Chương 39: Tâm sự của Minh Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là Minh Hạ. Tôi biết đối với một người như tôi thì không xứng đáng có được cái gì đó gọi là tâm sự, nhưng tôi chỉ muốn nói, muốn viết cái gì đó, không ai coi hay nghe cũng được, tôi chỉ muốn tâm sự cho chính mình nghe.

Thật ra có thời gian tôi không cô đơn như mọi người từng nghĩ. Tôi bị đưa vô viện bảo trợ trẻ mồ côi năm ba tuổi. Đến khi tôi biết nhận thức, khi tôi biết thế nào là vui, thế nào là buồn thì sau lưng tôi đã có một cái đuôi đáng yêu lúc nào cũng đi sát theo tôi kêu: "Anh Minh Hạ". Cái đuôi đó cũng có tên, em ấy tên: "Hạ Diệu".

Hai chúng tôi tuy không cùng huyết thống nhưng lại rất thân nhau. Mặc dù chúng tôi không có gia đình, không ai nhận nuôi chúng tôi, nhưng nếu em ấy tình nguyện làm em trai của tôi, tôi cũng rất vui được làm anh trai em ấy.

Thời gian trôi qua, tôi và Hạ Diệu cuối cùng cũng ở bên nhau một năm rồi. Trong một năm đó chúng tôi quen được thêm Trịnh Chí. Sau đó thì chúng tôi kết bạn thêm hai người bạn mới, là Vương Việt và Vương Siêu, nghe nói là hai anh em ruột, vào đây sau tai nạn giao thông của gia đình. Họ cũng đáng thương như chúng tôi. Thế là rất nhanh chúng tôi trở thành những người bạn tốt. Chúng tôi cứ cùng nhau vui vui vẻ vẻ sống qua ngày, những tưởng những chuỗi ngày bình yên ấy sẽ theo chúng tôi trong suốt chặng đường trưởng thành. 

Nhưng tôi đã lầm. 

Có nằm mơ tôi cũng không bao giờ nghĩ đến một đám cháy sẽ nhấn chìm tất cả hy vọng. Đó là vào buổi tối ngày 29/11, chúng tôi quen thêm một bạn mới, tên Lăng Duệ. Cậu ấy không giống chúng tôi là trẻ mồ côi, cậu ấy là một thiếu gia, đang giận ba mẹ vì không ai ở lại cùng cậu đêm sinh nhật. 

Thật ra chúng tôi cũng không biết sinh nhật là gì. Tôi có hỏi những đứa trẻ khác thì được biết đó là ngày chúng được sinh ra. Trong viện bảo trợ thật ra không phải hoàn toàn là trẻ mồ côi, cũng có nhiều đứa trẻ có ba hoặc mẹ nhưng do điều kiện kinh tế gia đình mà họ gửi con vào đây. Những đứa trẻ đó sẽ có một ngày trong năm được ba mẹ đến thăm, dúi cho một cái bánh, một thanh kẹo hoặc một cái bánh với lớp bánh bông lan ở giữa, bên ngoài phủ một lớp kem, trên đó còn gắn những cây nến xanh xanh đỏ đỏ, chúng nói là bánh sinh nhật. Và thế là chúng tôi biết vào ngày sinh mỗi người, sẽ được tặng chiếc bánh đó, ngày đó gọi là sinh nhật. 

Lại nói đến người bạn mới tên Lăng Duệ, tự nhiên thấy cậu ấy buồn nên chúng tôi mới cùng nhau quyết định sẽ tổ chức sinh nhật, nhưng không phải cho một mình cậu ấy, mà cho tất cả chúng tôi. Đó là buổi sinh nhật đầu tiên cũng như duy nhất của tôi mà có nhiều bạn bè như vậy. Chúng tôi viết điều ước bằng cục đá trên nền cát, chúng tôi nắm tay vây quanh nhau, cùng hát bài chúc mừng sinh nhật. Đó là một sinh nhật không có bánh kem, không có quà nhưng rất vui vẻ. 

Nhưng niềm vui của chúng tôi chưa kéo dài được lâu, lúc chúng tôi đang ngồi đó thả hồn vào những giấc mơ tương lai thì chính Trịnh Chí la lên: "Cháy nhà". Đến lúc chúng tôi nhận ra thì lửa đã bao quanh căn nhà hoang chúng tôi đang chơi và khói bắt đầu lùa vào căn phòng trong cùng nơi chúng tôi đang ngồi. Một thanh xà rớt xuống chắn ngang lối đi, tôi cũng được coi là lớn nhất. Tôi la lên kêu mọi người di tản, tôi sẽ ở lại chặn cửa, nhưng không ai chịu đi. Tôi chửi bọn họ ngu ngốc thì bọn họ lại nói không muốn bỏ tôi lại một mình. Trong giờ phút sinh tử đó, tôi có cảm giác chúng tôi là một gia đình. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng quyết định chạy đi tìm người lớn, tôi và Vương Việt cùng nhau ở lại để thanh chắn cửa, mở lối thoát duy nhất cho mọi người. Tôi không biết chúng tôi đứng đó bao lâu, chịu đựng từng thanh xà rơi xuống mình như thế nào, ký ức cuối cùng của tôi là được bao bọc bằng cả thân người của Vương Việt.

Sau này lớn lên tôi nghe người ta nói về vụ cháy như một trò đùa, họ không tin những đứa trẻ chưa vào tiểu học lại có thể cứu nhau. Nhưng họ không biết chúng tôi khác họ nhiều lắm. Đến năm ba tuổi chúng tôi đã nhận ra chính người thân ruột thịt lại là người không cần chúng tôi. Họ bỏ lại chúng tôi nơi viện bảo trợ như một món đồ bỏ đi, suốt những năm trước khi vụ cháy diễn ra chúng tôi chỉ là những đứa trẻ sống bên lề xã hội, thèm một cái bánh hay một cái kẹo cũng phải tự mình tranh giành. Chúng tôi không có thời gian để vòi vĩnh, chúng tôi chỉ có thời gian để trưởng thành. Có lẽ chính bản năng sinh tồn đã cứu chúng tôi trong ngọn lửa đỏ đó.

Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại tôi đang nằm trong phòng bệnh. Tôi không thể cử động, toàn thân tôi được băng lại trắng xóa như xác ướp, nước vàng từ các vết bỏng chảy ra thấm ướt băng. Mỗi lần thay băng là một lần cực hình đối với tôi. Tôi ước người thân của tôi biết tin sẽ chạy đến, không phải để thăm mà đơn giản chỉ để biết tôi chết hay chưa cũng được, để tôi một lần được biết mặt họ, nhưng đến cuối cùng cũng chỉ mình tôi với căn phòng bệnh lạnh lẽo đó. Tôi cũng không nhớ rõ những chuyện cuối cùng xảy ra trong đám cháy đó. Chuyện tôi có thể nhớ rõ nhất là sau tiếng đếm "ba" của tôi là một trận mưa những cây xà ngang nóng rơi trên người tôi cùng Vương Việt, cùng cái ôm mạnh mẽ nhằm bảo vệ tôi của đứa em không cùng họ. Trong giờ phút đó tôi chỉ nhớ câu nói của em ấy: "Hãy thay em chăm sóc anh Vương Siêu". Sau đó tôi chìm vào bóng tối. Trong những giấc mơ chập chờn khi tôi được chăm sóc trong bệnh viện, cũng có người đến thăm tôi, nhưng họ không phải người thân của tôi, họ chỉ đến hỏi rằng tôi tên gì.

Thời điểm đó trí nhớ của tôi bằng không. Tôi không nhớ gì ngoài trận hỏa hoạn kinh khủng cùng một người đã cứu tôi. Tôi nhớ vào một buổi sáng, khi tôi nhìn bầu trời qua cửa kính bệnh viện, thấy trời vần vũ những đám mây đen, nhanh chóng trút xuống những giọt mưa nặng hạt, cũng là ngày người ta đẩy tôi vào phòng của người còn lại. Giữa mớ dây nhợ chằng chịt, người đó nhìn tôi, hai chúng tôi không nói gì với nhau nhưng tôi biết em ấy muốn nói gì. Khi bầu trời nhá lên một đợt sét kéo theo tiếng sấm rền vang cũng là lúc em ấy trút hơi thở cuối cùng. Hình ảnh đó đến giờ tôi vẫn còn nhớ. Sau đó những người khác vẫn vô hỏi tôi là ai vì chúng tôi bỏng rất nặng, khả năng nhận diện qua khuôn mặt gần như bằng không. Khi ký ức ùa về, những gì tôi có thể nói lúc đó chỉ là cái tên: "Minh Hạ".

Sau đó không biết tôi đã trải qua bao nhiêu cuộc cấy ghép da. Sự đau đớn như nhấn chìm tôi xuống vực thẳm, có những đêm máu và nước vàng từ những vết mổ và vết bỏng chảy ra khiến cả người tôi ngập ngụa trong bấy nhầy, mỗi cử động, mỗi hít thở đều khiến cho tôi có cảm giác hàng vạn mũi tên đâm vào tim cũng như da thịt mình. Tôi ứa nước mắt trong những lần trở mình nhưng tôi phát hiện vì tổn thương tuyến lệ mà nước mắt cũng không thể chảy ra được rồi. Hỏi gương mặt tôi như thế nào, tôi chỉ có thể nhắm và mở mắt biểu thị đúng sai theo từng cái chỉ vào tấm hình năm đứa chúng tôi. Đã có nhiều khoảnh khắc tôi ước chi mình không qua khỏi, như thế tôi sẽ không chịu nỗi đau thể xác như vậy nữa. Mỗi cuộc phẫu thuật qua đi tôi lại gạch một gạch trong sổ cá nhân của mình. Đến khi trang sổ đầy cũng là lúc tôi được xuất viện.

Ngày đầu tiên tôi được nhìn thấy ánh mặt trời cũng là ngày cuối cùng phiên tòa về vụ cháy. Tôi được người ở viện bảo trợ dẫn đi nghe xử án, ngồi ở góc phòng, vẫn với gương mặt quấn băng, tôi nghe họ kết luận do vụ án không có thương vong về người nên cuối cùng chỉ là tội: "Vô ý gây hỏa hoạn dẫn đến gây thương tích". Tôi thấy có hai người vui mừng chạy đến nắm tay một ông lão. Một người nữa với thân tây trang thẳng tắp nhanh chóng đi ra ngoài khi tòa tuyên án. Họ là người thân của những đứa trẻ gây hỏa hoạn. Đúng vậy, vụ cháy đó là do trẻ em gây ra. Nếu là những đứa trẻ nghèo khổ có lẽ chúng đã bị bắt, bị đẩy vào trại giáo dưỡng của trẻ em, nhưng họ lại là những cậu ấm, khi sinh ra cuộc đời đã chạm vạch đích. Vụ án kết thúc ở đó. 

Không ai biết ở một góc nghĩa trang hoang vu của nhà xác một bệnh viện nhỏ, có một ngôi mộ mới mọc lên. Họ không biết tên để đề lúc lập mộ nên đến những năm tháng về sau nó vẫn là một ngôi mộ vô danh. Không ai biết sự tồn tại của ngôi mộ đó, cũng như sự thật của vụ cháy năm đó. Tôi cũng đã dần quên nỗi ám ảnh đấy nếu không có những sự việc liên tục xảy ra.

Khi tôi ra viện, ít lâu sau ba ruột tôi đến đón. Tôi không biết ông là ai, cũng chưa từng gặp ông, ấn tượng lúc đó với tôi ông là một người có quyền lực, ánh mắt sắc bén cũng giọng nói tuy không quát tháo nhưng rất có lực với người nghe, đôi lúc còn khiến người ta hoảng sợ. Người ta nói đó là ba tôi. Ông ta cũng nói thế, ông nói do lúc mẹ mang thai tôi không cho ông biết, sau đó hai người cãi nhau, mẹ bỏ ông đi nhưng vẫn gửi hình con trai cho ông xem, khi vụ cháy được chiếu trên tivi có hình những nạn nhân ông mới nhận ra tôi nên đến nhận về. Kể từ lúc đó tôi có một người ba là trung tướng.

Ngày tôi rời khỏi viện bảo trợ trời cũng mưa. Dường như những gì liên quan đến tôi đều đến trong một ngày mưa hoặc một ngày tuyết. Chỉ có duy nhất một ngày là trời nắng, nhưng đó cũng là ngày duy nhất tôi không muốn nhớ đến, đó cũng là chuyện của rất nhiều năm về sau. 

Hiện tại tôi đang ngồi trong một nhà ăn rộng lớn để ăn món bò sốt rượu vang. Từ ngày tôi về đây không ngày nào là không được ăn ngon, mặc đẹp, thứ tôi thiếu duy nhất chỉ là tình cảm. Ngày còn ở viện bảo trợ tuy không được ăn ngon, mặc đẹp nhưng tôi có những người anh em như gia đình, khi trở về đây tôi chỉ đơn giản là một đứa con nhặt về để thừa hưởng sản nghiệp. Có một sự thật mà chỉ có mình tôi biết do tình cờ nghe được ba nói chuyện, tôi là con ông, nhưng mẹ tôi không phải là vợ ông. Bà chỉ là mối tình đầu của ông, và tôi chỉ là kết quả của những bồng bột của tuổi trẻ. Ông hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của tôi. Ông cưới vợ là con gái một thượng tá lúc bấy giờ, sau đó vợ ông mang thai một cặp song thai long phụng nhưng rất tiếc hai đứa em tôi mới sinh đã có bệnh, theo chuẩn đoán không sống được quá một năm tuổi. Ngày hai đứa bé qua đời, ông và vợ gần như sụp đổ, vợ ông nằm liệt giường từ đó, bà cũng là người mẹ trên danh nghĩa của tôi khi được mọi người nhắc đến, ngày tôi được nhận vào nhà cho đến lúc bà nhắm mắt ra đi, chúng tôi vẫn không có cơ hội nói chuyện với nhau dù chỉ một câu. Còn ba tôi bắt đầu từ đó luôn bị suy nghĩ phải tìm được người thừa kế mà trở nên bất chấp. Ông từng nhận nuôi một đứa trẻ, huấn luyện thành người thừa kế nhưng tư chất đứa trẻ không đủ, chỉ vài tháng ông đã trả về chỗ nhận nuôi. Khi phát hiện tôi là một đứa con khác, ông đã rất vui mừng.

Mọi người nhìn vào cứ nghĩ tôi là con của một trung tướng là rất oách nhưng họ hoàn toàn không biết tôi đã phải sống trong sự hà khắc đến nghẹt thở của ba tôi như thế nào. Tôi không còn được đi chơi, thời gian rảnh của tôi dành tất cả để được huấn luyện trở thành một người thừa kế hoàn hảo. Tôi bắt đầu đọc sách binh pháp cũng như quân sự năm lên tám, khi đủ tuổi cầm súng thì ba bắt đầu dẫn tôi đến thao trường. Mức độ bắn trúng được đòi hỏi tăng lên với độ tuổi. Khi qua tuổi thiếu niên, một lần không bắn trúng hồng tâm đồng nghĩa với việc ngày hôm đó tôi không được ăn tối. Suốt thời niên thiếu của tôi, gần như không tuần nào tôi được ăn đủ bảy ngày trong tuần. Tương lai trở nên mù mịt đối với tôi, dù đang sống trong cảnh giàu sang ai cũng muốn nhưng đối với tôi nơi đó không khác gì địa ngục. Tôi cứ nghĩ bản thân mình mãi mãi chìm trong bóng đêm thì em ấy xuất hiện. Ngày chúng tôi gặp lại nhau là ngày đẹp nhất, tươi sáng nhất trong cuộc đời tôi.

Hạ Diệu kể cho tôi nghe khi tôi rời đi không bao lâu thì em ấy cũng được một gia đình nhận nuôi. Tuy không khá giả nhưng được cái rất yêu thương em ấy. Ba mẹ nuôi không đồng ý cho em ấy làm diễn viên nên Hạ Diệu quyết tâm sẽ giành được giải thưởng danh giá trong điện ảnh để ba mẹ biết bản thân mình chọn đúng con đường. Nhưng sau một thời gian rời khỏi nhà bươn chải, em ấy xin được một chân chạy việc vặt trong đoàn làm phim. Đi theo đoàn làm phim, em ấy thấy được những cái không nên thấy, ước mơ trở thành diễn viên từ đó cũng trở nên xa vời. Ngày tôi tình cờ gặp lại em ấy là ngoài bến xe, khi em ấy chuẩn bị quay trở lại nhà ba mẹ nuôi của mình.

Tôi giữ em lại và em đồng ý. Năm đó tôi 18 tuổi còn em 17.

Tôi nộp hồ sơ vào ngành cảnh sát như ước mơ và nguyện vọng của ba và chính tôi. Một thời gian sau đưa đẩy tôi trở thành nội gián, tất nhiên ba tôi không biết. Tôi không sợ nguy hiểm, tôi chỉ sợ bỏ Hạ Diệu lại một mình. Có lẽ em ấy không biết, từ ngày tôi giữ em ấy ở lại, từ ngày em ấy ôm tôi vào lòng sau khi tôi bỏ nhà đi vì cãi với ba vào một đêm mưa, nói rằng: "Không sao cả, có em đây rồi" - thì một thứ tình cảm khó nói của tôi dành cho em đã lớn thêm một bậc.

Một năm sau tôi vào ngành cảnh sát thì Hạ Diệu cũng thi đậu. Tuy cùng ngành nhưng tôi và em khác đơn vị. Tôi giấu em trở thành nội gián. Nhưng sau đó một dịp tình cờ tôi biết em cũng trở thành nội gián dưới trướng Sếp tôi. Nói đúng hơn là tôi và Hạ Diệu ở cùng một đội nhưng em  hoàn toàn không biết tôi là sư huynh, nhưng tôi vẫn dõi theo em trong những hoạt động nằm vùng, chỉ cần có thể tôi nguyện dùng sinh mạng của mình cũng muốn giữ cho nụ cười em ấy đừng bao giờ tắt. Nhưng chuyện mà tôi không ngờ là đến là ngay lúc tôi truy bắt bọn buôn lậu, bị thương trong rừng sâu, lại là ngày Hạ Diệu gặp chuyện. Nằm trên vũng máu chính mình trong rừng sâu khi bị trúng đạn bọn buôn lậu, tôi vẫn nghe đâu đó trong tâm thức tiếng kêu cứu xé lòng của Hạ Diệu, tôi chỉ nghĩ tất cả chỉ là cơn ác mộng, như tôi không ngờ sự thật của ngày hôm ấy còn tàn nhẫn hơn.

Khi có thể bước xuống giường bệnh, mặc cho vết thương vẫn còn chảy máu, tôi một tay đè lại vết thương, một tay tự lái xe đến bệnh viện cùng Hạ Diệu. Khi đến nơi mắt tôi đã hoa lên vì mất máu, dưới ghế ngồi cũng chảy đầy dòng máu đỏ. Tôi băng lại vết thương trên xe để em ấy không thấy. Khi cánh cửa phòng bệnh em ấy bật mở, tôi như chết lặng nhìn người đang nằm trên giường bệnh ấy. Hạ Diệu xanh xao, gầy đến trơ xương, nằm lọt thỏm trên giường bệnh, trên miệng còn trào ra máu tươi. Em ấy nằm đó, nước mắt vẫn chảy, tay quơ trong không trung như muốn tìm một bàn tay để nắm, hay nói đúng hơn tìm một chỗ an yên để dựa vào. Tôi bước đến nắm tay em ấy, nước mắt tôi rơi như chưa bao giờ được rơi. Tôi từng trải qua những nỗi đau kinh khủng về thể xác lẫn tinh thần, cũng từng trải qua mất mát, chỉ duy có cảm giác đánh mất người mình yêu ngay trước mắt mới là cảm giác đau khổ nhất. Lần đầu tiên tôi hiểu cảm giác thế nào là bất lực.

Kể từ đó tôi luôn ở cạnh em ấy. Dù Hạ Diệu có nói thế nào hay giận dỗi để xua đuổi thì tôi vẫn quyết tâm ở cạnh em ấy. Hạ Diệu bảo không còn xứng đáng với tôi, nhưng em ấy hoàn toàn không biết chính tôi là người không xứng với em ấy. Em ấy tuy làm nội gián nhưng bàn tay chưa hề dính máu tanh, không giống như tôi, đã nhuốm đầy máu đỏ. Tôi không kể cho em ấy nghe vì sợ em ấy sẽ xa lánh kẻ giết người giống tôi. Tôi không thể mất em ấy cũng giống như hoàng hôn không thể thiếu ban mai để tỏa nắng. Tôi quyết sẽ cột chặt em ấy lại, bằng kỷ vật, bằng lời hứa. Tôi quyết định sẽ cầu hôn em ấy.

Hôm ấy trời mưa phùn nhưng tôi trốn Hạ Diệu ra ngoài từ sớm để lấy cặp nhẫn đặt, chiếc nhẫn hình lục giác có khắc tên của em ấy và tôi, nhìn hai chiếc nhẫn nằm cạnh nhau trong hộp, tôi chợt mỉm cười, tôi đã đợi ngày này lâu lắm rồi, ngày chúng tôi chính thức là của nhau. Trên đường tôi chạy về bệnh viện, trời đã tạnh mưa, cầu vồng cũng hiện lên. Tôi nhìn những sắc màu ấy thầm mỉm cười, thì ra cả ông trời cũng muốn chúc phúc cho chúng tôi. Nếu ông ấy thật sự có thật, tôi chỉ cầu mong ông làm cho Hạ Diệu quên đi những ngày tăm tối vừa rồi. Chỉ cần em ấy không thức giấc bởi ác mộng, không rửa mặt bằng nước mắt, cho dù tôi không còn trên thế gian này cũng được. Nhưng rất nhanh sau đó tôi mới phát hiện, những đấng tối cao mà tôi luôn cầu mong kia hoàn toàn không có thật. Một là khi mẹ tôi qua đời, hai là ngày hôm nay. Dưới cái nắng oi bức sau trận mưa rào, là thi thể dần lạnh đi của em ấy. Chiếc nhẫn mà tôi nghĩ sẽ đeo lên tay em ấy ngày chúng tôi kết hôn lại trở thành kỷ vậy cuối cùng tôi lồng vào tay em ấy trước khi nắp quan tài đậy lại vĩnh viễn.

Đứng trước nấm mồ vô tri của Hạ Diệu, tôi ước gì mặt đất dưới chân mình nứt ra, tôi sẽ được chìm sâu dưới hàng vạn lớp đất cùng em ấy. Nhưng khi tôi lấy trong túi áo ra một con dao nhỏ, gương mặt đang mỉm cười trên di ảnh của em như cản tôi lại. Tôi nhớ ra rồi, em ấy có dặn tôi như thế nào cũng phải sống tiếp, sống cả phần của em ấy. Tôi buông bỏ con dao, gục đầu trên phần mộ của người yêu, tôi thề sẽ kéo những con người đã từng hại em hôm nay xuống địa ngục.

Kể từ đó, kế hoạch trả thù hoàn hảo của tôi được bắt đầu. Hỏi tôi từng hối hận không, tôi sẽ trả lời, hối hận duy nhất của tôi năm ấy là giữ lại em ấy bên cạnh mình. Nếu hôm đó, tôi cho em ấy trở về vùng quê hẻo lánh, có thể hiện tại em sẽ không có gì, nhưng đổi lại em có mạng sống.

Hiện tại tôi có tất cả nhưng chỉ duy nhất không có Hạ Diệu trong đời.

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro