Thu điếu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Khuyến, vốn là một kẻ sĩ nổi tiếng với cốt cách thanh cao, tài năng xuất chúng, tuy đỗ đầu cả ba lần thi Hương, Hội, Đình, song ông không làm quan lâu mà lại dành cả phần lớn cuộc đời để dạy học và sống thanh bạch tại quê nhà. Được mệnh danh là "Nhà thơ của làng cảnh Việt Nam", không quá khó hiểu khi chùm thơ thu của ông lại nức danh đến thế, trong chùm thơ ấy, phải kể đến "Câu cá mùa thu" - một bức tranh mùa thu mà Xuân Diệu đã từng nhận xét: "Là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam":

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo,

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

"Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, với ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm, cảnh thu, trời thu xinh đẹp của miền Bắc bộ Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời do ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến phối nên.

Mở đầu bài thơ là khung cảnh ao thu hết sức quen thuộc của làng quê Việt Nam:

"Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo."

Tác giả đã không cho chúng ta thấy không gian mùa thu mở ra bát ngát theo lẽ thường tình, mà lại thu hẹp nó trong cái "ao thu". Nước ao vào mùa thu vốn đã trong, này lại càng thêm "trong veo", khí thu lành lạnh lại trở nên thêm "lạnh lẽo". Trong không gian mùa thu ấy lại thấp thoáng một chiếc thuyền câu "bé tẻo teo": chiếc thuyền ấy không chỉ là một chiếc thuyền câu bình thường mà còn là chiếc thuyền trĩu nặng những nỗi niềm, chở nặng những tâm sự. Đặt chiếc thuyền ấy trong cảnh thu đìu hiu, vắng vẻ và cũng rất lạnh, sự cô liêu vắng bóng lại càng được bật lên. Các từ và tính từ láy "lạnh lẽo", "trong veo", "bé tẻo teo" được tác giả đan xen vào bài thơ vô cùng độc đáo và tinh tế, chúng gợi tả cho người đọc các đường nét, dáng hình và cả màu sắc của cảnh vật, sắc nước mùa thu. Không chỉ thế, vần "eo" vang lên khiến lời thơ như tiếng thu, vang vọng trong lòng người, đồng thời cũng gợi ra cho người đọc sự hun hút, hẹp dần và khép kín của cảnh vật. Hai câu đề đã vẽ nên cảnh sắc rất riêng biệt, mộc mạc, đơn sơ của mùa thu Bắc bộ với những nét đặc trưng nhất của khí thu, chất thu là cái lạnh và sự tĩnh lặng.

Đến với hai câu thơ thực, sự yên lặng ở trên đã không còn nữa. Mà dường như những âm thanh, cảnh sắc mùa thu đang dần len lỏi vào, phá vỡ sự êm đềm của khung cảnh nơi đây:

"Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo."

Qua hai câu thơ trên, Nguyễn Khuyến đã cho ta thấy được một bức tranh màu sắc của mùa thu tuy đơn sơ nhưng thật lộng lẫy. Ông rất tinh tế trong cách phối hợp màu sắc giữa sóng biếc với chiếc lá vàng, thêm từ ngữ gợi tả làm bật lên một không gian tĩnh lặng mà ấm áp, nhẹ nhàng của mùa thu. Phép đối tài tình của ông đã làm nổi bật một nét thu, tô đậm cái nhìn thấy và cái nghe thấy: "lá vàng" với "sóng biếc", tốc độ "vèo" của lá bay tương ứng với mức độ "" của sóng gợn. Phải biết rằng, âm thanh "đưa vèo" thật sự rất nhỏ, và chỉ khi ta chú tâm hoàn toàn thì mới có thể cảm nhận được điều đó. Chỉ với hai từ "đưa vèo" gợi được cả cái thanh sơ nơi màu vàng của chiếc lá đang chao nghiêng trên sóng biếc gợn nhẹ. Còn về "hơi gợn tí", nó gợi lên trước mắt chúng ta một hình dáng của sóng. Nó không ồn ào dữ dội như sóng biển mà có nó lăn tăn lan ra trên mặt hồ. Bức tranh mùa thu như trầm mình trong cái yên ả, tĩnh mịch. Nguyễn Khuyến không chỉ tinh tế trong cách phối hợp gam màu mà ông còn tinh tế trong cách sử dụng từ và cảm nhận lấy cái lăn tăn của sóng phối cảnh với độ bay xoay khẽ của chiếc lá thu. Có lẽ, phải có một tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống sâu sắc, thêm vào đó là sự để tâm chú ý thực sự, tác giả mới có thể cảm nhận được những âm thanh tinh tế nhẹ nhàng tưởng chừng như chả ai để ý. Qua hai câu thơ thực này, ta đã có thể thấy được một bức tranh mùa thu tuy thực đẹp, nhưng cũng thực yên tĩnh, ảm đạm.

Không gian cảnh vật không chỉ bó hẹp trong khoảng không của mặt nước, của ao thu mà được mở rộng ra hai chiều với một tầm nhìn cao hơn, xa hơn. Đó là cái nhìn toàn cảnh bao quát lên cả bầu trời với nhiều đường nét, màu sắc thoáng đạt:

"Tầng mây lo lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

Bầu trời xanh ngắt vẫn luôn là biểu tượng đẹp của mùa thu, có lần Nguyễn Du đã từng viết:

"Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng"

(Truyện Kiều)

Bầu trời xanh trong, cao thẳm của "Thu điếu" có sự nhất quán với không gian mây trời của "Thu vịnh" với"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao" hay trong "Thu ẩm" với "Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt". Mây trời trong "Thu điếu" không trôi mà "lơ lửng", gợi một cảnh thu đẹp và yên tĩnh như ngưng đọng lại trên khoảng không bao la, rộng lớn. Trời thu không mây, nhưng lại ngắt một màu thăm thẳm. Chiều sâu không gian được cụ thể hóa bằng độ "quanh co" của "ngõ trúc". Hình ảnh cây trúc xuất hiện khá nhiều trong thơ của ông, nhìn khái quát nó mang một nét vắng lặng và đượm buồn:

"Dặm thế ngõ trúc đâu từng ấy

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu."

(Nhớ cảnh chùa Đọi)

Cảnh vật trở nên u tịch, cô liêu, hiu hắt với tính từ "vắng teo" tức là vắng tanh, vắng ngắt không một bóng người đồng thời cũng cho thấy sự thoáng đãng, trong lành của không gian nơi đây. Sự tác động của ngoại cảnh làm cho con người không khỏi chạnh lòng mà cô đơn, đến cả người câu cá cũng như đang chìm mình trong giấc mộng thu buồn.

Cái ý vị của bài thơ nằm ở hai câu cuối:

"Tựa gối buông cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo."

Nhan đề của bài thơ là "Thu điếu" - nghĩa là câu cá mùa thu nhưng mãi đến những dòng thơ cuối mới xuất hiện hình ảnh người câu cá. Thế ngồi câu cá "tựa gối buông cần" của Nguyễn Khuyến thật lạ. Với dáng ngồi nhàn nhã ấy, tác giả dường như đang mãi lo nghĩ về một việc gì đó. Phải chăng đó chính là nỗi buồn, sự bất lực của ông trước thời cuộc, một nỗi buồn mà đến cuối đời Nguyễn Khuyến vẫn không nguôi ngoai được phần nào? Người câu cá đang ru hồn mình trong những suy tư ấy bỗng chợt tỉnh mộng trước tiếng "cá đâu đớp động dưới chân bèo". Đó là âm thanh đầu tiên và cũng là duy nhất trong xuyên suốt bài thơ. Âm thanh tuy nhỏ nhẹ nhưng đã phá tan đi sự tĩnh lặng của không gian, nó còn là điểm nhấn, là cái hồn của bức tranh thu khiến cho bức tranh ấy trở nên sống động hơn. Một chữ "đâu" mà không thể phân biệt được đâu là hư, đâu mới là thực. Từ "đâu" ở đây có thể hiểu theo hai nét nghĩa "đâu" là đâu có hay "đâu" là ở đâu, nhưng cho dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì người đọc vẫn có thể nhận ra rằng nhà thơ đi câu cá không phải là để bắt cá mà là để ngắm nhìn vẻ đẹp của mùa thu, để tìm thấy sự thư thái trong tâm hồn. Phải hay chăng, Nguyễn Khuyến đã coi cảnh thu như người bạn tri kỉ, để ông trang trải tình cảm, gửi gắm tâm hồn, tìm lời an ủi? Cách sử dụng nghệ thuật, dùng cái động để diễn tả cái tĩnh làm cho cảnh vật trong bài thơ càng vắng lặng hơn, nỗi buồn như bao trùm cả một khung cảnh rộng lớn.

Bài thơ đã thể hiện được tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh kết hợp với nghệ thuật gieo vần rất độc đáo và bút pháp tả cảnh ngụ tình đã gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên mùa thu, diễn tả được những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật. Đồng thời, đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, khi người dân ta bị mất tự do đến nghẹt thở, có thể thấy, bài thơ đã nói lên tâm tư sầu muộn, tấm lòng không biết ngỏ cùng ai, ngay cả nỗi cay đắng thống khổ cũng chẳng dám kêu ca mà chỉ có thể mượn thơ để giải bày lòng mình của Nguyễn Khuyến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro