiều khi anh thở dài rồi lại nghĩ, nếu vụ án không liên quan đến cái chết của Tô Dự, mà không, chính xác là nếu không liên quan đến con gái của chủ nhà hàng Hương Xưa thì chắc anh cũng chẳng cần nặng đầu làm gì. Cũng như hàng trăm vụ án còn chưa phá, đang nằm chất lớp đầy bụi bặm trong kho đấy thôi.

Thiếu tá Quang mở mắt ra như vừa gặp ác mộng. Anh xoay người lấy điện thoại. 2h15. Anh đặt lại, quay sang vợ. Cô vẫn đang ngon giấc. Anh cố nhớ lại những tình tiết trong giấc mơ. Khuôn mặt một người đàn ông. Không, hình như là của một chàng trai, không rõ ràng lắm. Vừa lạ, mà cũng có cảm giác quen quen. Anh ta hình như muốn nói với anh điều gì đó. Nhưng tình huống trong giấc mơ không rõ ràng, rất chập chờn. Tất cả rất mơ hồ. Anh nghĩ tới Tô Dự. Anh cố hình dung ra nét mặt của anh chàng này. Rồi khuôn mặt trong giấc mơ. Có nét gì đó na ná nhau, nhưng cũng không hoàn toàn thế. Tự nhiên anh cảm thấy bất an. Tim đập thình thịch. Một chiến sỹ công an đã không biết bao nhiêu lần chứng kiến xác chết, với đủ kiểu thương tâm khác nhau. Anh cũng chẳng quan tâm ma cỏ là gì. Nhưng khuôn mặt mơ hồ đó liên tục xuất hiện trong giấc mơ của anh đã mấy đêm liền. Chuyện gì đang xảy ra nhỉ? Tô Dự hiện về báo mộng cho anh ư? Vậy thì tại sao không nói với anh cụ thể đi? ...Vợ anh trở mình. Anh quay đầu qua. Cô xoay người ôm ngực anh với giọng còn ngái ngủ:

- Chưa ngủ na ông xã?

- Không, anh mới tỉnh giấc thôi em.

- Có chuyện gì hả anh?

- À, không, chỉ là thức giấc bình thường thôi. Chắc tại hơi lạnh vì thiếu hơi ấm của bà xã đó!

- Khỉ nè, em cứ tưởng chỉ em mới cần hơi ấm của ông xã thôi chứ!

Anh hôn vợ. Anh muốn trở về với hạnh phúc của mình. Anh muốn quên đi tất cả: công việc, vụ án, giấc mơ...

Như đã hẹn trước, 9h sáng thứ 7, thiếu tá Quang hẹn gặp người anh, người bạn già của mình tại quán café Thủy Trúc. Đại tá Lý Hồng Ân về hưu đã lâu, nhưng vẫn còn rất sung sức và tràn đầy nhiệt huyết mỗi khi các thế hệ đàn em cần giúp hay cần ông truyền đạt kinh nghiệm, chỉ dẫn...Thiếu tá Quang xem ông như là cố vấn của mình. Khi gặp vấn đề gì khó khăn, anh đều chia sẻ với ông. Và cứ mỗi lần như thế, anh cảm thấy nhẹ nhỏm vô cùng; dĩ nhiên kèm đó là lời khuyên rất bổ ích mà anh nhận được từ người bạn già. Nếu không phải công việc, thì hai người cũng thỉnh thoảng gặp gỡ nhâm nhi cốc café hay nhấm nháp vài ly bia lạnh cho sảng khoái rồi bàn luận đủ chuyện về thời sự từ kinh tế, chính trị cho đến xã hội, giáo dục..., đủ cả.

Còn hôm nay, anh muốn gặp ông, không gì khác ngoài vụ án mà anh đang bí lối. Sau lời chào, hỏi thăm sức khỏe và nói chuyện xã giao một lúc, anh đi thẳng vào vấn đề, trình bày vụ việc và nhờ ông bạn già cho lời khuyên. Sau khi nghe thiếu tá Quang trình bày xong, đưa ly café lên nhấm nháp, chặp, ông mới nói:

- Chú đã biết thuật "Tam đoán" chưa?

- Dạ chưa, đó là gì vậy anh?

- Đó được anh coi như là một kim chỉ nam để phá án khi anh còn làm việc đấy. Tam đoán đó là: PHÁN ĐOÁN, SUY ĐOÁN và QUYẾT ĐOÁN. Trước tiên, nếu chưa có một manh mối nào cả thì dùng "Phán đoán"; khi có được chút manh mối rồi thì bắt đầu "Suy đoán"; và khi mọi thứ đã trở nên tương đối rõ ràng rồi thì phải biết "Quyết đoán". Anh đã từng chia sẻ bí quyết này với các đồng đội, với nhiều lớp đàn em, nhưng coi vậy chứ không nhiều người biết ứng dụng thuần thục đâu nhé. Bởi ngoài thói quen phải tập mình luôn ứng dụng nó một cách có kỷ luật, thì một người muốn sử dụng nó hiệu quả cao, còn phụ thuộc vào một số tố chất nữa như khả năng nhạy cảm, trực giác, óc quan sát, khả năng phân tích – tổng hợp hay có thể là cả giác quan thứ 6 nữa..., chứ không phải biết là có thể áp dụng thành công liền được.

- Giác quan thứ 6 hả anh? Như thế thì đặc biệt quá!

- Không đâu! Giác quan thứ 6 là một cách nói mang tính hình tượng nương theo 5 giác quan của con người như chúng ta đã biết và xen lẫn chút huyền bí, chứ thực ra đó chính là khả năng trực giác. Mà trực giác thì có từ đâu? Nó bắt nguồn từ trong tiềm thức. Vậy tiềm thức do đâu mà có? Chính là từ việc tiếp xúc nhiều, làm việc nhiều và tập trung nhiều vào một sự vật, hiện tượng hay môi trường nào đó mà thành. Ví dụ, cậu là một chiến sỹ hình sự. Cậu tiếp xúc và tham gia nhiều vụ án. Do đó, khi tiếp cận với một vụ án mới, khi quan sát hiện trường thôi chẳng hạn, trực giác có thể mách bảo cậu về những tình huống có thể xảy ra dựa trên các vật dụng, những thay đổi của hiện trường...mà những người "ngoại đạo" không thể có được hoặc rất hiếm, có chăng thì cũng thuộc dạng "chó táp phải ruồi" mà thôi.

- Ồ hay quá! Vậy mà đến bây giờ anh mới chỉ cho em biết? Thiệt tình...- Thiếu tá Quang nghe ông phân tích cũng đã thấm nên thốt lên không khỏi vui mừng.

- Ha...ha...ha, khi nào cậu cần thì anh mới chia sẻ chứ. Dù có hay đến đâu chăng nữa mà nếu người ta không cần thì nó cũng chẳng có giá trị gì. Ngược lại, đúng lúc cần đến thì một cành củi khô có khi lại đến giá cả lượng vàng đấy. Anh thấy cậu là người có năng lực. Định lúc nào rồi cũng chia sẻ với cậu dần dần. Thực ra, thuật Tam đoán vừa rồi là đúc kết lại vậy thôi, chứ có khi trong thực tế, mình cũng đã dùng nhưng chưa khái quát nó lên đấy thôi. Cái lợi là khi chúng ta đã khái quát hóa nó lên, rồi đúc kết thành khẩu hiệu như thế thì khi sử dụng sẽ có hệ thống hơn, tổng quát hơn và do đó, tối thiểu hóa sai sót có thể xảy ra.

- Vâng, anh nói đúng. Nếu không tổng quát hóa và hệ thống được sự việc thì dễ bị thiếu sót lắm. Mà điều này, với công việc như của em hiện tại thì có thể mang tới nhiều hệ lụy khó lường lắm.

- Ừ, bây giờ, nghe anh, tạm thời vứt bỏ tất cả các suy luận của em về vụ án này đi. Sau đó, bình tĩnh nhìn sự việc một cách tổng quan lại (nghĩa là nhìn nhận sự việc theo chiều rộng), hệ thống lại (nghĩa là theo chiều sâu), rồi dùng thuật Tam đoán, theo trình tự như thế để đánh giá những dữ liệu mà em đang có, xem kết quả có thể tiến triển hơn không; xem có tìm ra hướng điều tra mới khả dĩ hơn không nhé!

- Dạ vâng, em cám ơn anh nhiều lắm!

22h, sau khi xem "Hài tiếu tuyệt" cùng vợ, chương trình vẫn còn chưa hết, thiếu tá Quang thì thầm vào tai vợ điều gì đó rồi hôn nhẹ lên má cô, vơ gói thuốc trên bàn chậm rãi ra ban công ngồi. Châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu, nhắm mắt lại, nghe theo lời người bạn già, anh cố quên đi tất cả quá trình điều tra vụ án của Tô Dự cho đến bây giờ để khởi động lại từ đầu. Rồi anh nhớ lại hiện trường vụ án khi anh có mặt, những vật chứng và lời khai mà anh thu thập được. Ý nghĩ điện thoại T-phone ngay lập tức lại hiện về. Anh cố xua tan ý nghĩ đó, nhưng không thể, nên anh đã bắt đầu từ nó luôn để xây dựng giả thuyết cho mình. Thực ra, đó cũng là điều hợp lý bởi nếu không phải nó thì anh cũng chẳng có thêm thông tin giá trị gì để làm cơ sở cả. Giả thuyết thứ nhất, chiếc T-phone không có liên quan gì đến vụ án. Nếu thế, chắc hẳn người chủ của nó phải rao tìm khắp nơi rồi vì đó là chiếc điện thoại rất mắc tiền. Hơn nữa, họ cũng thừa biết, nếu ai đó nhặt được thì cũng chẳng sử dụng được gì. Chẳng phải họ đã chủ động xóa hết dữ liệu rồi sao? Chiếc T-phone lúc đó không khác gì cục gạch. Có lý do nào khiến người chủ của nó chấp nhận mất nó mà không rao tìm không?

Anh tiếp tục luồng tư duy của mình. Châm tiếp điếu thuốc thứ hai. Chi phí rao tìm cao ư? Không thể. Hơn nữa có thể dùng nhiều cách mà; trên các trang báo, trên Internet...; tốn phí có, miễn phí có.

Không muốn công khai việc mất chiếc T-phone? Tại sao chứ? Khả năng này cũng có thể, nhưng không cao. Cũng có thể người chủ T-phone đó liên quan đến một vụ án khác, chứ không phải vụ án này? Đây là một khả năng không thể loại trừ. Có thể lắm chứ. Mỗi đêm, thành phố này xảy ra hàng chục, thậm chí hàng trăm vụ va cham theo nhiều kiểu khác nhau đấy chứ.

Còn gì nữa không nhỉ? Nhưng tại sao chiếc T-phone đó lại rơi đúng chỗ hiện trường vụ án Tô Dự? Trong khi trước đó, anh cũng đã cho điều tra, là không có vụ va chạm nào khác ở đó cả. Có liên quan đến một vụ va chạm nào khác ở đâu đó, rồi chạy qua hướng này và vô tình rơi ở đây? Khả năng không cao, nhưng không có nghĩa là không có. Dẫu sao, khả năng chiếc T-phone không liên quan gì đến vụ án vẫn hoàn toàn là có thể.

Anh đi đến giả thuyết thứ hai, chiếc T-phone liên quan đến vụ án, nghĩa là nó thuộc sở hữu của một trong những kẻ gây ra cái chết cho Tô Dự. Sau đó, khi chạy thoát, hắn nhận ra việc mất điện thoại và lập tức lên mạng để xóa hết dữ liệu trong đó. Cũng khá logic. Nếu đúng với giả thuyết này, thì hiện tại anh đã đi đúng hướng, nhưng tiến độ còn chậm quá. Mấu chốt nằm ở chỗ, bằng mọi giá phải tìm ra cái tên sở hữu chiếc T-phone này. Khi đó, vụ án coi như được phá. Như vậy, làm sao tìm được cái tên đó đây? Hướng điều tra dựa trên dữ liệu còn sót lại duy nhất trên điện thoại hiện không mang lại nhiều tín hiệu khả quan lắm. Anh có cảm giác, nếu tiếp tục bám theo những thông tin từ cô Xuân này cung cấp thì thật chẳng khác gì "ôm cây đợi thỏ". Tuy vậy, dù không muốn mất nhiều thời gian vào nó, nhưng anh sẽ vẫn cho Loan giữ liên lạc với cô ta. Biết đâu được. Đôi khi cũng cần đến sự may mắn nữa, bởi dù sao, đó cũng là một hướng điều tra và là một khả năng để phá án. Còn hệ thống vệ tinh của anh hiện vẫn im bặc. Nghĩa là hung thủ có thể đang dùng chiêu "thằn lằn đứt đuôi" rồi.

Về dấu vân tay trên điện thoại? Bên khoa học hình sự đang làm việc, nhưng chậm quá, và xem ra không mấy khả quan. Như thế, nghĩa là cũng có hai khả năng xảy ra: có thể có dấu vân tay hoặc không? Nếu không, coi như hướng này cũng không mang lại kết quả gì. Nếu có, lại xảy ra hai khả năng: dấu vân tay của chủ điện thoại, nghĩa là của hung thủ hoặc là của người quen của hắn. Nếu là của hung thủ, anh và các đồng đội sẽ có cách để củng cố thêm chứng cứ để buộc hắn phải đền tội. Còn nếu của người quen thì sao? Người đó có thể cũng không thể nhớ chiếc T-phone đó là của ai. Một chút hy vọng, đó là hiện tại người sở hữu T-phone cũng chưa nhiều. Lúc đó thì tùy cơ ứng biến vậy. Dù sao khả năng tìm ra người chủ sở hữu chiếc điện thoại cũng khá cao.

Ngoài ra, còn một hướng nữa mà nếu thuận lợi, những thắc mắc, lo âu của anh sẽ nhanh chóng được giải đáp. Đó là nhờ công ty sản xuất T-phone cung cấp thông tin. Tuy vậy, việc này là không dễ, nếu không muốn nói là cũng rất nhiêu khê. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của anh rồi.

Điếu thuốc thứ ba đã gần hết. Đây quả thật là một đòn quyết định nhanh chóng. Anh lục lại trí nhớ của mình xem có thể nhớ được những ai để có thể can thiệp được theo hướng đột phá này. Quyết đoán, anh nhớ lại lời người bạn già. Vâng, anh cần phải đẩy nhanh hành động chứ không thể "trói tay, buộc chân" mà ngồi chờ mãi được. Interpol có thể giúp anh can thiệp. Nhưng trước tiên, anh phải báo lên thành phố để nhờ can thiệp, giúp đỡ. Và anh đã nghĩ đến cái tên có thể trông cậy.

Theo đúng như lịch đã hẹn, thiếu tá Quang được đồng chí đại tá Trần Gia Khánh, một lãnh đạo của công an thành phố tiếp tại văn phòng làm việc. Anh đã may mắn tạo quan hệ khá tốt với đại tá cũng là nhờ một phần được đàn anh, đại tá Lý Hồng Ân giới thiệu, gởi gắm. Sau màn chào hỏi, hỏi thăm mang tính xã giao, để tiết kiệm thời gian quý báu của đại tá dành để tiếp mình, thiếu tá Quang xin phép đi luôn vào chủ đề chính. Anh thuật lại rất tỉ mỉ về các tình tiết, nội dung của vụ án và đề xuất mong muốn được đại tá tư vấn thêm và ra tay giúp đỡ. Dĩ nhiên, đại tá vui vẻ nhận lời. Ông hứa sẽ tích cực thúc đẩy anh em phía Interpol liên hệ và nhờ Interpol của Mỹ giúp đỡ ở mức tối đa và hoàn thành càng sớm càng tốt. Khi đó, chiếc T-phone có thể được chuyển từ phòng khoa học hình sự sang phòng Interpol để chuyển sang Mỹ nếu cần. Đồng thời, ông cũng không quên nhắc thiếu ta nên đẩy mạnh tích cực điều tra theo nhiều hướng khác nữa, cố gắng phá án càng nhanh càng tốt. Rồi sau đó, ông tiếp tục chia sẻ những lo ngại của ông về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố gần đây ngày càng diễn biến phức tạp và mong các đồng chí phối hợp chặt chẽ, tốt đẹp với nhau để giúp người dân an tâm và tin tưởng hơn vào lực lượng công an nhân dân.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro