Phần 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. L'esprit de l'escalier (phrase) (tiếng Pháp): khi ta đã rời đi, ta mới nhận ra hoặc nghĩ ra điều mình cần nói.
Tương truyền từ này có nguồn gốc từ câu chuyện của một triết gia người Pháp Denis Diderot. Ông ấy đã không nói nên lời trong một bữa tiệc. Mãi khi đến chân cầu thang ông ấy mới suy nghĩ kỹ càng và nhận ra điều mình cần nói.
Trong tiếng Pháp, "esprit" nghĩa là sự nhanh trí, khi đi kèm với các thành tố khác sẽ có nghĩa riêng, ví dụ "esprit de décision" ý chỉ một người giỏi và nhanh trong việc ra quyết định. "Escalier" có nghĩa là cầu thang. Cụm từ "l'esprit de l'escalier" nghĩa là một ý nghĩ nảy ra khi bạn đang trên cầu thang rời khỏi cuộc hẹn nào trước đó, ở đây có thể hiểu là lời đối đáp mà lẽ ra bạn phải nói trong cuộc gặp mặt nhưng ngay lúc ấy lại không thể nghĩ ra.
Những người quá nhạy cảm hoặc yếu đuối sẽ thường xuyên có cảm giác này. Có thể họ bị lẫn át trong cuộc nói chuyện, hoặc bị xao nhãng. Chỉ đến khi họ rời khỏi chỗ đó rồi họ mới dằn vặt và tiếc nuối về những điều chưa nói ra.

2. Netzminderwertigkeit (n) (tiếng Đức): Cảm giác ai cũng hạnh phúc hơn mình khi lướt mạng xã hội.
Cảm giác chỉ có mình là "kẻ thất bại" trong cuộc đời này khi dạo quanh một vòng mạng xã hội, ví dụ khi lướt Facebook và nhìn thấy bạn học cũ trở thành tỷ phú hoặc lấy được tỷ phú, đỗ đạt tiến sĩ, du lịch vòng quanh, thế giới trúng vé số, mua biệt thự, phẫu thuật thẩm mỹ thành công...
Đây không phải là tiếng Đức chính thống, mà là biến thể khi ghép từ: Netz = Internet, mạng xã hội và minderwertigkeit = cảm giác rằng mình thua kém người khác. Mặc dù không chính thống, nhưng nó là một từ đắt giá khi miêu tả rất chính xác cảm giác của các bạn trẻ ngày nay khi chơi mạng xã hội.

3. Nostalgia (n) (gốc Hy Lạp): Ước sao có thể trở lại giây phút ấy một lần nữa.
Đây là cảm giác vừa buồn vừa vui khi bạn nhớ lại kỉ niệm đẹp lúc xưa và ao ước được trải nghiệm lại lần nữa.
Thể hiện niềm tiếc nuối vô bờ cho một thời điểm rất đẹp trong quá khứ. Đó là thời điểm bạn nghĩ rằng mình đã có tất cả mà mãi sau này không bao giờ có lại nữa.
Nó còn thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ một vùng đất. "Nostalgia" có gốc từ tiếng Hy Lạp: "Nostos" nghĩa là trở về nhà và "algos" nghĩa là nỗi đau.
"Nostalgia" còn dùng để thể hiện sự tiếc nuối tuổi trẻ.

4. Novaturient (a) (tiếng Anh): Khao khát được thay đổi cuộc sống một cách mãnh liệt.
Từ "nova" bắt nguồn từ "novus", trong tiếng Latin có nghĩa là mới. Vì thế "novaturient" được xem là dùng để chỉ những người khao khát một cuộc đời mới.
Cảm giác này thường đến khi bạn nhận ra rằng cuộc sống hiện tại thật vô nghĩa, chán nản, và bạn chỉ muốn bứt khỏi nó. Bạn nghĩ rằng ngoài kia chắc chắn đang có một cuộc sống khác vui vẻ hơn đang chờ mình.
Bạn có thể bắt đầu sự thay đổi bằng một chuyến đi. Hoặc chuyển chỗ ở, chỗ làm.
Đây được xem là một từ thuộc nhóm "bị lãng quên", ít được sử dụng trong tiếng Anh.

5. Resfeber (n) (tiếng Thụy Điển): Trái tim như phát điên ngay giây phút bạn vừa đặt vé đi đâu đó.
Còn được gọi là "hội chứng tiền- du lịch", có nghĩa là bạn đã chộn rộn, nôn nao, ăn ngủ đứng ngồi không yên ngay từ lúc đặt vé rồi, mặc dù cả mấy tháng sau mới bắt đầu dịch chuyển.

6. Tartle (v) (chưa rõ nguồn gốc): Đột ngột không nhớ ra ngay được tên của ai đó mà phải mất một lúc lùng sục lại trong trí nhớ.
Nó chính là cảm giác khi bạn tình cờ gặp lại một gương mặt quen thuộc trên phố nhưng không thể nhớ ra ngay tên người đó, phải mất một lúc ờ với ừm để hồi tưởng.
Từ này không dùng để diễn tả việc bạn hoàn toàn quên mất tên ai đó đâu nha. "Tartle" chính xác là để chỉ khoảnh khắc ngượng ngùng khi bạn phải rà soát trong trí nhớ để tìm lại tên của người đối diện.

7. Textpectation (n) (tiếng lóng của giới trẻ): Cảm giác hồi hộp không yên khi chờ đợi tin nhắn hồi âm của ai đó.
Đây là từ được dùng để miêu tả cái cảm giác "chết tiệt" khi gửi tin nhắn đi và sau đó ngồi chống cằm chờ tin nhắn đáp lại. Thường dùng khi chúng ta chờ tin nhắn từ một người quan trọng/ người mình thích.
Đây là một từ lóng của giới trẻ.

8. Sehnsucht (n) (tiếng Đức): Những nỗi khao khát không thể định hình.
Một số nhà tâm lý học sử dụng từ này để miêu tả suy nghĩ, cảm xúc về những khía cạnh chưa hoàn thiện/ không hoàn hảo trong cuộc sống của ai đó. Nói nôm na là "khát vọng cuộc đời", kiểu như: Một buổi chiều, tôi nhìn lên bầu trời và buồn đến kiệt quệ vì cuộc đời mình nhàm chán quá mức. Tôi khát khao thay đổi điều gì đấy nhưng không thể biết được đó là gì!

9. Voorpret (n) (tiếng Hà Lan): Cảm giác chưa gì đã thấy vui rồi.
Có thể gọi một cách kỳ cục là "vui sớm", ám chỉ cảm giác vui vẻ trước cả khi sự kiện, sự việc đó bắt đầu.
Ví dụ: Tuần sau được đi du lịch nhưng từ tuần này bạn đã bắt đầu cười suốt ngày như con điên.

10. Weltschmerz (n) (tiếng Đức): Buồn vì thế giới mệt mỏi.
Được dùng để thể hiện sự thất vọng và chán nản cùng cực khi nhận ra thế giới vốn dĩ không như bạn nghĩ. Bạn buồn vì những gì bản thân không hiểu được, vì những sai lầm đã xảy ra, về cách mà thế giới này vận hành, về mọi người xung quanh, về cuộc sống...nhưng đây là nỗi buồn bạn buộc phải chấp nhận, bởi lẽ dĩ nhiên cuộc đời là vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro