Siêu nữ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


     Bây giờ nghĩ lại, đáng lẽ ngày hôm đó tôi không nên giành chở thằng Mập. Chính vì đòi chở thằng Mập, à không, chính vì thằng Mập mà tôi mới bị gãy tay. Lúc bánh xe trượt qua lớp cát dày trên đường, tôi văng ra khỏi xe trước, dựa vào phản xạ nhanh nhạy của hơn một tuần học võ, tôi nhỏm ngay người dậy, cả người không chút xây xát. Nếu câu chuyện kết thúc ở đó thì đã hay. Đúng lúc ấy thì thằng Mập từ đằng sau bay tới. Vâng, chính là bay tới theo nghĩa đen, đè lên người tôi làm cho khuỷu tay đang chống trên mặt đất của tôi kêu rắc một tiếng rất khẽ. Sau đó thì, tôi nằm trên giường bệnh với cái tay bó bột, đối diện là khuôn mặt hằm hằm như một bầu trời giông bão của ba tôi. Ba tôi ca một bài dài như một tuồng cải lương, bao gồm "Chạy xe ẩu tả", "Con gái con đứa xớn xa xớn xác", "Coi trời bằng cái nắp chai". Sau đó tôi phải sắp lịch mổ để chỉnh lại xương. Thú thật đến tận lúc ấy tôi vẫn còn cảm thấy rất bình thản, còn ba và chị tôi thì cuống cả lên. Lúc ấy tôi đã nghĩ rằng, gãy có một cánh tay, vẫn còn tay còn lại, chẳng việc gì phải lo.Tắm rửa hơi bất tiện một chút, rửa chén hơi lâu một chút, viết bằng tay trái cũng hơi khó, nhưng tôi có thể tự lo tất, chẳng hơi đâu phải hoảng. Con Châu sang nhà thăm, thấy tôi mặc áo khoác mất hẳn 7 phút, nó chép miệng nói:

-Tao chờ mãi để mày mở miệng nhờ khoác hộ cái áo, thế mà cũng không chịu nhờ nữa.

-Tao tự làm được.

-Để tao chống hai con mắt lên xem mày tự làm được tới bao giờ.

Nó khinh khỉnh nói thế, rồi quẩy đít đi mua đồ ăn cho hai đứa. Sao ai cũng quan trọng hóa việc gãy tay lên thế nhỉ? Tôi không nhờ ba chở đến trường mà tự bắt xe buýt, tự vác ba-lô nặng trịch đầy tập vở về nhà. Đầu giờ tôi vẫn đi lấy sổ đầu bài, đúng ca trực nhật tôi vẫn quét lớp, lau bảng bình thường. Thậm chí nếu thầy thể dục không cấm tôi chơi thì tôi vẫn còn đang hăng say chia đội chơi đá banh với mấy bạn. Con Én nhìn tôi đầy thán phục:

-Lớp trưởng, bà cần tôi giúp gì không?

-Không, tôi tự lo được mà.

-Vậy... bà giúp tôi cái này được không?

Én hay nhờ tôi làm hộ cái này cái kia. Tôi biết con nhỏ hậu đậu vụng về nên vẫn hay làm giùm nó một số thứ. Và cũng vì tôi thấy chuyện gãy tay chỉ là một chuyện nhỏ xíu xìu xiu, tôi đã nhận thiết kế giùm cái phông nền báo tường cho nhóm làm báo, nhận lời hướng dẫn mấy em thành viên mới trong câu lạc bộ nhiếp ảnh, ôm luôn việc tổ chức gian hàng cho cả lớp ngày hội trường sắp tới. Chưa kể tôi còn đang hí hửng lên kế hoạch đan một cặp nón bê-rê cực xinh cho tôi và con Châu nhân dịp sinh nhật hai đứa sắp tới. Tôi hối hả viết kế hoach, làm báo cáo, viết luận, làm hộ bài tập. Mọi người nhìn tôi như thể đang nhìn một siêu nữ. Thằng Mập mới đầu còn hối lỗi nhìn tôi ngại ngùng, sau đó khi thấy tôi dùng một tay trái để nâng nguyên một cái ghế gỗ lên để di chuyển qua chỗ khác, nó bắt đầu nhìn tôi bằng ánh mắt kinh hoàng. Tôi không muốn mọi người đối xử với mình mềm mỏng đi chỉ vì mình bị gãy tay. Tôi thấy thế nó cứ... sai sai thế nào, tôi muốn mình thật mạnh mẽ trong mọi tình huống, kiểu như mấy nhân vật siêu anh hùng trên ti vi. Bà chị tôi ào vào phòng để thông báo lịch mổ, khi ngó thấy cái thời khóa biểu kín đặc không còn một chỗ trống để ngoặc một dấu nào của tôi, thì tặc lưỡi nói:

-Để tao chống hai con mắt lên xem mày gánh được tới bao giờ.

-Chị đừng coi thường em! – Tôi bĩu môi.

Sau đó, tôi nhập viện chờ mổ. Khi mổ xong tôi mới biết, con Châu và bà chị tôi không hề xem thường tôi, mà là quá hiểu tôi.

Khoảng thời gian khi thuốc mê ngấm có lẽ là chút thời gian ít ỏi duy nhất tôi vẫn còn cảm thấy gãy tay là chuyện nhỏ như con thỏ. Khi tôi tỉnh dậy và thuốc mê tan hết, tôi mới cảm thấy hôn mê là một trạng thái tốt biết chừng nào. Cánh tay tôi đau nhừ, cả người tôi hình như cũng đau theo, làm gì cũng thấy đau, nếu ngừng thở mà không chết thì tôi cũng nhịn thở quách cho rồi để khỏi đau nữa. Tôi rên rỉ nhờ y tá tiêm cho tôi ít thuốc giảm đau. Chị y tá bình thản nói với tôi: "Tiêm rồi em ạ, chờ chút nó hết đau". Có điều tôi chờ mãi không thấy cái "chút" đó chấm dứt, nếu bắt tôi miêu tả cảm giác của tôi lúc đó, chắc tôi sẽ chỉ có thể lảm nhảm lập đi lập lại mấy chữ: "Đau đau đau đau đau...". Đúng lúc đó thì việc ào tới. Tôi nằm viện ba ngày, trọn ba ngày bọn cùng lớp kéo vào thăm. Nói là thăm nhưng đúng ra là họp trong bệnh viện. Bọn nó chỉ hỏi đúng một câu: "Còn đau không?". Tôi bảo không đau lắm, thế là bọn nó bắt đầu lôi việc trong lớp, trong câu lạc bộ, trong Đoàn trường, trong nhóm, trong dự án mà đổ cả vào người tôi. Lúc con Châu tới, trên giường tôi đầy những giấy tờ và bút vàng vương vãi, nó trợn mắt nhìn tôi:

-Giám đốc, giám đốc có cần nghỉ ngơi không?

-Tao nghỉ đủ rồi, không làm việc tao cảm thấy mệt hơn nhiều.

-Đau thì cứ nói đau, có ai bắt mày phải gồng mình lên như vậy đâu?

-Con gái là phải mạnh mẽ. Việc gì cũng hở chút là nhờ vả, ỷ lại sẽ bị người ta coi thường. Mày cũng không cần đến thăm tao nhiều vậy đâu.

Con Châu lập tức nhìn tôi với vẻ mặt khinh thường. Nó ngồi chơi thêm một lát rồi về. Tôi còn chẳng nhận ra nó đã về. Khi tôi ngẩng mặt lên thì trời đã về chiều, cả phòng bệnh chỉ còn tôi và mấy bà cụ đang say ngủ, còn đâu đã đi ăn hết ráo. Tôi đã định bỏ luôn bữa tối nếu không nghe thấy bụng mình kêu lên một tiếng ọt đầy thống thiết. Tôi vác cái tay đau ê ẩm xuống phòng ăn, một mình tôi. Chị và ba tôi sẽ không vào vì tôi đã nói rằng tôi tự lo được, mà họ cũng nghĩ một con bé chỉ dùng tay trái để quét hết phòng và dọn hết cả một căn nhà hai tầng sẽ có thể tự đi ăn được. Tôi chật vật chen vào dòng người mua đồ ăn, bị một anh trai huých trúng tay, đau sém khóc. Mĩa một lúc sau mới mua được phiếu ăn và đi lấy thức ăn thì mới nhận ra phải bưng làm hai đợt một phần cơm và một tô canh. Mà tô canh thì nóng bốc khói. Tôi đang bưng to canh thì sánh nước ra tay, tay tôi cũng bốc khói luôn. Khi tôi đặt được tô canh xuống bàn thì nhận ra bàn tay lành lặn còn lại của mình đã đỏ nhừ. Tôi ngồi xuống ăn bữa cơm tối thì mới nhận ra tay trái cầm đũa vô cùng khó khăn. Tôi bất lực nhìn bữa cơm toàn những thứ phải gắp mới ăn được. Khi tôi vật lộn với bữa cơm xong thì đã 9h tối, tôi lết về phòng thì bị chị y tá mắng một chặp tội bỏ đi đâu lệch giờ uống thuốc. Tôi tiu nghỉu uống một vốc thuốc thật to, định nằm lên giường thì nhận ra cả cái giường đã bị đám giấy tờ và bài học choán hết. Tôi nhìn từng cái từng cái một, bỗng cảm thấy ngán ngẩm kinh khủng. Tôi dẹp gọn mọi thứ, chuẩn bị đi ngủ thì tin nhắn tới liên tục. Con Én hốt hoảng hỏi tôi xem việc nó nhờ đã làm xong chưa, bí thư hỏi tôi việc tổ chức gian hàng tới đâu rồi, tụi báo tường nói muốn nhờ tôi vẽ lại một số chỗ bị hư trên tờ báo, và hai cái tin nhắn nữa không biết của ai, hỏi tôi đã làm xong việc gì đó mà tôi cũng không nhớ là đã nhận khi nào nữa.

Cánh tay tôi khẽ nhói một cái để nhắc nhở tôi rằng nó đang bị gãy, nó cần phải nghỉ ngơi. Tôi thở dìa, trong lòng thầm xin lỗi cánh tay, nhưng hễ tôi đã nhận cái gì là phải hoàn thành cái đó. Thế là tôi ôm mớ hồ sơ và bài tập ra hành lang có đèn sáng, ngồi tới 3 giờ sáng để làm cho xong bài tập. Bệnh viện ồn ào suốt đêm, sáng ra đầu tôi nhức bưng bưng như thể có một cái chuông kêu reng reng suốt ngày trong đó. Hôm nay tôi được phép xuất viện. Chị tôi nói bây giờ phải về nhà tập vật lý trị liệu, co duỗi tay nếu không sẽ bị cứng sơ. Hai năm sau tôi lại phải đi mổ lấy ốc vít cố định xương trong cánh tay ra. Tôi nhìn cánh tay im lìm nằm trước ngực, khẽ nhấc một tí, một cơn đau nhói đến từng búi cơ tràn ra khắp người. Đó là lần đầu tiên kể từ khi bị gãy tay, tôi thật sự cảm thấy mình là một người bệnh.

Tôi về nhà, cũng chẳng ai hỏi thăm, chỉ có những cú điện thoại và tin nhắn gọi hỏi xem công việc đến đâu rồi, vẫn trôi chảy chứ. Hệt như tôi vẫn là một đứa năng động chạy ngoài đường một ngày 8 tiếng và dùng được hết cả hai tay vậy. Bây giờ còn tệ hơn trước khi mổ, tôi không thể dùng đũa được, rửa chén cũng không, mặc đồ cũng khó, đến nỗi khi vươn tay lấy điện thoại cũng phải thật từ từ. Mọi cử động của tôi thật chậm chạp, dù vậy công việc vẫn không thông cảm với tốc độ sên bò của tôi. Công việc lao tới vùn vụt, hết việc này đến việc khác. Tôi gắng sức làm mọi việc và một ngày nọ, tôi hoảng loạn nhận ra cánh tay phải của mình đang chết lặng, không thể co và duỗi nữa. Hôm ấy tôi đang vội đi, nên đưa cánh tay phải vẫn còn băng trắng, cầm lấy chìa khóa. Cánh tay phải của tôi bỗng đau nhói và rồi nó không thể duỗi thẳng ra được nữa, cánh tay của tôi cong lại và đông cứng.Tôi chưa bao giờ hoảng sợ như thế, tôi chạy khắp nhà, gọi ba, gọi chị, nhưng chẳng ai có nhà, tôi gọi cho bạn, cả quen lẫn không quen, nhưng không ai bắt máy. Vì họ rất an tâm về tôi, vì tôi mạnh mẽ, vì tôi có thể tự lo được mọi việc, vì tôi không biết sợ. Đúng lúc ấy thì Én gọi, tôi lúng túng dùng tay trái bắt máy, nhưng cái điện thoại trượt khỏi bàn tay ướt đẫm mồ hôi của tôi, rớt xuống sàn. Lần đầu tiên trong đời tôi sợ hãi cái viễn cảnh mình sẽ mất đi một cánh tay và trở thành một kẻ vô tích sự đến như vậy. Tôi không mạnh mẽ, tôi yếu đuối vào những lúc tôi phải yếu đuối, tôi chỉ nghĩ là tôi mạnh mẽ mà thôi. Tôi co người vào góc giường, khóc lóc khổ sở kinh khủng, y như một cái mềm ướt bị nhúng nước chèm nhẹm rồi rũ xuống sàn thành một đống. Tôi khóc, khóc, khóc đến khi mệt lả thì ngủ. Thật là lạ với tình trạng nước mắt đầy mặt như thế mà tôi vẫn ngủ được, ngủ y như bị đánh thuốc mê. Khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy con Châu đang ngồi cạnh giường tôi đọc sách. Thấy tôi dậy, nó gấp cuốn sách lại rồi giơ cuốn sách gõ vào đầu tôi bôm bốp. vừa gõ vừa la:

-Mệt chưa? Mệt sao không biết gọi tao? Con Én nó nghe mày khóc trong điện thoại rồi cứ lảm nhảm liệt tay liệt chân gì đó, nó hoảng quá phải gọi cho tao. Có thời gian khóc sao không gọi tao để tao làm hộ bài tập, vẽ giùm tờ báo, hả hả???

-Én nghe tao khóc hả?

-Chứ sao! Mày khóc lóc y như trẻ con bị mẹ đánh. Bộ ngủ dậy quên hết rồi hả? Đâu tay bị sao đâu đưa đây coi?

Tôi ngoan ngoãn chìa tay cho con Châu coi, nó hỏi tay có đau không, tôi nói không, hỏi cử động được không, tôi nói được. Nó nạt tôi, biểu đừng giấu, nói thiệt đi. Tôi cử động cánh tay cho nó coi. Vậy là nó mắng tôi thêm chặp nữa rồi mới ra về. Nó về rồi tôi mới để ý phần báo tường của lớp đã được nó vẽ xong, đặt ngay ngắn trên bàn học. Hôm sau tôi đi học, Én vừa thấy tôi đã hỏi han tới tấp, tôi nói tôi không sao. Én vùng vằng đáp:

-Sao bà không nói là bà đau dữ vậy? Biết vậy tui không nhờ bà đâu!

Rồi nó cấm tôi từ đây về sau không được nhận lời làm giùm nó cái này cái kia nữa để nó khỏi ỷ lại. Bí thư vừa thấy mặt tôi đã xông tới khoe cái thực đơn và lịch chạy chương trình mà nó với cả lớp đã thống nhất trong tối qua khi nghe con Én thông báo là lớp trưởng sắp bị liệt tay rồi (?!). Buổi chiều, tụi nhóc lớp dưới trong câu lạc bộ nhiếp ảnh cầm máy ảnh kéo tới thăm chị hội trưởng bị gãy tay, nói nắng vầy tụi em cũng không cần đi chụp đâu cho xa, ngồi chơi với cchij cho vui. Rồi tụi nó tung tăng mua nước, mua đồ ăn lại để đầy chung quanh tôi y như chăm em bé. Thầy giáo thấy tôi ôm cái tay trắng toát thì ngỡ ngàng bảo không ngờ tôi bị gãy tay nặng vậy, bài luận hôm khác nộp cũng được mà, sao không báo cho thầy một tiếng mà âm thầm làm tới làm lui khỏe như lành lặn vậy. Sau khi đi kiểm tra một vòng, thì tôi mới hay mọi người đều đã chia nhau làm hết phần việc của tôi khi hay tin tôi khóc lóc thê thảm vì bị đau tay. Tôi chỉ còn mỗi một việc là ngồi nhà tập tay cho mau khỏe. Én là đứa kích động nhất, nó cứ nói đi nói lại rằng tôi là thể loại bạn tồi tệ, ốm đau gì cũng giấu, không cho nó cơ hội quan tâm. Tôi thấy mình cũng sai, cũng tệ thiệt, nên đành hứa với nó từ nay về sau nếu có gãy tay nữa sẽ để nó giúp chép bài hộ. Thằng Mập xin lỗi tôi cả chục lần, nó mếu máo:

-Con Én nói mày sắp liệt tay làm tao sợ muốn chết. Sao không kêu tao xách cặp xách đò cho hả mày? Mình mày sao làm nổi, con gái gì mà cứng đầu vậy?

Tôi bị bọn bạn trách cho một thôi một hồi mới ngẩn người hiểu ra mạnh mẽ là một chuyện hoàn toàn khác với việc tỏ-ra-mạnh-mẽ. Chiều hôm đó, con Châu đem một đống len đến nhà tôi, tôi ngồi một bên chỉ nó đan cái mũ bê-rê cho hai đứa. Bọn tôi ngồi ở hiên nhà nhìn mây nhuộm vàng, cái tay phải của tôi ngoan ngoãn chuyển động theo ý tôi, dù vẫn còn đau nhưng tôi biết mình không bị liệt. Con Châu nhìn tôi nắn nắn cánh tay, một lúc sau nó dấm dẳn nói:

-Mày không phải siêu nữ đâu, bớt hoang tưởng đi!

Ừ thì tôi không phải siêu nữ, tôi có quyền dựa dẫm, có quyền nhờ vả và tin tưởng vào những người xung quanh cơ mà. Cũng chẳng có việc gì phải hoảng sợ cả, không phải vì tôi mạnh mẽ, mà vì những người quanh tôi sẵn sàng tiếp sức cho tôi để tôi vượt qua mọi khó khăn trên đời này. Chẳng phải một sức mạnh lớn lao hay ý chí kiên cường nào, chỉ cần một buổi chiều nhẹ như mây ngồi cùng với con bạn thân nhất và biết rằng mọi thứ ngoài kia đều đang đứng về phía mình.

-BẢO CHÂU-

Chia sẻ về tác giả: "Nhân vật chính trong câu chuyện này chính là nhỏ bạn thân của mình. Lúc nào nó cũng tự mình làm hết mọi chuyện. Nhìn bề ngoài thì thấy nó gang thép lắm, cứng cỏi lắm, bị gãy tay vẫn làm mọi việc như thường. Những lúc nó gọi điện cho mình vào buổi tối, mãi mới nói được một câu "Tay tao đau quá à", là lúc nó yếu đuối nhất rồi. Mình cảm thấy thật ra nó không cần phải làm vậy, mình không thích một con bạn là siêu nhân, mình thích một con bạn bình thường, biết nhờ vả lúc nào nó cần. Bạn không cầ phải tỏ ra mạnh mẽ vào mọi lúc. Bạn có quyền yếu đuối. Hãy để cho người khác có cơ hội được đứng về phía bạn. Cảm giác dễ chịu hơn phải một mình gồng gánh mọi thứ nhiều lắm, thề!".

-END-

(b?j

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro