Pháo hoa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


     Tôi bắt chuyến tàu đầu tiên trở về nhà lúc 6 giờ sáng. Trời đã chuyển sang Xuân, nhưng hơi lạnh thì vẫn giăng đầy không gian. Hơi sương mập mờ bám vào cửa kính vương đầy vết bụi, sau đó lại nặng nề hóa thành những giọt nước to tròn ngoằn ngoèo lăn xuống. Tôi dựa lưng vào ghế ngồi, đăm đăm nhìn phía chân trời đang dần chuyển sáng, chờ đợi tàu lăn bánh, chờ đợi những ồn ào xung quanh dạt hết ra bên ngoài.

Cứ ngồi bất động như vậy được 10 phút, tôi chán nản lấy điện thoại ra nghịch một chút. Vừa mở facebook, đã thấy trên newfeeds Nguyên có đăng một ảnh mới. Trong tấm ảnh không có mặt của cậu ấy, chỉ đơn giản là chụp lại đôi giày trên nền tuyết trắng mà thôi. Không một dòng caption nào cả, nhưng tôi biết rằng cậu ấy đang nhớ nhà. Comment một vào câu châm chọc, sau đó lặng lẽ save tấm ảnh, trong đầu tôi lại bắt đầu nhẩm tính, hình như cậu ấy đã bay được ba tháng tám ngày rồi. Mà kỉ niệm một năm yêu nhau vào tháng trước cũng chỉ có một mình tôi ở đây...

Trải qua một giấc ngủ chập chờn, xe đã dừng lại ở ga Hà Nội. Tôi uể oải kéo lấy hành lý.Nhà tôi cách đây không xa, nên tôi quyết định sẽ đi bộ về, tiện thể muốn hít thở chút không khí cho tỉnh táo. Phải dậy từ sớm bắt xe khiến tôi mệt mỏi muốn rụng rời cả tay chân. Không có ai ở nhà, nên tôi tự mở cửa rồi xếp hành lí gọn lại một góc phòng. Sau đó cũng chẳng tắm rửa gì mà cứ thế lăn ra ngủ. Thẳng đến 6 giờ tối, loáng thoáng nghe tiếng cửa nhà mở, tôi mới lò dò từ trên phòng đi xuống. Có lẽ không nghĩ tôi đã về nhà, nên ban đầu, bố có vẻ ngạc nhiên và lúng túng. Nói chuyện với bố một hai câu, tôi xoay người vào bếp nấu cơm tối. Lúc ngồi trên bàn cơm, bố hỏi tôi một chút về chuyến đi vừa rồi, về sức khỏe của bà ngoại. Tôi chỉ đáp cụt lủn, cũng không biết phải nói thêm gì nữa. Một lát thì dì từ bệnh viện trở về, không khí trên bàn ăn nhất thời càng trở nên ngượng nghịu.

-Còn nó thế nào rồi em?

-Con ngủ rồi, em tranh thủ về nhà sửa soạn một chút, lát nữa em lại đến viện trông con!

Dì nói xong, lại mệt mỏi thở dài một tiếng. Tất nhiên tôi biết họ đang nói về Lâm – con dì, trên danh nghĩa cũng là em tôi – em khác cha, và khác cả mẹ. Bố tôi kết hôn với dì Thanh hai năm trước, sau khi mẹ tôi mất đã tròn 7 năm. Tôi không phản đối, nhưng không hiểu sao vẫn không thể thân thiết với mẹ con dì. Tôi vẫn luôn gọi Lâm là Trán Vồ, bởi cái trán do bướng như cái sân bay của thằng bé. Nó nhỏ hơn tôi 5 tuổi, là lứa tuổi mà đáng lẽ ra phải vô cùng hoạt bát hiếu động mới đúng. Thế nhưng tai nạn vào mùa Hè vừa rồi khiến thằng bé buộc phải làm vật lý trị liệu mới có thể đi lại bình thường được. Tôi vừa xới cơm vừa nhìn sắc mặt nhợt nhạt của dì, bỗng thấy có chút không đành lòng.

-Lát nữa dì để con đi cho! Dù sao mai cũng là cuối tuần, con có thể ngủ lại bệnh viện trông em!

Nói xong, chính tôi cũng có chút kinh ngạc. Mặc dù đây không phải lần đầu tôi vào viện với Lâm, nhưng chưa lần nào tôi tự nguyện ở lại qua đêm để trông thằng bé cả. Bố và dì cũng có chút sửng sốt, nhưng sau đó vẫn gật đầu đồng ý.

***

Buổi tối mưa Xuân, nên bầu không khí vô cùng ẩm ướt. Tôi ghé vào bên đường mua chút dâu tây, nên lúc đến chỗ Lâm thì cũng đã 9 giờ tối.Thằng bé đã tỉnh, đang ghé vào đầu giường, hướng mắt nhìn ra bầu trời đỏ thẫm bên ngoài. Thấy tôi đến, nó hơi ngạc nhiên:

-Sao chị lại đến đây?

Sao lại không thể đến? Tôi nghĩ trong đầu như thế, nhưng vẫn là không nói ra. Vì vậy nên chỉ nói:

-Thay dì đến trông nhóc! – Nghĩ một lát rồi lại bổ sung – Đêm nay chị ngủ lại với nhóc!

Thằng bé không nói gì, chỉ nhón tay lấy quả dâu tây trên đĩa tôi vừa đổ ra và bỏ vào miệng. Tôi nhìn nó, do dự một chút rồi hỏi:

-Chân cẳng thế nào rồi? – Vẫn là không thể thốt ra được một câu thăm hỏi ân cần tử tế.

Thế nhưng Lâm cũng không so đo với tôi, nó uể oải đáp:

-Đã đi được một chút! Nhưng đứng không được lâu!

-Cho chừa cái thói chạy loạn đi nhé!

-Cái chị này, sao lại ác miệng như vậy hả?

Nói xong còn lầm mặt quỷ giận dỗi với tôi. Tôi nhìn nó tủi thân cuộn lại một góc, định châm chọc thêm vài câu, nhưng lời đến bên miệng lại không cách nào thoát ra.

-Chị này! – Trán Vồ bỗng lên tiếng gọi tôi – Tết này ý, không thể đi được, vậy là tiền lì xì sẽ ít lắm đây!

-Bị thế này rồi mà còn nghĩ đến tiền à? – Tôi dùng sức thật mạnh mà cốc đầu nó.

-Đau !!! Em cũng chỉ nói thế thôi mà!

...

-Chị này!

-Lại làm sao?

-Hay chị nhận tiền lì xì hộ em nhá! Xong em sẽ trả công chô chị một ít!

-Nằm mơ!

...

-Chị này!

-Không nghe!

-Tết này em không thể đi chơi! Chị đưa em đi nhé?

...

-Ừ!

***

Buổi sáng Chủ Nhật, trời đã bắt đầu hửng nắng. Nắng Xuân rất đẹp, trong trẻo, dịu dàng, lại pha thêm chút lạnh lẽo nhàn nhạt. Trán Vồ ăn xong bữa sáng tôi mua, nghỉ ngơi một lát rồi bắt đầu tập vật lý trị liệu. Tôi đứng bên cạnh nhìn thằng bé gắng sức đến mặt mày tím tái. Môi nó bặm thật chặt, cố gắng không phát ra âm thanh đau đớn, mà mồ hôi đã chảy dài trên vầng trán nổi đầy gân xanh. Đôi lúc kiệt sức, thằng bé gần như ngã phịch xuống trên mặt đất. Tôi đã xem cảnh tượng này trên rất nhiều bộ phim truyền hình, nhưng đây lại là lần đầu tiên kể từ khi gặp mặt, tôi thấy Trán Vồ bỏ ra nỗ lực lớn đến như thế. Giống như, đó không phải là một Trán Vồ nghịch ngợm đến khó chịu như trước đây nữa! Có thể là do tai nạn đã khiến thằng bé trở nên chín chắn hơn, hoặc có thể đó là một con người hoàn toàn khác mà nó chưa bao giờ thể hiện ra bên ngoài, hoặc cũng có thể là cả hai.

Vật lộn cả buổi sáng, tôi đưa Lâm đi tản bộ trong khuôn viên bệnh viện. Nắng đã rút dần, bầu trời lại trở về một mảnh xám trắng. Trán Vồ không nói gì, vẻ mặt ưu tư như có điều suy nghĩ. Khuôn mặt đầy vẻ nghiêm túc, nhưng kết hợp với cái trán dô bướng lại mang vẻ tương phản đến buồn cười. Càng nhìn, tôi lại càng không nhịn được mà lại bật ra cười thành tiếng. Thằng bé quay sang nhìn tôi khó hiểu. Tôi phát hiện mình có chút thất thố, đành hắng giọng lại hỏi:

-Mệt lắm à?

Thằng bé bĩu môi, vẻ mặt biết thừa rồi còn hỏi. Tôi lại bật cười.

-Chị, hoa đào nở rồi kìa!

-Ừm... thích hả?

-Vâng.

-Càng ngày càng giống con gái rồi đấy!

-Chị, hái cho em đi! – Thằng bé làm bộ như không nghe thấy câu châm chọc của tôi, tiếp tục nói.

-Chỗ này là nơi công cộng đấy! Muốn phá hoại của công hả?

Nói thì nói thế, nhưng không hiểu sao tôi vẫn chạy tới bẻ cho Trán Vồ một cành. Thằng bé nhận lấy, chốc chốc lại quay sang tôi ngây ngô cười.

-Chị! Em sẽ sớm đi lại được, phải không?

Câu hỏi của Trán Vồ khiến tôi lặng đi. Nhưng trước khi tôi kịp an ủi nó điều gì, thằng bé đã lại tự trả lời:

-Chắc chắn là được mà! Em tin em sẽ làm được! Thật đấy!

Trán Vồ chắc nịch nói, đôi mắt trong suốt mà đầy kiên định. Tôi nhìn thằng bé, do dự một lúc lại lấy tay xoa xoa tóc nó. Cánh đào trên tay bất giác rụng xuống một cánh hoa, thế nhưng sắc hồng xinh đẹp vẫn không vì thế mà giảm bớt.

-Chị này...

-Được mà, chị chắc chắn là sẽ được!

-A, thế là chị đồng ý nhận tiền lì xì cho em rồi nhé! Cấm nuốt lời đấy!

Tôi nghẹn họng, trân trối nhìn Trán Vồ. Đột nhiên lại có cảm giác mình vừa bị lừa một vố rất đau...

Buổi tối trở về nhà, tôi lại nằm vật ra giường, loay hoay nhắn tin cùng Nguyên cho hết buổi tối. Lại thấy trên FB một bức ảnh mới Nguyên đang lên. Cậu ấy nói nhớ nhà, nhớ Tết Việt Nam. Nói rằng Thượng Hải cái gì cũng tốt, chỉ là không có bạn bè người thân bên cạnh. Tôi nhìn bức ảnh đăm đăm, rồi hỏi cậu ấy không nhớ tôi sao.

"Không. Nhớ nhung cái gì đâu :P"

Tôi vừa bực vừa buồn cười, nhưng cũng chẳng thèm so đo. Đá qua đá lại một lúc lại tắt máy đi ngủ. Đêm mùa Xuân bầu trời rất đỏ. Trong đầu lại hiện lên vẻ mặt non nớt cùng đôi mắt cất chứa cả biển nỗi buồn của Trán Vồ. Miên man suy nghĩ, toi lại ngủ quên mất lúc nào không hay.

***

Buổi chiều giữa tuần, tôi chủ động rủ dì Thanh cùng đi chợ hoa Xuân. Ban đầu, dì có vẻ rất ngạc nhiên, nhưng cuối cùng vẫn là vui vẻ nhìn tôi gật đầu. Mặt tôi bỗng nóng lên một cách kì lạ, cũng không hiểu sao mình lại ngượng ngùng nữa.

Chợ hoa đầu Xuân năm nào cũng mở, nhưng tôi lại không thường xuyên đi. Lần cuối cùng là cùng với Nguyên hai năm trước, so với bây giờ cũng không khác biệt lắm. Vẫn chỉ có những loại hoa như hằng năm, thêm một chút đồ trang trí bắt mắt nữa, nhưng năm nào cũng đông nghẹt người. Dì Thanh mải mê chọn quất, còn tôi chỉ đứng một chỗ đăm đăm nhìn vào dãy đào bích bung cánh rực rowc. Hôm trước, chính tôi cũng đã hái cho Trán Vồ loại đào này. Tôi vẫn nhớ năm ấy, ba tôi đã chiết lấy một cành đào cỡ bằng ngón tay cái, sau đó ba đặt nó trong một chiếc chậu nho nhỏ rất xinh. Khi ấy tôi còn rất bé, tuy không hiểu hết làm sao một cành đào bé tí sau này có thể trổ lá ra hoa, nhưng lại vẫn cứ tin tưởng là như thế. Từ hôm ấy, bất cứ lúc nào tôi cũng chăm chú quan sát chiếc chậu, một chố rồi lại một chốc mang nước ấm tưới cho nó. Đến mức ba tôi phải bất đắc dĩ mà cốc đầu tôi: "Con tưới nhiều vậy cây sẽ chết mất".Tôi nghe ba nói, nhưng lại không cho là vậy. Nên cứ khii nào không có mặt ba, tôi sẽ vẫn mang nước rót vào bó đất quấn quanh cành đào. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, cành đào vẫn khô khốc. Còn tôi vẫn cứ mải mê nhìn ngắm. Và chờ đợi. Cho đến một ngày đi học về, tôi không còn nhìn thấy chiếc chậu ấy nữa, bởi ba tôi đã bỏ nó đi rồi. Cây đào không bén rễ, nên cũng chẳng thể trổ lá, ra hoa. Tôi mất một vài ngày mà tiếc ngẩn tiếc ngơ, thế nhưng tâm tính trẻ con cũng chẳng để bụng được quá lâu. Chuyện cành đào theo kí ức nhạt dần. Nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết được cái cảm giác khẩn trương, tin tưởng, hy vọng. Mà khoảng khắc này, tôi chợt nhận ra, hoa đào với tôi lại mang ý niệm như thế. Chỉ là với một mình tôi mà thôi, nhưng lại vẫn muốn dành nó cho Trán Vồ. Giống như, một món quà với ý nghĩa đặc biệt!

Loanh quanh khắp chợ hoa, chúng tôi đặt mua một quất, một đào, sau đó bắt đầu trở về. Trước đó, tôi còn không quên chụp lại một vài tấm thật ưng ý rồi mới hài lòng mà tiến ra cửa.

***

Sáng được nghỉ, tôi mang sữa ra ngoài thềm nhà, rồi lại ngồi ngu ngơ ở đấy mà online. Tôi chọn ra bức ảnh đẹp nhất chiều hôm qua chụp được, sau đó inbox cho Nguyên. Như vậy, có lẽ cảm giác nhớ nhà của cậu ấy sẽ vơi bớt đi. Nhưng mà tôi cũng không ngờ cậu ấy lại comment phá phong cảnh như vậy.

"Định đăng ảnh này chọc tớ à? Đang nhớ nhà muốn chết nè! T^T"

"Không có mà! Đăng ảnh an ủi cậu đấy! J".

"Tớ chả thấy được an ủi gì hết!"

"Haha"

...

Sau đó, Nguyên kể rất nhiều, rất nhiều, rằng tuyết đang rơi lạnh ơi là lạnh, rằng sông Hoàng Phố về đểmực rỡ đến thế nào, và cả những con đường đã bắt đầu tràn ngập không khí Tết Nguyên đán rồi. Tôi vừa xem tin nhắn, lại bất giác mỉm cười. Tôi ngước mắt lên nhìn trời, lại thấp thoáng trông thấy giàn hoa hồng môn trắng muốt trên nền tường cũ đã phủ kín màu rêu xanh, khiến người ta cảm giác có chút đối lập, nhưng lại phá lệ cổ kính. Người là người sống ở phương xa. Kể nhiều như thế chắc là yếu lòng lắm rồi. Vì vậy, tôi chụp lại rồi gửi cho Nguyên, lại thêm một dòng ngắn gọn: "Tặng đấy! Mùa Xuân trong vườn nhà tớ!". Một lát sau, tôi bước vào nhà, cầm con dao nhỏ đi đến trước cành đào vừa mua, tùy tiện mà cắt lấy một cành nhỏ thật ưng ý, cũng chẳng quản xem điều này làm cành lớn kia mất mỹ quan như thế nào.

Sửa soạn một chút, tôi lại tới bệnh viện. 9 giờ sáng, thằng bé vẫn còn ở trong phòng ngủ nướng. Tôi tiến đến bệ cửa sổ, lấy đi cành đào đã héo rũ hôm trước, thay thế vào đó một cành khác đẹp hơn, tươi hơn rất nhiều. Nghe tiếng động, Trán Vồ mở mắt, quay đầu ra nhìn tôi bằng đôi mắt sưng húp.

-Ê Trán Vồ! Sao lại khóc thế? – Tôi sửng sốt, tiến lại gần nó.

Nhưng nó chẳng nói gì, chỉ uể oải kéo chăn lên che mất nửa khuôn mặt. Tôi giằng co mãi mới kéo được cái chăn ra, gặng hỏi:

-Sao vậy? Kể cho chị được không?

-... Chân em rất nhức! – Thằng bé im lặng một lúc, rồi nói bằng giọng lí nhí. Đôi mắt ứa nước như sắp khóc đến nơi của nó khiến tôi xót xa đến nghẹn lại. Tôi vén một góc chăn ngồi lên giường, cẩn thận nâng hai chân Trán Vồ lên đặt trên chân mình, nhẹ nhàng xoa bóp. Nhưng thằng bé càng lúc, nước mắt lại càng không kìm được. Giữa những quãng nức nở, tôi vẫn nghe tiếng rên rỉ đau đớn, nặng nề. Tiếng thở dài chẳng biết là của ai vang lên như kéo cả không gian vào buồn thiu vắng lạng. Tôi nhìn cành đào vẫn vô tri thản nhiên mà khoe sắc nơi khung cửa. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi biết được cảm giác bất lực lại khó chịu đến mức này.

Trán Vồ nức nở một lúc đến khi kiệt sức, nằm tĩnh lặng trên giường không nói. Tôi cũng chỉ biết lẳng lặng tiếp tục xoa chân cho nó. Thế rồi, tôi nghe thấy giọng nó uể oải:

-Chị thay hoa đào rồi à?

-Ừm! Đào nhà mình đó, đẹp không?

-Xấu òm!

-...

-Em không muốn cả nhà khổ vì mình nữa đâu!

-Biết thế thì cố gắng lên! Không được từ bỏ!

-Nhưng em mệt mỏi lắm...

-Kh...

-Rồi rồi! Không được từ bỏ chứ gì? Em hiểu mà...

-Ừm...

-Chị! Tiền lì xì.....

-Biết rồi! Sẽ lấy cho em thật nhiều.

-Ừm...

Trán Vồ vô lực lên tiếng. Sau đó lại chìm vào giấc ngủ... Mà trước đó, tôi vừa kịp nghe thấy tiếng thằng bé lẩm bẩm dù chỉ rất nhỏ: -Sẽ cố gắng mà...

***

Chiều 30 Tết, Trán Vồ được cho phép trở về nhà. Bố tôi và dì Thanh đưa thằng bé vào nhà. Còn tôi dọn dẹp lại căn phòng của nó thật gọn gàng. Suốt cả buổi, Trán Vồ nói nhiều đến nhức đầu. Thật không còn một tí dáng vẻ mệt mỏi nào từ hôm trước còn lưu lại! Có lẽ vì được về nhà, nên tâm trạng cụng tốt hơn nhiều. Mọi người thấy vậy cũng vui lây.

Trời là trời có nắng nhè nhẹ, có con mèo nhà đối diện lười biếng phơi dài trên nóc nhà bằng ngói cũ đã loang dấu thời gian. Cảnh tượng đẹp như trong tranh, yên bình mà điềm đạm.

Buổi tối, Trán Vồ đòi nằng nặc bằng được phải trông nồi bánh chưng và xem pháo hoa giao thừa. Tôi cũng lười quản nó. Cả nhà cùng ngồi bên ngoài mái hiên, đợi chờ từng khắc thời gian trôi qua. Thằng nhóc thì liên tục bố ơi, mẹ ơi, chị ơi, líu ríu như con chim nhỏ. Những câu chuyện nhỏ lặt vặt được khơi lên càng lúc càng nhiều. Không khí gia đình hài hòa đến mức chính bản thân tôi cũng có chút ngạc nhiên, nhưng từ tận đáy lòng lại cảm thấy vui vẻ ấm áp. Bỗng một tiếng pháo nổ bùm thật lớn, tôi giật mình nhìn điện thoại, đã 0 giờ rồi.

Chợt điện thoại kêu, tôi hồi hộp mở tin nhắn ra. Là người từ phương xa gửi tới.

"Đồ dở hơi! Năm mới vui vẻ, bình an!

Nhớ cậu!"

Tôi cong cong khóe miệng, lại thấy mắt hình như ươn ướt!

"Pháo hoa năm nay rất đẹp!

Trời ấm!"

Nghĩ nghĩ một lát, lại thêm vào một câu "Tớ mong cậu trở về!" Rồi mới nhấn nút send.

Vì tớ mong cậu trở về, chô nên cậu nhất định phải luôn nhớ đến tớ, biết chưa?

Đặt điện thoại sang bên, tôi quay sang Trán Vồ, lại thấy một đôi mắt hạnh phúc trong suốt, lấp lánh phản chíu sắc màu pháo hoa.

-PHAN THỊ HOÀI THU (Hà Nội)-

-END-


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro