Khoảng sân rực rỡ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


      Khi tôi còn nhỏ và chưa có những khái niệm quá to tát về cuộc sống, gia đình tôi đã từng trải qua không ít thăng trầm. Tôi không mấy khi hiểu được điều đó và thường nghĩ về nó bằng những kí ức cũng như ấn tượng của một đứa trẻ.

Một ngày khi tung tăng đi bộ về nhà từ trường, tôi thấy nhà mình đang có một tổng dọn dẹp từ trong ra ngoài, và bố tôi thì vỗ vai nói với tôi: "Chúng ta sẽ làm vải." Khoảng sân rộng ở trong nhà, vốn chứa rất nhiều chậu cảnh, được dọn dẹp sạch sẽ. Một cái nồi thật to – mà khi đó luôn làm tôi liên tưởng đến lò luyện linh đan của Thái thượng lão quân đã thiêu đốt Tôn Ngộ Không – đặt chễm chệ ở phía cuối sân. Đó thực chất là một chiếc là nhuộm vải. Bố tôi, sau hàng giờ tỉ mẩm nghiên cứu về màu sắc ở những chiếc nồi nhỏ khác, sẽ hòa những hóa chất rực rỡ khác nhau vào để nhuộm ra những mảnh vải đẹp đẽ, rồi sau đó mang ra phơi ngoài sân. Bạn biết đó, chuyện ấy ngoài sức hiểu biết của một đứa trẻ cấp Một, tất cả những gì tôi quan tâm là khoảng sân tràn ngập vải đủ màu sắc khiến tôi và Lu có thể thỏa sức chơi trốn tìm trong thế giới nhỏ kì diệu. Lu là một con chó ta nặng đến mười cân, với bộ lông vàng và chiếc đuôi luôn vẫy tít. Nó sống ở nhà tôi từ nhỏ, và cũng như tôi – nó rất thích thú với khoảng sân mới được trang hoàng tuyệt vời này.

Những tháng cuối lạnh lẽo của năm đó, tôi thường trốn gần nồi nhuộm vải, mặc cho người lớn thường quát mắng rằng phải cận thận kẻo bỏng. Tôi thì thấy ở đó rất ấm và an toàn, lại được cùng bố cho từng thanh củi xuống đáy lò để giữ nhiệt – nó làm tôi cảm thấy mình quan trọng. Lu đứng bên cạnh, thi thoảng cũng tha giúp chúng tôi vài thanh củi, và chắc nó cũng thấy bản thân quan trọng hơn. Từng thanh củi cháy lên âm ỉ, sưởi ấm một mùa Đông ảm đạm.

Gần Tết, chiếc "lò luyện đan" được tẩy rửa sạch sẽ và chuyển thành một chiếc nồi luộc bánh chưng khổng lồ. Mẹ tôi bỏ vào đó cả trăm chiếc bánh chưng, vừa là gói cho gia đình, cho người thân và có lẽ mang bán. Giống như đêm Tot-tô-chan háo hức khi thấy một toa tàu được chuyển đến làm lớp học, đó cũng là lần đầu tiên tôi được phép thức tới sáng. Sau một buổi chiều lăng xăng giúp mẹ và bà gói bánh, đêm đó, tôi được ngồi cùng bà trông lò bánh chưng, vùi từng củ khoai xuống lớp tro phía dưới và cùng xuýt xoa uống nước vối nóng. Mẹ đôn đáo chuẩn bị những thứ khác cho Tết, thi thoảng nhìn tôi và mỉm cười. Bà tôi ôn tồn kể những câu chuyện cũ – thứ mà tôi đã được nghe đến mòn tai mỗi lần ngủ với bà – nhưng vẫn thích thú đòi nghe lại. Không có vẻ gì quan tâm đến giá trị văn học và nhân văn cao cả, Lu mắt thao láo nhìn vào những củ khoai một cách thèm thuồng. Bố ngồi hút thuốc ở một góc, ngắm nhìn tất cả với vẻ suy tư. Khoảng sân bập bùng bất tận và cả nhà quây quần, đó là những hình ảnh không khi nào tôi quên được. Đêm đó, dưới những vì sao nhỏ lấp lánh từ khoảng sân, tôi ngủ lúc nào không hay, bên cạnh lò bánh chưng ấm áp. Những tấm vải lớn còn chưa khô vẫn được chăng khắp sân phản chiếu ánh lửa bập bùng, như là thế giới kỳ diệu mà Alice từng tình cờ lạc vào.

Rồi Tết cũng đến, đó là một trong những mùa Đông lạnh nhất của Hà Nội. Mọi người đến và mang hết bánh chưng đi trong vẻ tiếc nuối của đứa trẻ là tôi. Nhưng tôi không buồn vì điều đó lâu bởi đã tìm được niềm vui mới: chơi pháo. Tất cả trẻ con hồi đó đều được chơi pháo mà chẳng ai bị cấm. Mồng Ba Tết, một người bạn của bố tôi từ xa về chơi, cả nhà tíu tít bên ngoài để tiếp khách. Tôi lẻn ra sân chơi pháo. Hôm đó tôi lấy được mấy quả pháo to đùng oành từ đứa bạn hàng xóm, có ngòi dài gấp đôi lũ pháo tép tôi từng chơi. Tôi châm một quả rồi ném về phía nó, cười hinh híc. Con chó bỏ chạy, nhưng quả pháo đùng không nổ ngay như nó nghĩ mà từ từ cháy tiếp hết caais ngòi dài. Vẻ tò mò, Lu vừa vậy đuôi vừa bước lại gần quả pháo hít hít, ngạc nhiên. Rồi cái ngòi cũng cháy hết...

Tiếng nổ lớn khiến mọi người giật mình, mẹ mở cửa, hốt hoảng hét lên khi thấy cảnh ở sân. Con Lu nằm im, cái mũi toác ra trông rất tội nghiệp, nó rên ư ử, dùng lưỡi liếm những giọt máu chảy xuống, xung quanh là xác pháo bay lả tả và một thằng bé đứng như trởi trồng. Bà lôi tôi vào giường trước khi bố nổi cơn lôi đình. Mọi người nhanh chóng mang Lu đến bác sĩ thú y gần nhà, tôi ngồi trong nhà, hối lỗi với sự im lìm đáng sợ của cây đào đang rụng những chiếc cánh tiếc nuối.

Lu trở về nhà ngày hôm sau. Nó nằm một góc nhà với chiếc mũi không ra hình thù gì, trông rất đáng sợ. Nhưng nó không có vẻ gì giận tôi, chiếc đuôi vẫn quẫy tít khi tôi lại gần – như muốn nói với tôi rằng nó vẫn rất yêu tôi và không quan tâm đến chuyện đã xảy ra. Tôi ôm lấy nó hít hà, không biết phải nói lời xin lỗi thế nào, đành thì thầm: "Khỏe lại nhanh nhé rồi tao sẽ cho mày ăn thịt kho". Mặc dù có đồ gì ngon tôi đều mang cho nó như lời hứa, nhưng Lu có vẻ không thiết tha gì, chỉ nhích chiếc mũi đáng thương lên ngửi ngửi rồi bỏ đó. Mẹ nói có thể nó đã bị ảnh hưởng khứu giác và không muốn ăn.

Ba ngày sau khi không ăn gì, Lu kiệt sức và điều gì đến cũng đến. Tôi trùm chăn khóc như mưa, khi tỉnh dậy thì cây đào đã rụng gần hết hoa và mọi người đã trở lại với công việc. Khoảng sân lại rực rỡ trở lại với những tấm vải lớn được chăng lên. Nhưng tôi không còn người bạn quen thuộc chơi cùng. Không gian bỗng trở nên ảm đạm, tôi ngồi một góc gần chiếc lò nhuộm vải, dụi một thanh củi vào lửa và hứa vài điều với lòng mình. Từ sau cái Tết năm đó, tôi không bao giờ chơi pháo nữa, cũng không nuôi chú chó nào nữa. Hình ảnh Lu với chiếc mũi kì dị thi thoảng trở lại trong giấc mơ của tôi, vẫy tít đuôi và dụi dụi bộ lông vàng vào lòng tôi.

Gia đình tôi sau đó không làm vải nữa và chiếc lò được bỏ đi. Nhiều năm sau, tôi đi du học và ở lại đó làm việc. Một năm tôi chỉ về nước một lần vào dịp Hè và tự cảm thấy thế là đủ, chẳng ai trách những bận rộn có mục đích. Cuộc sống ở nước ngoài cuốn tôi đi rất lâu, tới mức quên hết những điều cần nhớ. Nhưng trong tôi vẫn day dứt cái Tết năm ấy, nhắc nhở một giai đoạn gia đình tôi đã chật vật, bố phải bươn trait đủ nghề để sống; về những lúc mọi người đông đủ và quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp và những củ khoai cháy xạm; về những câu chuyện bà kể trong đêm đầu đời tôi được thức và nhất là về chú chó trung thành – người bạn duy nhất của tôi suốt ấu thơ.

Rồi một lần khi về nước giữa mùa Đông, tôi đứng ngẩn người ở khoảng sân trống rất lâu, ngập tràn hình ảnh chính mình đang chơi đùa với Lu, giữa những tấm vải căng đầy khoảng sân rực rỡ. Tôi ôm lấy mớ kí ức, hít hà mùi của thời gian. Tất cả những kỉ niệm của Tết năm đó lại ùa về, cả buồn, cả vui, như đánh thức trái tim tưởng như đã không còn muốn nhớ. Một lúc sau, tôi quay lại, mắt đỏ hoe thì thầm:

"Mẹ à... hay Tết này nhà mình lại luộc bánh chưng đi... con sẽ về... Tết này con sẽ về!"

-MINH NHẬT-

-END-

'$ 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro