Chương 3: Chuyện của Mậu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xe vừa chạy không bao lâu, Tôn Tùng liền nghe thấy tiếng gọi í ới phía xa. Vốn dĩ không gọi rõ tên nên Tôn Tùng cho rằng đó là tiếng ai đó gọi nhau giữa đường xá đông đúc, không liên quan đến mình. Xui rủi thế nào, hắn vẫn ngẩng đầu lên nhìn về hướng phát ra tiếng gọi.

"Thưa ngài... dừng xe! Làm ơn đợi một chút!" Là cô bé ngồi chung xe khi nãy.

Tôn Tùng có đôi chút ngạc nhiên nhưng rồi nhanh chóng cho xe dừng lại. Hắn thắc mắc không biết là điều gì khiến cho một người mới khoảnh khắc trước hận không thể cắt đứt mọi liên quan với hắn nhanh nhất có thể lại dùng hết sức bình sinh đuổi theo xe để gọi hắn lại như vậy.

Bính chống tay lên xe thở hổn hển, Tôn Tùng theo phép lịch sự có ý định chống gậy bước xuống xe nói chuyện với cô bé nhưng cô đã nhanh chóng ngồi vào trong thân xe.

"Ngài... bức tranh..." Bính vẫn chưa ổn định được hơi thở.

"Cứ bình tĩnh, không gấp!" Tôn Tùng khuyên. Tay hắn muốn với lấy bình nước trong túi áo cho cô uống lấy hơi nhưng lại chợt nhớ ra thứ chứa trong bình không phải nước mà là rượu.

"Thưa ngài, hai hôm trước, ngài có mua một bức tranh ở hàng nước gần quảng trường đúng không ạ?" Qua một lúc, Bính lấy lại được hơi thở và mạch lạc hỏi.

"Hai hôm trước?..." Tôn Tùng có đôi chút mơ hồ vì gần đây xảy ra quá nhiều việc.

"Là bức tranh vẽ một dòng sông phủ đầy tuyết." Bính giải thích thêm.

Nói tới đây thì Tôn Tùng đã hoàn toàn rõ ràng.

"Thì ra là bức tranh ấy! Là tranh nhóc vẽ à?" Tôn Tùng gật đầu xác nhận.

"Thưa không! Tranh là do em trai của tôi vẽ. Thành thật xin lỗi nhưng ngài có thể trả lại bức tranh kia cho tôi không ạ? Tôi sẽ hoàn tiền lại cho ngài." Bính cố gắng nói một cách chân thành.

"Có thể cho ta biết lý do không?" Tôn Tùng khẽ nhíu mày.

Bức tranh đó thật ra không phải quá xuất sắc, chỉ là nó vô cùng chân thực, và quan trọng là hợp ý Tôn Tùng. Thú vui mua tranh cũng chỉ đơn giản dựa vào hai chữ hợp ý này mà có ý nghĩa. Thế nên dù kỹ thuật của người vẽ bức tranh đúng là còn non nớt nhưng riêng ý tưởng và khả năng truyền tải lại vừa hay khơi dậy được cảm nhận của anh ta. Việc mua được bức tranh kia có thể xem là điểm sáng duy nhất suốt những ngày mệt mỏi vừa qua của hắn. Nhưng hôm nay lại có người đuổi theo, muốn hắn trả lại bức tranh. Tâm trạng không thể nói là vui nhưng cũng không hẳn là buồn bực, chỉ cảm thấy có chút vi diệu.

"Em trai tôi hiện đang theo học một lớp năng khiếu ở trường M. Vì trong nhà có đôi chút khó khăn nên tôi đã lén mang vài bức tranh của thằng bé đi bán. Xui xẻo thế nào, tôi lại mang ngay bài dự thi đạt giải của em trai ra treo bán và sau đó được ngài mua lại. Tôi biết là quá đáng nhưng hiện tại thần tượng của thằng bé đang ở đây nên thằng bé rất mong được người mà nó hằng ngưỡng mộ ký tên lên tác phẩm dự thi đầu tiên của nó. Mong ngài thông cảm!" Bính không biết ngượng mà nói quá lên ở một vài chi tiết để làm câu chuyện có vẻ dễ đồng cảm hơn.

"Thần tượng?"

"Ngài có biết Tôn Tùng không? Là một vị hoạ sĩ nổi tiếng xuất thân từ thành phố này. Nếu là một người theo đuổi con đường hội hoạ, không ai là không biết đến tên tuổi của ông ấy. Với toàn thể người dân thành phố C, ông ấy chính là một niềm tự hào. Đối với em trai tôi, ông ấy chính là kim chỉ nam, là lý do thằng bé theo đuổi hội hoạ." Điều này tất nhiên cũng chỉ là nói quá.

Tôn Tùng từ khi còn rất nhỏ đã nghe không ít người dùng những lời lẽ hoa mỹ ca tụng và lấy lòng hắn nhưng chưa có một lần nào lại khoa trương và trắng trợn như lần này. Hắn thắc mắc không biết khi nhóc con này biết được thân phận của hắn thì sẽ có phản ứng như thế nào.

"Vậy thì bức tranh đó quả là có ý nghĩa quan trọng với em trai của nhóc!" Tôn Tùng ra vẻ gật gù. "Nhưng đạo lý kinh doanh nhóc phải hiểu rõ, ta mua tranh một cách đàng hoàng chứ không cướp của ai cả. Nếu đã thuận mua vừa bán thì bức tranh kia hiện tại là vật phẩm của ta. Nhóc không có quyền yêu cầu ta trả lại."

Bính vốn dĩ đang vui mừng vì câu trước thì đã bị dội ngay một gáo nước lạnh ở câu tiếp theo. Cô cũng đã chuẩn bị trước rằng người này không đơn giản bị mấy lời nói của cô thuyết phục. Thôi thì chỉ có thể xem như Đinh Ba xui thôi.

"Nhưng nhóc có thể hỏi mua lại bức tranh kia." Tôn Tùng nói như thể vô tình đề xuất.

Tính cách hắn ta thật ra có phần mâu thuẫn. Ngoài mặt hắn là người hoà nhã, nhiệt tình nhưng tâm tính lại có chút bất đồng. Hắn ghét bị người khác tính kế cũng không bao giờ muốn chịu thiệt. Hắn thừa biết bức tranh kia cũng chỉ là một vật phẩm mua vui cho hắn trong chốc lát. Lại cũng biết lời cô bé kia có ba phần thật lòng nhưng vẫn không nhịn được muốn làm khó dễ người ta.

"Ngài muốn mức giá bao nhiêu?" Bính hơi nhíu mày nói. Nếu hắn muốn thừa cơ hội để hét giá cao thì chắc chắn cô sẽ không đồng ý.

"Sáng ngày mai, gọi em trai nhóc đến địa chỉ này gặp ta. Về phần giá tiền, ta sẽ tự nói với em nhóc." Hắn đưa ra tờ rơi có số phòng của khách sạn mà hắn đang ở rồi nói với Bính.

"Nhưng..."

"Ta có vài câu cần hỏi chính tác giả bức tranh. Yên tâm, ta không có hứng thú lừa gạt vài đồng tiền lẻ của gia đình nhóc đâu!" Có việc cần hỏi là thật, không cần tiền cũng là thật. Cái hắn cần là làm người khác thấy không dễ dàng, thật ra đã đạt được rồi.

Xe đã rời đi được một lúc mà Bính vẫn đứng trên đường nhìn về hướng chiếc xe, trên mặt cô bé hiếm khi hiện rõ khó chịu như hiện tại. Những gì người kia nói không hề sai nhưng vẫn làm cô cảm thấy bực bội. Cả hai bên đều thừa biết bức tranh kia chẳng có gì quý giá, kỹ thuật vẽ cũng chỉ là hạng nghiệp dư, khung tranh cô làm ngoại trừ chỉnh chu thì cũng chẳng có gì đặc sắc. Cô còn đặc biệt vẽ ra một câu chuyện ý nghĩa như thế kia, theo lý thì mọi người sẽ nương theo tình thế mà đồng ý trả lại bức tranh, cho dù không vì cảm động trước câu chuyện của cô thì cũng xem như làm phước rồi tránh khỏi phiền phức. Người kia thì hay rồi, không những không nhanh chóng giải quyết, ngược lại còn làm chuyện thêm phức tạp.

Tới mức này thì Bính xin chịu thua, cô không có ý định hy sinh bình yên của mình vì bức tranh nhỏ bé của Đinh Ba đâu. Thằng bé vốn cũng chẳng hâm mộ gì vị hoạ sĩ tên gọi Tôn Tùng kia, chủ yếu là vì tiếng tăm của ông ta quá lớn, bạn bè được ký tên lên bài thi còn mình thì không khiến thằng bé cảm thấy thua thiệt. Cùng lắm là ba ngày sau, Đinh Ba sẽ vứt chuyện này ra khỏi đầu. Vì thế mà Bính cảm thấy cô cố gắng đến đây là được rồi.

Bính trước giờ đều là như thế hoặc có lẽ vì trong đầu cô chỉ có vỏn vẹn hai năm ký ức nên cô luôn nhạy cảm và đề phòng với những tình huống có thể dẫn đến rắc rối. Tính cách suy xét cẩn thận của cô cũng vì cảm giác thiếu an toàn này mà hình thành.

Bính đẩy cửa bước vào nhà mình với suy nghĩ xem như chuyện tìm thấy người mua tranh chưa từng xảy ra.

"Chị Hai, em nghe nói chị tìm gặp người mua tranh của em?" Chưa bước chân vào phòng khách, Đinh Ba đã đón đầu Bính bằng một giọng vui vẻ.

"...Ai nói cho em?" Bính đột nhiên cảm thấy cuộc sống này thật đúng là không dễ dàng.

"Bà chủ hàng nước." Giọng Đinh Ba vẫn vô cùng phấn khích.

Bính tự hỏi hôm nay là ngày gì mà sao mọi thứ luôn diễn biến theo hướng khác hoàn toàn với những gì cô dự tính. Bính nhìn Đinh Ba rồi thở dài chấp nhận hiện thực.

"Ngày mai theo chị đến một nơi." Bỏ lại cho Đinh Ba một câu, Bính cứ thế đi thẳng vào phòng khách.

Lúc Bính vào đến nhà, cả bà Phó và Mậu đang bàn bạc chuyện gì đó. Họ đột ngột dừng lại và nhìn về phía Bính khi thấy cô bé đi vào. Bính thoáng nhìn thấy khoảng cách gần kề cũng như bàn tay hai người họ đang nắm chặt lấy nhau. Cô nhẹ nhàng mỉm cười chào hai người rồi theo thói quen đi về phía ông Phó kiểm tra. Ông có vẻ vui vẻ hơn hẳn thường ngày. Cổ họng ông cứ thỉnh thoảng phát ra tiếng ồ ồ trầm thấp. Con mắt bên trái cũng thể hiện rõ ràng sự vui mừng khi thấy con gái ở xa mới về.

"Cha có vẻ rất vui khi thấy chị Cả về." Bính nói khi quay lại ngồi vào bàn.

"Đúng không?! Mẹ cũng cảm thấy như vậy." Bà Phó hưởng ứng.

Mậu vẫn im lặng quan sát Bính.

"Bính gọi em vào ăn cơm đi con!" Bà Phó liếc nhìn qua lại giữa hai đứa con gái của mình rồi lên tiếng.

"Vâng!" Bính đứng dậy ra sân gọi Đinh Ba.

Bước đi được hai bước cô còn nghe thấy tiếng bà Phó đập vào lưng Mậu rồi nói nhỏ gì đó với ý trách cứ.

Cả nhà ngồi quây quanh bàn ăn, kể cả ông Phó. Thức ăn đều là mấy món đơn giản nhưng dù đơn giản thì cũng đã thịnh soạn hơn thường ngày rất nhiều. Mậu lại không hề để ý mà ăn rất chuyên tâm.

"Con nhớ mấy món mẹ nấu quá, nhất là món thịt xào này!" Mậu không ngừng cảm thán.

"Nếu biết trước con về thăm nhà thế này thì mẹ còn nấu nhiều món con thích hơn nữa!" Bà Phó chưa động đũa mà chỉ ngồi nhìn Mậu ăn một cách hạnh phúc.

"Đồ ăn hôm nay ngon quá! Món nào con cũng thích." Đinh Ba nói trong khi miệng vẫn đầy đồ ăn.

Bà Phó đánh nhẹ vào vai Đinh Ba, trách nó thiếu phép tắc nhưng lại cười vui vẻ. Mậu thì cười lớn nhìn khuôn mặt dính đồ ăn của em trai. Ông Phó cũng nheo nheo mắt phát ra tiếng ồ ồ thoải mái. Bính nhẹ nhàng mỉm cười nhìn mọi người.

Có lẽ vì cao hứng, bà Phó xuống bếp lấy ra bình rượu mơ gia đình ủ lâu nay. Văn hoá uống rượu có thể nói là khá mạnh mẽ ở vùng này. Bất kể chuyện vui, chuyện buồn, mời khách, làm lễ, đưa tiễn, khánh thành, mừng công... hầu như lúc nào cũng phải có sự đóng góp của rượu. Bà Phó tất nhiên muốn uống rượu với con gái lớn vào một dịp gia đình đoàn tụ vui vẻ như thế này.

"Không được!" Bính bất ngờ chặn bà Phó lại khi bà lấy rượu cho Mậu.

Mọi người đều quay đầu lại nhìn Bính với vẻ mờ mịt.

"Chị Cả không uống được rượu!"

"Chị nói gì vậy? Trước khi lấy chồng ai mà chẳng biết chị Cả là một con sâu rượu." Đinh Ba phản bác.

"...Không phải, mà..." Bính xoắn xít. "Chị không nói với mẹ sao?"

Mậu ngạc nhiên tròn mắt nhìn Bính.

"Có chuyện gì?" Bà Phó cũng cảm thấy có gì đó không đúng.

"Mẹ à, chúc mừng mẹ lên chức bà!" Mậu cười nói với bà Phó sau một hồi tròn mắt nhìn Bính.

"Thật sao? Được bao lâu rồi con?" Bà Phó gần như vỡ oà trong hạnh phúc. Mắt bà ngân ngấn lệ.

"Sắp bốn tháng rồi ạ."

"Tốt quá! Tốt quá rồi!" Bà Phó hạnh phúc lặp đi lặp lại. "Mà sao con lại trở về thời điểm này. Con chẳng phải nên tĩnh dưỡng sao? Không được, ngày mai mẹ phải đi mua gà về hầm mới được!"

Mậu cười cười nhìn mẹ mình xoắn xít trong niềm hạnh phúc. Nhưng có một điều làm cô bận tâm hơn ở thời điểm này.

"Sao nhóc lại biết được?" Mậu hỏi Bính.

"Em đoán."

"Nhóc con, đừng có nói mấy lời dư thừa." Mậu có chút nhận biết tính cách hiện tại của em gái mình. Nhóc con này quá nhạy cảm và cẩn thận nên nó sẽ luôn "chơi" một cách thật an toàn.

"...Chị đã chặn Đinh Ba lại khi nó lao đến ôm chị."

"Chỉ như thế?( mà đoán được)"

"Chị không thoa son và hương liệu."

"Biết đâu chị là người không thích dùng những thứ đó thì sao? Em nhớ được chị trước kia như thế nào sao?"

"Phụ nữ có thể không dùng son và hương liệu hằng ngày nhưng khi đi ra ngoài, đặc biệt là đi xa thì hầu như ai cũng sẽ dùng. Hơn nữa, em biết chị thích mỹ phẩm và hương liệu. Trước kia khi dọn từ nhà cũ sang đây, em đã thấy rất nhiều trong phòng của chị. Mẹ nói chị đã mang đi hơn một nửa rồi mà vẫn còn nhiều như vậy chứng tỏ chị rất thích những sản phẩm làm đẹp kia." Bính từ tốn trả lời.

"..."

"Với cả, có lẽ chị không để ý nhưng chị rất hay xoa bụng. Nhất là khi chị mải suy nghĩ hay có gì bất ngờ xảy ra."

"Nhóc con, xem như em lợi hại"

Không khí trong nhà vì tin vui của Mậu mà xôn xao hơn hẳn. Đinh Ba chưa rõ sự việc thế nào nhưng nghe mình được lên hẳn chức Cậu nhỏ thì cũng phổng mũi cho rằng mình rất oai phong. Bà Phó thì vui mừng khỏi nói, bà cứ chốc lát quay sang kể tin vui cho ông Phó rồi nhớ ra mình đã nói tin này với ông được vài lần, rồi lại cười cười với Mậu ra chiều dặn dò đủ thứ.

"Chào mọi người!" Một giọng nói khàn khàn vang lên ngoài cửa. Dù cửa mở nhưng người nọ vẫn không bước vào.

Mọi người đồng loạt quay đầu ra hướng cửa. Mậu mỉm cười khi nhận ra người đến. Cô bước nhanh về phía cửa kéo người kia vào nhà.

"Nghị, anh mau vào đây chào cha mẹ đi!"

Người đến là một người đàn ông ngoài ba mươi với vóc dáng hết sức đồ sộ. Trái ngược với thân hình có phần đáng sợ, gương mặt anh lại thể hiện vẻ nhút nhát và cục mịch. Người này không ai khác chính là anh rể của Bính và Đinh Ba, chồng của Mậu, Văn Nghị.

"Con chào cha! Con chào mẹ!" Giọng Văn Nghị lộ rõ căng thẳng.

"Mau ngồi xuống, ngồi xuống đây! Đừng cúi đầu nữa, sắp chạm đất đến nơi rồi." Bà Phó niềm nở đón tiếp cậu con rể.

Văn Nghị ngồi giữa Mậu và bà Phó thật sự là một cảnh tượng rất thu hút. Anh ta dù ngồi khom lưng, cúi đầu vẫn trông như một người khổng lồ so với mọi người. Phòng khách vốn không được lớn của gia đình Bính lại càng có vẻ nhỏ hơn sau sự xuất hiện của anh.

"Hai đứa tối nay ngủ lại nhà nhé! Phòng Đinh cũng khá thoáng mát. Để mẹ lấy thêm đệm gối cho hai đứa." Bà Phó nói năng liến thoáng.

"Mẹ, tụi con có chỗ nghỉ rồi!" Mậu cười cười dừng bà Phó lại.

"Vậy sao? Vậy cũng tốt, dù sao nhà mình cũng không được rộng rãi lắm!" Bà Phó nhanh chóng tiếp lời nhưng không giấu nổi sự buồn bã.

"Mẹ hiểu sai ý con rồi" Mậu nhanh chóng nhận ra tâm ý của mẹ mình. "Mẹ có nhớ chuyện lúc nãy con bàn bạc với mẹ không? Con cũng cần về bên đó để nói chuyện nên đêm nay ở bên đó vẫn tiện hơn."

Ngồi nói chuyện thêm một lúc, hai vợ chồng Mậu ra về trong sự quyến luyến của bà Phó. Mậu nói rằng ngày mai sẽ lại đến ăn chực cả một ngày mới dỗ được mẹ mình nở nụ cười trở lại.

"Xe đến rồi!" Văn Nghị nhắc nhở.

"Được rồi, về sớm nghỉ ngơi sớm! Con đó, đi đứng phải cẩn thận, đừng cậy mạnh." Bà Phó đỡ Mậu lên xe, vẫn không quên dặn dò.

Bà Phó, Bính và Đinh đứng trên bậc thềm trước cổng nhà chào tạm biệt hai vợ chồng Mậu nhưng Mậu lại bảo lái xe chưa đi vội. Cô thò đầu ra bên ngoài cửa sổ nói vọng ra.

"Nhóc Bính, ngày mai chị có chuyện muốn nói với em, đừng có bỏ đi đâu đấy!" Mậu thè lưỡi trợn mắt nói với Bính bằng giọng ra lệnh.

Mãi đến khi xe đi xa, Mậu vẫn thò đầu ra ngoài vẫy tay chào mọi người. Văn Nghị không nhìn nổi nữa bèn kéo cô ngồi ngay ngắn đàng hoàng vào thân xe.

"Vui sao?" Văn Nghị không nói nhiều nhưng ánh mắt nhìn Mậu lại ánh lên vẻ cưng chiều.

"Vâng, sao có thể không vui được?! Gặp lại mọi người sau bốn năm,... Vả lại, mọi việc không tệ như em nghĩ." Mậu tựa đầu vào vai Văn Nghị, ngón tay vân vê trong lòng bàn tay anh.

Cô lấy chồng khi cha vừa mới ngã bệnh. Cô vốn muốn hoãn việc cưới hỏi lại nhưng mẹ cô lại cho rằng đó là việc không may mắn. Tình hình gia đình cô thời điểm đó vẫn không đến nỗi tệ, mọi người đều hy vọng cha có thể khoẻ lại. Thời điểm mới về thành phố H cùng chồng, Mậu vẫn giữ liên lạc đều đặn hàng tháng cùng gia đình nhưng sau nửa năm thì thư từ thưa dần rồi mất hẳn liên lạc với nhà cũ. Cho đến một ngày cô gần như mất kiên nhẫn và muốn trở lại quê nhà để tìm lại gia đình mình thì cô nhận được thư của bà Phó. Thì ra đã có rất nhiều chuyện xảy ra với gia đình cô, họ cũng không còn ở nhà cũ mà chuyển đến ở thành phố C. Bà Phó khuyên cô đừng quá lo lắng, nên tập trung nhiều hơn vào gia đình nhỏ của mình. Bà cũng cảm thấy có lỗi khi không thể là hậu phương vững chắc hỗ trợ cho cô trong hành trình tiếp theo nên bà muốn ít nhất là mình không "kéo chân" con gái, không thể để cô mãi bận lòng về mọi người như vậy.

Đêm hôm đó, cô nhìn bức thư của mẹ, khóc mãi không thể nín doạ cho Văn Nghị đứng ngồi không yên. Mậu ôm lấy Văn Nghị khóc nức nở một hồi rồi nói một câu không đầu không đuôi trong làn nước mắt.

"Nghị, chúng ta phải cố gắng lên nhé!"

"Được, đều nghe em!" Văn Nghị vuốt tóc vợ mình dỗ dành.

Mậu biết mẹ sẽ chỉ cảm thấy có lỗi nếu cô cứ mãi dốc sức giúp đỡ gia đình. Vì hơn ai hết, mẹ cô biết Văn Nghị là trẻ mồ côi, không nắm tài sản lớn trong tay. Hai vợ chồng mới cưới bắt đầu cuộc sống tự lập đâu đâu cũng phải dùng đến tiền. Cuộc sống hai người có thể không đến mức quá khó khăn nhưng lo thêm cho một gia đình thì lại là vấn đề khác. Cô chỉ có thể nén đau thương, cố gắng ổn định cuộc sống của mình trước, thỉnh thoảng gửi thuốc bổ cho cha, viết thư thể hiện triệt để cuộc sống tốt đẹp của mình để mẹ đỡ lo.

Ông trời dường như không triệt đường sống của ai, cuộc sống của ông bà Phó cùng Bính và Đinh ở thành phố C dần ổn định hơn. Chắc chắn không thể so sánh với hào quang năm xưa nhưng cố gắng làm việc thì cũng đủ ăn đủ mặc.

Nỗi lo cho cha mẹ cùng hai em vơi bớt, Mậu cũng bắt đầu tìm kiếm con đường kiếm kế sinh nhai ổn định. Lúc trước mới về thành phố H, cô có thử mở quán ăn. Lợi nhuận cũng không đến nỗi nhưng không ổn định mà lại còn ngốn hết toàn bộ thời gian của cô. Văn Nghị thì vẫn theo thầy, cũng chính là cha nuôi của anh, làm việc tại vườn ươm cây cảnh của ông.

Ít lâu sau, cha nuôi có nhờ Nghị cải tạo sân vườn cho biệt thự của một người bạn cũ vì ông đã lớn tuổi không còn đủ sức khoẻ nhưng lại không tin tưởng giao việc cho người ngoài. Công việc này đòi hỏi Nghị phải ở lại nơi đó ít nhất bốn tháng vì tính quy mô của công trình. Đối với nghệ nhân làm vườn như họ, những yêu cầu công việc như thế này không hề hiếm. Ngày xưa, anh chính là đi theo cha nuôi làm việc xa mà có cơ hội gặp được Mậu. Vì tính chất công việc nên Văn Nghị thi thoảng mới được về nhà dù từ nhà đến nơi làm việc không hề xa. Mậu cũng vì vậy mà hay lui tới chỗ chồng làm việc để đưa thức ăn, tư trang,...

Không biết có phải nhân duyên của cô luôn tốt hay không, nhưng rất nhanh sau đó Mậu trở thành bạn tốt của con gái gia đình mà Văn Nghị đang làm việc cho. Cô còn được gia đình họ đề nghị làm kế toán riêng vì bác quản gia lớn tuổi không kham hết nổi những vấn đề sổ sách. Mậu cũng không khách sáo, câu nệ mà chân thành cảm ơn rồi nhận lời. Cô hiểu đây là một cơ hội tốt không phải lúc nào cũng đến với mình. Vả lại, ngày trước khi gia đình cô còn đồn điền, đất đai cô không xa lạ gì với những việc kiểm kê sổ sách này.

Cũng nhờ vậy mà cuộc sống của hai vợ chồng Mậu khá hơn rất nhiều. Thuốc men, vải vóc, thậm chí là phí sinh hoạt cũng được cô chuyển về nhà mẹ thường xuyên hơn. Ban đầu bà Phó còn có chút bài xích nhưng khi biết được hoàn cảnh của con gái hiện tại bà cũng dần thả lỏng hơn. Thời điểm đó, bà muốn cho Đinh đi học lớp năng khiếu nên cũng không quá cố chấp nữa.

Mà hiện tại, Mậu chính là đi theo gia đình người bạn tốt của mình đến thành phố C. Dù sao thì cô cũng luôn muốn nhìn tận mắt cuộc sống hiện tại của cha mẹ và hai em nên thừa dịp người bạn kia có việc ở thành phố này, cô đã không chần chừ mà xin đi theo.

"Nhưng mà..." Mậu vô thức lẩm bẩm.

"Em còn lo lắng điều gì sao?" Văn Nghị hỏi Mậu.

"Không hẳn là lo lắng! Không, thật ra là ngược lại. Anh cũng biết, em gái luôn là một nỗi lo trong lòng em. Tính tình con bé... không thể cho là tốt. Nhưng khi gặp lại, phải nói sao nhỉ, cứ như người đứng trước mắt không phải là em gái của em vậy."

"Vì căn bệnh của con bé sao?" Văn Nghị có biết ít nhiều về hoàn cảnh gia đình bà Phó thời gian qua.

"Em không rõ. Nhưng thật sự là có căn bệnh kỳ diệu như vậy sao?!" Mậu trào phúng cảm thán.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro