Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyến đi biển hè lần này để lại trong tôi quá nhiều những kí ức không thể nào quên. Trở lại với Hà Nội bức bách và ồn ã, tôi lại thấy có chút hụt hẫng. Gạt đi gạt lại danh bạ trong chiếc điện thoại, nhìn quanh chỉ có số của bố mẹ tôi, anh trai tôi, số nhà Lan, số của Tuấn và đương nhiên, số của anh.

Lúc anh lưu cho tôi chỉ để cái tên vô cùng tầm thường: Anh Hiếu. Nhưng tôi lại không muốn tên anh trong điện thoại của mình lại bình thường như thế, nghĩ mãi vẫn không biết nên để là gì, "my love" thì quá phổ biến, dường như chẳng có từ ngữ gì đặc biệt để miêu ta vai trò của anh trong trái tim tôi. Tôi xóa bỏ chữ Hiếu đi, chỉ để lại một chữ: Anh. Đúng vậy, đối với tôi, anh mãi mãi là anh, là một điều gì đó không thể thay thế được.

Tôi cứ đờ đẫn ngồi nhìn chữ "Anh" cùng dãy số quen thuộc ấy cho tới khi Lan phi thẳng vào phòng, tôi mới tỉnh lại. Con bé này, chưa thấy mặt đã thấy tiếng, nó vừa chạy vừa hét lên "Có điểm rồi, mày ơi, có điểm rồi!".

Trong khi nó còn run rẩy vì được mười điểm trọn vẹn môn tiếng Anh, thì trái tim tôi lại đập thình thịch bởi vì tôi được đến sáu điểm môn Vật Lý. Tôi liền nhắn tin cho Hiếu. Khi đó, tôi không hay gọi, mà chỉ nhắn tin cho anh, còn người gọi thường là anh. Nguyên nhân rất đơn giản, mặc dù bố mẹ tôi đồng ý cho tôi sử dụng điện thoại di động, nhưng giới hạn chỉ cho nạp thẻ năm mươi ngàn một tháng. Điện thoại sử dụng đúng mục đích liên lạc khi cần thiết chứ không phải để tán gẫu với bạn bè, thế nên để tiết kiệm, tôi hay nhắn tin cho anh. Nhưng, tin nhắn cũng có cái hay của nó. Ta có thể dễ dàng nói ra những điều mà khó có thể mở lời trực tiếp được.

Anh làm thiết kế đồ họa, khi nào anh tập trung làm việc thì thường sẽ không đọc tin nhắn, nhưng bất cứ khi nào anh đọc được, anh sẽ nhắn lại cho tôi, dù cho đôi lúc, nội dung tin nhắn chỉ có một câu "Thế à!". Hôm nay cũng như vậy, tôi nhắn tin cho anh nhưng một lúc sau vẫn không thấy động tĩnh gì.

Tôi lại nghĩ đến lời hứa với Tuấn trước kia, nhớ đến ước hẹn giữa Lan và Tuấn. Tôi rất muốn gọi cho Tuấn để nói cho cậu ấy biết cả tôi và Lan đều đã vào được trường mà mình mong muốn, để nói cho cậu ấy biết Lan đã được mười điểm tiếng Anh, để hỏi xem cậu ấy thế nào, có được mười điểm như đã hứa với Lan hay không. Nhưng tôi lại do dự. Sau khi cân nhắc cẩn thận, tôi lại chạy sang nhà Lan. Tôi đưa cho nó số điện thoại của Tuấn, thậm chí còn đưa cả điện thoại của tôi cho nó gọi. Nhưng nó không chịu. Mặc dù ngoài miệng nó cứ nói rằng ai mà thèm nhớ cái lời hẹn nhảm nhí ấy, nhưng tôi biết, nó rất quan tâm, rất để ý. Có lẽ nó sợ, còn cụ thể nó sợ điều gì thì tôi không biết. Tôi đành đặt tờ giấy mà Tuấn ghi lại số điện thoại lên mặt bàn nó và ra về.

Tối hôm đó Hiếu mới liên lạc lại với tôi. Lần này anh không nhắn tin mà trực tiếp gọi: "Cô bé, nói đi, anh nghe đây!". Tôi ngơ ngẩn cả người, một phần vì giọng nói trầm ấm mà dịu dàng của anh, một phần vì không biết anh muốn nghe tôi nói điều gì.

"Em nhắn tin rõ ràng cho anh còn gì, em được tổng năm hai điểm nhé, mười điểm Toán, chín điểm Văn cơ đấy. Đặc biệt môn Vật Lý em còn được sáu điểm cơ, anh còn muốn nghe gì nữa..."

"Nói việc mà em muốn anh làm ấy!", có lẽ anh cảm thấy tôi nhí nhéo rất nhức đầu nên hỏi thẳng thắn như vậy.

"Có thật là việc gì anh cũng đồng ý không?"

"Tất nhiên, anh đã hứa rồi mà."

"Thế là được rồi, bây giờ em vẫn chưa nghĩ ra. Khi nào em nghĩ ra nhất định sẽ nói với anh.", thực ra việc mà tôi muốn anh làm rất đơn giản, song, cũng rất khó khăn, có điều bây giờ chưa phải lúc.

"Em phiền phức thật đấy! Anh cứ có cảm giác như mình là người mang nợ ấy."

"Đúng thế, anh nợ em. Thế nên anh không được rời xa khỏi tầm mắt của em, nếu không em thuê xã hội đen chuyên đòi nợ thuê đến dằn mặt đập phá nhà anh."

"Cô bé ngốc, anh đã muốn trốn nợ chẳng lẽ còn ở nhà chờ em thuê người đến đập sao?"

Tối hôm đó tôi nghe tiếng anh cười qua điện thoại, cười đến thoải mái, cười đến vui vẻ. Tiếng cười của anh êm đềm bên tai ru tôi vào giấc ngủ.

Tuy chân tôi đã hoàn toàn bình phục, có thể tự đi xe buýt, nhưng nỗi ám ảnh của vụ tai nạn khiến tôi không còn dũng khí để bước lên cái phương tiện giao thông công cộng được khuyến khích ấy nữa. Ngày nhập học, Hiếu đến đón tôi.

Một ngôi trường mới hoàn toàn xa lạ, những gương mặt hoàn toàn xa lạ, những thứ kiến thức hoàn toàn xa lạ. Cấp ba, quãng thời gian mà ai cũng mơ ước, ai cũng hoài niệm, ai cũng luyến lưu. Tôi đã có thể hình dung ra được những ngày mình được mặc chiếc áo dài trắng, tưởng tượng ra những cậu bạn mặc sơ mi trắng dưới những chùm phượng vĩ đỏ chót cùng sức sống mãnh liệt của tuổi thanh xuân.

Sau khi khai giảng, học sinh lớp mười như chúng tôi sẽ có khoảng một tuần tập quân sự, cũng để làm quen với nhau. Cũng là mặc áo bộ đội thật đấy, đội mũ cối thật đấy, nhưng chỉ được tập đội hình đội ngũ, quay phải quay trái mà thôi.

Tuy tôi với Lan vào cùng một trường, nhưng không được may mắn phân cùng một lớp. Nó học lớp A3, còn tôi học A7. Lớp tôi có khoảng hơn bốn mươi học sinh, số lượng con trai và con gái khá cân bằng, không chênh lệch. Những năm tháng cấp ba của tôi thực sự đáng nhớ, nhưng có lẽ, đau khổ nhiều hơn là niềm vui.

Lên đến cấp ba, tình hình học môn Lý và Hóa của tôi vẫn cứ tồi tệ như vậy. Thi thoảng có thời gian rảnh, Hiếu vẫn sẽ tới kèm thêm cho tôi. Khi nào anh bận thì chúng tôi liên lạc qua điện thoại, tin nhắn. Cũng có lúc đi chơi, nhưng chỉ là tôi đi bám càng theo anh trai, mục đích chính để gặp Hiếu. Có đôi khi, tôi cũng rất muốn chủ động rủ anh đi chơi, chỉ hai chúng tôi thôi, nhưng tôi vẫn chưa đủ dũng khí để làm điều đó.

Tôi nhận được điện thoại của Tuấn. Cậu ấy nói là Hiếu đưa số của tôi cho cậu ấy. Tuấn cũng vào được trường mà cậu ấy đăng ký, cũng được mười điểm tiếng Anh. Quả là hai con người thần thánh! Tôi đoán, có lẽ Lan không hề gọi cho cậu ấy. Tôi bèn thông báo tình hình của tôi và Lan cho cậu ấy biết. Tôi rõ ràng nhận thấy sự kích động trong câu "Thật à" của Tuấn.

Vào được cấp ba, phần thưởng của tôi và Lan là hai chiếc xe đạp điện. Thế là tôi có thể thoát khỏi bóng ma của chiếc xe buýt kia. Khi tôi và nó vừa đến cổng trường thì thấy Tuấn đã đứng ở đó. Cậu ấy đi chiếc xe địa hình nhìn thật hợp với vóc dáng to cao và khỏe mạnh của cậu ấy. Tuấn chỉ gật đầu chào hỏi với tôi, rồi đi đến trước mặt Lan. Chưa cần đợi nó mở miệng, cậu ấy đã nói trước: "Tôi biết cậu được mười điểm, tôi cũng biết cậu đã biết tôi cũng được mười điểm. Tôi cũng biết cậu đang muốn trốn tránh tôi. Nhưng không sao, tôi không vội. Tôi sẽ đợi cậu, bởi vì tôi tin Lan không phải là một người nuốt lời".

Nói xong cậu ấy lên xe và đạp hùng hục rời đi. Tôi đang lo lắng không biết cậu ấy có bị muộn học không, thì thấy Lan đã quay xe và đuổi theo cậu ấy. Nhưng tôi vừa cất xong xe, đang định đi lên lớp thì thấy nó quay lại, nhìn vẻ mặt nó, có lẽ là không đuổi kịp Tuấn rồi. Tôi vỗ vai nó xem như an ủi rồi nói: "Hãy chủ động gọi điện liên lạc với cậu ấy!".

Cấp ba, trong lớp, tôi chơi thân với ba đứa con gái. Trong tổ tôi chỉ có bốn nữ sinh, đương nhiên là chơi cùng với nhau. Chúng tôi ngồi gần nhau, cứ thế lao xao mỗi ngày trên lớp. Nói về cái tình bạn thuở xoài me, người lớn nhìn vào hay gọi là bè cánh, họ không thích nhìn cảnh nhóm nọ nhóm kia nói xấu nhau, rồi thậm chí đánh nhau. Đó chỉ là mặt tiêu cực. Trên thực tế, mỗi một tập thể, nhất là những tập thể đông đúc, bao giờ cũng chia thành nhiều nhóm người, lứa tuổi nào cũng vậy. Đó là những nhóm người cảm thấy từ sở thích, tính cách hay cái nhìn về cuộc sống đều có thể hòa hợp cùng nhau trong một quãng thời gian, có thể là dài, cũng có thể là ngắn, từ đó họ trở nên thân thiết với nhau hơn. Chuyện đánh nhau, chửi nhau, cãi nhau thường là do mâu thuẫn, nếu là tranh chấp giữa các nhóm, chẳng qua đó là ý thức bảo vệ lẫn nhau của những thanh niên trong độ tuổi đầy hiếu thắng.

Chắc hẳn khi còn ở lứa tuổi học trò, ai cũng đã từng nghe cha mẹ mình phàn nàn rằng: "Chúng mày học thì không lo học, suốt ngày nghĩ đến mấy cái ba lăng nhăng...". Nhưng có thể chính các bậc phụ huynh cũng vô tình quên mất rằng, khi họ còn là học sinh, họ cũng từng mộng mơ như thế. Chỉ khác rằng thế hệ thay đổi, thời cuộc thay đổi khiến cho những sở thích, thú vui của con họ không còn giống như họ thời xưa mà thôi.

Đối với thế hệ học sinh của xã hội hiện đại như bây giờ, cấp ba là cái tuổi muốn người khác coi mình là người lớn, nhưng lại vẫn chưa đủ lớn để nhìn thấy những mảng màu tối hơn của cuộc đời. Trong mắt của chúng tôi, tất cả chỉ toàn những màu sắc sáng sủa, rực rỡ như chính những khát khao của chúng tôi đối với cuộc đời.

Trong con mắt của những cô cậu học trò, người lớn là phải được quyền tự chủ, quyền tự do quyết định, đặc biệt là quyền được yêu, thứ tình yêu nam nữ điển hình trong xã hội, nhưng lại chẳng bao giờ nhìn thấy những lo toan, những gánh nặng, những trách nhiệm mà một người trưởng thành phải gánh vác. Chính vì thế, những rung động đầu đời mới nên thơ, mới đẹp đẽ làm sao! Những rung động ấy theo thời gian có thể sẽ phát triển thành tình yêu, cũng có thể nó mãi mãi chỉ dừng lại là những rung động, những rung động theo cùng khao khát trưởng thành của một con người. Cũng có đôi lúc tôi tự hỏi, tình cảm mà tôi dành cho Hiếu, phải chăng cũng chỉ là những rung động như thế? Nhưng tôi nhận thấy rõ rệt rằng nó luôn mãnh liệt và ngày một mãnh liệt hơn.

Tôi không biết tâm trạng của những đứa con trai ở cái tuổi chuẩn bị lớn này như thế nào, chỉ biết rằng chúng nó rất thích chinh phục các bạn nữ như chúng tôi. Đặc biệt, cứ thấy cô bạn nào nhìn xinh xắn dễ thương một chút, là sẽ đổ xô vào để cưa cẩm, kể cả khi không cần biết nội tâm, tính cách cô ấy ra sao, cứ ưa nhìn là được. Thế nên các Hot Girl trong các trường học bây giờ mới đình đám như thế.

Trong nhóm của tôi cũng có một cô bạn rất xinh xắn ten Linh. Linh còn được mệnh danh là hoa khôi của lớp. Chỉ mới mười lăm mười sáu tuổi thôi, nhưng cô ấy đã cao ráo, số đo ba vòng hấp dẫn, khuôn mặt trắng trẻo mịn màng, ăn mặc đầu tóc cũng rất thời thượng, nhìn qua như một cô gái trưởng thành thực thụ ngoài xã hội chứ không giống như học sinh nữa. Con trai lớp tôi thằng nào cũng thích cô ấy, ngày nào cũng hăng hái xung phong đi căng tin mua hết thứ này đến thứ khác để lấy lòng người đẹp.

Nhưng, xu thế của lũ con gái lớp tôi lúc bấy giờ, trong đó có cả Linh, lại thích những anh khóa trên, những anh lớp mười hai đẹp trai mà học giỏi, nổi bật trong trường ấy. Giữa những trào lưu chung của những ngày tháng chập chững vào cấp ba, có lẽ tôi được đánh giá là có tính cách trầm lặng, ít nhất là trầm lặng hơn chúng bạn. Mỗi khi có đứa gặng hỏi tôi đã có người yêu chưa, tôi chỉ cười, lắc đầu một cách chắc chắn, nhưng trong tâm trí cứ mãi hiện lên hình bóng ai kia.

Nhóm bốn người chúng tôi, ngoài Linh ra, hai cô bạn còn lại tên là Thu và Quyên. Trong ấn tượng của tôi, những ai tên là Thu thường rất hiền dịu, còn tên Quyên nghe có vẻ rất đanh đá, ghê ghớm. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại với ấn tượng trong tôi. Quyên là một cô gái dịu dàng, tóc dài, rất chăm học. Còn Thu thì phong cách hơn hẳn, cô ấy luôn cắt tóc ngắn, đeo cái kính to đùng, tính tình phóng khoáng, nếu không muốn nói là chẳng khác gì đàn ông. Chính vì cái tính cách ấy mà trong bốn đứa chúng tôi, lúc nào cô ấy cũng như một thủ lĩnh cầm đầu. Biết Linh thầm mến một anh khối mười hai tên là Nam, Thu không nề hà gì lên tận lớp người ta, còn thẳng thắn giúp bạn mình bày tỏ.

Tôi không sao quên được ngày hôm đó, Thu hùng hổ xông lên lớp anh Nam, ba chúng tôi có kéo thế nào cũng không ngăn được nó. Bốn đứa bước vào lớp người ta trong bao nhiêu ánh mắt tròn vo đang trợn lên nhìn chúng tôi chăm chú. Thu bước đến bàn của anh Nam, nhìn thẳng vào mắt anh ấy, dõng dạc nói một câu: "Anh tên là Nam đúng không? Bọn em học lớp 10A7, đây là Linh, hoa khôi lớp em đấy, cũng là bạn thân của em. Nó rất thích anh. Anh suy nghĩ bao giờ có câu trả lời thì xuống lớp bọn em tìm nó nhé".

Anh chàng tên Nam lúc đó đúng là phải dùng từ đứng hình thì mới diễn tả được trạng thái của anh ấy. Còn Linh thì mặt đỏ bừng như trái cà chua, chưa bao giờ dám ngẩng lên. Tôi và Quyên cũng chỉ biết nín thở đứng im tại chỗ. Tình huống như thế này thật quá là mất mặt. Một lúc sau ba chúng tôi dứt khoát chào tạm biệt Nam rồi lôi Thu về lớp.

Tôi hiểu tâm trạng Linh lúc này, có lẽ nó cũng có chút giận Thu vì đã làm điều đó, nhưng một phần trong nó lại vui mừng, vui mừng vì có thể cho đối phương biết tâm tư của mình, cho dù hình thức đó không được lãng mạn cho lắm.

Chiều hôm ấy về nhà, Hiếu đến chơi nên tôi đã kể cho anh mọi chuyện. Tôi thấy anh nghe một cách rất hứng thú, thi thoảng còn gật gù ra vẻ hưởng thụ. Tôi hỏi anh đoán xem anh chàng tên Nam đó có xuống lớp tôi tìm Linh không, anh chỉ cười. Không biết có phải tôi lại ảo giác không, nhưng tôi cảm thấy khoảnh khắc ấy, dường như anh đang nhớ về một điều lí thú nào đó, sau đó anh nói một câu chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi: "Anh rất hiểu tâm trạng cậu bạn Nam lúc đó".

Trong lòng tôi liền hụt hẫng. Anh cũng từng có người đến tỏ tình trực tiếp như vậy hay sao? Tôi rụt rè hỏi: "Anh có kinh nghiệm à? Thế anh có đi tìm người ta trả lời không?".

Lần này thì anh cười thành tiếng, tiếng cười sảng khoái, tiếng cười mà chỉ có anh mới có thể khiến tôi chăm chú lắng nghe đến thế. Nhưng sau đó anh chỉ véo mũi tôi rồi lảng ngay sang chủ đề khác: "Bài vở em thế nào rồi? Quậy gì thì quậy, đừng có quên học là được. Không đến lúc thi đại học mà hổng kiến thức thì không thể lấp bù cấp tốc như cấp hai được đâu".

Anh biết không, anh đúng là một ông già làu bàu chính hiệu, một ông già làu bàu rất ngọt ngào!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro