Mãi mãi là bao lâu?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Con đường đến nhà tang lễ đáng sợ quá!"

Tôi ước khi mình nói ra câu nói này, em có thể nghe thấy được. Tròn một năm ngày em mất . Tôi gác lại công việc, cùng gia đình tổ chức giỗ đầu cho em. Bác trai, bác gái đã mời cả thầy sư về để niệm phật và cầu an lành. Cũng phải lâu lắm rồi tôi mới lại đến nhà tang lễ. Đi đến nơi cuối phòng, hũ tro của em ngự tại tầng hai của tủ kính. Lấy khăn mùi xoa lau qua lớp bụi trên hũ, dòng tên lờ mờ hiện trước mắt, mỏng và sắc lẹm cứa vào trái tim tôi. Rời khỏi nhà tang, tôi lại vòng qua sân sau thăm mộ. Đợt này mưa nhiều, mơn mởn cả một vàm cỏ xanh trước mặt. Ánh nắng chiếu vào khung ảnh trên bia mộ, tia nắng ấy như giúp tôi nhìn rõ khuôn mặt em hơn. Vẫn là nụ cười rạng rỡ, nụ cười mà tôi chỉ tìm thấy được ở nơi em. Lần này tôi về, mang theo cả một bộ váy và đôi giày da mới. Chỉ mong ở bên đó, em vẫn đang khoẻ mạnh và hạnh phúc. Cỗ bàn xong xuôi, chúng tôi dọn mâm cúng rồi ai về nhà nấy. Chỉ chóng vánh một năm trôi qua, bác gái dạo này đã tiều tụy đi nhiều. Da dẻ đã chẳng còn hồng hào, làn da cũng bắt đầu nhăn nheo và sạm màu. Người ta vẫn nói, phụ nữ mất chồng thì gọi là goá phụ. Những đứa trẻ mất bố mẹ thì gọi là mồ côi. Thế nhưng lại chẳng có cái tên gọi nào dành cho những người cha người mẹ mất con cái, bởi lẽ chẳng có từ ngữ nào diễn tả nổi nỗi mất mát to lớn ấy. Tôi an ủi cô, khuyên cô đừng vì sự ra đi của em mà sống phần đời còn lại trong dằn vặt. Người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh!

Tôi không về ngay mà nán lại khuôn viên của nhà tang lễ một lúc. Trên đây không khí trong lành, thoáng đãng. Có nhiều cây cỏ xanh tươi và sương mù cũng dày hơn. Tôi tìm đại một chiếc ghế đá, thế rồi lại chọn ngồi vào một bàn đá đã có người ngồi. Phía trước tôi là một bác gái đã chạc tuổi tứ tuần. Bác nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, nhưng không khóc.

" Nhà cháu có ai mất sao"

" Không, hôm nay là giỗ đầu của cô gái cháu yêu thương nhất. Em mất được một năm rồi bác ạ"

"Chắc bạn ấy trẻ tuổi và còn nuối tiếc nhiều điều lắm"

" Còn bác thì sao ạ?"

" Chồng bác mất. Ông ấy bị đột quỵ trong lúc tắm"

" Có vẻ bác yêu bác trai nhiều lắm"

Bác lúc này mới dám nhìn thẳng sang tôi

"Yêu thì có yêu, dù biết chắc rồi cũng sẽ đến lúc chia xa, nhưng như vậy thì vội quá. Bọn ta còn nhiều thứ muốn làm nhưng mà chắc phải để dở lại rồi"

" Điều gì mà cả hai đã tiếc nuối nhiều vậy ạ"

" Những chuyến đi"

Tôi trầm ngâm ngồi nghe bác kể về hành trình của hai người. Họ là một đôi trung niên nhưng lại mang một màu sắc rất lạ. Họ mang những suy nghĩ trái với những người cùng trang lứa, có phần định kiến nhưng hoàn toàn đồng nghĩa với từ " sống" .

" Bọn ta yêu nhau bằng những chuyến đi. Vượt qua những ngọn núi cao, xuyên qua hang hốc và nghỉ chân ở những thũng lũng cỏ"

Họ đồng hành cùng nhau trên mọi chặng đường , tận hưởng những làn gió trong lành ngoài kia, hào phóng mang sức trẻ tới muôn nơi. Băng qua các châu lục, sự háo hức với những địa danh mới làm họ quên đi những cơn đau mỏi của tuổi già. Lấp đầy cuộc sống này bằng những dấu chân họ đã để lại trên mỗi con đường.


Bác càng nói càng nghẹn ngào, từ từ đưa tay lên che mắt mình lại. Bác ấy đã chịu khóc rồi. Nhưng vì tôi đang ngồi đó nên việc khóc trở nên ngượng nghịu làm sao. Tôi lấy chiếc khăn tay trong túi áo đưa cho bác. Bác cầm lấy lau và không quên cảm ơn tôi. Lau xong, lật khăn sang một mặt khác và định trả lại cho tôi nhưng ngay lúc đó, dòng chữ thêu tay trên khăn đã khiến bác chững lại. Bác nhìn sang tôi

" Đây là..."

" Vâng, là em ấy thêu cho cháu đấy ạ"

Tôi có vài chiếc mùi xoa của riêng mình, cái nào cũng có những dòng chữ thêu tay nắn nót trên đó. Là chữ mà em thêu. Mỗi khi thấy thất vọng, chán nản hay muốn bỏ cuộc.Nhìn thấy dòng chữ trên khăn , tôi như lần nữa được sống lại. Bằng nhiều cách khác nhau, qua nhiều năm, em vẫn luôn ở đó đồng hành và cứu rỗi lấy tôi hết lần này đến lần khác. Những dòng chữ là những lời động viên tinh thần, là nguồn lực khiến tôi quyết không từ bỏ. Nhưng rồi một ngày "bữa ăn tinh thần" ấy đột nhiên biến mất, cũng là lúc tôi chợt nhận ra em đã chẳng còn ở bên cạnh tôi nữa.

Đợt ấy là cuối năm, khi trời vừa chuyển mình sang đông. Vẫn như mọi năm, vào thời điểm đó trời bắt đầu có tuyết nên chúng tôi thường cùng nhau đi trượt tuyết và tận hưởng kì nghỉ đông. Sẽ chẳng có gì là bất thường cho đến khi từ kì nghỉ ấy về em bắt đầu bị sốt, ban đầu chỉ là những đợt đau đầu . Nhưng rồi dần dần nhiệt độ cơ thể em bỗng tăng cao và lên cơn co giật. Vốn nghĩ là do sốt cao nên triệu chứng mới nặng hơn nên tôi chỉ đưa em đến một phòng khám y tế gần nhà. Qua bài khám đơn giản bác sĩ cũng chỉ nói là do cảm lạnh , thế rồi kê cho em một đơn thuốc liều nhẹ, khuyên chỉ cần giữ ấm và uống thuốc điều độ là sẽ khoẻ lại. Làm theo lời dặn, chỉ chững qua một đêm đó, tình trạng của em cũng đã đại khái là ổn hơn. Nhưng rồi bình yên trước cơn bão chẳng kéo dài được bao lâu,nối tiếp đó chỉ toàn là cơn sóng thần cùng làn xoáy nước cuồng nộ như cố gắng tước em khỏi vòng tay của tôi. Vài ngày sau đó, em bắt đầu có biểu hiện lạ như có những cơn đau đầu bất chợt, chán ăn. Nhiều đêm vì cơn đau dữ dội mà thức trắng cả đêm. Lúc ngồi xem phim hay đọc sách cũng vô thức mà chảy máu mũi. Đến một hôm khi cả hai đang trồng cây ngoài vườn, em nói mình cần vào nhà lấy thêm xẻng. Nhưng rồi tôi đợi 5 phút, 10 phút mà em mãi chẳng xuất hiện. Chột dạ, tôi đi vào xem tình hình thì thấy em đang nằm sõng soài trên đất, mũi chảy máu không ngừng. Gọi cho xe cứu thương, tôi đưa em đến bệnh viện lớn rồi làm thủ tục kiểm tra tổng thể. Đến khoảng 1-2h sáng hôm đó, em lờ mờ tỉnh dậy trên giường bệnh. Tôi ngồi cạnh nhưng lại thất thần đến mức chẳng nhận ra em đang vỗ vai mình. Bàn tay nhằng nhịt những giây kim truyền nước, em kéo lấy vai áo tôi

" Anh ơi, sao em lại phải vào viện nữa vậy. Chúng ta được về chưa, em thấy mình khoẻ hơn rồi"

Tôi nhìn ánh mắt trong sáng kia mà không lỡ, đưa tay kéo em vào lòng mình. Phải nói sao đây. Không em ạ, em bị bệnh rồi, bệnh nặng lắm, phải ở lại viện chữa bệnh mới hết được. Tôi chẳng dám nói sự thật ấy với em. Nó thật sự tàn khốc quá, mọi thứ trước mắt tôi trở nên vô thực. Cả cái tờ kết quả xét nghiệm cũng là do làm giả thì tốt biết mấy.

" Bác sĩ bảo... em bị bệnh máu trắng"

Sớm muộn gì thì cũng phải nói cho em biết. Tôi nắm lấy bàn tay em, khó khăn rặn ra từng dòng trong cổ họng. Sợ rồi, em biết sợ thật rồi. Cái vẻ mặt mất hồn nào giờ tôi mới được thấy. Đồng tử trong đôi mắt em dần dần thu nhỏ lại, chuyển sự chú ý sang tờ giấy kết quả nhàu nát trong tay tôi, em vươn tay vuốt phẳng, loạng choạng đọc từng dòng nơi cuối trang. Chưa bao giờ tôi lại bất lực như lúc ấy, em không lao vào lòng tôi oà khóc như mọi khi mà lần này em đưa tay lên che mặt rồi vỡ oà. Đau quá, đau chết mất, biết là sẽ đau nhưng tại sao lại đau đến thế. Tôi cũng không dám nghĩ thêm được nữa, hai dòng nước mắt hoà vào làm một.

Ngay sáng hôm sau, tôi làm thủ tục nhập viện và em bắt đầu hành trình trị liệu. Dáng vẻ ngoan cường ấy khiến lòng tôi vỡ vụn. Suốt những tháng nằm viện dai dẳng, làm bạn với chiếc giường bệnh, tôi chứng kiến bông hoa tươi thắm của cuộc đời dần lui tàn ngay trước mắt. Phút chốc hiện lên trước mắt những vàm cỏ khô trơ trụi, nhưng giữa những cành cây khẳng khiu kia nhô lên một bông hoa. Bông hoa ấy đều đặn, tươi tắn, màu đỏ rực máu tươi. Nó vươn về phía mặt trời hứng trọn hơi ấm toả đến. Bông hoa ấy mặc kệ những cành củi khô xung quanh, gặng sức mà nhô cao. Tưởng chừng khi không còn thứ gì có thể ngăn cản nó nữa thì một đám mây đen kéo đến ôm trọn lấy mặt trời của bông hoa. Thiếu nắng, hoa rủ mình chẳng còn sức sống. Màu đỏ thắm vừa nãy dần chuyển nâu sậm, từng cánh hoa rời rạc rụng xuống, chẳng mấy chốc mà biến mất trước mắt. Cả quá trình diễn ra tôi đều chứng kiến cả nhưng lại chẳng làm được gì. Giống như em giờ đây, sự bất lực của tôi lên đến đỉnh điểm.

Từ ngày nhập viện, tôi như lờ mờ nhận ra rằng "em" của tôi đã không còn nữa. Từ bao giờ làm em cười lại khó đến thế, tại sao khi đối diện lại chẳng nói được câu gì tử tế.

" Em uống thuốc chưa?"
"Cố lên nhé!"
"Chúng ta sớm thôi sẽ trở lại như xưa"

Những câu nói chán ngắt lặp đi lặp lại mỗi khi tôi xuất hiện. Khi đi làm, tôi không thể tập trung nổi vì chỉ mong hết giờ để có thể đến gặp em. Ngày trước khi đi làm cũng vậy, cứ tan làm tôi lại lao về nhà như tên phóng. Chúng tôi quấn lấy nhau như một gia đình nhỏ, cùng nhau nấu nướng, dọn dẹp. Sau bữa cơm tối thì cùng nhau thủ thỉ trên sô pha, nhâm nhi tách cacao nóng hổi, kể về mọi điều bắt gặp trong ngày hôm ấy và rồi thiếp đi trong vòng tay của đối phương. Đến giờ đây, vẫn thói quen ấy nhưng chỉ còn mình tôi kể chuyện. Kể cho em về lão sếp khó tính ở cơ quan, kể về chủ mèo ở nhà đã thay lông mới. Em nghe hết nhưng chẳng đáp lại tôi mà ngủ gật từ lúc nào không hay. Đúng rồi. Em cần nghỉ ngơi chứ không phải nghe tôi kể những thứ vớ vẩn ấy.

Cứ như thế, em ngày một trầm mặc và thu mình lại. Lượng thuốc ngày một nhiều và khó uống hơn. Em sốt liên tục và biếng ăn. Vì bụng luôn trong trạng thái trống rỗng lên mỗi khi uống thuốc thì dạ dày liền đau quặn. Có những đêm lên cơn mê sảng mà huyết áp tụt tới mức thở cũng khó khăn. Từ đầu tới cuối, nhìn em bị căn bệnh giày vò mà tôi lại chẳng làm được gì. Em vẫn sẽ bị sốt, vẫn đau đớn không ngừng từng ngày. Dần dần em còn phải an ủi ngược lại tôi.

"Em không sao, sẽ sớm ổn thôi, đừng lo cho em"

Hơi thở thều thào, mùi hoa oải hương ngày trước em luôn mang bên mình giờ đã không còn, thay vào đó là luồng không khí ảm đạm và lạnh lẽo của căn phòng bệnh. Lúc đó cũng là năm đầu tiên chúng tôi không được đón giáng sinh một cách trọn vẹn. Thế rồi thoáng chốc cũng hết 4 tháng đông, kết thúc chuỗi ngày bị căn bệnh giày vò, em bỏ tôi mà đi. Nằm trong vòng tay tôi, ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh bình minh ngoài cửa sổ kia, đến khi em cảm thấy rõ rệt những tia nắng đang ôm trọn lấy chúng ta, em liền yên tâm mà nhắm mắt.

Chúng tôi đã chia tay nhau như thế. Không ồn ào, không nước mắt. Chỉ có hai người biết với nhau. Người ở lại thì vẫn sẽ sống tiếp, tiếp tục sống cho cả người kia!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro