CHƯƠNG 7 - TRƯỢNG HÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


THA DỮ ĐĂNG

Dịch: Tịch Dương Mùa Hạ

"Sau bốn mươi trượng, tận mắt thấy Tống Tử Minh chết thảm, y liền sụp đổ mà khóc thất thanh. Mấy trượng sau cùng ấy... cổ họng nghẹn ngào, chỉ có thể phát ra mấy tiếng cực kỳ oán hận từ trong phế quản. Là phản bội, cũng là vứt bỏ."

CHƯƠNG 7: TRƯỢNG HÌNH

---

Bên ngoài, Cố Hữu Hối xách cổ Trương quản sự, đặt lên đầu đá sư tử trước cổng. Trương quản sự rất thấp bé, bị Cố Hữu Hối xách như vậy thì chân không chạm được xuống đất, tay bất lực mà cào loạn giữa không trung. Dáng vẻ vô cùng nhếch nhác.

Những tiểu đồng khác thấy hắn ngạo mạn tới vậy, không ai dám cản lại, đành phải vây quanh hai người. Đang lúc giằng co, cánh cổng kẽo kẹt một tiếng rồi bị đẩy ra. Mọi người quay đầu lại. Trận tuyết lớn cuốn hút ánh mắt người khác, hắt lên cánh cổng màu đỏ thẫm tựa như những mảng ngọc. Tống Giản đứng trước cổng, vạt áo trực xuyết(1) màu trắng xanh len qua cánh cổng mà hòa mình trong gió tuyết.

Đã hai năm Cố Hữu Hối không gặp Tống Giản. Trước đây bọn họ đều sinh ra trong tầng lớp sĩ phu. Phụ thân lại là những nhà nho lớn trong giới văn hào, là lãnh tụ tinh thần của các sĩ tử Đại Tề trong thời đại này. Quen biết từ thuở thiếu thời, từng có biết bao lần đối ẩm tâm tình giữa đêm khuya, nhìn thấy chí hướng xuất sĩ báo quốc trong mắt đối phương. Nhưng chẳng ai ngờ, sau đó một người lên núi làm kẻ tu hành lêu lỏng, một người gặp họa diệt môn, phải đứng lên cầm đao hướng về kẻ mình từng xem là chủ tử. Dù là ai trong bọn họ cũng không thể mở miệng thốt ra hai chữ: nhân sinh.

"Tống Giản, Tống đại nhân, biển hiệu này lớn quá nhỉ?"

Cố Hữu Hối bình thản buông tay ra. Trương quản sự dính chặt trên đầu đá sư tử, mông trượt xuống đất, lại cuống quýt giãy giụa đứng dậy, chạy đến bên cạnh Tống Giản.

"Gia, có cần báo quan phủ không?"

"Không cần. Các người quay vào đi."

Trương quản sự vẫn không yên tâm. "Vậy không được đâu. Bọn tiểu nhân đi theo gia, gã này không có ý tốt đâu."

Giọng Tống Giản không lớn, nhàn nhạt lặp lại hai chữ: "Đi vào!"

Mọi người đều biết tính tình y, thấy sắc mặt y ngầm biến đổi thì không dám nói nữa, căm giận bất bình mà lui về phía sau cánh cổng.

Tống Giản bước vài bước về phía trước, xuống bên dưới thềm đá.

"Huynh tới Thanh Châu tìm ta là vì chuyện gì? Chắc không phải là tới ôn chuyện chứ?"

Y còn chưa nói hết lời, Cố Hữu Hối đã gác kiếm lên bả vai nói, "Tống Giản, muốn ôn chuyện thì đợi đến mai đi. Bây giờ ta hỏi huynh một câu, huynh có muốn mạng cô công chúa gì đó không?"

Tống Giản cười một tiếng khác lạ. Dáng vẻ hắn sốt ruột đến mắt đỏ hồng như thế, hóa ra là vì Kỷ Khương.

"Sao nào? Huynh gặp cô ta rồi ư?"

Cố Hữu Hối bước lên trước một bước. "Nha môn phủ Thanh Châu. Cô ta sắp bị bọn chúng trượng hình rồi."

---Tịch Dương Mùa Hạ---

Kỷ Khương bị nha sai bắt ngay trước cổng thành Thanh Châu. Lúc đó Cố Hữu Hối đã rút kiếm ra khỏi vỏ rồi, nhưng lại bị nàng ngăn lại. Tuy nàng không hiểu rõ giang hồ là nơi thế nào, cũng không biết nguồn gốc của nhẫn ngọc phù dung và sự cố chấp mà Cố Hữu Hối gọi là "mệnh của cô chính là mệnh của ta" từ đâu ra, nhưng nàng hiểu rõ, một hiệp khách đơn đả độc đấu sẽ không địch nổi mấy mươi thủ vệ giữ thành cầm đầy binh đao.

Nhưng mà chạy trốn thì có thể.

Thế là nàng nhét bọc đồ chứa thánh chỉ trong tay mình cho Cố Hữu Hối. "Mau chạy đi!"

Trong mắt Kỷ Khương, tai ương lao tù bất ngờ này không phải kiếp nạn, mà là báo ứng mà Tống Giản muốn chính tay hoàn trả cho nàng. Vì vậy nàng cũng không cần phải kéo gã liều lĩnh Cố Hữu Hối nhảy vào.

Chế độ hộ tịch Đại Tề từ lâu đã rất nghiêm khắc. Vào thời kỳ Tống Tử Minh đảm nhiệm chức thủ phụ cũng là thời kỳ đỉnh cao. Tạo ra hoàng sách (2), hộ thiếp (3), ra vào châu huyện cần phải có lộ dẫn ra vào của quan phủ, nếu không sẽ bị xem là lưu dân, phạt giam giữ và trượng hình.

Mà trong tình trạng Thanh Châu và Đế Kinh giương cung bạt kiếm như hiện nay, một nữ tử không có hộ thiếp, cũng không thể xuất trình lộ dẫn như nàng đương nhiên rất dễ chọc phải thần kinh của bọn quan phủ nhạy cảm.

Nhưng người của Đông Xưởng đã ra tay ở Trường Sơn, vậy thì phủ Thanh Châu cũng không an toàn. Vì vậy nàng không dám nói thẳng thân phận của mình. Ít nhất là không thể nói trước khi gặp được Tống Giản.

Cho nên chuyện này thực tế là một kế hoạch tàn nhẫn mà lại trót lọt. Y muốn trả cho nàng trận phạt hình năm đó trên Văn Hoa Điện, còn phải tạo cho nàng một tội danh quả thật không thể phản bác, khiến nàng không thể nói được gì, chỉ đành phải cắn răng, ngậm ngùi cho qua.

Tri phủ Thanh Châu Dương Khánh Hoài là người rất lười hỏi chuyện. Lúc này lại gần đến ngày Trừ tịch(4), binh sĩ thủ thành dẫn các lưu dân ra, hắn lười biếng thăng đường, hỏi qua loa mấy câu, phát hiện đều là người nơi khác tới. Có người từ phía nam chạy loạn tới, có người là thương nhân bôn ba làm ăn, còn có những trường hợp vân du bán nghệ kiếm sống, tình cảnh rất phức tạp khiến hắn đau đầu. Bên Tống Ý Nhiên lại cử người tới mời hắn đi ăn lẩu. Dương Khánh Hoài lười xét xử từng trường hợp, đơn giản là cứ phán giống hệt nhau.

"Lôi ra trước cổng nha phủ hết đi, lột y phục đánh bốn mươi bản trước mặt dân chúng. Đánh xong thì đuổi về quê. Dân chạy nạn thì ban ân điển, lão gia nhà nào ưng ý thì cho họ dắt về phủ bổ sung hộ tịch."

Nha dịch biết lão gia lại muốn đến chỗ mỹ nhân, nói nhiều cũng không tốt. Nhưng vì trong số này lại có Kỷ Khương. Dù sao cũng là nữ tử, đành phải nhiều lời nói thêm một câu. "Lão gia à, trong đó có một nữ tử, bốn mươi bản thì không ổn lắm đâu. E là sẽ lấy mạng người đó."

Dương Khánh Hoài thích nữ nhân, cũng cực kỳ hiểu nữ nhân. Những nữ tử lưu lạc tha hương kiểu này thường chẳng có kỹ năng gì cả, bị đánh thì gần như không sống nổi. Vừa nghe nha dịch nói có nữ tử, trong lòng liền đoán là mấy cô gái bán nghệ ca hát đánh đàn, liền khơi dậy hứng thú.

"Trông có đẹp không?"

Hỏi vậy thì bảo nha dịch nên nói thế nào đây? Nếu Dương Khánh Hoài thật sự bị nữ tử này làm vướng bận thì Tống Ý Nhiên nhất định sẽ lột da hắn mất.

"Đẹp, đẹp... nhưng so với Tống phu nhân của lão gia thì vẫn... dạ, kém chút xíu. Lão gia, phu nhân đã cử người tới giục rồi đấy."

Hứng thú của Dương Khánh Hoài đến nhanh, đi cũng nhanh. Dù sao Tống Ý Nhiên cũng là nữ tử hắn mang về từ trong khói lửa, phong tình chói lọi quyến rũ ánh mắt người khác, lại bị cát vàng và máu tươi ươm mầm đến tuyệt không thể tả. Tứ chi mềm mại như rắn, trái tim lại tàn nhẫn như gươm đao, khiến Dương Khánh Hoài muốn ngừng cũng không được. Cũng đúng. Trên đời này làm gì còn có nữ tử nào tuyệt diệu hơn Tống Ý Nhiên chứ?

Thế là hắn đứng dậy, xua xua tay. "Bỏ đi, bỏ đi. Nói với nàng là bây giờ lão gia sang ngay. Còn nữ tử kia, các người không biết nhẹ tay một chút sao? Chết không quan trọng, nhưng phiền phức cho ta lắm."

Từ cửa sau nha môn, hắn cưỡi ngựa quất roi mà đi.

Trước nha môn đã đông nghịt người vây xem náo nhiệt. Con người đều có lòng hiếu kỳ, nhất là trong thời đại hỗn loạn này. Phàm là bá tánh khá giả mặc được quần áo lăng la(5), ăn mì thịt bằm, trừ khi trong nhà có chuyện đồng áng bận rộn thì đều thích xem chuyện quan phủ giết người hay hành hình trước nha môn.

Người chốn phố chợ, chuyện nhục nhã đều tiết lộ ra ngoài, thậm chí còn có thể mang ra bàn luận. Điều này khác hẳn với bản chất cung đình, thể diện quý tộc tuyệt đối không thể mất trong tay bọn người hầu. Kỷ Khương nhớ, cho dù là Tống Tử Minh năm đó vênh váo thế nào, dám la rầy trước mặt hoàng đế, cũng phải quỳ trước mặt tiên đế, đoan chính dập đầu ba cái. Thỉnh tội xong, đợi sau khi tiên đế tha thứ rồi mới được mở miệng.

Cho dù chỉ là hình thức, thì điều này cũng đại diện cho tôn nghiêm của hoàng gia và quyền lực chí cao vô thượng của hoàng quyền.

Đây cũng chính là thứ mà Tống Giản muốn tước đi từ nàng. Kỷ Khương hiểu rõ điều này, trái lại trong lòng càng thản nhiên.

"Này, ngày mai là lập xuân rồi."

Một nam tử bán nghệ trên giang hồ đang quỳ chờ hành hình cạnh nàng sâu kín nói. Tất cả mọi người bên cạnh, bao gồm cả Kỷ Khương đều đang run rẩy.

"Phải đấy. Vượt qua trận này, đi đâu dưỡng lại cho khỏe đây?"

Một người khác mặt ủ mày ê ngẩng đầu lên.

Tuyết rất lớn. Trước chỗ họ quỳ là một mảnh trắng xóa mịt mù. Phía sau lại bị đám người xem náo nhiệt giẫm đạp đến mức lầy lội. Kỷ Khương vốn sợ bẩn. Từ bé, ngay cả một hạt bụi nàng cũng không chịu được. Lúc này cũng chỉ có thể dịch chuyển đầu gối đã ma sát đến chết lặng, cố hết sức có thể mà di chuyển về phía trước.

Kỷ Khương là nữ tử duy nhất trong đám người, lại có khí chất vượt trội, y sam đơn bạc phác họa ra dáng người duyên dáng. Hầu như tầm mắt mọi người đều dán vào nàng. Bàn luận xôn xao không kể, thậm chí còn có người có ý đồ động tay động chân mà trêu ghẹo nàng. Đám nam nhân chờ hành hình đều thương hại nàng, cố gắng dịch chuyển, chừa lại một vị trí ở giữa cho nàng.

"Cô nương à, đi bên này này."

Nàng còn chưa kịp động đậy, đám người phía sau đã nhốn nháo cả lên.

Kỷ Khương ngẩng đầu, nhìn thấy cánh cổng to lớn của nha môn mở ra, người bên trong cầm trượng trúc và bàn quỳ ra, chuẩn bị sắp xếp một khoảng đất trống trước cổng.

Trượng trúc to khoảng ba tấc rộng, một tấc dày, còn sơn đỏ trên đầu.

Người hiểu chuyện đều biết, dụng cụ hành hình có kích cỡ to lớn thế này là để uy hiếp tội nhân, khiến các đồng hương khác khiếp sợ, đau thì có đau, nhưng không phải thứ lấy mạng người.

Các nha dịch dọn bãi xong liền tới kéo người đi.

Người chờ hành hình đều biết sớm muộn gì cũng phải chịu trận này nên không bộc phát, im lặng bị bọn nha dịch đè xuống, nằm sấp trên ghế hành hình, tay chân đều bị trói lại. Không tới thời gian nửa chén trà nhỏ, mười mấy người đều không thể động đậy. Dưới thân bị cởi chỉ còn lại tiết khố. Trừ Tống Giản, thân thể Kỷ Khương trước giờ chưa từng bị nam nhân nào khác nhìn thấy. Lúc này nàng có miệng cũng không thể nói, chỉ có thể liều mạng cắn môi, nuốt xấu hổ và phẫn nộ xuống cổ họng.

Nha dịch cầm đầu phất tay, các nha dịch liền bước lên, gác gậy chuẩn bị.

Trượng trúc lạnh lẽo tuy rằng chưa trực tiếp tiếp xúc với da thịt, nhưng loại cảm giác áp bức này vẫn khiến mọi người có mặt đều run rẩy cả hai đùi. Đám đông xem náo nhiệt cũng bắt đầu ồ lên, ánh mắt một lần nữa lại tập trung vào đôi chân thon dài của Kỷ Khương. Kỷ Khương chôn mặt vào cánh tay, cắn chặt môi. Ý nghĩ lại bị kéo về cảnh tượng ba năm trước trong Văn Hoa điện.

Tống Giản cũng giống như thế này, bị trói chặt trên ghế hành hình ở Văn Hoa điện. Kỷ Khương quay lưng đứng bên ngoài. Trong điện lan tỏa mùi máu tươi nồng nặc và hương thụy não đốt trong cung đình, liên tục rót vào mũi nàng.

Nàng biết Tống Tử Minh ắt phải chết, biết Hứa Thái hậu muốn diệt tận gốc lớp áo thế gia cao quý của Tống gia, cũng biết thứ một trăm trượng này phá vỡ không phải làn da của Tống Giản, mà là thân phận hậu nhân quyền thần của y, tôn nghiêm hậu nhân thế gia của y.

Đó cũng là lần đầu tiên, Kỷ Khương nghe thấy tiếng khóc rống thảm thiết của Tống Giản. Ban đầu y còn ẩn nhẫn. Sau bốn mươi trượng, tận mắt thấy Tống Tử Minh chết thảm, y liền sụp đổ mà khóc thất thanh. Mấy trượng sau cùng ấy... cổ họng nghẹn ngào, chỉ có thể phát ra mấy tiếng cực kỳ oán hận từ trong phế quản. Là phản bội, cũng là vứt bỏ.

Mỗi câu mỗi chữ còn tàn phá trái tim người khác hơn là nỗi đau da thịt. Là chính tay Kỷ Khương hủy hoại y. Lúc nhặt xác cho Tống Tử Minh trên điện, thậm chí nàng không dám nhìn Tống Giản. Chàng nam tử trẻ tuổi mình đầy thương tích nằm trên ghế hành hình, quanh người dường như mờ ảo một làn sương máu, mà mỗi bước đi của nàng đều giẫm lên tôn nghiêm y đã từng có.

----

(1) Trực xuyết: : Kiểu trang phục phổ biến, thịnh hành trong giới văn nhân, sĩ phu thời xưa.

Có ảnh minh họa kiểu áo này mà mình đăng ảnh trên Wattpad không được, nên quởn thì bà con vào wordpress mình xem nghen.

(2) Hoàng sách: Vào thời Minh, Thanh, vì để quản lý hộ khẩu, nam nữ sinh ra đều được ghi lại vào sổ. Bìa sổ có màu vàng, nên gọi là hoàng sách.

(2) Hộ thiếp: Sổ ghi lại sản nghiệp ruộng vườn hoặc nhân khẩu của mỗi hộ.

(3) Trừ tịch: Đêm Giao thừa.

(4) Lăng la: Tên một loại tơ lụa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro