Thương vợ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có thể nói, với đa số các tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, Trần Tế Xương đã chứng minh mình là một nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của nền văn học Việt Nam. Tú Xương sáng tác về rất nhiều chủ đề, song, ông có hẳn một đề tài về bà Tú: tất cả những bài thơ, câu đối,... đều được viết với tất cả niềm thương yêu, trân trọng. Phải biết rằng đây là một điều rất phá cách, bởi lẽ lúc bấy giờ, việc viết thơ dành cho vợ, nhất là người vợ vẫn còn sống, rất hiếm hoi. Ấy vậy mà "Thương vợ" - một trong những bài thơ hay và cảm động nhất - lại có thể chạm tới lòng người, không chỉ ở hiện tại mà còn ở cả thời phong kiến khắt khe, lạc hậu:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không."

"Thương vợ" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, với ngôn ngữ sinh động, tự nhiên đã khắc họa bức chân dung bà Tú tần tảo vất vả, đồng thời bộc lộ tâm tư tình cảm của nhà thơ dành cho vợ mình.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh bà Tú vất vả lặng lẽ hi sinh vì gia đình:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng."

Bài thơ mở đầu khá ấn tượng với vòng thời gian khép kín "quanh năm" và không gian nhỏ hẹp "mom sông". "Quanh năm buôn bán" là cảnh làm ăn đầu tắt mặt tối, làm việc hằng ngày, hằng giờ không có lấy được một lúc nghỉ ngơi. Chỉ cần có 4 chữ thế mà biết bao nhiêu hình ảnh giản dị hay lam hay làm của người phụ nữ xưa, tảo tần, cực khổ nuôi chồng ăn học được hiện lên như là một lẽ hiển nhiên trong thời đại cũ. Công việc vất vả đến như thế, vậy mà nơi làm việc cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. "Mom sông" là nơi có thế đất hiểm trở, phần đất nhô ra, ba bề là nước, chỉ hai từ "mom sông" mà người đọc có thể hình dung ra sự chênh vênh, không vững vàng của công việc, chúng càng tô đậm thêm tướng người nhỏ bé và sự cô đơn của bà. Bà Tú phải như vậy không chỉ để nuôi bản thân mình mà còn là "năm con với một chồng". Chồng cũng trở thành một con số đếm ngang hàng với những đứa con trong gánh nặng của người vợ. Gánh nặng lại chồng chất gánh nặng, vất vả nhân đôi, không chỉ nuôi mà còn là "nuôi đủ", cần kiệm, hy sinh để cho chồng và con được đủ ba bữa hằng ngày, cho con được no, cho chồng an tâm mà học. Tại sao bà Tú lại phải vất vả nuôi chồng con như thế? Phải hay chăng đó là sự bất công của xã hội phong kiến dành cho người phụ nữ? Người phụ nữ luôn cơ cực như thế, luôn một đời sống vì chồng vì con, nếu may mắn thì được bến đổ an yên, hạnh phúc, nếu không lại phải bấp bênh, trôi nổi với đời. May thay, bà Tú dù khổ, dù cực nhưng ít nhất bà cũng được chồng thấu hiểu nỗi vất vả của bà. Bởi vậy, ẩn sau mỗi lời thơ nôm na bình dị là một niềm cảm thông, thương mến sâu lắng. Với người vợ, một lời cảm thông như vậy của chồng cũng đủ để bù đắp cho bao nỗi đắng cay.

Trong hai câu thơ thực, hình ảnh người vợ, người phụ nữ Việt Nam hiện lên với bao xót xa, thương cảm và khâm phục:

"Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông."

Mượn hình ảnh con cò trong ca dao "Con cò lặn lội bờ sông", nhà thơ Tú Xương đã dựng lên trọn vẹn hình ảnh bà Tú lam lũ nhưng tảo tần. "Thân cò" mảnh khảnh, khắt khiu, bà Tú cũng vậy, ấy thế mà phải sớm trưa dãi nắng dầm sương, chịu đầy đủ cái vất vả khó nhọc. Nói "quãng vắng" là tự nhiên nổi lên cái lẻ loi, hiu quạnh, vậy mà thân cò mảnh khảnh lại đứng cô độc giữa nơi vắng lặng, trông mới cô đơn, đáng thương làm sao! Dù vậy, bà Tú lại chẳng một lời than trách, bởi bà biết rằng dẫu cho là hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì bà vẫn phải cố gắng chu toàn cho tròn trách nhiệm của mình với gia đình. Nếu như từ "lặn lội" được đảo ra phía trước chủ ngữ để nhấn mạnh sự vất vả của bà Tú, thì từ "eo sèo" lại gợi lên âm thanh hỗn tạp và gợi cảnh chen chúc, xô đẩy, tranh giành, mặc cả, lời qua tiếng lại của "buổi đò đông". Phép đối ở đây dường như càng xoáy sâu vào sự cực khổ của bà Tú, bởi lẽ bên cạnh nỗi khổ vật chất còn có nỗi khổ tinh thần: Lẽ ra người chồng là trụ cột gia đình, nhưng nay vì chồng con mà bản thân người phụ nữ phải lặn lội buôn bán ở nơi đò đông đúc. Biết bao tủi thân mà người phụ nữ phải gánh chịu để cho tròn đạo làm vợ. May mắn thay, bà Tú có người chồng thấu hiếu cho bản thân mình, bởi hai câu thơ chứa đầy sự xót xa như muốn thay lời nhà thơ gửi gắm tấm lòng tha thiết yêu thương, sự đồng cảm thấu hiểu đến cho vợ mình. Ẩn sâu trong mặt chữ là lòng biết ơn cùng sự trân trọng đối với vợ, nỗi niềm thương vợ cũng như sự trách mình của Tú Xương.

Hai câu thơ tiếp theo không chỉ là tiếng thở dài chán nản của người chồng gánh nặng mà còn là lời khen ngợi những đức tính cao đẹp của bà Tú:

"Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công."

"Duyên" là quan hệ do trời định, là sự may mắn của hạnh phúc. Có duyên thì ắt có nợ. "Nợ" là gánh nặng phải chịu nên "âu đành phận" như tiếng thở dài bất lực thôi đành mặc cho số phận. Thành ngữ "một duyên hai nợ" ở đây là cách nói dân gian để chỉ sự may rủi của đời người. Duyên chỉ có một mà nợ lại đến những hai, ấy thế mà bà Tú vẫn không phàn nàn, vẫn tiếp tục âm thầm chịu đựng vì chồng vì con. Bằng cách đếm số tăng tiến từ một lên hai cùng hình ảnh đối lập giữa "duyên""nợ", tác giả đã khẳng định rằng với tình thế hiện tại của mình, có lẽ sự hạnh phúc mà bà Tú nhận được chỉ có một, trong khi những vất vả, khó khăn mà bà phải chịu lại gấp bội. Dù trải qua "năm nắng", "mười mưa" bà vẫn không tính công lao, không dám kể lể hay càm ràm. Quả là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó! Số đếm tăng từ năm đến mười cùng nghệ thuật đối "năm nắng" >< "mười mưa" đã nói lên sự vất vả gian truân, gánh nặng trên đôi vai bà ngày càng tăng dần lên. Hai câu thơ đã cho thấy bà Tú là một người có tấm lòng cao cả, sẵn sàng hi sinh, có sự nhẫn nhịn bao dung, một tấm lòng khiến cho cả Tú Xương cũng phải biết ơn và cảm phục.

Chính vì chỉ âm thầm chịu đựng một mình những nỗi nhọc nhằn, vất vả, những sóng gió của cuộc đời cho nên ông Tú đã trách hộ bà:

"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không."

Lời thơ như tiếng chửi "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc", tiếng chửi rất thật đó không xuất phát từ sự bức xúc, chịu đựng những vất vả đè nén trong lòng của người vợ mà là người chồng tự chửi mình. Bởi bản thân ông chẳng giúp ích được gì mà còn là gánh nặng cho vợ, chẳng là trụ cột của gia đình mà còn khiến vợ phải nuôi. Người chồng trách mình bất tài, vô dụng, chẳng làm nên trò trống gì, bà Tú có chồng "cũng như không", thậm chí còn khổ hơn lúc chưa chồng. Thời xưa, người phụ nữ đều phải sống phụ thuộc vào người đàn ông "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử", ấy thế mà vào lúc phong kiến bấy giờ, một nhà nho dám hiên ngang thừa nhận với bản thân, với cuộc đời rằng mình là quân ăn lương vợ, là người chồng "hờ hững". Một người có tính cách như thế không nhiều vì không phải ai cũng có đủ dũng cảm cho mọi người thấy khuyết điểm của mình. Đây không chỉ là lời tự trách mà còn là cái đay nghiến cả một chế độ "trọng nam khinh nữ". Sâu trong bài thơ là sự phê phán dành cho xã hội đóng khuôn, gò bó, ép những con người suy nghĩ "bên ngoài chiếc hộp" như ông sống không có chỗ đứng, khiến ông trở thành kẻ bất lực trước những vất vả, khó khăn của vợ. Hậu bài thơ là cái vị đắng đọng lại mà bà Tú phải nếm trải, đó cũng chính là cái vị đắng chung của những người phụ nữ đương thời:

"Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm

Cầm bằng làm mướn mướn không công

Thân này ví biết đường này nhẽ

Thà trước thôi đành ở vậy xong."

(Lấy lẽ - Hồ Xuân Hương)

Bằng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, chất liệu của lời nói hằng ngày kết hợp sử dụng các biện pháp tu từ đầy độc đáo và các hình ảnh gần gũi quen thuộc, tác giả đã làm bật lên nét đẹp của bà Tú. Đó là nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa: dù cho nghèo khó vẫn kiên cường, bất khuất đối mặt với số phận của chính mình. Bài thơ không chỉ chứa đựng tình cảm sâu sắc nhà thơ dành cho vợ mình mà đồng thời còn là lời phê phán đanh thép cho xã hội phong kiến, nơi chà đạp lên thân phận người phụ nữ, rủ bỏ đi sự hi sinh cũng như nét đẹp của họ. Tú Xương đã để lại cho thế hệ sau một bài thơ tuy trữ tình nhưng cũng thật trào phúng với chủ đề mà ít nhà nho lúc bấy giờ dám đặt bút viết về, quả là "một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam". (Nguyễn Tuân).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro