2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

7.

"Sao con lại nói như thế?"

Tôi không ngờ ánh mắt của nhị lang lại tốt như vậy, thậm chí nó còn nhìn ra được điều khác thường.

"Quần áo hắn mặc không phải là loại vải mà trấn nhỏ của chúng ta có thể bán được, vài ngày trước con thấy có mấy người từ kinh thành đến, vải họ mà mặc trên người cũng không khác gì mấy. Hơn nữa trên người hắn có sát khí nặng, nếu có kẻ thù đến tìm thì e rằng sẽ liên lụy đến cả nhà chúng ta."

Tôi liên tục gật đầu, nhưng nhị làng chỉ đoán đúng một nửa. Tôi chợt nhớ ra trong sách viết nhị lang đã lăn lộn nhiều năm ở trong thành, nó đã phải chịu đủ mọi nhục nhã.

Những công tử quý tộc mà nó nói chắc đều là những kẻ đã bắt nạt nó, nghĩ đến đây tôi liền cảm thấy không vui.

Thế là tôi lấy ra từ dưới giường khoảng mười lượng, thấy nhị lang ngạc nhiên nên tôi nói: "Mẫu thân biết con học hành vất vả, nhưng con cũng đừng chỉ biết cắm đầu vào sách vở. Giao lưu nhiều thì mới mở mang thêm nhiều kiến thức, như vậy thì con mới có đề tài để nói chuyện với quý nhân."

"Nếu họ mời con một lần thì con cũng nên mời họ lại. Số bạc này con cầm lấy đi, để không bị túng thiếu."

Nhị lang trong sách là người thông minh, chính trực, sau này còn thi đỗ khoa cử.

Nữ chính trong lúc kinh doanh gặp khó khăn vì bị đối thủ chơi xấu may mà nhờ có danh tiếng của vị nhị thúc này nên mới thoát nạn. Nhưng nó cũng chỉ giúp có duy nhất một lần đó mà thôi, sau này nhị lang cũng không liên lạc với cô ta nữa.

Nhị lang cầm bạc, tay hơi run, một người đàn ông lớn như vậy nhưng khóe mắt lại ướt lệ.

"Nếu số bạc này ít quá thì mẫu thân sẽ nghĩ cách thêm. Đừng khóc, nam nhi chí tại bốn phương, mẫu thân có thể cho con không nhiều nhưng con đừng chê bai."

"Mẫu thân... con tưởng... con tưởng..." Nhị lang nghẹn ngào, lúc này tôi mới nhớ ra chuyện nguyên chủ trước đây không đối xử tốt với nhị lang cho lắm, dù chu cấp cho đi học nhưng cũng chỉ là vì thể diện mà thôi, trên thực tế lại chê bai nhị lang tiêu tiền nhiều, mỗi lần cho tiền đều tính toán rất kỹ lưỡng. Hơn nữa, do nhị lang thi mãi không đỗ nên ước mơ vào thành sinh sống cũng theo đó mà tan vỡ.

Bà cụ cũng dần mất hết kiên nhẫn, định không cho nhị lang đi học nữa, thế nhưng khi bà cụ qua đời thì nhị lang vẫn quay về và khóc rất nhiều.

Vừa khóc vừa nói với mọi người rằng dù thân mẫu có là một nữ nông, không có hiểu biết nhiều cũng không có ai để nương tựa, trong tay cũng chỉ có vài mẫu ruộng, nhưng đã cố gắng hết sức để cho mình đi học, là do bản thân bất hiếu vẫn còn chưa kịp báo đáp gì cho thân mẫu.

"Con đừng có suy nghĩ linh tinh nữa. Thời thế đói kém thế này, ai cũng phải dựa vào nỗ lực mới sống được."

Tôi và nhị lang thu xếp hành lý trong đêm rồi đi vào thành. Chưa đi thì không biết, đi rồi mới giật mình, nhị lang thế mà lại ở trong căn nhà ba gian rộng lớn đến vậy! Đã thế còn có mấy người làm đứng ở cổng đón. Thật là khí thế.

Tôi cứ tưởng mình phải phấn đấu lâu lắm mới có thể có được cuộc sống như vậy, nhưng không ngờ đứa con ngoan này lại giúp tôi thực hiện được!

"Ở đây có nhà vệ sinh riêng không con?"

Có trời mới biết, phải đi vệ sinh chung ở làng là chuyện đau khổ thế nào! Lúc mới đến đây, nửa đêm tôi vừa đi vệ sinh vừa phải đối mặt với tiếng sói tru ngoài làng, cảm giác đó ra sao!

Ai có thể hiểu được đây!

8.

"Mẫu thân, nhà vệ sinh riêng là gì ạ?"

"Chính là nhà vệ sinh độc lập trong nhà không cần phải dùng chung với nhà khác, mẹ không cần nó thơm, chỉ cần nó không hôi là được."

Nghĩ rằng bây giờ chưa có cách nói khác, nên tôi bắt đầu giải thích kiên nhẫn. Thực lòng mà nói thì yêu cầu của tôi không cao. Nhị lang bật cười: "Mẫu thân, dĩ nhiên là có rồi."

"Có là được rồi." Tôi hài lòng. Tôi vui vẻ theo nhị lang vào trong, cho đến khi thấy nó dẫn tôi vào gian phòng rộng rãi nhất.

"Mẫu thân, đây là phòng của mẫu thân." Tôi nhìn xung quanh, gian phòng này là gian lớn nhất, hình như nó là phòng chính. Tôi là người biết chừng mực, tôi được ở nhà tốt không có nghĩa là lợi dụng, dù là nhi tử mình thì tôi cũng có giới hạn.

"Gian này để lại cho con sau này thành hôn. Mẫu thân ở phòng nhỏ vừa nãy là được rồi, cứ quyết định vậy đi."

Tôi vui mừng đi đến căn phòng nhỏ mà tôi ưng ý.

Ngoài mười lượng tôi lấy ra lúc trước, thì trong tay tôi chắc còn khoảng năm mươi lượng, đổi ra cũng được mấy trăm đồng. Khi tôi đang vui vẻ đếm tiền, thì nghe thấy tiếng nhị lang khóc ngoài cửa.

"Mẫu thân đối tốt với con như vậy, cả đời này con đều sẽ ghi nhớ..."

Ơ...

Tôi nhìn số bạc trong hũ.

Hay là, chia cho nó thêm một chút?

9.

Sau vài ngày, tôi cuối cùng cũng đã hiểu tại sao nhị lang lại giàu có như vậy.

Những năm qua, trong thành ngày càng có nhiều thí sinh, nhị lang đã tổng hợp kinh nghiệm thi cử và kiến thức thi cử của mình thành sách gồm kiến thức từ kỳ thi đồng sinh đến kỳ thi đình, năm nào cũng cập nhật, bán rất đắt hàng.

Tôi cũng thăm thú phố xá sầm uất trong thành một chút, tôi cảm thấy chi tiêu ở đây thực sự là rất cao hơn nữa sự phân hóa giàu nghèo còn rất nghiêm trọng. Tôi nói với nhị lang rằng những cuốn sách mà nó viết nên được đưa cho những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó. Có thể giúp chúng một chút là tốt.

Nhưng nhị lang nói, nếu đem những thư sách này cho những đứa trẻ nhà nghèo thì mấy thiếu gia nhà giàu sẽ cảm thấy tài liệu này không còn quý giá nữa, như vậy thì sẽ không còn bán được giá tốt nữa. Như vậy sẽ tự cắt đứt đường tài chính của mình.

"Vậy những đứa trẻ nhà nghèo không xứng đáng nhận được giáo dục tốt hơn sao?" tôi hỏi nhị lang.

Nhị lang im lặng một lúc lâu, cuối cùng nói: "Mẫu thân, trên thế gian này có những người sinh ra đã sống trong nhung lụa, có được sự giáo dục từ phu tử tốt nhất, họ không cần phải lo cái ăn cái mặc, họ chỉ cần cố gắng một chút là có thể sống rất tốt. Nhiều việc trên đời này vốn dĩ đã không công bằng rồi."

Tôi thấy nhị lang thở dài, sau đó nhìn thấy ánh sáng trên đầu nhị lang dần dần mờ đi. Tôi kêu thầm không tốt. Con ngoan của tôi đầy công đức thế mà lại vì mấy đồng tiền bẩn này mà mất đi tâm sáng!

Tôi có thể nhìn thấy công đức trên đầu mọi người, vốn dĩ Trần Đóa Đóa cũng có công đức, nhưng từ khi cô ta cứu Tạ Thành Ngọc thì ánh sáng đã không còn nhiều nữa.

Nhị lang là người có nhiều nhất và cũng là người tôi quan tâm nhất. Nhưng giờ đây nó cũng đang dần dần biến mất rồi!

Không thể như vậy được!

Tôi quay lại rút một que tre từ cây chổi, quất mạnh vào mu bàn tay nhị lang, một vết máu đỏ tươi lập tức hiện ra. Nhị lang đau đến hít một hơi.

"Nếu con đã nghĩ như vậy thì còn làm quan gì nữa hả! Con cố gắng thi cử như vậy để làm gì? Miệng thì nói vì dân nhưng thực tế lại làm chuyện nâng cao bản thân rồi tách biệt với người khác! Sau đó lại dùng cái thái độ kiêu ngạo này đi nói với những dân nghèo rằng thế gian này vốn sinh ra đã không có công bằng gì!"

Nhị lang đỏ mắt, nhìn tôi một lúc lâu.

Tôi thở dài, thế gian này vốn người ăn thịt người, nếu nói về công bằng thì thật là ảo tưởng. Nhưng nhị lang có thể làm được, trong sách nói, khi nhị lang tuổi cao thì cũng có quyền cao chức trọng, đã mở ra nhiều cơ hội cho các môn sinh nghèo, dù vậy nhưng tôi nghĩ có những việc cần phải làm sớm hơn.

"Nhị lang này, trên đời này không có công bằng tuyệt đối nhưng cũng có công bằng tương đối, đúng không?"

Sáng hôm sau, nhị lang nói muốn khởi hành đi kinh thành. Lúc sắp đi, nước mắt đầm đìa nắm lấy tay tôi dặn dò hết lần này đến lần khác, bảo tôi phải tự chăm sóc tốt cho bản thân.

Nhị lang nói từ khi bản thân kiếm được tiền thì đã không còn biết ý nghĩa của việc đọc sách thi cử là gì. Rõ ràng bản thân đã kiếm được tiền bạc, sống cuộc sống sung túc nhưng lại không còn cảm nhận được ý nghĩa của việc học nữa.

Nhị lang suy nghĩ cả đêm, cũng phấn khích cả đêm. Cuối cùng cũng đưa ra quyết định.

Nhìn thấy ánh sáng trên đầu nhị lang ngày càng sáng, tôi cảm thấy tâm tình mình hình như cũng ngày càng tốt hơn. Lúc sắp đi, nhị lang giao chìa khóa và tiền bạc trong nhà cho tôi, tổng cộng năm trăm lượng lận!

Trong đó ba mươi lượng tôi dùng để thuê một cửa tiệm để tiếp tục phát triển việc bán thư sách này, dù nhị lang không nói gì nhưng vẫn viết thư sách dễ hiểu cho những đứa trẻ nghèo muốn học, giá cả cũng không đắt. Vì vậy người đến ngày càng nhiều, chưa đến nửa tháng cửa hàng nhỏ của tôi đã nổi tiếng.

Sự nổi tiếng này khiến Trần Đóa Đóa bồn chồn.

10.

Hôm đó, khi tôi kiểm kê xong tiền bạc chuẩn bị về nhà thì tôi nhìn thấy bóng dáng của Trần Đóa Đóa. Cô ta đứng trước cửa nhà nhị lang nhìn ngó một lúc lâu, cho đến khi thấy tôi thì cô ta lập tức cười rạng rỡ.

"Nãi nãi!"

"Đóa Đóa!"

Bây giờ Trần Đóa Đóa đã có vẻ ngoài của một người phụ nữ, từ sau ngày chia tay ấy, dù cô ta có kết hôn thì cũng không gọi tôi là nãi nãi. Chắc là cô ta sợ tôi gây rắc rối gì cho cô ta.

"Đóa Đóa, dạo này con có khỏe không? Phụ thân, mẫu thân con thế nào? Con đến đón nãi nãi về sao? Ở đây ngày nào cũng có người đến gây sự, bà lão này không xử lý nổi."

Tôi nắm lấy tay Trần Đóa Đóa vừa khóc vừa nói: "Hôm qua Trần viên ngoại còn đến đòi tiền bồi thường, bà già này làm gì có tiền, tiền đều bị nhị thúc con mang đi kinh thành hết rồi. Con có năm lượng bạc không? Ta sợ họ tìm người trả thù ta. Hay là trả lại..."

Trần Đóa Đóa vừa nghe thấy tôi nói muốn mượn tiền thì lập tức cảnh giác, vẻ mặt cô ta càng ngày càng tỏ ra khinh bỉ.

"Nãi nãi, lúc trước nhà con đã ra riêng rồi, nợ của nhị thúc sao có thể để nhà con trả được?"

Trần Đóa Đóa đẩy tay tôi ra, sau đó ra vẻ kiêu ngạo nói: "Nãi nãi, người còn chưa biết phải không? Chúng con cũng sắp vào kinh thành rồi. Hôm nay con đến là để nói lời từ biệt người."

Tôi nghe thấy thế, tôi lập tức nhẹ lòng, đúng lúc đang lo không biết lấy lý do gì để từ chối cô ta đây!

"Từ biệt?"

"Nãi nãi, chúng con sắp vào kinh thành rồi, hôm nay con đặc biệt đến để nói với bà một tiếng."

Trần Đóa Đóa chỉnh lại cây trâm cài ngọc bích trên đầu, cây trâm này nếu mà trong gia đình nghèo thì khó mà đeo nổi. Nhưng nếu là nhà giàu có thì cây trâm này lại hơi tầm thường.

Chính vào lúc này, ánh sáng công đức trên đầu Trần Đóa Đóa lại biến mất không còn một giọt nào.

Cô ta khoe khoang trước mặt tôi: "Lúc trước mọi người đều nói con đưa Ngọc lang về nhà là sai, nhưng bây giờ thì sao, chàng ấy lại đưa con đến kinh thành để hưởng phúc rồi. Nãi nãi, không phải là con không muốn đưa mọi người đi cùng, chỉ là con sợ mọi người qua đó bị người ta cười chê. Dù sao cũng đều đến từ nông thôn, nếu làm phật lòng quý nhân thì chúng con gánh không nổi."

Nhìn xem, lời này không phải là đang hạ thấp tôi chỉ là người thôn quê sao?

"Vậy phụ mẫu con thì sao? Họ cũng đều là nông dân mà thôi."

Tôi mơ hồ cảm thấy nữ chính muốn cùng nam chính sống trong thế giới chỉ có hai người, phụ mẫu cô ta đã sớm bị cô ta quên mất rồi. Đại lang thật thà và con dâu của tôi chắc đang vui mừng chuẩn bị hành lý đi kinh thành đây!

"Đã là thôn dân, thì tự nhiên phải ở lại nông thôn rồi. Con sẽ bảo Ngọc lang cho họ thêm ít bạc. Nhìn họ nghèo nàn như vậy đi cũng chỉ tổ mất mặt mà thôi." Trần Đóa Đóa có chút không kiên nhẫn, lời nói chán ghét lộ rõ.

Phụ mẫu cô ta là nông dân, tổ mẫu cô ta cũng là nông dân, tổ tiên bao đời đều là nông dân, bây giờ một bước lên trời thì lại quên mất đi gốc rễ của mình.

"Số tiền này cho người, người cũng đừng có đến kinh thành tìm con. Chúng ta đã tách ra riêng rồi, hơn nữa con cũng đã xuất giá rồi nên người cũng đừng có đi khắp nơi làm loạn."

Trần Đóa Đóa ném cho tôi một túi bạc. Tôi ước chừng chắc được khoảng năm mươi lượng.

Cô ta nói: "Chắc cả đời này nãi nãi cũng chưa từng thấy nhiều bạc như vậy phải không? Nãi nãi, chỉ cần người ký vào bản khế ước cắt đứt quan hệ này thì số tiền này sẽ là của nãi nãi."

Tôi thật sự cười, không ngờ trong lòng Trần Đóa Đóa tôi lại có vị trí quan trọng như vậy. Nhưng nghĩ kỹ, cô ta nghĩ như vậy cũng là điều dễ hiểu. Dù sao trong sách, tôi lúc này đã qua đời rồi. Có tôi là một ẩn số như vậy thì ít nhiều cô ta cũng có chút kiêng dè.

"Không được, chỉ có chút này thôi mà lại muốn đuổi bà già này sao?"

11.

Trần Đóa Đóa cắn môi, dường như cô ta đã lường trước phản ứng của tôi, cô ta nói: "Một trăm lượng. Không thể nhiều hơn nữa."

"Con bỏ lại phụ mẫu mình ở đây, chỉ một trăm lượng mà muốn đuổi bà già này sao?"

"Con cũng đã cho họ tiền rồi." Trần Đóa Đóa tự tin mà đáp lại.

"Ta không quan tâm, nếu không cho ta, ta sẽ đến kinh thành làm ầm lên! Bây giờ tay chân của ta vẫn còn khỏe lắm!" Tôi lớn tiếng la hét, sợ cô ta không biết tôi khỏe, tôi còn đặc biệt đi vòng quanh trước mặt cô ta để khoe.

"Ngọc lang chỉ cho mình tổng cộng có năm trăm lượng, không thể cứ thế đưa hết cho bà già này được." Trần Đóa Đóa thì thầm, tưởng rằng tôi mắt mờ tai điếc không nghe rõ.

"Hai trăm lượng! Không thể nhiều hơn."

"Không được! Bốn trăm lượng!" Nói xong, tôi liền ngồi bệt xuống đất bắt đầu làm loạn!

"Trời ơi! Con quên lúc trước nãi nãi đã giúp con mua giống cây như thế nào sao, số tiền đó ta đã không bắt con trả một đồng nào rồi. Vậy mà bây giờ con sắp được hưởng phúc rồi thì lại không cần cái nhà này nữa! Đồ bất hiếu! Thật là bất hiếu! Mọi người đến mà xem! Mọi người đến mà xem!"

Tôi chỉ là một bà lão, lại từ nông thôn lên nên tôi cũng không sợ mất thể diện, nhưng Trần Đóa Đóa tự cho mình là quý tộc sắp vào kinh thành nên không thể để bản thân mất mặt như vậy được.

"Tất cả đều cho bà! Đừng để ta thấy bà nữa!" Trần Đóa Đóa sợ mất mặt, móc hết bạc từ trong túi ra, ném thẳng vào trước mặt tôi. Cô ta không quay đầu lại mà đi thẳng.

Tôi đứng dậy, phủi bụi phía sau, người làm trong nhà bước ra từ sau cửa, vội đỡ tôi dậy: "Lão phu nhân, người đừng trách nô tài nhiều lời, đây là cháu gái của người sao? Sao nó lại có thể không có lương tâm như vậy?"

Tôi lấy số bạc trong tay ra cho gia nhân xem: "Nhìn đi, bốn trăm lượng."

Gia nhân thấy bạc nhưng vẫn có chút tức giận: "Sao lại có thể dùng tiền bạc để đo lường phụ mẫu và gia đình được? Hơn nữa người cũng không phải là không có tiền. Không có người, thì làm sao cô ta có được cuộc sống tốt đẹp như bây giờ?"

Tôi cười không nói gì, Trần Đóa Đóa theo đuổi cuộc sống tốt đẹp cho bản thân mình cũng không có gì sai. Trong mắt cô ta, ngay cả phụ mẫu ruột thịt cũng không có tình cảm, bỏ thì bỏ thôi.

Còn tôi thì không chỉ kiếm được bốn trăm lượng mà còn thoát khỏi số phận bị nữ chính kiềm chế! Có lẽ tôi nên đến tửu lâu tốt nhất để uống một ly lớn chúc mừng nhỉ?

12.

Thôi, già rồi. Uống không nổi.

Nhưng tôi vẫn đưa đại lang và con dâu cả vào thành. Hai người này thật thà lắm, vẫn nói muốn ở quê đợi Trần Đóa Đóa đến đón, tôi bảo họ rằng Trần Đóa Đóa đã đi kinh thành từ lâu rồi nên sẽ không đến đón họ đâu.

Nghe tin này, đại lang bắt đầu lo lắng: "Con thấy dù Đóa Đóa rất yêu thương Phác Ngọc, nhưng cảm giác Phác Ngọc không có mấy phần tình cảm với Đóa Đóa."

"Sao lại nói vậy?"

"Mặc dù nó không nói ra, nhưng ánh mắt phu thê nhìn nhau thế nào thì chúng con vẫn biết." Con dâu cả tính tình nhạy cảm, chỉ có một đứa con là Trần Đóa Đóa nên tự nhiên là lo lắng.

"Phác Ngọc?" Nam chính trong cuốn sách này không phải tên là Phác Ngọc. Nhưng rõ ràng người mà Trần Đóa Đóa cứu chính là nam chính.

Nam chính tên thật là Tạ Thành Ngọc, bị kẻ xấu hãm hại nên đôi chân bị thương, sau đó được một thôn nữ cứu. Trong sách nói rằng thôn nữ này là ân nhân cứu mạng của Tạ Thành Ngọc, là bạch nguyệt quang trong lòng hắn. Đến nỗi sau này khi Trần Đóa Đóa xuất hiện, họ còn xảy ra hiểu lầm vì thôn nữ này.

Tôi chợt hiểu ra kế hoạch của Trần Đóa Đóa, có vẻ như cô ta muốn trực tiếp thay thế thôn nữ kia, trở thành bạch nguyệt quang của Tạ Thành Ngọc.

Vậy chẳng phải cô ta sẽ từ nhân vật chính trở thành vai phụ sao?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#cổtrang