14 câu đầu "Trao duyên"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

  Nguyễn Du là một đại thi hào, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Ông luôn dành tình cảm chân thành đối với những con người tài hoa bạc mệnh, tôn vinh họ trong những tác phẩm của mình. "Truyện Kiều" của ông được xem là một kiệt tác độc nhất vô nhị của nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm kể lại đoạn trường mười lăm năm đầy nước mắt của nàng Kiều, đoạn trích "Trao duyên" chính là mở đầu cho những bi kịch của cuộc đời nàng. Điểm nổi bật nhất của đoạn trích chính là tâm trạng đau đớn tột cùng của Kiều khi phải trao đi tình yêu vừa chớm nở của mình cho Vân, được thể hiện rõ nhất qua mười bốn câu thơ đầu:

"Cậy em em có chịu lời...

...Duyên này thì giữ vật này của chung"

Những câu thơ đã thể hiện rõ sự đau đớn tuyệt vọng của Kiều, phải nhờ em mình tiếp tục mối duyên thề giữa nàng và Kim Trọng.

  Đã gọi là duyên thì đến rất tự nhiên, duyên đến thì giữ, duyên hết thì buông. Đấy là duyên phận của mỗi con người, mỗi cuộc đời khi gặp nhau. Chữ "duyên" quan trọng đến thế, ấy vậy mà nàng Kiều buộc phải mang chữ duyên của mình trao cho Thúy Vân. Nàng buộc phải bán mình cứu cha, từ bỏ đoạn tình duyên chưa nở đã tàn với Kim Trọng. Trước ngày ra đi, Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu của mình mà lòng day dứt. Từ những câu thơ đầu, Nguyễn Du đã khắc họa được tình thế bất đắc dĩ của nàng Kiều:

"Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"

Vào đêm trước ngày theo Mã Giám Sinh, Thúy Kiều đã mở lời nhờ cậy Thúy Vân giúp mình. Trong khi từ "cậy" thốt ra một cách nặng nề mang theo niềm hy vọng và sự tin tưởng hết mức của nàng với Vân, từ "chịu" ngoài nghĩa nhận lấy còn có nghĩa là "cam chịu". Kiều đã dùng từ ngữ một cách rất khéo léo để đưa Vân vào thế ràng buộc. Thương cha, nàng phải bán mình. Thương người yêu, nàng phải cậy em. Dưới ngòi bút tài tình của mình, Nguyễn Du đã cho ta thấy sự thông minh cùng tài trí hơn người của nàng Kiều: thay vì dùng từ "nhờ", nàng lại sử dụng từ "cậy"; thay vì dùng từ "nhận", nàng lại dùng từ "chịu" - đây đều là những từ mang ngữ điệu kính cẩn. Để tăng thêm mức độ trang nghiêm, Kiều còn "lạy" và "thưa" Vân, đó vốn là những hành động thể hiện sự tôn kính đối với bề trên của mình. Sở dĩ Kiều phải tạo không khí trang nghiêm như vậy là vì Thúy Vân còn ngây thơ, chưa trải sự đời:

"Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân,

Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han"

Kiều đã đặt mình ở thế là người đang nhờ vả, sợ mình sẽ phiền lụy đến người khác mà bảo ban Vân. Vô hình chung những hành động và lời nói đó đã khiến Vân khó lòng thoái thác. Với những cử chỉ, lời nói đầy sắc sảo, nàng đã khẩn cầu một cách thiết tha nhất khi trao duyên. Kiều trong hai câu thơ trên hiện lên là một người phụ nữ rất thông minh và tinh tế.

 Với nhịp thơ đều và ngôn ngữ của lý trí, những câu thơ tiếp theo chính là sự tỉnh táo của nàng Kiều khi thuyết phục Vân. Trước hết, Kiều đã bày tỏ hoàn cảnh của mình hiện giờ:

"Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em"

Nỗi đau khổ vì không giữ trọn lời đính ước với chàng Kim buộc Kiều phải nói thật, nói hết với em, phải giãi bày tất cả. Tác giả đã sử dụng thành ngữ "đứt gánh tương tư" như một phép ẩn dụ để chỉ ra rằng tình yêu mà nàng Kiều vốn khắc cốt ghi tâm giờ đây buộc phải dang dở. "Keo loan" là điển tích ý chỉ sự gắn kết, nhưng khi đi với "chắp mối tơ thừa", nó lại mang một hàm ý khác: Kiều mong Vân có thể tiếp nối đoạn tình cảm mình còn đang dang dở với Kim Trọng. Kiều hiểu rằng đối với mình, mối nhân duyên này là quan trọng, song, đối với Vân thì đó chỉ là sự nối tiếp đầy bất đắc dĩ. Và hai từ "mặc em", vốn mang tính ép buộc, phải chăng là sự phó mặc, ủy thác rằng Kiều hoàn toàn tin tưởng giao gửi hết cho Vân? Kiều mong em mình có thể thấu hiểu được nỗi lòng và hoàn cảnh của mình để gắn duyên cùng Kim Trọng, bền chắc như "keo loan". Kiều nói lên lí do thứ nhất là hoài niệm về những ký ức tình yêu cùng Kim Trọng:

"Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề"

Điệp từ "khi" như một âm vang đi vào lòng người một cách mãnh liệt và thiết tha, điểm tô cho bản tình ca buồn Kim - Kiều. Mối tình này phải để lại cho người đọc biết bao luyến tiếc khi phải chia lìa? "Quạt ước", "chén thề" là những vật ước hẹn của Thúy Kiều và Kim Trọng, giờ được sử dụng như những hình ảnh ước lệ ý chỉ rằng cả đất trời đều thấu hiểu cho mối tình của họ, song, dù tình có đẹp, có hạnh phúc cũng phải chia lìa vì dòng đời nghiệt ngã. Kiều nói lên những điều đó với Vân, một là nói rằng đó chỉ là quá khứ, hai là để tự mình sực tỉnh khỏi những nỗi đau, để thật lý trí mà bảo ban Vân tiếp nối mối duyên tình này thay cho mình. Vì Thúy Kiều là người con gái hiếu thảo, tài sắc vẹn toàn và thủy chung nên nàng đã ý thức được gánh nặng trên vai mình là hai gánh nặng tình cảm:

"Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai"

Hình ảnh "sóng gió bất kì" chính là biến cố bất ngờ đã ập đến gia đình của Kiều, khiến gia đình Kiều tan tác. Bấy giờ, chữ "hiếu" là đạo làm con còn chữ "tình" là tình yêu dành cho Kim Trọng, hai gánh nặng đè lên vai buộc nàng phải chọn một. Chữ "tình" vô cùng quan trọng, nhưng khi so với chữ "hiếu", nó lại chẳng bằng, bởi lẽ Kiều hiểu rằng "làm con trước phải đền ơn sinh thành". Có thể nói, Kiều là một cô gái tham lam, dẫu biết mình không thể làm cho "hai bề vẹn hai", nàng vẫn nhất mực tìm cách. Kiều bán mình để chuộc cha và em trai, song không muốn phụ tình Kim Trọng, nàng đành nhờ Thúy Vân nối duyên cùng chàng. Qua lời Kiều, Nguyễn Du đã đay nghiến cả một xã hội bởi ai cũng biết rằng, hiếu tình là hai giá trị không thể đặt lên bàn cân đong đếm, ấy vậy mà giờ người con gái nhỏ bé như Kiều buộc phải đưa ra quyết định. Lời lẽ của nàng còn là sự lo âu cho hạnh phúc của Kim Trọng, là niềm lo lắng cho tương lai của cô em gái Thúy Vân - người phụ nữ xưa nào biết mình có thể rơi vào tay ai, nàng Kiều đã chọn Kim Trọng làm bến cuối cho cuộc đời em gái mình. Trong đau khổ đến tuyệt vọng, Kiều còn biết lo cho hạnh phúc của người khác, nàng quả là một người con gái có đức hi sinh cao cả.

 Lời thuyết phục của Kiều càng chua xót khi nàng nghĩ về thân phận của mình:

"Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây"

Thúy Kiều không chỉ dùng hình ảnh ẩn dụ "ngày xuân" để chỉ thanh xuân, tuổi trẻ của Vân, mà dường như Kiều còn muốn ám chỉ rằng tuổi xuân của mình sẽ hết sau đêm nay. Để khiến Vân không chần chừ, Kiều đã đem "tình máu mủ" để ràng buộc Vân, khiến cô phải thương xót cho mình. Bởi lẽ, "một giọt máu đào hơn ao nước lã", đã là người thân há chẳng phải cần giúp đỡ nhau hay sao? Xót thay cho đoạn tình của nàng Kiều khi nàng phải trao duyên cho em gái, đem những tình cảm chân thành nhất của mình mà chôn vùi xuống tận đáy lòng trong nỗi đau đớn. Những giọt nước mắt không chảy, ấy thế mà ta như cảm được những nỗi đau âm ỉ, nhói lên từng cơn trong lòng nàng. Đối với Kiều, tình yêu là tất cả, vậy mà giờ nàng phải từ bỏ Kim Trọng, từ bỏ hạnh phúc của mình, vậy có khác nào mất đi tất cả? Thành ngữ dân gian "thịt nát xương mòn", "ngậm cười chín suối" được dùng một cách ẩn ý để Kiều chỉ về cái chết của mình. "Hãy còn thơm lây" có phải chỉ là lời cảm ơn mà Kiều dành cho Vân sau khi trao duyên? Sâu trong đó, ta có thể cảm được niềm đau thương, tiếng than thương xót phận mà Kiều dành cho bản thân mình. Bốn câu thơ như gieo vào lòng người niềm thương cảm sâu sắc trước mảnh đời khắc khổ của nàng. Có lẽ từ giây phút này đây, nỗi mất mát mới thật sự bao lấy Kiều. Nhưng trong thời khắc này, đối với một cô gái dường như đã trắng tay như Kiều, nàng có thể làm gì ngoài việc gồng mình quên đi đau đớn? Kiều đã rất tinh tế mà đẩy Vân vào góc cuối của thương cảm, buộc nàng phải nhận lời, bởi ai có thể từ chối lời khẩn cầu của một kẻ đã mất tất cả? Lời thuyết phục của Kiều vừa chân thành vừa thiết tha, khiến Vân buộc phải rơi vào thế "mặc nhiên" mà chấp nhận. Nàng Kiều đã tỏ ra "sắc sảo mặn mà" kể cả trong vở bi kịch của chính mình.

 Biết Vân thuận lòng, Kiều trao những kỉ vật tình yêu cho em:

"Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung"

Nàng trao lại kỉ vật tình yêu kỉ niệm của mình mà lòng cứ cảm thấy lưng chừng. "Chiếc vành" là vòng xuyến đeo tay của người con gái xưa, còn "bức tờ mây" lại là thứ dùng để ghi những lời thề nguyện của hai người yêu nhau. Chúng chính là những vật riêng tượng trưng cho mối tình của nàng và Kim Trọng, chứa những quá khứ đẹp đẽ, ngọt ngào. Là những món đồ gần như vô giá đối với mình, giờ nàng buộc phải trao chúng đi, nhưng rồi khi Vân chấp thuận, nàng lại cảm thấy chơi vơi, đau nhói. Duyên tình của chị nhưng giờ đây cũng là của em "Duyên này thì giữ vật này của chung". Chính sự không rõ ràng trong hai từ "của chung" ấy đã thể hiện nỗi ngập ngừng, sự lúng túng của Kiều. Vốn dĩ rất lý trí, nhưng giờ đây phần cảm xúc mà nàng nghĩ mình đã cất sâu trong lòng lại vỡ òa, trái tim nàng lại giằng xé với lý trí. Lý Thương Ẩn từng viết "Tương kiến thì nan biệt diệc nan", gặp nhau đã khó, khi chia lìa còn khó hơn. Phàm là con người, dù khi trao lại kỉ vật cho em là hành động có lý trí đến mấy, thì thâm tâm vẫn sẽ nói rằng nó không cho phép Kiều làm vậy. Nàng bức rức chứ, đau khổ chứ, chẳng ai có thể dễ dàng mà cắt đứt một mối nhân duyên. Giờ đây, nàng buộc phải trao đi những kỉ vật chứa đầy kỉ niệm, vậy thì hãy coi đó như của chung, những kỉ vật của ba người Kiều - Kim - Vân. Dù đã dùng tất cả lý trí để lo toan sắp xếp mọi việc song nàng vẫn không thể ngăn được tiếng gọi của con tim. Nàng Kiều hiện lên là một cô gái khéo léo, sáng suốt, thông minh, nhưng phàm là phụ nữ, Kiều vẫn tồn tại mặt đầy nỗi sầu, nghẹn ngào, bị dằn vật bởi hai chữ "ái tình". Sự mâu thuẫn ấy càng làm cho bi kịch tình yêu của Kiều đau đớn gấp bội. Mười bốn câu thơ chính là tiếng nói tố cáo của Nguyễn Du đối với xã hội đang chà đạp lên hạnh phúc của con người:

"Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"

  Đoạn trích "Trao duyên" đã khái quát lên bi kịch đau khổ của Thúy Kiều: đó là bi kịch về tình yêu tan vỡ và bi kịch của cuộc đời mỏng manh. Qua đó tác giả đã làm bật lên được vẻ đẹp của Thúy Kiều: thủy chung da diết nhưng cũng sắc sảo mặn mà. Nguyễn Du đã một lần nữa khẳng định được tài năng miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng sống động, chân thực và phong phú. Qua đoạn trích, nội tâm nhân vật Thúy Kiều được khám phá một cách toàn diện. Tác giả đã sử dụng thể thơ lục bát kết hợp với ngôn ngữ uyển chuyển, mềm mại, tinh tế để có thể miêu tả được những rung động, đau khổ trong lòng nhân vật. Đằng sau tất cả những điều đó là một tấm lòng nhân hậu, tinh thần nhân đạo và "con mắt trông thấu cả sáu cõi" của Nguyễn Du.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro