3. Ác quỷ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có người nói  “Đời người cũng như một chuyến tàu. Những người mà ta gặp gỡ trên tàu, họ, mỗi người đều có một sân ga của mình. Một chuyến hành trình là như thế. Có những người vừa lên tàu đã xuống ngay, dù ta chỉ vừa kịp nhìn thấy họ. Có những người, khi xuống tàu vẫn để lại một nỗi nhung nhớ khôn nguôi và có những người luôn luôn ở đó, sẵn sàng đưa tay giúp đỡ khi ta cần.”

Qua hơn 12 năm đèn sách, những đứa bạn năm đó nó từng coi là thân nhất, những tưởng chúng nó sẽ đi cùng nhau đi đến bến ga cuối cùng nhưng rồi người xuống, người lên… Chúng nó giờ đây mỗi người một ngả. 

Có đứa bạn thân nó chơi từ hồi mẫu giáo. Tình bạn hơn 8 năm ấy vậy mà nói buông tay là liền buông tay. Đến bây giờ nghĩ lại, nó vẫn chẳng thể nào nhớ được, rốt cuộc năm tháng đó, giữa chúng nó đã xảy ra chuyện gì mà giờ đây đã không còn là bạn thân nữa. Cái gọi là “thân” nay chỉ còn là đã từng. Giờ giữa chúng nó á? Vẫn bình thường đối đãi_ như những người lạ biết nhau. Cả đời sau nếu có vô tình gặp nhau trên phố, e chỉ gật đầu chào nhau một cách đầy xa lạ. 

Có đám bạn cùng nó đi từ cấp một đến cấp hai, từng cùng nhau làm những chuyện khùng điên trên trời dưới đất, cùng nhau cười, cùng nhau khóc, cùng nhau hạnh phúc và cùng bảo vệ nhau khỏi cái tụi bắt nạt của lớp. Chúng nó cũng cùng nhau hứa hẹn đủ điều. Lúc đó đứa nào cũng tin tưởng vào lời hứa sẽ mãi mãi không bao giờ chia xa. Mà nào ngờ….quả bóng bay màu xanh xanh buổi trưa ngày tốt nghiệp đã mang lời hẹn ước của tụi nó gửi vào bầu trời dĩ vãng năm nào. Thế rồi tụi nó lên cấp ba, đứa thì lấy chồng, đứa học giáo dục thường xuyên, đứa học trường chuyên, đứa học trường nghề, thế là nhóm chúng nó dần dần tan rã. 

Cũng có tụi bắt nạt, bu bám nó từ thời cấp một đến cấp hai. Tụi chúng nó toàn những thành phần có máu mặt. Có đôi khi nó tự hỏi: Rốt cuộc là tại nó hay tại duyên trời, người không khá giả gì như nó lại vào cái lớp toàn con cái nhà tài phiệt của trường? Để nó bị bắt nạt, cũng để nó nhìn rõ được sự phân loại của xã hội từ sớm. Nó không e ngại đám người đó, chỉ là không thể nào hoà hợp. Nó ghét cái kiểu tụi nhà tài phiệt coi con người như cỏ rác, lấy người khác ra làm trò cười. Ở trường ở lớp nhưng sao cứ như cung điện hoàng gia, người hầu hạ cơm bưng nước rót, kẻ xu nịnh chạy lẽo đẽo theo sau. Nhìn kỳ lạ và cũng vô cùng ngứa mắt. 

Nó thấy ngứa mắt, nó thấy không ưa thật. Nhưng từ trước đến giờ nó luôn sống với tiêu chí “ nước sông không phạm nước giếng”.Chỉ cần người khác không làm gì ảnh hưởng đến cuộc sống của nó thì nó cũng chẳng rảnh rỗi mà đi sinh sự với người ta làm gì, nó mặc kệ coi họ cũng chỉ như người lạ qua đường. Nó nghĩ vậy nhưng chưa chắc người khác cũng nghĩ thế. Sự thờ ơ vô cảm của nó trước những con người đó như một hành động thể hiện sự đối nghịch với hội nhà giàu, cũng vô tình trở thành mồi lửa cho sự đàn áp và bắt nạt của hội tài phiệt với nó sau này. 

Nó là một đứa có tài trong lớp, từ vẽ, hát, múa đến học tập, nó đều là một cái tên sáng giá luôn có mặt trong top 10 của lớp, có khi của trường. Nó là một hình ảnh điển hình của con ngoan, trò giỏi trong mắt thầy cô - học giỏi, ngoan ngoãn, lễ phép và HIỀN. Nó đã tưởng cuộc đời mình sẽ viên mãn và vô cùng hạnh phúc cho đến khi một tin đồn kinh khủng về nó như một cơn cuồng phong đổ bộ vào khối lớp nó đang theo học. “Nó giả giọng”.

Lời đồn đại vốn dĩ là vô căn cứ, nhìn thế nào thì đó cũng chỉ là một lời nhận xét ác ý qua loa. Không ai nghĩ rằng, một lời nói vô thưởng vô phạt như vậy lại có thể làm ảnh hưởng lớn đến tuổi thơ của một đứa trẻ. Ngay cả chính nó cũng đã lầm tưởng như vậy! Không quan tâm, không để bụng và cũng chẳng có một hành động giải quyết dứt khoát nào được nó đưa ra. Chính vì sai lầm thờ ơ đầy tai hại đó của nó vào lúc đó đã để lại một vết nhơ trong cuộc đời nó sau này. 

Sau ngày hôm đó, mỗi ngày đi học với nó liền trở thành một cực hình đáng sợ. Luôn có những ánh mắt nghi kị, những lời xì xầm bàn tán, những cái chỉ chỏ không mấy thiện cảm hướng về nó mỗi lần nó xuất hiện. Nó luôn có cảm giác mình như một mẫu vật đáng thương đang nằm bất động bị những người xung quanh dùng dao tách từng lớp thịt rồi đặt lên tiêu bản soi qua soi lại dưới kính hiển vi. Nhưng nó cũng chẳng thể nào phản kháng nổi. Họ ở trong tối, nó ở ngoài sáng, chẳng thể nào mà thu thập bằng chứng, không có cách nào để ba mặt một lời được. Cứ như vậy, cái biệt hiệu “ đồ giả giọng” đi theo nó tới tận những năm cấp hai đến nỗi mỗi lần nhắc đến nó thì ai cũng nghĩ đến cái biệt hiệu này. Biệt hiệu đó như một nỗi ám ảnh mà cả đời này nó muốn giấu đi, không muốn chạm vào nữa. Nó ám ảnh đến nỗi suốt mấy năm trời, đêm nào trong mơ con bé cũng ước, ước rằng phải chi nó không nói giọng chuẩn, phải chi giọng nó không hay, phải chi thầy cô không luôn kêu nó hát và đọc bài cho lớp thì có lẽ cái biệt danh ấy sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Những đêm đó lúc nào gối nó cũng ướt đầm đìa.

Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó. Hội nhà giàu ngày càng quá quắt hơn. Cho đến một lần…đó có lẽ là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nó làm thế. Nó đã dùng bạo lực để đánh trả lại bạo lực. Nó biết việc đó không đúng và cũng không nên, giờ nghĩ lại nó thật sự rất hối hận. Phải chi lúc đó nó đã bình tĩnh hơn. Nếu bình tĩnh mà suy xét mọi việc chắc chắn lúc đó nó sẽ không hành động nông nổi và ngu ngốc như vậy. Năm đó trường đó phát động viết thư upu lần thứ mấy thì nó cũng chẳng nhớ. Nó chỉ nhớ nội dung mang máng của đề là : Hãy tưởng tượng em là một cái cây và em nói chuyện với một cái cây khác về vấn đề chặt cây, phá hủy rừng. Lần đó là năm đầu tiên con bé tiếp xúc với cuộc thi viết thư upu. Vốn là một đứa trẻ có niềm yêu thích văn học từ bé, con bé hào hứng lắm, nó đã bỏ công sức lên mạng tìm ý tưởng, xem các video nói về việc tàn phá cây rừng, nó viết đi viết lại nhiều lần, sửa tới sửa lui, mãi mới viết được một bức thư ưng ý. Ngày nó nộp bức thư, người ta có thể nhìn thấy niềm hạnh phúc hiện diện trên mặt của nó. Anh Phương được cô giao trọng trách tập hợp bài viết của các bạn rồi giao nộp lại cho cô. 

Nói đến Anh Phương, cậu ấy là một cô gái hướng ngoại và vô cùng xinh đẹp, gia đình giàu có và cũng là một thành viên chủ chốt của hội con nhà tài phiệt. Cậu ấy cũng rất nổi tiếng trong lớp, luôn được bạn bè và thầy cô trong trường yêu quý. Ban đầu, Anh Phương là một trong những người đầu tiên muốn rủ rê nó vào nhóm, nhưng rất nhanh chóng nó xin ra khỏi nhóm rồi trở thành đối tượng bị bắt nạt và nói xấu của cả hội. Nó từng nghĩ nếu lúc đó không xin rút khỏi nhóm thì có lẽ bọn họ cũng chẳng muốn hắn ở lại. Bọn họ cho rằng nó khinh thường bọn họ, không phục tùng theo lời nhóm trưởng nên cũng có ý không muốn cho nó vào nhóm nữa. Mà thực sự thì bọn họ nghĩ cũng không hề sai. Nó vốn dĩ cũng không có ý định tôn trọng bọn họ cho lắm. Nó không hiểu nổi thế giới của những người đó. Những cuộc nói chuyện của bọn họ toàn xoay quanh những chàng trai, cô gái, tình yêu và những thứ xa xỉ- những nội dung mà nó nghĩ một đứa trẻ mới tiểu học như nó chưa nên nghĩ tới. Nó cũng không muốn nghe theo lời nhóm trưởng vì lời nhóm trưởng là tụ tập và nói xấu những bạn không có mặt, là cung phụng và chạy theo hầu hạ những thành viên chủ chốt, là phải coi nhóm trưởng như bà hoàng. Ở một phương diện nào đó, nó đã manh nha nhận ra suy nghĩ của hội nhóm này có chút lệch lạc và đi theo nhóm đó quả thực là một việc không đúng đắn. 

Rồi cái gì đến thì cũng đến. Ngày cô tổng hợp bài viết của lớp, cô đã gọi nó lên bảng phê bình nó vì không nộp bài thư upu cho cô. Nó sửng sốt giải thích với cô là nó đã nộp bài rồi, nó còn là một trong những người đầu tiên nộp nữa cơ. Nhưng cô không tin nó, cô bảo rằng Phương xác nhận chưa từng nhận được bài của nó. Nó nói phương lên đối chất, cậu ấy vẫn mặt tỉnh bơ mà nói dối. Cô hỏi có bạn nào làm chứng không? Nó thở dài. Lúc đó nó vui quá, vội tới lớp sớm để nộp ngay, nộp bài từ sớm, lớp làm gì có ai mà làm chứng. Ấy vậy mà cô hỏi, khoảng mười mấy cái tay dơ lên, ai cũng bảo Phương không nói dối. Vậy là cô phạt nó, bắt nó viết bản kiểm điểm rồi viết lại một bài mới nộp cô. Nó uất ức lắm nhưng cũng không biết làm gì. Chỉ đành nín nhịn mà chịu đựng. 

Vài ngày sau đó, cô giáo cũng chẳng còn hơi sức đâu mà để ý đến chuyện nó nộp bài hay chưa, âu cho cùng cũng chỉ là đủ doanh số. Cô không chờ nó nộp bài nữa, cô công bố với cả lớp, bài được chọn để đi dự thi của trường. Cô bảo lớp nó có một bài được chọn, là bài của Anh Phương. Lúc đó, không hiểu vì sao lòng nó lại như lửa đốt, nó có cảm giác bất an cực kì. Cô bảo Anh Phương lên bục giảng đọc bài của mình cho các bạn nghe, cô còn khen bài viết quá trời. Anh Phương bắt đầu đọc. Câu đầu tiên cất lên, câu thứ hai rồi câu thứ ba….đây rõ ràng là bài của nó mà! Không giữ được bình tĩnh, nó đứng phắt dậy, nước mắt đã trào ra từ lúc nào, nó đi một mạch lên bục giảng trước sự ngỡ ngàng của cô giáo và cả lớp, giựt lấy tờ giấy trên tay Anh Phương xé đôi. Cô giáo ngạc nhiên: “Em đang làm gì vậy?”. Con bé gằn giọng: “ Đây là bài của em”.

Cô giáo hình như tức lắm, cô quát rồi chỉ tay về phía góc tường: “ Đứng úp mặt vào tường ngay cho cô. Đứng đó cho đến cuối giờ”. Con bé khóc. Nó khóc hệt như một đứa trẻ. Ai nói ai cười thì nó cũng mặc kệ. Đó là lần đầu tiên nó khóc trước mặt người khác lại là nhiều người như thế.

Thú thật lúc đó con bé ghét bản thân mình vô cùng tận. Nó ghét bản thân yếu đuối, ghét bản thân với cái tính cứ mỗi lần cãi nhau là khóc. Nó sẽ không khóc khi bị mẹ đánh đòn thật đau, cũng không khóc khi bị vấp ngã, không khóc khi xui xẻo, cũng không khóc khi mọi chuyện nó muốn chẳng thành, nó chỉ khóc khi bản thân bị đổ tội , bị hàm oan và bị hiểu lầm. Cứ như thể những giọt nước mắt nóng hổi trên má nó lúc này là vì uất nghẹn nói không nên lời mà trào trực tuôn ra.

Nó ghét bản thân mình một thì nó ghét cái mặt tối của cái xã hội này mười. Nó ghét việc cô giáo chỉ tin một phía mà không điều tra rõ, nó ghét việc tụi nhóm con nhà tài phiệt đoàn kết với nhau đổ oan cho nó, nó ghét cả cái xã hội thu nhỏ mang danh trường học nhưng hoá ra cũng chỉ làm việc theo tiền và lợi ích này.  Khóc đã rồi thì nó ngừng. Nước mắt không còn rơi nữa. Chỉ là…lúc những giọt nước mắt cuối cùng của nó ngừng rơi thì cũng là lúc cái hi vọng về thế giới này của nó hoàn toàn sụp đổ. 

Điêù đó làm nó vô cùng sợ hãi. Nó sợ hãi chính bản thân mình hay nói đúng hơn là nó sợ hãi chính con ác quỷ trong nó xuất hiện. Từ rất lâu rất lâu nhiều năm về trước, trong một lần mất kiểm soát cảm xúc, nó vô tình phát hiện có một con quỷ đang ẩn nấu thật sâu bên trong từng tầng tầng lớp lớp con người của nó. Con quỷ ấy vô cùng gian xảo, cũng vô cùng ác độc, nó lúc ẩn lúc hiện, ẩn khuất thật sâu bên trong, chỉ chực chờ cơ hội lộ diện rồi cắn nát phần người. 

Con bé biết rõ bản thân nó là kiểu người nếu để nó ở môi trường tốt, nó sẽ trở thành một con người tốt nhưng nếu vứt nó vào môi trường xấu, nó chắc chắn sẽ chẳng giữ nổi mình trong sạch. Nên mặc dù đã nhiều lần biết rõ nhưng nó lại phải vờ như đui mù, vờ như chưa hề thấu tỏ để nó có thể giữ tâm mình trong sáng, lòng mình thanh tịnh, để nó vẫn có thể vờ như nó vẫn là một nàng công chúa hồn nhiên trong cái lồng kính màu hồng mà người lớn xây dựng cho lũ trẻ chúng nó đấy thôi. Nó không muốn nhìn nhận mặt tối đó càng không muốn con quỷ trong nó có cơ hội xuất hiện. 

Nhưng việc giả vờ thì nào có dễ chịu bao  giờ, chỉ là vì để có thể giữ được sự thiện lương cuối cùng, nó đã chấp nhận tự lừa mình dối người, vờ như nó có lòng vị tha để bỏ qua mọi chuyện, vờ như nó có đầy lòng bác ái.  Nhưng chỉ có mình nó là hiểu rõ nó vốn dĩ chẳng phải là nàng công chúa trong lồng kính màu hồng ấy. Tất cả chỉ là nó vờ như thế. Và việc ngày càng trốn tránh, càng lún sâu vào cái thiện lương giả tưởng ấy đã làm cho nó ngày càng khổ sở. 

Lúc này đây, nó thực ghét việc nó đã nhìn ra được cái mặt đen tối đó của xã hội để rồi nó tự biến mình thành một con người đầy gai góc quá sớm, thành một bà cụ non không mấy dễ chịu quá vội vàng. Nó ước chi ông trời sinh ra nó vô tư một chút cũng được, ngốc nghếch một tí thì cũng chẳng sao để nó không phải khổ sở như bây giờ.  

Giờ ra chơi, cô bước ra khỏi lớp, cuối cùng thì nó cũng đã có thể thở phào. Nó toan bước đi thì Anh Phương, Hiền và Ly lại gần, bao quanh nó. Nó đưa mắt nhìn bọn chúng, gằn giọng hỏi: “ Mấy bạn làm gì đó? Tránh qua cho tôi đi ra”. Ly chống tay vào tường rồi nhìn nó hỏi: “ tưởng mày giỏi lắm mà? Kêu đi! Rồi để xem cô đứng về phía mày hay đứng về phía tụi tao. Hiền không nói gì, chỉ nhìn nó đầy vẻ châm chọc, cười khanh khách, cái giọng cười rõ là chói tai. Phương đứng chống nạnh nãy giờ lúc này mới lên tiếng: “ liệu hồn thì mày nên biết điều viết lại bài khác cho tao đi nghe chưa con ranh?”. Nói rồi cả bọn chúng nó cười khà khà rồi quay lưng bỏ đi. Trông nó lúc này không khác gì một con bé đầy yếu đuối và bất lực, đang đứng như trời trồng và chờ sự thương hại,  nhưng nào ai hay biết, phía sau gương mặt trông có vẻ yếu đuối và vô hại đó là một con quỷ với nụ cười nhếch mép đang manh nha xuất hiện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro