Thiếu niên tài bảo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Trà Chanh Funatari/Phù Tha Nịnh Mông Trà
Chuyển ngữ: Trần
__________

Hồi tôi mới đặt chân tới thành phố này, có một người bạn cùng phòng tên A Tài.

Nơi đây là một thành phố công nghiệp, sương khói mịt mờ quanh năm suốt tháng. Rất nhiều thanh niên từ nông thôn lúc nhúc hội tụ lại đây đông như kiến. Lượng dân số lưu động đã vượt ngoài sức tưởng tượng của cư dân thành thị.

A Tài thoạt nghe là đã biết tên giả. Cậu ta nằm giường trên tôi, sau khi tới đây không lâu đã bán chứng minh thư của mình đi, phụ trách trông coi sân trượt băng cho người ta. Hai mươi năm trước, sân trượt băng trên thị trấn từng là điểm lui tới sôi động về đêm, nhưng giờ chẳng còn ai ngó ngàng tới nữa.

Cuộc sống buồn tẻ nhạt nhẽo, thành thử A Tài tự tìm thú vui cho mình. Mỗi ngày cậu ta đều coi một công nhân là nhân vật chính, gắn cho đủ loại thiết lập ly kỳ, rồi kể thành một câu chuyện.

Những công nhân khác đều rất nể phục tài kể chuyện của cậu ta, đề nghị A Tài đăng truyện lên mạng: Ông viết còn hay hơn cả tác giả văn học mạng đấy.

Có lẽ nhiều người cảm thấy công nhân và tiểu thuyết là hai khái niệm chẳng can hệ gì đến nhau, nhưng đối với văn học mạng, đặc biệt là mảng văn học mạng dành cho nam giới, lượng người đọc đến từ công nhân vượt xa tưởng tượng nhiều. Tạm không bàn nền tảng đọc có chính quy hay không, nhưng đám công nhân rất nhanh đã gợi ý cho A Tài hẳn vài nền tảng, khích lệ cậu ta đăng truyện: Kiếm ác lắm đấy! Cậu không biết chứ, nghe bảo mấy đại thần ấy tháng phải kiếm được đến vài vạn tệ!

Mọi người cùng nhau giúp cậu ta đăng ký tài khoản. Mười mấy công nhân chen chúc nhau trước một chiếc máy tính ọp ẹp trong quán nét, khua môi múa mép, tàn thuốc rơi đầy bàn phím. A Tài đăng truyện về anh Cường mà mình vừa kể tối qua lên mạng, có một công nhân đề nghị: Sau này mỗi ngày cậu kể chuyện thì chép lại ra điện thoại luôn cho tiện.

A Tài luống ca luống cuống, cười ngây ngô. Thoáng chốc, cậu ta đã trở thành tâm điểm của mọi người, như thể mỗi người đều gửi gắm kỳ vọng vào cậu ta, chờ mong cậu thiếu niên này phá kén lột xác.

Riêng tôi chẳng mặn nhạt gì với chuyện này, chỉ thấy vô vị. Cứ đến tối, A Tài lại rúc trên giường viết lách, lúc tôi dậy tiểu đêm vẫn thấy đèn lập lòe, kìm chẳng đặng, bèn nói: Cậu cũng chẳng viết ra được cái gì nên hồn, chẳng ma nào xem đâu.

Truyện của A Tài quả thực chẳng ai xem. Ban đầu, lượt đọc đều là đám bạn công nhân cống hiến cho, sau rồi mọi người cũng đều quên phắt chuyện này đi.

A Tài lại cảm thấy đây là một lối thoát mới: Anh Kim à, không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.

Đầu xuân, công nhân chuyển sang một nhóm mới, người vây lại bên cạnh cậu ta nghe kể chuyện cũng vơi bớt quá nửa. Giấc mộng nhà văn của A Tài cũng dần lắng xuống, từ mỗi ngày đều viết chuyển thành một tuần thi thoảng viết vài câu.

Cho đến cái ngày vị nhiếp ảnh gia kia tới.

Vị nhiếp ảnh gia nọ tới thành phố này để chụp vài tấm hình chủ đề công nhân, bắt gặp A Tài đang dùng điện thoại viết tiểu thuyết chỗ sân trượt băng. Ông ta cảm thấy đây là cơ hội trời cho. Hai tuần sau, video ngắn "Đại thần văn học mạng ở công trường" bùng nổ. A Tài rất ngượng ngùng trước ống kính, đa phần thời gian chỉ cúi đầu gõ chữ trên điện thoại. Phụ đề bên cạnh không ngừng chạy: "Công nhân này chỉ có học vấn tiểu học, nhưng đã được giáo viên khen ngợi có thiên phú văn học... Hiện giờ anh ta đang sáng tác trên nền tảng..."

Đêm hôm đó, truyện A Tài đạt lượng đọc khủng chưa từng có, thậm chí còn có biên tập gửi tin nhắn riêng cho cậu ta. Cậu ta kích động túm lấy lan can giường tôi, nhảy tưng tưng: Anh Kim! Là biên tập! Thật sự là biên tập của diễn đàn văn học mạng đó! Anh ta kết bạn với em rồi!

Quản đốc biết chuyện, tổ chức cho mọi người đi ăn đồ nướng. Tất cả mọi người đều nâng lon bia, chúc mừng nhà văn tương lai thành công đặt được bước chân huy hoàng tươi sáng đầu tiên.

Biên kịch rất nhanh đã liên lạc với A Tài, muốn ký hợp đồng với cậu ta. Nhưng A Tài không có chứng minh thư, cậu ta đành mượn của tôi. Sau khi hợp đồng được gửi đi, cậu ta bèn thôi việc, mỗi ngày đều ở trong phòng trọ đợi hồi âm.

Nhưng còn chưa đợi được hợp đồng gửi về, độ hot của video đã giảm xuống. Những mẩu truyện sơ sài chắp vá bởi những tình tiết cũ rích kia nhanh chóng trở về vẻ ảm đạm vốn có. Tuy rằng A Tài đã đợi được hợp đồng của nền tảng văn học mạng gửi về, nhưng khác hẳn với trong tưởng tượng của cậu ta, bộ truyện này có làm được ra tiền hay không là do biên tập quyết định. Nền tảng sẽ không đưa ra mức lương cơ bản phát hàng ngày hay hàng tháng.

Năm đó, tôi chuẩn bị rời khỏi thành phố này, tới Thượng Hải chạy việc vặt. Trước khi đi, tôi hỏi A Tài có muốn cùng đi hay không, tìm lấy một công việc mới.

Cậu không trở thành nhà văn được đâu. Tôi nói: Đây là số của cậu rồi.

A Tài với tôi cãi vã một trận lớn: Chúng ta cũng đâu phải sinh ra chỉ có thể làm khuân vác chứ! Anh Kim, anh là đồ nhát chết, đến cái gan thò đầu ra ngoài nhìn thử cũng chẳng có!

"Khuân vác" là tiếng địa phương ở quê cậu ta, ý chỉ việc chân tay nặng nhọc.

Tôi tới Thượng Hải, nương nhờ một ông anh họ. Trước kia anh ta cũng từng làm công nhân ở thành phố đó, hiện giờ làm chân chở hàng ở vùng Giang-Chiết. Lúc đến nơi là dịp Giáng Sinh, khu thương mại ở Thượng Hải đâu đâu cũng tổ chức hoạt động. Người trẻ tuổi tụ tập lại cùng mở hội chợ đồ thủ công. Lúc chờ đèn đỏ, anh họ nhìn ra ngoài cửa sổ xe một chốc. Anh ta hỏi tôi: Mày nói coi, đứa ngu nào đi mua mấy thứ đó chứ? Đắt gần chết, rặt toàn hàng xưởng buôn đem tới, cải tạo lại chút rồi đem ra bán.

Tôi lại thấy, thực chất những người trẻ tuổi ở hội chợ ấy với những công nhân vây quanh A Tài trong quán nét chẳng khác gì nhau. Tất cả đều đang tìm lối ra. Chẳng qua có người tìm được, người thì lại không.

Thi thoảng lại nghe được tin tức về bạn làm công trước đây, có người về quê, có người mất. Nghe bảo A Tài bị ung thư tuyến tụy, về quê chờ chết rồi.

Anh họ là kẻ hay oán thán. Anh ta oán trách ông chủ, bảo sớm muộn gì cũng có ngày kéo hàng của ông chủ bỏ trốn, tới đâu đó phi tang, đổi lấy tiền rồi đi làm gì đó... Tôi cho rằng anh ta chỉ nói chơi thôi, ấy vậy mà rồi đến một hôm, anh ta lấy một xe hàng bỏ trốn thật. Đó là ngày ba mươi tháng một, tôi vẫn còn nhớ rõ.

Tôi giao nốt kiện chuyển phát cuối cùng, là một kiện tài liệu giao tới công ty. Một gã thanh niên thấp lùn tóc đỏ đeo kính ra nhận hàng. Theo như trên túi văn kiện viết thì có vẻ là hợp đồng.

Lúc chuẩn bị rời đi, gã gọi giật tôi lại: Anh là Kim Ngân Bảo à? Tôi ngẩn người.

Gã đó giơ điện thoại lên: Bởi vì tôi nhận được thông báo, đề là nhân viên Kim Ngân Bảo đang giao hàng. Tên của anh khá đặc biệt, hồi trước viết tiểu thuyết mạng phải không?

Gã thanh niên: Hồi trước tôi có ký hợp đồng với một tay viết tên thật là Kim Ngân Bảo, bút danh trên mạng là A Tài.

A Tài lấy chứng minh thư của tôi để ký hợp đồng.

Đột nhiên nhắc đến A Tài bằng phương thức kỳ quặc này, tôi không khỏi có chút khấp khởi: Phải, cậu ta mượn chứng minh thư của tôi. Cậu ta viết thế nào rồi?

Nhưng chỉ thấy gã thanh niên cười giả lả, tôi bèn hiểu. Hàng ngàn hàng vạn người viết lách, có được chút tiếng tăm chỉ chiếm xác xuất một phần vạn.

Trên chuyến tàu trở về quê, tôi cầm điện thoại, mở xem tiểu thuyết của A Tài. Lượt đọc lác đác, lần cập nhật gần nhất là ba tháng trước. Vài mẩu truyện cập nhật sau cùng, kết thúc đều kèm theo một câu cố định: Thằng em này mắc bệnh hiểm nghèo, kính xin các vị huynh đệ cống hiến chút bình luận và lượt đọc để câu chuyện này có thể được thu phí! Cho tôi một lối thoát!

Câu đó bôi đỏ in đậm, sao chép rất nhiều lần. Nửa đêm trên tàu, tôi mơ một giấc chiêm bao, mơ thấy hàng chữ đỏ ấy biến thành lối thoát của A Tài, cậu ta nói với tôi: Anh Kim ơi, em thò đầu nhìn ra bên ngoài rồi. Đẹp lắm!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#đammỹ