_7_

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

An nhiên trong cung cấm này, quả là hi hữu.
_____

Mùa xuân năm ấy, cái rét mướt dần xua đi trong ánh nắng dịu ngọt, đào vẫn cứ nở, muôn hoa vẫn cứ vươn mình khoe sắc, đất trời vẫn sang trang, thời gian vẫn luân chuyển, chỉ là không còn thứ không khí nhộn nhịp vốn nên có của một mùa Tết đến.

Kể từ ngày Trịnh mất, Thanh Yên chẳng còn mấy khi chạm mặt mà nói được mấy câu tử tế với Cảnh. Cô biết Cảnh không có lỗi, càng không nên bị cô đưa vào thế phòng bị vì những gì cô thấy được ở tương lai. Nhưng y vốn là trung tâm của những bi kịch sắp tới, dù có cố gắng tránh xa khỏi vòng vây quyền lực.

Nếu Thiên Hinh đối với Cảnh là chồng, là bạn tâm giao từ ngày chỉ là hai đứa trẻ con sáu, bảy tuổi, thì Thanh Yên giờ đây vẫn chỉ coi y là cha của đứa con đã mất. Cô không xác định được thứ cảm xúc gì cô dành cho y hiện tại. Cô lại nhớ bà, rồi tự hỏi bà giờ đã ra sao, đã khỏi ốm hay chưa? Và dĩ nhiên, nhớ cả chàng trai thanh xuân những năm 17 tuổi khi ấy, giờ đây lại hiện lên với bóng hình của Cảnh. Nhưng ngoài họ ra, dường như nửa năm ở đây cô chẳng còn thấy lạ lẫm với sự yên tĩnh không còi xe ầm ĩ, không máy móc hiện đại, không thứ âm vang của đài báo ti vi,...

Cô trở nên thích thú với cái trong trẻo của thiên nhiên gần 800 năm ngược dòng quá khứ, thích sự vồn vã không ép buộc của nắng sớm mai, thích cái mát lành của gió xuân ngòn ngọt. Tất cả, cũng đã phần nào gánh bớt đi bao bộn bề trong mớ thông tin hỗn độn về phần đời sau này của Thiên Hinh mà Thanh Yên đã biết, và cả nỗi đau mất con đã dần trở thành dĩ vãng, cũng là phần nào xua đi sự nhàm chán và gò bó của chiếc lồng cấm cung này.

.

Giờ đây Thanh Yên vẫn chưa hiểu, thay đổi vần xoay lịch sử là điều chẳng thể xảy ra, có lẽ cũng chỉ là, thời gian đưa cô về đây để giúp chính vần xoay ấy đi theo đúng quỹ đạo vốn đã được vạch sẵn...

***
- Cha, sau này con lớn lên, cây hoa này cũng sẽ lớn theo đúng chứ?

- Đúng vậy, sau này khi con là Hoàng thượng bệ hạ uy nghi quyền thế rồi, không chỉ khu vườn này sẽ là của con, giang sơn nhà Lý cũng sẽ do con chủ trì. Nhất định phải thật uy mãnh...

- Vậy nếu con không thích làm Hoàng thượng thì sao? Lúc ấy con có được tự do vui chơi nữa không?

- Nếu đã không muốn, con gái ta hãy như bông bồ công anh con đang vun trồng kia, bình bình an an, tự do tự tại là được.

Bồ công anh mà cô bé ấy trồng cùng cha, chỉ vì nó đẹp, một nét đẹp trắng ngần, chứ đứa trẻ ấy đâu biết rằng, bông hoa đó là biểu tượng cho ước nguyện của những con người nơi đây. Cô bé bảy tuổi ngây thơ giương đôi mắt quyền nghiêng thiên hạ nhìn lên người cha tóc đã ngả bạc, chất chứa bao điều thắc mắc.

Còn người cha kia, chỉ ánh lên nụ cười bàng bạc dịu dàng nhìn con gái, từ tốn hôn lên mái tóc con, rồi đưa ánh mắt xa xăm lên bầu trời cao rộng, thả hồn cùng mấy nhành bồ công anh mà bay đi, bay cao, bay xa mãi...

***

Lần ấy lại là lần cuối cùng cô bé được ngắm hoa cùng cha, bồ công anh là nhành hoa cuối cùng cha và cô bé cùng nhau ngắm nhìn nó bay lên bầu trời...

Đời người trong cung cấm có ai mà được như nhành hoa kia...

Người ở trong thì mong được tự tại
Người bên ngoài lại cầu ước vào trong.

_____

- Dạo này ta hay mơ đến chuyện trước kia, mỗi lần thức giấc đầu đều rất đau nhức, không biết có chuyện gì không?

- Hoàng hậu, vi thần quả thực không thể chẩn đoán ra bệnh tình, sức khỏe người vẫn rất ổn định, chắc là do hậu quả để lại vì đau buồn quá độ người đối với Thái tử... Thứ cho thần mạo phạm, người nên buông bỏ gánh nặng trong lòng, tích lâu ngày, hậu quả thần không dám tưởng tượng.

_____

Ngày rằm tháng Giêng, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 3, tức năm Giáp Ngọ - 1234.

Thái thượng hoàng cùng Vua và Hoàng hậu hạ giá Nam tuần, mùa xuân năm ấy vẫn độ quốc tang Thái tử, không khí dọc đường đi cũng không huyên náo như thường lệ, nhưng đủ để Thanh Yên ngắm nhìn cuộc sống chốn dân gian và lễ hội xuân thời phong kiến. Đoàn ngự binh còn đem theo mấy xe hàng gạo và lương thực từ kho dự trữ triều đình, dừng ở đâu thì mở cửa phân phát cho đồng bào, phần là để ân xá nhân dân, phần là để yên lòng thiên hạ. 

Qua ngày sau, Thuận Thiên công chúa cùng Thái phó Trần Liễu cũng đến phủ Trường Yên, cố đô Hoa Lư cũ, còn Quốc thượng phụ Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa cùng nhau ở lại trong kinh thành lo việc chính sự của triều đình. Nơi đây dẫu cũng đã từng là kinh đô thời Đinh, Lê, lại ở giữa chốn thiên nhiên trù phú bao la, chim hót quanh năm, cá lượn mỗi sớm, suối trong róc rách đêm ngày.

Dọc đường đi, Thanh Yên dù có chóng mặt, chứng say xe từ hiện đại về đây vẫn tái phát, nhưng cũng không thể không ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của núi rừng nơi đây. Hoa Lư ngày ấy thuộc địa phận Ninh Bình ngày nay, nhìn cố đô dù đã qua gần 300 năm vẫn như còn nguyên vẹn bởi chưa bị chiến tranh tàn phá, lại nghĩ cho 800 năm sau mảnh đất này chỉ còn là một tàn tích của thời gian, có chút xót xa cho một di tích lịch sử của dân tộc. Nắng vàng phủ kín trên những nóc xe chạy qua, hoa ban rợp trời, đào rừng đỏ thẫm nở rộ suốt một khung đường đại lộ.

Nơi đây cũng đã từng là nơi Lý Thái Tổ năm xưa dời đô về Thăng Long bấy giờ, là nơi khai sinh triều Lý, cũng là nơi kết thúc triều Đinh, triều Lê. Hơn 200 năm sau, dưới chính tay người con gái dòng tộc, lại thêm một triều đại suy tàn. Xót xa thay, giờ đây trở về chính nơi Thái Tổ khai sinh triều đại, hỏi làm sao Thiên Hinh có thể không đau xót? Nhưng với Thanh Yên, là một con người của hơn 700 năm sau, có được cơ hội đứng lại nhìn ngắm một di tích lịch sử của dân tộc chưa bị tàn phá, một chứng tích nối liền ba triều đại của Tổ quốc ngàn năm văn hiến, trong cô không đơn thuần là niềm xót xa cho Lý triều, rộng hơn cả là xót xa cho tất thảy những đau thương của lịch sử vẫn còn vương vấn lại nơi đây.

...Dường như Hoa Lư này, đã chứng kiến bao góc khuất của lịch sử, sự thay triều đổi đại của ba nhà nước quân chủ chính thức đầu tiên của Việt Nam là ba lần xảy ra bao thảm kịch tàn khốc, kể từ ngày Vua Đinh bắt đầu xây dựng kinh thành, cho đến ngày Lý Thái Tổ dời đô.

"Có những điều chỉ có thể đem theo cùng thời gian, sẽ chẳng ai biết được - một góc khuất của lịch sử. Lịch sử có lẽ là do người thắng cuộc viết nên, ẩn sau đó còn lại bao điều chưa sáng tỏ."

- Nàng vừa nói gì vậy?

Thanh Yên chợt bừng tỉnh khỏi những mơ ảo vừa lướt qua trong đầu cô, để rồi khiến cô nói ra những lời vô thức.

- Đừng đứng ngoài đó nữa, lại đây với ta đi.

Cảnh dịu dàng tiến đến nắm tay Thiên Hinh quay người vào lại khoảng sân rộng, ngồi bên một chiếc bàn chạm trổ bằng gỗ đã cũ, dưới một gốc đa sum xuê lớn tuổi.

- Ban nãy nàng đứng ngoài mỏm đá đó, thực không sợ lỡ có rơi xuống sao? Trời lạnh như vậy, tay nàng đã cóng lại rồi kìa.

Thanh Yên ngoái nhẹ đầu nhìn Cảnh, rồi tự xoa xoa hai bàn tay mình. Có gì đó ở đây khiến cô lại lần nữa chìm trong vô thức của những guồng quay lịch sử.

- Thật ra lần này Nam tuần về đây, là vì cha muốn được ra khỏi kinh thành, đến một nơi không còn phải lo nghĩ nhiều điều nữa. Chẳng hay, đúng lúc ta cũng muốn nàng đi đây đó để nguôi ngoai bớt nỗi nặng lòng, ta biết nàng đã chịu nhiều ủy khuất.

Y lặng lẽ đánh mắt lại một giây lướt qua khuôn mặt lạnh băng của nàng. Nàng vừa hay cũng nghếch đầu một khắc nhìn lên y. Nhưng lại không vừa lúc để cả hai có thể cùng chạm mặt.

Y đứng dậy đi lại trong sân, chắp tay sau lưng, nhìn ra xa mà tiếp lời:

- Hoa Lư là nơi thiên nhiên trù phú, không khí trong lành, gần đây còn có cốc động nổi khắp dân gian. Nàng còn nhớ khi chúng ta còn nhỏ, nàng hay hỏi về vùng biển quê ta, lúc nào cũng nằng nặc đòi đi, nhưng từ bấy giờ vẫn chưa lần nào được toại nguyện. Nay đến đây, nơi này được mệnh danh là vùng biển trên cạn, mấy ngày sau ta sẽ dẫn nàng đi thăm thú... - Không hiểu sao bất giác khóe miệng y hiện lên một nụ cười.

- Ừm.

Một tiếng đáp nhẹ tênh, nhẹ như mây trôi gió thoảng, nhẹ đến mức lại đốt cháy tấm lòng của một đấng nam nhi.

_____

Cô nhấp một ngụm trà nghi ngút khói vừa được An đem lên. Đắng và nóng quá! Cô vốn dĩ không biết thưởng trà, nên ho sặc sụa. Cảnh đang đọc sách thấy vậy liền ào tới vỗ vỗ xoa xoa tấm lưng gầy của người con gái bé nhỏ, quát nhẹ:

- Nàng từ nhỏ đến giờ đâu biết uống mấy loại chè chát này, đều toàn chỉ uống mỗi trà sen, sao hôm nay tự dưng thử lại làm gì chứ?

Cô sững lại một khắc, hóa ra Thiên Hinh cũng không biết uống chè chát, Cảnh lại luôn ghi nhớ điều đó từ hồi còn nhỏ. Tối hôm đó cô cũng chưa từng thử trà sen, với Thanh Yên thì loại trà nào cũng đắng như nhau cả, nhưng vì đang suy nghĩ mấy điều vẩn vơ, cô lại vô thức đưa tách trà lên miệng.

Cũng phải thôi, từ hồi sáu, bảy tuổi Thiên Hinh đã là Hoàng thái nữ, phải học cách thưởng trà là điều đương nhiên, Cảnh còn từng theo hầu, rồi sau đó thành bạn, thành chồng, biết cũng dễ hiểu, nhưng y ghi nhớ điều nhỏ nhặt ấy đến tận bây giờ, là một tấm chân tình hay chỉ là vô ý?

- Ta không sao...

Cô bỗng bị thu hút bởi ánh mắt nâu đồng quả thực rất đỗi ấm áp của chàng trai ấy, cũng là hiện thân của đôi mắt đã theo cô suốt những năm tháng cấp Ba, nhưng rồi tất cả lại trở về thứ cảm xúc lạnh nhạt như mấy tháng qua cô vẫn làm, bỏ lại Cảnh ngồi đó, cô nhấc gót tiến vào trong điện.

Một tiếng thở dài nén lại phía sau bóng dáng người con gái nhỏ nhắn, bất lực... Cả hai như đều muốn quay lại trước kia, nhưng dường như có một bức tường vô hình ngăn cản điều đó.

Trải qua mỗi một lần biến động, hai con người ấy ắt đã trưởng thành hơn rất nhiều, không thể còn sự vô tư của những đứa trẻ con ngày trước nữa, giờ đây là bắt buộc phải làm tròn bổn phận của một Hoàng đế và một Mẫu nghi.

_____

Tối hôm đó, khi trăng đã lên cao, tròn trịa lấp lánh cùng mấy vầng sao sáng, khi ánh đèn lồng đã rực rỡ khắp những khoảng sân và khung đường, Thanh Yên mặc kệ cái lạnh của sương xuân, mặc kệ sự cấm kị của quy định hoàng thất, trốn ra ngoài cùng An đi thưởng ngoạn.

- Hoàng...
- Suỵt, hoàng gì chứ, em biết chúng ta đang ở bên ngoài mà, cứ gọi là chị được rồi, sau này cũng thế, không cần câu nệ nữa đâu.

Thanh Yên rảo bước rất nhanh, như sợ rằng cô không thể thăm thú hết những cảnh vật này để ghi nhớ mang về hiện đại, nên vừa đi vừa đảo mắt ngắm nghía hết mọi ngóc ngách. Cái tấp nập đông vui là thứ đến tận gần 800 năm sau ở mỗi hội chợ xuân đều vẫn có, chỉ là ở đây không có những ánh đèn nhân tạo, không có sản phẩm bao bì đóng gói kĩ càng, thay vào đó là ánh nến và đèn cầy lung linh mỗi ngách, là những món hàng thủ công được tỉ mẩn làm bằng tay, là những thức quà vừa lạ vừa quen, và cả những lời chào mời rất đỗi nồng hậu.

- Chị... nhưng em vẫn sợ, lỡ ta bị phát hiện ra thì sao?
- Đừng lo, chỉ cần ta về trước nửa đêm là được, đêm nay là Rằm tháng Giêng, nơi đâu cũng lễ hội náo nức, ở phủ cũng vậy thôi.
- Nhưng em vẫn lo... ơ, này, chị đi chậm thôi, đợi em nữa...

Thanh Yên kéo tay cô bé còn nhỏ người hơn cả mình lọt thỏm vào giữa đám đông đang chen chúc, dòng người ồn ã trong ánh đèn lồng lập lòe đủ màu sắc và tiếng đàn nhạc trống ca tưng bừng.

- An này, sao đi nãy giờ chưa thấy hàng đồ ăn nào vậy?
- Chị đói rồi à? Ở tận bên kia cơ, để em đi mua, đợi em ở đây nha, chị đừng đi đâu đó! Kẹo hồ lô, bánh đậu xanh, bánh dừa, bánh rán mặn, bánh chưng, bánh dày, chè đậu đỏ, hay là....
- Gì cũng được...

Ném bao tiền vào tay An, Thanh Yên liền quay người đi về hướng ngược lại.

- Tiểu thư, mau vào đây xem khăn tay bằng lụa tơ tằm đi này, loại thượng hạng đó...
- Tiểu thư à, nhìn cô như vậy ắt là thiên kim nhà nào gia giáo đây, hay vào đây ngắm nghía mấy giỏ mây này đi, đều là hàng được thợ lâu năm đan cẩn thận đó...
...

Đối với những lời mời chào đó, cô chỉ đều cười trừ cho qua.
Đi một hồi, cô đã đến bên một bìa rừng trúc, những âm vang ồn ào náo nhiệt dần lùi lại phía sau.

Rừng trúc bạt ngàn một màu đen kịt mở ra trước mắt, lại văng vẳng đâu đây mấy thứ âm thanh hỗn tạp ù ù của gió rít đưa lá trúc bay.

Cơn đau đầu đột nhiên ập tới, Thanh Yên nhanh chóng rơi vào trạng thái xay xẩm, ảnh ảo ngày một lấn át những vang vọng của thực tế, tất thảy mọi thứ như đột ngột biến mất, không biết từ đâu ra, chung quanh cô chỉ còn lại làn âm vang kì lạ của những vần thơ ma mị, tiếng đàn cầm du dương, lại như mang một bi kịch thẫm máu. Nhưng có một lực hút vô hình lại cứ đưa bước chân cô đi tiếp giữa con đường xào xạc trúc rơi, càng tiến sâu vào rừng trúc, mấy vần thơ ma mị lại dần dần văng vẳng rõ hơn, rõ như tiếng sấm, long đất lở trời...

Quả núi Tiên Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những chuyện hoa tình có biết không?
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo
Khách khứa nhà ai áo mũ đông...
...

Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong...
...

Hai trăm năm lẻ thế là xong...(*)

(*) Trích thơ Tản Đà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro