NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT VỀ HỘI CHỨNG TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN (SELF-HARM)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Marris Adikwu

Ngày đăng: 20/08/2021

--------------------------------------------
Đối mặt với những tình huống khó khăn, những ký ức đau buồn hoặc những trải nghiệm đầy thử thách có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến bất kỳ ai. Đôi khi, cuộc đấu tranh này vượt quá khả năng để xử lý và một số cá nhân phản ứng với những trường hợp này bằng cách cố ý làm tổn thương bản thân - thường được mô tả là hành vi tự ngược đãi bản thân. Một số người coi việc tự ngược đãi bản thân là một cách để giảm bớt cảm xúc lấn át, duy trì cảm giác kiểm soát, thoát khỏi ký ức về những sự kiện đau buồn hoặc trừng phạt bản thân khi có những suy nghĩ tiêu cực.

Tự ngược đãi bản thân phổ biến hơn những gì mà chúng ta biết. Trong xã hội vẫn còn nhiều sự kỳ thị gắn liền với hành vi tự ngược đãi bản thân, những người cần giúp đỡ có xu hướng cảm thấy bị cô lập. Tuy nhiên, sự giúp đỡ luôn sẵn có và bạn vẫn có thể sống mà không phải tự ngược đãi bản thân, hoặc tìm sự giúp đỡ cho những người thân yêu của bạn- những người cũng đang phải đối mặt với hội chứng tự hủy hoại bản thân.

🔸 TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN LÀ GÌ

Tự ngược đãi hoặc tự hủy hoại bản thân là những hành vi bất kỳ liên quan đến việc ai đó gây tổn hại trực tiếp cho bản thân, hầu hết không có ý định tự sát. Hành vi tự ngược đãi bản thân thường được coi là cơ chế đối phó với những suy nghĩ, cảm xúc hoặc tình huống khó khăn. Tự ngược đãi bản thân bao gồm những hình thức như cắt tay, khắc lên tay, đốt da, dùng thuốc quá liều nhưng không gây chết người, lao mình vào những bề mặt cứng, hoặc cố tình ngăn vết thương lành. Tự ngược đãi bản thân cũng có thể liên quan đến những cách khác khiến bản thân gặp nguy hiểm, chẳng hạn như lái xe liều lĩnh hoặc uống rượu say.

Chu kỳ tự ngược đãi bản thân thường bắt đầu bằng việc một người tự làm tổn thương bản thân để giảm bớt áp lực từ những suy nghĩ hoặc cảm xúc đau buồn. Có thể ban đầu họ sẽ thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi những cảm xúc đau khổ, nhưng điều này chỉ mang tính tạm thời vì nguyên nhân cơ bản của sự đau khổ đó vẫn tồn tại. Những cảm xúc như xấu hổ, tội lỗi thường kéo theo việc tự hành hạ bản thân, điều này sẽ mang đến một mô hình vòng tròn luẩn quẩn không thể thoát ra được. Trong khi có vài người tự ngược đãi bản thân chỉ một vài lần rồi dừng lại, nhưng với những người khác thì đó có thể là một chu kỳ lâu dài.

Có nhiều người luôn giữ bí mật về việc tự ngược đãi bản thân. Họ phải chịu đựng việc đó một mình và chịu đựng trong im lặng, và họ tin rằng hành vi tự ngược đãi bản thân hiếm gặp hoặc đó là hành vi không thường xuyên xảy ra, nhưng trên thực tế, hành vi này khá phổ biến, đặc biệt là ở thanh thiếu niên và giới trẻ, mặc dù nó cũng có thể xảy ra trong cuộc sống sau này. Theo một nghiên cứu từ năm 2015, có hơn 17% số người thực hiện các hành vi tự ngược đãi bản thân trong cuộc sống hằng ngày của họ. Mặc dù tự tổn thương bản thân có thể khiến bạn cảm thấy bị xa lánh, nhưng có nhiều người cũng đã từng tự làm tổn thương bản thân nên họ có thể hiểu những gì bạn đang trải qua. Việc cân nhắc tham gia một nhóm hỗ trợ, dù là trực tuyến hay gặp trực tiếp, hoặc tham gia một buổi trị liệu nhóm để kết nối với những người đã từng có các trải nghiệm tương tự.

🔸 TẠI SAO CHÚNG TA TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN

Không có lý do chung cho việc tự ngược đãi bản thân; mỗi người phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, từ đó dẫn đến những trải nghiệm mang tính cá nhân. Mặc dù một số người có thể chọn cách chế ngự những tình huống khó khăn này bằng cách nói chuyện với một thành viên gia đình, bạn bè hoặc nhà trị liệu thân thiết, một số khác lại cảm thấy khó khăn trong việc hiểu và bộc lộ cảm xúc của họ, cứ dồn nén chúng cho đến khi cơn đau trở nên quá tải. Quá trình này có thể tự thể hiện thông qua hành vi tự làm tổn thương bản thân, đó là một kênh phương tiện để bộc lộ những suy nghĩ và cảm xúc mà người ta không thể nói ra.

Shirley Manson, ca sĩ chính của ban nhạc rock Garbage, đã mô tả cảm giác này trong một bài viết về hành vi tự ngược đãi bản thân trên tờ báo New York Times. Bà đã viết "Tôi có khát khao muốn nói nhưng không thể tìm thấy giọng nói của mình". "Sự giận dữ tồn tại đến mức trực giác mách bảo nếu tôi hướng sự giận dữ ấy đến người khác, tôi rất có thể sẽ tự tống mình vào tù. Đây là một bước tự nhiên và thiết thực để mang sự giận dữ về lại bên trong, để nó hướng tới bản thân tôi", bà viết thêm.

Nếu bạn đang trải qua một giai đoạn khó khăn, việc nói chuyện với người mà bạn tin tưởng hoặc với các chuyên gia về sức khỏe tâm thần có thể giúp đưa ra những kế hoạch để đối phó tốt hơn với nỗi đau mà bạn đang chịu đựng.

🔸 ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN
Hành vi tự ngược đãi bản thân có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một vài người lại có nguy cơ cao hơn những người khác do kết quả của các chỉ số tương quan nhất định. Ví dụ, một vài người đã từng trải qua những biến cố trong cuộc sống khiến họ có nhiều khả năng tự làm tổn thương chính mình, chẳng hạn như lạm dụng tình dục, thể chất hoặc tình cảm; sống trong môi trường độc hại; đối phó với sự cô lập xã hội; đối mặt với khủng hoảng về bản sắc cá nhân; bị bắt nạt; hoặc vật lộn với việc hạ thấp lòng tự trọng.

Tự ngược đãi bản thân không phải loại bệnh về tâm thần có thể chẩn đoán được, nhưng nó có thể là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn. Một số bệnh có liên quan đến việc tự ngược đãi bản thân như rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm, rối loạn ăn uống, lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Ngoài những bệnh này, việc sử dụng ma túy hoặc lạm dụng rượu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực từ những người xung quanh, có thể khiến một người có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân một cách có chủ ý.

🔸 LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT NGƯỜI TÔI YÊU QUÝ ĐANG TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN HỌ

Những người tự ngược đãi bản thân thường có xu hướng nghĩ ra một số cách để giữ bí mật. Tuy nhiên, có một vài dấu hiệu cho thấy một người mà bạn biết có thể đang tự làm tổn thương bản thân họ, đặc biệt nếu họ cắt hoặc gây tổn thương trực tiếp lên da của họ. Những người này thường xuyên có những vết cắt mới, đặc biệt là ở tay và chân, hoặc đó là sẹo do những vết cắt trước đó gây nên. Họ cũng thường xuyên che giấu phần da bằng cách mặc áo sơ mi dài tay hoặc quần dài, ngay cả trong thời tiết nóng bức. Thường xuyên để những vật dụng sắc nhọn như lưỡi lam hoặc dao ở xung quanh cũng có thể là dấu hiệu của tự ngược đãi bản thân.

Một số dấu hiệu mà ta cũng có thể quan sát được, chẳng hạn như những vết cào trên da hoặc khoét lên vết thương, tự bứt tóc hoặc làm bản thân bị phỏng. Cũng có một số dấu hiệu về cảm xúc mà một người tự ngược đãi bản thân thường thể hiện, chẳng hạn như thường xuyên tự phê bình bản thân, hành vi bốc đồng, cảm xúc không ổn định, cảm giác tội lỗi hoặc tuyệt vọng, nghi ngờ bản thân hoặc xu hướng tính dục, hoặc có các mối quan hệ rắc rối.

Thật khó để nhận ra những người mà bạn quan tâm lại đang tự ngược đãi chính bản thân họ. Có thể bạn sẽ không dễ dàng trong việc tìm được câu từ thích hợp để nói với họ, nhưng điều quan trọng là hãy tránh đưa ra những bình luận mang tính phán xét hoặc kỳ thị. Tìm cách thể hiện sự ủng hộ và khích lệ để nhắc nhở họ rằng bạn vẫn luôn ở bên cạnh và không phán xét gì về họ.

🔸 TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP ĐỠ

Trong mọi trường hợp, việc tự tổn thương bản thân là vấn đề cần phải được xem xét cẩn trọng, ngay cả khi nó không phải là một thói quen thường xuyên. Nếu bạn phát hiện những người thân hoặc ai đó gần bạn đang tự ngược đãi bản thân họ, hãy cố gắng nói chuyện để giúp đỡ họ, bày tỏ sự quan tâm lo lắng của mình một cách bình tĩnh. Đó là một vấn đề có thể quá lớn để bỏ qua hoặc để ai đó tự giải quyết; việc cho thấy họ rằng bạn quan tâm có thể giúp họ trong một chặng đường dài.

Những người tự tổn thương bản thân thường mang cảm giác tội lỗi và xấu hổ về hành vi của mình, vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là khi họ mở lòng với bạn, bạn cần bình tĩnh đối đáp với họ chứ không nên nóng giận, hoặc không nên đặt những câu hỏi mang tính xâm phạm. Khuyến khích người đó nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần, người có thể giúp giải quyết bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào có thể đẩy họ đến việc tự ngược đãi bản thân. Hãy cho họ biết rằng bạn luôn sẵn sàng giao tiếp bất cứ khi nào họ cần ai đó trò chuyện và cố gắng xuất hiện khi họ cần sự giúp đỡ.

Tự ngược đãi bản thân là một vấn đề vẫn còn nhiều mơ hồ và nhầm lẫn. Việc trang bị cho bản thân thật nhiều kiến thức về vấn đề này có thể giúp đỡ bạn, để bạn trò chuyện một cách cởi mở và trung thực với những người thân đang đối mặt với việc tự làm tổn thương bản thân họ.

Mặc dù việc tự ngược đãi bản thân thường không có nghĩa là một người đang cố tự tử, nhưng đừng ngần ngại liên hệ liên hệ với các dịch vụ giúp đỡ khẩn cấp nếu bạn cho rằng người đó có nguy cơ tự gây thương tích nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng cho chính họ.

🔸 BỎ QUA NHỮNG LẦM TƯỞNG VỀ TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN

Việc mô tả một cách không chính xác về hành vi tự ngược đãi bản thân trong văn hóa đại chúng đã dẫn đến nhiều định kiến tiêu cực và khiến nhiều người né tránh việc nói lên những vấn đề của họ cũng như tìm đến sự giúp đỡ. Ví dụ, nhiều người tin rằng việc tự gây thương tích lên cơ thể là một cách để tìm kiếm sự chú ý. Điều này là sai sự thật, vì hầu hết những người tự tổn thương bản thân thường cảm thấy không dễ dàng gì khi nói về những điều mà họ đang trải qua.
Một sự nhầm lẫn khác về hành vi tự ngược đãi bản thân là việc lầm tưởng những người thực hiện hành vi này cảm thấy nó thú vị, và một số khác tin rằng hành vi tự tổn thương bản thân là hành vi tự sát. Không có bằng chứng nào cho thấy những giả thuyết này là đúng, vì nhiều người chuyển sang hình thức tự ngược đãi bản thân như một cách để đối phó với những cảm giác khó khăn và trải nghiệm đau buồn.

🔸 ĐIỀU TRỊ HÀNH VI TỰ NGƯỢC ĐÃI BẢN THÂN

Hành vi tự ngược đãi bản thân có thể dẫn đến một số vấn đề, bao gồm những thương tích chết người, sẹo vĩnh viễn, nhiễm trùng vết thương hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khác. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt có thể ngăn ngừa những biến chứng nặng hơn về sau. Có những lựa chọn điều trị hiệu quả có thể cho phép một người xây dựng cơ chế mới cho việc đối mặt với suy nghĩ và cảm xúc của họ.

Bước đầu tiên để được điều trị là liên hệ với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, họ sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn và tiến hành đánh giá chẩn đoán để xác định một kế hoạch điều trị phù hợp. Cuộc phỏng vấn này thường bao gồm các câu hỏi về tiền sử sức khỏe của bệnh nhân, kinh nghiệm sống và hành vi tự ngược đãi bản thân trong cuộc sống của họ. Nếu có các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn khác, chuyên gia có thể kê đơn thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, để giúp điều trị các triệu chứng đó.

Những liệu pháp cũng có thể được khuyến nghị với người điều trị để hướng dẫn cho họ những phương pháp mới trong việc đối phó, với các lựa chọn khác nhau như liệu pháp tâm động học giúp giải tỏa những trải nghiệm và cảm xúc trong quá khứ, hoặc liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào việc thay thế các mẫu suy nghĩ tiêu cực bằng các kỹ năng đối mặt mang tính tích cực hơn. Liệu pháp hành vi biện chứng cũng có thể giúp định hướng những kế hoạch mới để quản lý cảm xúc của bạn.

Trong lúc tìm kiếm liệu pháp điều trị, có một số cách thay thế để kiểm soát các tác nhân gây ra hành vi tự ngược đãi bản thân. Việc nói chuyện với người mà bạn tin tưởng khi bạn cảm thấy muốn tự làm tổn thương bản thân hoặc khiến bản thân quên đi những suy nghĩ đó bằng cách đi dạo, chơi game hoặc tìm đến một nhóm hỗ trợ trực tuyến cũng rất hữu ích. Khi bạn đang có suy nghĩ tự làm tổn thương chính mình, viết nhật ký hoặc viết ra cảm xúc của bản thân cũng có thể là một cách hữu ích để giải phóng những cảm xúc tiêu cực.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tranlate