{02}

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ta theo hàng người quay lại thăm A Trung. Tiểu tử này tu dưỡng mấy ngày gần hồi phục rồi, chỉ là dường như đã chịu chút kích thích, hỏi hắn gì khác cũng được, tuyệt không thể nhắc đến hai từ "Vương" và "hoa đào". Hai từ này chỉ cần lọt vào tai hắn, hắn liền như bị ma nhập, bịt chặt hai tai, không ngừng kêu gào; chẳng dễ gì dỗ hắn an tĩnh, hắn vẫn nhỏ giọng thì thầm: "Không dám nữa...sau này cũng không dám nữa..." Hắn mô tả động tác, y hệt tên điên. Chuyện này như vậy mà cho qua.

Kể từ đó, ngày càng ít người bén mảng đến gần nhà Vương tiểu tử, nhưng chuyện kỳ quái xảy ra với y ngày một nhiều.

Tháng Giêng năm thứ hai, Trần Nhị đi vệ sinh ban đêm nói hắn đi ngang qua nhà họ Vương, nghe thấy có người đang nói chuyện, bước vào nhìn thử, thấy Vương tiểu tử kia nửa đêm canh ba không ngủ, chỉ nhoài người trước cửa sổ, một mình độc thoại cùng sắc đêm mênh mông; nhưng lại giống như nói chuyện với ai đó. Dưới ánh trăng, mặt y ửng đỏ phơn phớt, mắt sáng rực, luôn nói cái gì mà "Trản" gì mà "Ta rất nhớ chàng", "Nói chuyện cùng ta nhiều hơn đi", giọng y nhỏ nhẹ, ánh mắt chứa tình, tựa đang nói cười với nhân tình mật ngọt; nhưng trước mặt y chỉ có đêm đen lạnh lẽo, gió rét cây khô; nào đâu ra người? Cảnh tượng này không thể nói là không kỳ dị.

Tháng ba năm thứ tư, Lưu Ngũ lên núi đốn củi, thấy Vương tiểu tử một mình đi vào mảnh rừng hoang vu hiếm người tới lui, hiếu kỳ hắn liền đi theo về trước, vừa chui vào một lùm cây, thì không thấy thân ảnh y đâu nữa, muốn ra khỏi rừng, lại không tìm được đường về. Chỉ ngửi thấy một cỗ hương đào quái dị từ hướng Vương tiểu tử đi vào, bước vào càng sâu, mùi hương càng nồng. Dọc theo đường đi, đầu óc dần choáng váng, mơ hồ nhìn thấy từng đoá hoa đào, tung bay tán loạn, tựa hồ tiên cảnh ngay trước mắt. Hắn cảm thấy trong đầu một mảng trống rỗng, khi tỉnh lại lần nữa, đã nằm ở cổng thôn. Ngọ nguậy ngồi dậy, bèn thấy trong vạt áo trước ngực cả một túi hoa đào ào ạt rơi ra.

Tháng sáu năm thứ bảy, Chu Hùng ra giếng gánh nước, thấy Vương tiểu tử ôm một túi bánh bao nóng hổi, vội vã chạy lên núi. Chẳng qua ta nghe chuyện này cũng không thấy có gì lạ, chỉ là số người thấy y chạy lên núi quá nhiều, sau vài năm, đã vượt quá chục người; mọi người bèn xem chuyện này thành chuyện lạ.

Mười năm này, chuyện được bàn luận nhiều nhất trong thôn, chính là chuyện của Vương tiểu tử. Ban đầu chỉ vài người bắt gặp mấy chuyện cổ quái, sau này ngày càng đồn quỷ dị hơn, luôn miêu tả y thành người biết lên trời xuống đất, là đại ma đầu lặn biển ăn thịt người; gì mà hại người lấy mạng, hút máu ăn xương, không kỳ dị càng không nói, không tính là kinh hãi thì không bàn...Về sau, tin đồn bay đầy trời. Vương tiểu tử kia từ một đứa trẻ mồ côi bị câm, dần trở thành ác quỷ nghe tiếng đã sợ vỡ mật trong lời mọi người.

Trong thôn nói chữ "Vương" liền biến sắc, lòng người lo sợ, nhưng ta chẳng ừ hử gì. Bởi trong mười năm này, ta đã thú thê, cất nhà, năm thứ hai sau khi lấy vợ, người vợ mắt mi cong cong, khả ái động lòng người của ta, vào một đêm đen nhánh như mực, bên bếp lò cháy hầm hập, đã sinh cho ta một đứa con trai mập mạp trắng trẻo. Ta vui mừng khôn xiết, ngày đêm ấp vợ, ôm con. Bọn họ là ánh trăng của ta, là bầu trời của ta, là Đại La Bồ Tát của ta, lão gia Thiên Vương ơi! Có bọn họ rồi, cái gì yêu quái, cái gì truyền thuyết, ta hoàn toàn không để vào mắt.

Mười năm chẳng qua như cái chớp mắt, con ta bú sữa khóc cười, há miệng gọi người, bập bẹ học nói, loạng choạng tập đi...sau đó đến trường đọc sách, dường như chỉ là chuyện chớp nhoáng. Ta già rồi, vợ ta cũng già, người già trong thôn phần lớn đã qua đời, Vương tiểu tử kia cũng từ đứa trẻ mồ côi gầy gò cô độc, trở thành thanh niên mặt mày anh tuấn, tay chân thon dài. Y trời sinh dáng vẻ đẹp đẽ, nhưng vì những lời bàn tán quái gở về y, trì trệ mãi chẳng ai đến bàn chuyện mai mối. Bản thân y dường như cũng không quan tâm, chỉ một mình sinh sống, dần dần vạch ra ranh giới rạch ròi Sở Hán phân minh (1) với những người khác trong thôn.

Mà dân trong thôn dường như vẫn luôn chú ý đến y, rất nhiều người sợ hãi những chuyện kỳ quái ở y, dần nảy sinh ý niệm loại bỏ y, nhưng giết người vẫn là chuyện độc ác nhất, chuyện tàn bạo nhất thiên hạ, cũng chẳng ai dám tuỳ tiện động thủ.

Mùa xuân khác lại đến, có một nhóm người ngoài vào thôn. Đoàn người kia vận y phục xám xanh, người dẫn đầu mặc áo cà sa vàng, tự xưng là một đoàn tăng nhân tu hành, ngang qua nơi này, hy vọng có thể tạm tá túc nghỉ ngơi, hoá duyên khấn phúc. Trưởng thôn lương thiện nhân hậu, lệnh dân thôn dọn hai sân trống, để bọn họ ở lại. Nhóm tăng nhân cảm tạ lòng tốt của thôn làng, mỗi ngày đều tụng kinh cầu phúc, giúp thôn dân xem tướng và hoá giải nghi hoặc.

Bọn họ vừa ở đã nửa tháng trôi qua, đến lúc ly biệt, trưởng thôn thiết đãi tiệc chay đưa tiễn, bày tiệc trăm nhà, mời toàn thôn dân đến dự. Ta và vợ đang nhập tiệc, con trai ta thấy món nào cũng tò mò, đều muốn nếm thử một miếng; bữa tiệc mới diễn ra một nửa, bụng nó đã căng đến tròn vo. Vợ ta bất lực dắt nó về nhà trước, để lại mình ta tiếp tục trên bàn tiệc. Hai người họ đi rồi, ta nhàm chán đủ kiểu, nâng chén trà vỡ vô vị rồi lặng lẽ uống, tuỳ ý nhìn quanh bữa tiệc, thấy mọi người trong thôn đều tham dự, duy chỉ không thấy Vương tiểu tử. Nhưng nghĩ đến cũng chẳng lạ gì, y vốn không hoà thuận với dân trong thôn, không đến mới là tốt nhất.

Trưởng thôn nãy giờ vẫn chuyện trò cùng lão hoà thượng, chợt nhớ đến chuyện kỳ quái trong thôn, bèn nói: "Đại sư có chuyện không biết, trong thôn ta mấy năm gần đây thường xuyên xảy ra chuyện kỳ quái, chẳng những quấy nhiễu lòng dân không yên, còn suýt nữa nháo đến đoạt mạng người. Vẫn mong đại sư khuyên nhủ, cứu lấy thôn nhỏ trong lửa nước." Lời này vừa dứt, có hơn chục người trong bữa tiệc không ngừng hùa theo.

Chỉ thấy đại hoà thượng kia vẻ mặt kinh ngạc, nói:

"Ồ? Lão hủ trái lại thấy nơi này non nước hợp lòng người, gió thuận mưa hoà, tựa như có thần linh che chở, vì vậy đã dẫn đám đệ tử đến đây trú tạm nghỉ ngơi. Nói chuyện kỳ quái nào có đáng tin?"

Trưởng thôn lại nói: "Đại sư có chuyện chưa biết, thôn ta có một tiểu tử cô độc, trời sinh kỳ quái, không nguyện kết giao cùng ai, nhưng trong thôn phàm có người thân cận với y, liền gặp phải bất trắc."

Ta nghe thấy lời này liền cảm thấy hơi kỳ, trong thôn khi nào có người từng thân cận với Vương tiểu tử?

Hoà thượng lại hỏi: "Bất trắc thế nào?"

Trưởng thôn đáp: "Đều gặp phải một loại hoa đào yêu dị mê hoặc nhân tâm."

Vị hoà thượng kia nghe xong, sửng sốt, sau đó lập tức cười ha ha lớn tiếng, cười một lúc, mới nói: "Lão hủ mới đến đây, thấy thôn này đất trũng, khí hậu ôn hoà, nguồn nước dồi dào, vốn là nơi thích hợp nhất để hoa đào sinh trưởng. Người trong thôn chẳng qua gặp phải mấy đoá hoa đào thôi, có gì lạ chứ? Lão hủ trái lại cảm thấy, nếu đất trống trong thôn trồng đầy cây đào, mỗi năm vào thời điểm này, hoa đào tươi thắm, hương hoa ngát thơm, già trẻ trong thôn vui vẻ mãn nguyện, lương điền mỹ địa tang trúc (**), mỹ cảnh "Đào Hoa Nguyên" đã được bậc tiền nhân ca ngợi! Lẽ nào không đẹp sao?"

Trưởng thôn nghe vậy, sắc mặt tái nhợt, mơ hồ vài câu, lại nói: "Nhưng tiểu tử kia quả thực kỳ lạ, hành sự cổ quái, cô độc cao ngạo, không kính già, không yêu trẻ, quả thực không phù hợp với luân lý cương thường của con người, e rằng..."

"Luân lý thì sao? Cương thường lại thế nào?" Đại hoà thượng nghiêm nghị ngắt lời, "Nhà Thương tàn khốc, nhà Chu diệt vong, bấy giờ thiên hạ loạn lạc, Xuân thu chiến quốc, hàng trăm học phái (3) tranh luận; ngàn vạn học sĩ có tài, nghĩ ra trăm trường phái, trong đó Pháp gia (4) chiếm ưu thế, dựng nên nhà Tần. Mà sau đó Tần hoàng tàn bạo, xem mạng người như cỏ rác, lại bị đời sau lật đổ, lấy Nho giáo làm trọng, kiến lập nên rất nhiều triều đại...Giờ đây ngài bàn về cương thường nhân luân, cũng chỉ từng là một trong trăm học phái trước đây, sao có thể thâu tóm luân hồi chu chuyển của vạn vật trên đời? Hơn nữa loài người mới giáng thế chưa quá vạn năm, đừng nói đến trăm loại, ngay cả khi có một nghìn loại, vạn loại học phái, sao có thể nói rõ vũ trụ càn khôn, vạn vật thịnh suy? Cho dù lão hủ nghiên cứu hết Phật đạo, so với thế gian này, cũng chỉ là chiếc lá bông hoa, ngọn cỏ cành cây, quả thật rất nhỏ bé! Từ đó trông ra, tiểu tử kia trong lời ngài trưởng thôn chẳng qua không hợp với lẽ thường nhỏ nhoi, nào tính là gì?"

Trưởng thôn nghe xong, chẳng nói nên lời, không thể hiện được chút nào tri thức giàu có trước đây của mình; ta mơ mơ hồ hồ nghe vị hoà thượng này nói rất nhiều về triều đại, rất nhiều về học vấn, như hiểu như không, trong đầu một mảng hồ nhão. Sau đó lắc đầu một cái, không nghĩ nhiều nữa.

Yến tiệc liền trở nên im ắng, đến cả tiếng cốc đĩa va chạm cũng nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Ta thấy trên khuôn mặt bọn họ hiện ra vẻ rối bời, cũng có vẻ không phục, chẳng qua quả thật không có gì để nói, bèn vùi đầu ăn uống.

Sắc đêm dần tối, yến tiệc sắp đến hồi tàn. Trưởng thôn đứng dậy tiễn khách, trước khi rời đi cúi đầu thật sâu, nói: "Lời vàng ngọc của đại sư, đã thức tỉnh phàm phu tục tử như ta; ta chỉ muốn để đại sư tính một quẻ, biết được Vương tiểu tử kia ngày thường rốt cuộc đi đến nơi nào, đợi đến khi bọn ta làm rõ đầu đuôi sự tình, nhất định hướng y tạ lỗi."

Hoà thượng nhìn ông ta, không nói gì, chỉ duỗi ngón tay chỉ vào một ngọn núi, bèn nghênh ngang rời đi. Ta nhìn theo hướng ông ấy chỉ, thấy đó là ngọn núi Vương tiểu tử hay lui tới, lòng liền run sợ, hoà thượng mới đến thôn chưa tới nửa tháng, làm thế nào biết được chuyện này?

Trưởng thôn thấy rồi, cúi đầu trầm mặc chốc lát, chỉ mời vài tâm phúc đến nhà nghị sự, rồi giải tán đám đông dự tiệc, ai về nhà nấy, ai ngủ thì đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, ta và vợ vẫn đang say giấc nồng, đã bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa kịch liệt. Ta mở cửa, thấy một tên gia đinh trong nhà trưởng thôn, trên tay cầm rìu. Gã vừa thấy ta, bèn yêu cầu ta dẫn theo mọi người trong nhà, cầm những vật dụng sắc bén nhất, theo gã lên núi. Ta mù mờ, vờ nói đi rửa mặt sắp xếp, sau đó đến lúc, bèn gọi vợ con dậy, cầm hai con dao nhỏ qua loa, đi theo.

Ta thấy quảng trường trong thôn đứng chật ních người, vô luận là nam hay nữ, già hay trẻ, trên tay ai cũng cầm cưa, rìu mài đến sắc nhọn. Mọi người dưới lệnh của trưởng thôn, cùng nhau đi về phía ngọn núi đại sư đã chỉ hôm qua, hùng hùng dũng dũng, tiếng bước chân đinh tai nhức óc. Trên mặt mọi người lộ vẻ kiên định bất thường.

Chúng ta đi mãi đến trưa, mới thấy vậy mà có một ngôi miếu nhỏ bỏ hoang trên núi. Bị bỏ hoang quá lâu, sớm đã nhìn không rõ rốt cuộc tấm biển ở cổng thờ đề cái gì, nhưng đây không phải điều gây kinh ngạc nhất.

Điều kinh sợ nhất là, bên cạnh ngôi miếu mọc lên một cây đào vô cùng khổng lồ. Đó là cái cây lớn nhất ta từng thấy trong đời, thân cây đủ hai mươi người ôm trọn, rễ cắm sâu vào lòng đất, chiếm cứ cả ngôi miếu; ngay cả chạc cây nhỏ nhất mảnh nhất, cũng to bằng thắt lưng người lớn. Cây đại thụ này không hoa không lá, tựa như đang ngủ say. Nhìn thấy cây đại thụ trước mắt, ta dường như đã hiểu những đoá hoa đào kỳ dị kia rốt cuộc từ đâu mà đến.

Mọi người đều kinh ngạc không thôi, thẳng đến khi trưởng thôn cao giọng lên tiếng: "Mau cầm vũ khí trong tay lên, trừ yêu hộ thôn, trừ yêu hộ thôn!" Đám người như thức tỉnh khỏi mộng, vừa đồng thanh hô lớn "Trừ yêu hộ thôn", vừa giơ cao đao rìu trong tay, chém cây đại thụ. Ta nghe thấy khẩu hiệu này, trong lòng một trận loạn nhịp, xoay đầu thấy vợ và con trai ta đang thẫn thờ đứng tại chỗ, đáy mắt tràn đầy hoảng sợ, ta mới bình tĩnh lại chút, ý thức được chuyện này vô cùng hoang đường.

Ta cứ nhìn vậy, thấy những người dân thôn xưa nay bỗng hoá dã thú hung tàn, điên cuồng lao về phía cây đại thụ; đàn ông trưởng thành vung rìu bản to, đám phụ nữ cầm dao bếp sắc bén; ngay cả đứa trẻ mới chập chững biết đi, và những cụ già bước chân run lẩy bẩy, cũng dùng chiếc thìa sắt nhỏ ra sức đào khoét phần vỏ cây cứng cáp. Ta liền cứ nhìn như vậy, động cũng không động.

Cái cây này tiêu tốn bảy ngày bảy đêm, trong lúc đó không biết đã khiêng bao nhiêu người ngất xỉu; mãi đến nửa đêm ngày thứ bảy, cuối cùng mới chặt đứt mạch cây cuối cùng, đại thụ sụp đổ rền vang!

Theo đó một âm thanh cực kinh thiên động địa vang lên, chim chóc trong núi đua nhau bay tán loạn, thôn dân trước tiên trầm mặc một giây, sau đó lớn tiếng reo hò, ôm nhau hoan hô, mọi người khóc rồi lại cười, ca rồi lại múa, cùng nhau đi xuống núi, định mở một bữa tiệc lớn.

Ta đứng nguyên tại chỗ, nhìn gốc cây đại thụ kia, trong lòng vạn mối suy tư. Ta lắng nghe tiếng trống nhạc vọng lại từ nơi xa, trầm mặc không nói gì đứng rất lâu rất lâu.

Cứ như vậy cho đến khi sắc trời hửng sáng, ta mới chậm rãi từng bước đi xuống núi. Ta không đi vào thôn mở tiệc, mà đi về nhà Vương tiểu tử. Ta bước vào căn nhà tranh dột nát kia, thấy khói bốc lên từ ống khói, Vương tiểu tử đi ra khỏi cổng, trên tay đầy bột mì, ta đoán chắc y đang hấp bánh bao.

Y nhìn thấy ta, ta không biết nói gì, bèn hướng y mỉm cười. Có lẽ do sắc mặt ta quá tệ, y ra hiệu ta vào nhà ngồi, mà ta lúc này cũng chẳng biết đi đâu, bèn đáp ứng.

Ta vào nhà, y bảo ta ngồi trên giường, nói đó là nơi sạch sẽ nhất, ta cũng không khước từ, bèn ngồi xuống. Ta thấy trong nhà có thể nói nghèo rớt mồng tơi, không một món đồ nào hoàn chỉnh, cửa sổ cũng tựa một bức tranh chắp vá, vá đông vá tây. Ta đoán đúng rồi, y quả thật đưa cho ta một cái bánh bao, ta nhận lấy bánh bao nóng hổi, cắn một miếng; tay nghề y không tồi, nhưng ta ăn như nhai sáp. Ta cố hết sức nuốt xuống chiếc bánh bao này, y thấy vẻ mặt đau khổ của ta, dè dặt hỏi: "Không ngon sao? Thật ngại quá, đây là thứ tốt nhất ta có thể mang ra rồi."

Ta nghe thấy, trong lòng bức bối cùng cực, thở dốc một hồi, cuối cùng buột miệng nói:

"Đi xem xem cái cây bên cạnh ngôi miếu trên núi..."

Y nghe xong, sửng sốt một giây, ngay lập tức vứt toàn bộ số bánh bao trên tay xuống, xông ra khỏi cổng, y chạy cực nhanh, trong nháy mắt đã không thấy đâu.

Ta thay y dọn dẹp tàn cuộc dưới đất, dập lửa, lại đóng cổng và cửa sổ, mới đuổi theo hướng y rời khỏi. Đợi đến khi lên ngôi miếu nhỏ trong núi, y đã ở đó rồi, ta thấy y đang nhìn gốc cây trơ trụi kia, trong miệng run giọng hét một câu: "Tiêu Chiến?" Nhưng trong núi chỉ có tiếng gió, không ai đáp lại. Ta không nghe được câu đáp lời, phán đoán từ trong ánh mắt y, chắc hẳn y cũng không nghe được câu trả lời. Ta thấy y vẫn đứng đó, chẳng hề biến hoá, nhưng tựa có thứ gì đó đã sụp đổ ầm vang. Ta không dám tuỳ tiện bước lên trước, vì ta biết, y mãi đến hôm nay, mới thực sự xem như triệt để điên rồi.

——————
(1) Chiến tranh Hán-Sở (206–202 TCN) là thời kỳ sau thời đại nhà Tần ở Trung Hoa. Trong thời kỳ này, các vị vương từ các vùng đất khác nhau ở Trung Hoa xuất hiện sau sự sụp đổ của nhà Tần và tạo nên hai phái kình địch nhau rõ rệt. Một bên do Lưu Bang, vốn có tước phong là Hán vương, lãnh đạo; bên kia do Hạng Vũ, tự xưng Tây Sở bá vương, thống lĩnh.
(2) Trích lời từ tác phẩm "Đào Hoa Nguyên Ký" của Đào Uyên Minh.
(3) Học phái là một nhóm học giả chuyên về một ngành học riêng biệt.
(4) Pháp gia là một phái thời Tiên Tần. Pháp gia là một trường phái tư tưởng có mục đích tiếp cận cách phân tích các vấn đề pháp luật đặc trưng ở lý lẽ logic, nhắm vào việc đưa ra văn bản pháp luật ứng dụng, hơn là nhắm tới xã hội, kinh tế, hay tình huống chính trị.

Chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ nhé🎄✨

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro