CHƯƠNG 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thay đổi môi trường sống quả là một điều gì đó khó khăn.
Nhưng thay đổi thời đại sống thì quả là khó khăn gấp bội. Yến Loan phải cố gắng hết sức mình để làm quen với cuộc sống mới và con người nơi đây.
Ngày trước ở thế giới hiện đại, nàng cũng xem những bộ phim về đề tài xuyên không. Tuy nhiên dù sao phim cũng chỉ là phim, chuyện ăn uống quần áo giày dép là chuyện của đoàn ê- kíp, chứ không phải là khó khăn mà diễn viên phải lo liệu. Lúc đầu nàng cũng không mấy để ý những chuyện vặt vãnh, nhưng kể từ lúc dì Đủ mang đến cho nàng một bộ đồ được gấp gọn gàng, nàng gần như tròn mắt nhìn.
- Đồ của cô bẩn hết rồi, mà nhìn cũng kì dị, không hợp vùng này. Đây tôi cho cô mượn tạm bộ.
Nàng lí nhí cảm ơn, rồi nhìn xuống bộ đồ đang mặc. Hồi còn ở thế giới hiện đại, vì là đi khảo sát các di tích lịch sử mà phần nhiều là đền chùa, nên nàng cũng biết ý, mặc quần bò dài và sơ mi kê thụng, vừa không quá phản cảm mà lại dễ vận động.
Nàng đưa hai tay nhận, rồi bắt đầu mở xem bộ quần áo. Ngày trước, nàng vẫn hay đọc sách, nghiên cứu vấn đề trang phục xưa, đặc biệt quan tâm thời Lý- Trần. Trong sách viết rằng, thời Lý nước ta nhiều mỏ vàng, đất nước gìau có, nên đời sống vua chúa xa hoa, dân thường cũng hay được thế lấn lướt quá độ, như trong sách viết rằng có nơi người dân dùng chỉ vàng thuê vào quần áo cho giống nhà quan. Nhưng dù sao dì Đủ cũng chỉ là người ở, áo quần vẫn đơn giản: áo giao lĩnh màu lục sẫm, yếm nâu, váy màu sẫm, thường cũng màu sẫm, dây đai trắng. Nàng hơi phân vân cách thắt dây đai, bèn quan sát quần áo mà dì Đủ đang mặc. Dì Đủ thấy nàng nhìn chằm chằm, bèn "A" lên một tiếng nhỏ, rồi nói:
-À chắc cô cũng muốn tắm rồi. Đi ra phía đằng sau nhà này, sẽ thấy một cái ao lớn, ở đấy có vách quây với chum vại cho đàn bà tắm đấy. Dùng gàu múc nước vào chum, nhớ quây kín vào. Cô người mới lắm người tò mò, có gì cứ hô hoán lên cho nó sợ, nó chừa!
Nàng nghe một hồi, hơi thất kinh. Thấy người đàn bà này phúc hậu mà lại rất quan tâm, nàng vô cùng cảm động, gần như muốn rơi nước mắt. Người Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn chất phác, thuần hậu như thế, dù nàng gặp cơn hoạn nạn nhưng cũng không khỏi thấy ấm lòng.
Tắm ao với nàng quả là mới lạ, nhưng cũng rất thú vị. Trời hè nóng oi ả, nước ao trong mát, gió thổi đìu hiu ru cành tre phơ phất thật sự xoa dịu lòng người. Nàng nhìn làn ao trong vắt, thỉnh thoảng còn thấy vài chú cá bơi lội mà tiếc nuối cho môi trường thời đại nàng sống bị hủy hoại.
Tắm rửa xong xuôi, nàng mặc yếm và khoác lên mình chiếc áo giao lĩnh quen mà thật lạ. Áo giao lĩnh này may tay gọn, rất phù hợp với người hay phải làm việc. Nàng bèn lấy chiếc lược bí trải lại mái tóc rối, bẽn lẽn lên nhà. Lúc này đã là quá trưa, mọi người đã ăn cơm xong, các bác, các chị hầu đang ngồi gặm sung, gặm ổi dại rồi buôn lê bán chuối. Nàng từng đọc một văn tự cổ Trung Hoa, viết rằng phụ nữ Việt Nam ngày xưa rất trắng. Trước khi đọc sách, nàng không cho là như vậy, vì người phụ nữ phải lao động vất vả nuôi chồng chăm con, cặm cụi dưới trời nắng oi ả, nhận xét đàn bà trắng trẻo nghe thật lạ. Nhưng nay tận mắt nhìn " nguyên mẫu", nàng không tin cũng không được. Da ai cũng trắng dù bóng mồ hôi, ai cũng mặt mũi sáng sủa, má hồng nhuận sức sống, duy có vài chị răng bị hô hay lỗ mũi quá rộng. Dù là hầu nhưng không ai kham khổ như những bộ phim xưa từng kể. Mọi người mặc váy nhưng ngồi dạng chân, hay bó gối cười hô hố, nhìn phàm tục nhưng vui vẻ.
Yến Loan bẽn lẽn bước ra trình các bà các chị. Nhìn thấy nàng đầu tiên là dì Đủ, dì mỉm cười, rồi đi lại chỗ nàng chỉnh lại chiếc đai váy và thường quấn còn vụng về. Con Chanh đang ngặm ổi xanh, nó há hốc mồm nhìn nàng, rồi bĩu môi nói với chị Mít điều gì đó. Chị Ngà, chị Miên, chị Dung chụm đầu bàn tán, rồi cười hí hí. Nàng hơi xấu hổ, như mình mặc một bộ đồ quái dị đứng trước cả đám người lạ chòng chọc soi mói. "Lấy lại can đảm nào!" Nàng tự nhủ, rồi lên tiếng:
- Công việc của em là gì ạ?
- Thế chị biết chăn trâu không? - Chanh hỏi rồi cười khúc khích.
- Ấy cô em, gì ham làm thế. Đang nghỉ trưa. Cô em lại mới tỉnh, lại đây hàn huyên với chị em nào!- chị Dung nói, mắt lúng liếng cười. "Chị ấy thật xinh!" Nàng thầm nghĩ.
Dì Đủ dẫn nàng vào tụ họp với mọi người. Dì giới thiệu nàng với chị Mít, chị Ngà, chị Miên, chị Dung, con Chanh, và cả con Lan mới ra đồng trông người làm về.
- Ngoài các chị em ở đây, còn có năm người khác phục vụ riêng cho các bà nữa. Tôi là tổng quản chi tiêu ăn uống, Dung Miên nấu ăn chánh. Mọi người khác chăm sóc sân vườn, đến bữa phụ nấu cơm, rảnh cũng phụ chăm các bà. Chắc việc của cô cũng chỉ quét dọn gian trên, xách nước, chăm sóc vườn cây, hoa cỏ. Mỗi ngày tôi sẽ phân việc, làm cho tốt kẻo các bà mắng cho.
- Kìa dì, chị này.. a quên chị tên gì ấy nhể?"- Chanh lanh lảnh giọng
- Tôi tên Loan, Yến Loan.
- A chị Loan, người đẹp như tên.- giọng con bé tự dưng cao vút lên, rồi lại giảm tông xuống- em nghĩ chị nên làm thử hết mọi việc cho quen, có gì sau các bà sai còn biết, bị mắng cho khổ lắm- rồi giọng lại cao vút- các chị nghe có phải không? Phải không dì?
Chị Dung cốc đầu con bé, các chị khác cười hi hí. Dì Đủ húng hoắng, mọi người nín cười rồi, dì mới tiếp:
- Mọi người giúp con Loan. Loan có gì không hiểu thì chỉ nó, đừng đẩy nó làm tất, cái gì cũng phải từ từ. Các chị cũng đừng ỷ có người mới mà lười!
Mọi người cúi đầu dạ vâng lí nhí trước dì tổng quản. Chị Miên lên tiếng:
- Em ăn gì để chị đi làm?
- Dạ không cần đâu ạ, chị chỉ em bếp, em tự xuống làm.
Chị Miên chùi tay vào váy, đứng dậy dẫn nàng đi. Bếp ở ngay cạnh gian dưới cho người làm ở, vương đầy bồ hóng và tro bếp. Bếp khá rộng, đủ để cho cả thảy 10 người ngồi. Chị Miên chỉ vào những cái mẹt được buộc lơ lửng trên không trung, ngang tầm mặt người:
- Đây là tỏi, giềng, gừng, nghệ... mấy loại gia vị dễ mốc và mọc mầm. Mà mọc mầm là độc, không ăn được nữa.
Rồi chị cúi xuống, chỉ vào kệ gia vị, đọc nhoay nhoáy những mắm, muối, ớt.. Loan loạn hết cả đầu vì các hũ đất giống nhau, chị Miên phán câu xanh rờn:
- Mấy lọ này chị để có trình tự, em cứ nhớ "mắm muối tương tiêu ớt", nhẩm đi kẻo nhầm.
Yến Loan giơ tay nhẩm, điệu bộ đáng yêu tới chị Miên cũng cười. Rồi chị chỉ dưới chạn gia vị:
- Các loại khoai ở đây, để thế này, khi luộc ăn củ đỡ bị hà.
- Đây là rổ trứng, có lót rơm rồi nhưng cũng cẩn thận.
Rồi chị chạy sang mở nồi gang để bên bếp củi.
- Ài, mấy thằng! Ăn hết cơm rồi. Em luộc tạm trứng ăn với sắn nhé. Nấu cơm mới, bà cả bà hai thì không sao, nhưng để các bà khác biết thì không hay.
Nói rồi chị dùng đồ cời lửa, nhóm bếp. Chị dùng vật ấy điêu luyện đến mức Loan phải trầm trồ thán phục:
- Tôi nấu bếp lâu, dùng chẳng quen. Mà cô biết dùng không đấy?- chị cười hỏi nàng.
- Em... chị chỉ thì em sẽ rõ!
- hầy, rồi lại đây chị mi chỉ cho, lửa quan trọng lắm mà sao lại không biết cời lửa? Mi như người trên giời rơi xuống.
Loan ngồi xuống, cười hì hì với chị. Nấu xong, hai chị em luộc trứng luộc sắn ăn với nhau ngon lành.
********
Nhà phú ông là điển hình cho sự xa hoa thời ấy.
Căn nhà rộng lớn như biệt phủ của quan tri phủ, tri huyện. Từ cổng đi vào là một con đường nhỏ với hàng cau cao vút. Gian đầu tiên là gian nhà khách. Nhà khách là nơi phú ông tiếp khách, nơi ông phú với các bà ăn chung, nơi các bà ngồi bàn chuyện với nhau... Người ở không được phép thì sẽ không lên đây. Ngày đầu tiên ở nhà phú ông, Yến Loan đã đi loanh quanh khắp nơi và đến nhà khách. Nàng thật sự choáng ngợp với sự xa hoa, lộng lẫy của nơi đây. Đập vào mắt nàng là bộ bàn ghế gỗ tuyệt lộng lẫy, với hai chiếc ghế dài được thiết kế như tán cây cổ thụ,  gỗ quý chạm khắc mai rùa thành mặt bàn. Đối diện cửa là một bàn nhỏ khác, để tượng ngọc xanh trong ông "sư bụng bự", theo cách gọi của nàng. Bàn thờ được chạm khắc các chi tiết tinh xảo, thậm chí ở các cạnh còn được khảm vàng, bày biện đủ thứ quả ngon vật lạ. Đôi hoành phi sơn son thếp vàng, óng ánh vài sợi chỉ như vàng thật. Quanh nhà treo các bức tranh được đúc bằng đồng, những bộ tranh tứ quý, và bất ngờ hơn là bức xanh được nạm lông chim chả xanh óng ánh. Nàng bước vào, khẽ chạm vào tượng ngọc, sự lạnh lẽo làm nàng khẽ run rẩy. Nàng để ý bộ ấm tách được đúc bằng bạc. Khắp nhà treo một thứ gấm vóc đỏ có thêu hoa văn óng ánh. Nàng tát vào mặt để biết mình không mơ. "Quá tuyệt! Có máy ảnh để đưa về thời hiện đại nữa thì tuyệt!" Trong thoáng chốc một suy nghĩ hiện phớt qua trong nàng" mình sẽ về như thế nào?" làm nàng thoáng buồn.
- Ê con kia, mi là ai, sao lại loanh quanh ở nhà ông phú?
Một giọng the thé thốt lên, nàng giật mình quay ra. Người mắng nàng là một con bé cũng tầm tuổi nàng, búi tóc củ tỏi hai bên, nhìn lanh hơn cả con Chanh hay Lan. Càng bất ngờ hơn, khi đứng cạnh bé ấy, là một người phụ nữ, tuổi chắc tầm chưa tới ba mươi, búi kiểu chuy kế, đeo trâm đính hạt. Nàng ta mặc áo giao lĩnh vàng, để lộ yếm đào thắm,đi chân đất nhưng đeo lắc bạc dung mạo xinh đẹp, mắt phượng sắc như dao găm. Loan hơi ngơ ngẩn nhìn áo giao lĩnh vàng thêu cẩm chướng, nhớ lại đã từng đọc đâu đó rằng, người thời nay hay phạm điều cấm là mặc áo màu vàng chỉ dành riêng cho vua.
- Ê con kia, sao tao hỏi mi không trả lời?
Nàng toan nói, nhưng chẳng hiểu chị Miên từ đâu chạy ra, cung kính nói:
- Lạy bà ba, mong bà thứ tội. Kẻ này là người hầu mới bà cả mang về, còn chưa hiểu phép tắc, mong bà thứ cho.
-Mi lôi nó về xó bếp, dạy dỗ cho tốt. Bà cả mang về thì sao, ỷ có chút nhan sắc mà lẳng lơ lên nhà trên, tính quyến rũ ông à?- bà ba giận dữ xỉa xoi. Yến Loan thật không ngờ, với dáng vẻ điềm tĩnh xinh đẹp của bà  ba mà cũng có thể thốt ra những lời như thế. 
- Mới sáng ra mà ai làm ầm ỹ hết cả nhà lên thế hử?- một giọng nói trầm mà sang cất lên. Mọi người đều giật mình, chị Miên khép nép cung kính:
- Lạy bà hai!
Người phụ nữ xinh đẹp bước ra. Yến Loan khẽ ngắm nhìn khuôn mặt bà hai: mặt tròn phúc hậu, ngũ quan tuy không có nét sắc sảo như bà ba, nhưng tổng thể khuôn mặt toát ra nét thật sang trọng, quý phái. Nét quý phái gợi lên sự kiêu kì, xa cách chứ không mặn mà, phúc hậu như bà cả. Dì Miên giật tay áo nàng, nàng cũng khẽ cúi đầu.
- Ới chị hai hử. Mới sáng ra em thấy con này từ đâu chạy lên đây, còn tưởng ông rước đâu được bà sáu về.
- Ông ở trên huyện chưa về, em nói chi lạ.
- Đấy phải thế. Chứ người ở nhà mình làm gì có ai bố láo bố toét đi lên nhà trên. Cũng đâu có chuyện người hầu bà trên chèn ép bà dưới đâu, chị nhỉ?- câu cuối cùng, dì ba hơi gằn giọng. Yến Loan đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì chị Miên đã vội kéo đi.
- Mi khờ thế, tự dưng lên đây chi? Bà ba trước giờ vốn ác khẩu, lại nhìn mi xinh đẹp, chả lồng lộn lên- chị bỗng nhiên lí nhí- Bà năm về chưa lâu, chắc bà ba còn tức. Ông cưng bà nhất, hứa nọ kia không cưới thêm vợ, mà sau bà ba còn cưới tận hai bà...
Loan choáng váng hết đầu óc. "Gì mà bà cả, rồi bà ba. Cưới lắm vợ, thật là tự chuốc phiền phức!" Nàng không cẩn thận lủng bủng câu nói trong miệng. Chị Miên nghe được, bèn véo tai nàng:
- Á! Đau chị ơi!
- Cho mi chừa tội ăn nói vớ vẩn. Tao đánh là tao thương, sau ông không đánh ông đuổi cổ mi ra khỏi nhà!- rồi chị khẽ thở dài- Mi tránh lộng ngôn, các bà ganh nhau đã đủ mệt. Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết, các bà gọi thì mình dạ, sai thì làm theo, đừng dây vào rắc rối.
- Vâng chị.- Loan khẽ đáp, rồi nhớ ra- À chị ơi, bà hai nhìn sang thế?
- Bà hai có áng làm huyện lệnh, hình như còn từng làm tới tri phủ Thiên Đức. Nhưng sau đó, ngài phạm phải điều gì mà bị đẩy tới châu Phong xa xôi, cai trị các dân tộc trên ấy.
Yến Loan hơi ngơ ngẩn. Địa giới hành chính thời này thật phức tạp!
- Chị Miên, chị  giải thích em nghe về địa giới hành chính đi, em nghe mà rối!
- Hầy, cô này thật người giời mà. Tao không biết nhiều lắm, nhưng biết được gì chỉ mi vậy. Đứng đầu địa phương là phủ, lộ, ở miền núi thì là châu, như mình đang ở phủ Thiên Đức, là quê hương Thế tổ.
- Như vậy thì ông thân sinh bà hai đã từng làm chức rất lớn- Yến Loan biết về cách dùng từ "áng", nhưng do không quen nên không dùng.
- Đúng rồi. Nhà bà nhiều đời làm quan nên bà sang thế. Phú ông khó khăn lắm mới cưới được bà về, nhưng với bà có phần xa cách... Thôi không tám chuyện người, tao nói tiếp. Dưới phủ là hương hay huyện, như mình đang ở  hương Thổ Lỗi. Dưới hương là các giáp, mình thuộc giáp Phụ Thị. Dưới giáp là các thôn, có tổng cộng 4 thôn thuộc Phụ Thị: Hàn Lạc, Phú Thụy, Tô Khê, Trân Tảo. Ta ở thôn Phú Thụy, mi nhớ chưa?
- Dạ vâng chị e nhớ ạ!!- Nàng nghịch ngợm kéo ngân chữ ạ, chị Miên lườm nàng, cười rồi không nói gì.
Phía sau nhà khách là nơi ở của phú ông và các bà. Đó là bốn gian nhà rất rộng lớn, khép kín hình chữ U. Ở chính giữa sân gạch là hồ sen tròn thơm ngát, cá lội tung tăng. Ở một góc sân là cây hoa sữa thơm ngát. Các gian đều được dựng từ gỗ lim đen bóng, cửa treo vóc hay dèm màu điền, có các bậc thang bước lên, khá cao so với mặt sân, bậu cửa cũng cao tầm nửa mét.
- Nơi này còn có các con của ông ở nữa, chứ không phải riêng các bà, nên rộng vậy. À, nhưng chưa hết đâu.- chị Miên nháy mắt.
Khi phú ông rước bà năm về, chỗ ở của bốn bà trước đã được ổn định như thế, nên không bà nào chịu nhường nhịn. Khi ấy phú ông đành phải xây một gian mới ở một góc vườn cho bà năm ở. Chị Miên chỉ nàng xem, đó là một gian nhà xây kiểu chữ L, cũng bậc thang dẫn lên, cũng bậu cửa cao, nhưng không có rèm điều hay gấm vóc. Trước cửa là các khóm cúc đủ màu, các khóm hải đường và cả một cành lê trắng, thanh nhã vô cùng. Nơi này ở một góc, không gần nơi người ở, cũng không ở cùng với các bà kia, nên thanh tĩnh mà duyên dáng.
- Bà năm trước là con gái quản giáp, sau này quản giáp biển thủ đất của nhà chùa... Nhưng hình như ông biết bà năm từ ngày bà còn nhỏ, bà thông minh xinh đẹp, nên mới mở lòng đón về làm bà năm. Nỗi lòng của ông, chỉ bà cả hiểu. Ông phần nhiều là vì cảm thương và quý cái tài của người con gái mệnh bạc, chứ cũng không muốn rước về bà vợ đáng tuổi con gái mình.
- Bà năm năm nay bao tuổi ạ?
- Chắc tầm tuổi chị em mình thôi.
- Chị nói bà là con quản giáp, chắc cũng có phong thái..
- Quản giáp là chức quan dùng tiền mua mà em. Bà không sang như bà hai, nhưng rất yêu văn chương, thư pháp, nên phong cách thanh nhã. Thật ra bà cũng khó tính, các bà khác cũng chẳng dám động vào, bà ba hay hoạnh họe vài câu, nhưng sau cũng thôi.
Yến Loan chợt "À!" lên một tiếng. Bà năm thông minh xinh đẹp như vậy, chắc cũng là tài nữ có tiếng.
- Hộc...hộc.. Miên ơi!
Cả hai đều giật mình nghe tiếng gọi từ đằng xa. Một bóng hình thanh niên cao lớn, đen như cột nhà cháy, dưới quấn khố, trên khoác một chiếc áo cộc tay ngắn, đầu búi tóc cao chạy vào. Chị Miên cũng bị sự hốt hoảng của người thanh niên làm cho bối rối:
- Kìa anh Sửu, đang ngoài ruộng sao chạy vào đây?
- Thằng Tý đang cuốc đất thì lỡ bổ vào chân, máu chảy đầm đìa..
- Chết- chị Miên tái mặt- thế anh cầm máu cho nó chưa?
- Ngoài ruộng thì lấy ri cầm máu?- anh Sửu tự dưng đâm bực, khi mắt anh nhìn qua Yến Loan, chợt sững người, rồi đỏ mặt.
- Để tôi ra vườn giã chút nhọ nồi cầm máu!- Chị Miên nói nhanh- Loan vào lấy chày cối với chị, anh theo tôi!
- Dạ.. chị!
Loan luống cuống chạy vào bếp, tìm rồi mang chày cối ra vườn. Nàng chợt nhớ điều gì, bèn mang thêm nhúm muối trắng. Có muối trắng sát trùng cũng tốt hơn.
Mọi chuyện xong xuôi, chị Miên thở phào. Loan tưởng tượng cảnh chiếc thuổng bổ vào chân, bèn tái mặt. Chị Miên thấy thế, bèn bảo:
- Dào, chuyện thường mà em. Chắc thằng Tí nghỉ đồng mấy hôm. Tí đi làm với mẹ, nó không làm thì mẹ nó cũng làm, cả nhà không lo bị đói. Mà đói thì nương nhờ cửa Phật ăn chay ít bữa, âu cũng là đi tu tâm dưỡng tính.
- chị tiếp- Đức hoàng thượng lấy lẽ từ bi hỉ sả của Phật pháp làm đầu, luôn chăm lo cho đời sống trăm dân!
Thôi, vào đây chị chỉ việc cho nhé!
Yến Loan gật đầu, nàng suy tư điều gì không rõ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro