Tự tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm, một hiện tượng đặc biệt của thơ ca trung đại Việt Nam. Nữ thi sĩ có số phận éo le, ngang trái nên hồn thơ của bà là tiếng nói đại diện cho những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến với một khát vọng tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Chùm thơ Tự tình của bà gồm ba bài là sự phản ánh đặc sắc tâm tư, tình cảm của nhà thơ - một người phụ nữ "hồng nhan bạc phận" đường tình duyên không trọn vẹn, quá lứa lỡ thì. Trong đó Tự tình bài II được coi là bài thơ hay nhất, giàu cảm xúc và lắng đọng nhất:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!"

Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện hình ảnh người phụ nữ cô đơn, lẻ loi trong đêm khuya thanh vắng than ngẫm, đau xót cho thân phận của mình.

Bài thơ nêu lên một nghịch lý: duyên phận muộn màng, lỡ dở trong khi thời gian cứ lạnh lùng trôi qua. Nghịch lý này dẫn đến tâm trạng vừa buồn tủi, vừa phẫn uất nhưng cuối cùng vẫn động lại nỗi xót xa. Ở bài thơ, nỗi niềm ấy của Hồ Xuân Hương cũng được gợi lên giữa một đêm khuya:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non."

"Đêm khuya" là khoảng thời gian mà vạn vật đã chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng với những người phụ nữ cô đơn thì đêm tối chính là lúc con người ta bày tỏ tâm sự, là khoảng thời gian tâm tư sâu lắng nhất, thấm thía nhất sự cô đơn đến tột cùng. Thông thường, giữa không gian rợn ngợp, con người sẽ cảm thấy mình nhỏ bé, cô đơn, ở đây Hồ Xuân Hương lại cảm nhận sự cô đơn từ thời gian "trống canh dồn". Thời gian cũng vô thủy, vô chung như không gian nhưng chứa đựng trong bước đi của nó còn là sự phá hủy, sự tàn phai. Cái "văng vẳng" trong thơ của Hồ Xuân Hương lúc nào cũng là cái não lòng:

"Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì,

Thương chồng nên khóc tỉ tì ti."

(Bà lang khóc chồng)

Nhưng ở đây, tiếng "văng vẳng" không chỉ là não lòng mà còn chứa đựng sự lo lắng, đó không chỉ đơn thuần là cảm nhận âm thanh mà còn là nghe dòng chảy của thời gian. Khác với cái "Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom" của Tự tình I, câu thơ ở đây lại tràn ngập sự não nề, buồn tủi. "Trống canh" là báo hiệu của thời gian, nay kết hợp với từ láy tượng thanh "văng vẳng" khiến âm thanh như từ xa vọng về."Dồn" là sự hối thúc, sự dồn đuổi của thời gian lên cảnh vật, sự thúc giục tới người. Cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống vừa là sự cảm nhận, vừa là sự thể hiện bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời của tâm trạng. Giữa không gian yên ắng, hình ảnh người phụ nữ ngồi đơn chiếc, cô liêu được khắc nét mạnh mẽ hơn qua từ "trơ". "Trơ" không chỉ có nghĩa là trơ trọi, không cảm xúc mà còn là những xúc cảm tủi hổ, bẽ bàng trước số phận lẻ loi, tình duyên không trọn vẹn của nhà thơ. Nhịp thơ 1/3/3 kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ đã làm bật lên nỗi đau khó nói thành lời của Hồ Xuân Hương - vốn là một nữ sĩ bản lĩnh. Cách dùng từ "trơ" ở đây có cùng hàm nghĩa với từ "trơ" thể hiện tâm trạng của Kiều khi bị bỏ rơi không chút đoái thương: "Đuốc hoa để đó, mặc nàng nằm trơ". Hai chữ "hồng nhan" để nói về dung nhan của một thiếu nữ nay lại đi với từ "cái", ôi nó mới thật là rẻ rúng, mỉa mai làm sao. Dù câu thơ chỉ nói về một vế "hồng nhan" nhưng vẫn gợi lên vế "bạc phận", vì vậy nỗi xót xa càng thấm thía, càng ngẫm lại càng đau, càng cay đắng. Hai câu thơ đã thể hiện sự đau buồn về duyên phận, đồng thời cho thấy bn lĩnh của Hồ Xuân Hương: đó là dám nói lên lời thách thức với đời, với nước non. Sự vùng vẫy mạnh mẽ của tác giả cũng chính là tiếng nói chung của những người phụ nữ xưa.

Từ nỗi cô đơn, buồn tủi về duyên phận nữ sĩ tìm đến chén rượu, vầng trăng để chia sẻ nỗi niềm:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."

Trong sự cô đơn, người phụ nữ ấy tìm đến rượu để quên đi nỗi đau nhưng càng uống thì lại càng như nuốt tủi, nuốt hận vào trong lòng. Cụm từ "say lại tỉnh" như vẽ ra một vòng luẩn quẩn, bế tắc, không có lối thoát. Bà tìm đến vầng trăng - người bạn tri kỉ của những tâm hồn cô đơn - với khao khát trăng sẽ làm vơi đi nỗi niềm cô đơn, buồn tủi ấy. Nhưng tiếc thay, vầng trăng chỉ "khuyết""chưa tròn". Bằng việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình, nhà thơ đã tạo nên sự đồng điệu giữa ngoại cảnh và tâm cảnh. Dường như Xuân Hương đã "ngồi nhẫn tàn canh", một mình trong cô đơn đối diện với đêm khuya, với vầng trăng lạnh. Cảnh tình Hồ Xuân Hương được thể hiện qua hình tượng thơ chứa đựng hai lần bi kịch: Trăng sắp tàn "bóng xế" mà vẫn "khuyết chưa tròn"; tuổi xuân đã trôi qua mà nhân duyên không trọn vẹn. Cuộc rượu say rồi tỉnh mà cũng là cuộc rượu tình có rồi cũng tàn mau. Rượu tàn khi tan vào cơn say còn lại sự rã rời, tỉnh sau giấc mộng thì chỉ còn nỗi chán chường. Hương rượu để lại vị đắng chát, hương tình thoáng qua chỉ còn để lại phận hẩm duyên ôi. Nếu trong Truyện Kiều, chỉ khi khách làng chơi đã ra về, những tiếng cười đã bớt vang vọng, Thúy Kiều mới có thể tỉnh rượu mà sống thực với lòng mình:

"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa"

Thì Xuân Hương lại tỉnh rượu đúng lúc trăng tàn, bóng xế, với tâm trạng cô đơn và nỗi đau e chề. Tuy nhiên, Hồ Xuân Hương đâu chỉ biết mãi đau buồn, người nữ sĩ này luôn biết phản kháng với đời. Bởi thế, ta mới cảm nhận được niềm khao khát hạnh phúc trong thơ văn của bà, dẫu cho bước đường tới đó gặp nhiều khó khăn, trắc trở.

Nếu nỗi niềm phẫn uất của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình I lan tỏa, bao trùm cảnh vật "Oán hận trông ra khắp mọi chòm" thì giờ đây, nỗi oán hận ấy đã lan ra cả trời đất:

"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn."

Thiên nhiên như cũng mang niềm phẫn uất của con người. Những sinh vật nhỏ bé hèn mọn, còn hèn mọn hơn cả "cỏ nội hoa hèn" như đám rêu kia mà cũng không chịu mềm yếu. Nó đâu chỉ mọc xiên, mà còn là "xiên ngang mặt đất". Đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt lên để "đâm toạc chân mây". Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ trong hai câu luận đã làm nổi bật sự phẫn uất của thân phận đất đá, cỏ cây mà cũng là sự phẫn uất của tâm trạng con người. Bên cạnh đó những động từ mạnh "xiên", "đâm" kết hợp với bổ ngữ "ngang", "toạc" độc đáo đã thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh. Rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây như vạch đất vạch trời mà hờn oán, không chỉ là phẫn uất mà còn là phản kháng. Cách dùng từ "xiên ngang", "đâm toạc" là cách sử dụng từ rất Xuân Hương: chính những định ngữ, bổ ngữ ấy đã làm cho cảnh vật trong thơ bao giờ cũng cựa động, căng đầy sức sống – một sức sống mãnh liệt ngay cả trong tình huống bi thảm nhất. Hai câu thơ chính là lời thách thức đầy tinh tế mà bà - đại diện của những người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến - đưa ra với đời.

Cả nỗi đau trần thế như dồn tụ lại đáy lòng một người đàn bà cô đơn. Khao khát được sống trong hạnh phúc, được làm vợ, làm mẹ như những người phụ nữ khác. Nhưng chao ôi, xót thay cuộc đời "hồng nhan bạc mệnh"! Đêm càng về khuya, nhà thơ lại chẳng thể nào chợp mắt được, bà trằn trọc, buồn tủi khi nghĩ về cuộc đời mình:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,

Mảnh tình san sẻ tí con con!"

"Ngán" là chán ngán, là ngán ngẩm. Hồ Xuân Hương "ngán" lắm rồi nỗi đời éo le, bạc bẽo. Xuân đi rồi xuân lại, tạo hóa chơi một vòng lẩn quẩn. Từ "xuân" mang hai nghĩa, vừa là "mùa xuân" vừa là "tuổi xuân". Mùa xuân đi rồi mùa xuân trở lại với thiên nhiên, nhưng với con người tuổi xuân qua là không bao giờ trở lại. Thêm một lần xuân là một lần nỗi buồn lớn hơn. Hai từ "lại" trong cụm từ "xuân đi, xuân lại lại" mang hai ý nghĩa khác nhau. Từ "lại" thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa. Từ "lại" thứ hai nghĩa là trở lại. Sự trở lại của mùa xuân lại đồng nghĩa với sự ra đi của mùa xuân. Nghịch cảnh càng éo le hơn bởi nghệ thuật tăng tiến trong câu thơ cuối: "Mảnh tình - san sẻ - tí - con con". Ở đây không phải là "Khối tình cọ mãi với non sông" như trong "Đá ông chồng bà chồng" mà là "mảnh tình" bé nhỏ, ấy vậy mà ta còn phải "san sẻ" mảnh tình ấy thành ra ít ỏi, chỉ còn "tí con con". Câu thơ được viết ra có thể là từ tâm trạng của người đã mang thân đi làm lẻ, tuy nhiên cái tầm khái quát của nó lại lớn hơn một hoàn cảnh lấy chồng chung:

"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng."

(Lấy chồng chung)

Người phụ nữ trong xã hội xưa đã phải chịu trên người những thành kiến của người đời, nay có chồng mà cũng như không, ôi biết bao buồn tủi, biết bao phẫn uất? Nhưng họ có thể làm được gì ngoài việc nhìn tuổi xuân mình trôi đi trong quạnh hiu, chua xót. Hai câu thơ là tiếng thở dài ngao ngán, chán chường cũng là nỗi lòng của những người phụ nữ xưa trong xã hội phong kiến chà đạp, khinh thường thân phận của họ. Tám câu thơ là lời bộc bạch buồn tủi mà cũng là tiếng thách thức với đời, tâm trạng phẫn uất trước duyên phận, sự gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch của Hồ Xuân Hương. Từ đó, cái khát vọng muốn được sống, được yêu thương lại càng bật lên rõ hơn tất cả.

"Tự tình II" thể hiện đặc sắc tài năng và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương. Tâm trạng nhân vật được khắc họa thành công qua việc sử dụng các biện pháp nghệ thuật, ngôn ngữ tinh tế nhưng vẫn rất tự nhiên. Bài thơ là những lời bộc bạch vừa buồn tủi, vừa thách thức duyên phận, gắng gượng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch. Thế nhưng, đó không chỉ là nỗi đau của riêng bà. Xuân Hương ôm trong mình nỗi đau của cả một thời đại. Nhà thơ cất lên tiếng nói nhân văn cho số phận, khát khao của những người phụ nữ trong xã hội xưa khi mà đối với họ, hạnh phúc như là một tấm chăn hẹp. Bài thơ đã thể hiện được sự ý thức sâu sắc của người phụ nữ trước hoàn cảnh éo le, bất công của số phận, tuy nặng trĩu nỗi buồn nhưng không hề bi lụy, ấn tượng đọng lại cuối cùng trong lòng người đọc lại là sự mạnh mẽ của tâm hồn người phụ nữ khi khát khao vượt thoát ra khỏi hoàn cảnh, hướng đến một cuộc sống tươi sáng hơn. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro