Chương 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ta bị nhốt trong ngục Trời hai canh giờ liền. Lúc này, rượu vã và ta mới tỉnh táo trở lại.
Không dưng mà đám nít choai choai này biết chuyện được, hẳn là có người đứng đằng sau giật dây chúng. Ta chỉ thắc mắc rằng cớ gì phải thế? Nếu có hiềm khích với ta thì hãy cứ cầm giáo thương lên đấu một trận, còn trò vặt vãnh, ném đá giấu tay như kia thì chỉ có tiểu nhân mới làm!

Mải nghĩ, ta dường chẳng chú tâm tới hoàn cảnh ngặt ngoèo mà ta đang lâm vào. Lát sau, thoáng thấy ngoài ngục lố nhố vài người, dợm ngó ra mới thấy là Chử Đồng Tử, Tiên Dung và tiên thị của họ tới thăm ta.

Nhớ lại việc cần luận gấp với Chử Đồng Tử, vừa thấy mặt là ta kể luôn tuồng: An Dương Vương Thục Phán, thủ lĩnh tộc Âu Việt là người đang đe dọa nhiều nhất tới ngôi vua của Hùng Vương, hòng sáp nhập cả tộc Lạc Việt. Về Thục Phán, ông có tên hiệu là Khai Minh Phán, người Ba Thục và là con trai của thủ lĩnh Âu Việt đời trước Khai Minh Chế hay còn gọi là An Trị Vương (1) - người khai lập ra Nam Cương . Còn nhớ Thục vương Lư Tử bá vương (2)  từng hỏi cưới mỵ nương (3)  Ngọc Hoa nhưng bất thành, thành thử nuôi hận, trối trăng với con cháu ngày sau đánh chiếm Văn Lang. Mà Thục Phán chính là cháu nội của Lư Tử Bá vương ấy. Tiền đề thúc giục rõ rành rành, không nay thì mai, Thục Phán sẽ thôn tính Văn Lang thôi. Phần Hùng Duệ Vương thì ngày càng bỏ bê võ bị, ăn chơi sa đọa, cứ đà này thì diệt vong...

"Sao ngài nhắc mãi chuyện Thục Vương thế. Ngài quên ngài gây tội tày đình rồi sao ngài Thủy Tinh!" Chử Đồng Tử ngắt lời ta.

Bị nói trúng tim đen, ta rụt đầu về sau thanh chắn bằng đá. Có lẽ là do hèn nhát, sợ phải đối mặt nên ta chưa dám nhắc lại. Những tưởng có thể qua mặt song có lẽ ai nấy đều nhận ra sự luống cuống của ta. Ta thở dài ngao ngán:

"Thành ra nông nỗi này, ta xin lấy cái chết tạ tội!"

Vợ chồng Tiên Dung, Chử Đồng Tử chỉ nhìn ta một cách thâm trầm mà không nói gì thêm. Một lúc sau, Tiên Dung mới ung dung cất lời:

"Ông Trời còn chưa định đoạt, ngài khoan hẵng nói chuyện sống chết. Còn về chuyện Hùng Duệ Vương cha ta, ngài cũng không cần bận tâm. Giang sơn đổi chủ âu cũng chuyện thường tình. Thôi thì cứ để chuyện thuận theo tự nhiên, nhúng tay vào chuyện của người phàm chỉ tổ thêm rắc rối."

Ta nghe đâu đó trong lời của Tiên Dung cũng mang theo hắt hiu não nuột. Đúng thật bây giờ nàng đã lên trời, thành tiên, nhưng trước đây cũng là con của Hùng vương, làm sao không buồn khi nước mất?

Song, ta cũng đồ rằng vợ chồng họ biết sẽ có ngày này, đâu đó trong lòng có sự chuẩn bị. Khi xưa, Chử Đồng Tử nhận được vật thần thông là cây gậy và chiếc nón lá từ tăng sĩ Phật Quang. Nơi vợ chồng họ cắm gậy, úp nón lá mọc lên thành quách, cung điện, người hầu lính tráng có đủ cả. Dường như nơi ấy đã trở thành một tòa thành, lãnh địa của riêng hai vợ chồng. Thành thử vua Hùng sinh nghi kỵ, cho là họ phản nghịch nên dẫn binh tới dẹp loạn. Binh lính tới, Tiên Dung không kháng cự, thành bị vây kín không lối thoát. Chẳng ngờ, nửa đêm khi gió bão nổi, cả người lẫn thành quách cung điện đều được cuốn bay về trời. Dưới trần vẫn còn chỗ nền đất sụp xuống khi cung điện bay đi, nay gọi là Nhất Dạ Trạch.

Nghĩ tới đây, ta càng tự trách vì không thông suốt sớm hơn. Đoán được lòng họ thì ta đâu có làm mấy chuyện vẽ rắn thêm chân, rồi cũng đâu ra nông nổi này...

Thấy ta với Tiên Dung bỗng dưng trầm mặc, Chử Đồng Tử mới đánh tiếng:

"Thật ra khi nãy trước khi sang đây ta đã tới điện ông Trời, xin tội cho ngài. Xét thấy lỗi lầm của ngài chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, và thần thì không phải lúc nào cũng giúp nhân gian mưa thuận gió hòa cho được. Ông Trời chỉ phạt ngài chịu năm đạo thiên lôi rồi tha cho về bể."

Chử Đồng Tử trình bày chuyện Trời luận tội như thế, cũng chẳng phải tha bổng cho nhưng bên cạnh y, Tiên Dung lườm ta chòng chọc. Dẫu chưa hiểu lý do nhưng hơn cả, ta dễ có chịu thua, căng mắt nhìn lại một hồi vậy mà nàng cũng chẳng mảy may nao núng. Khi ta buột miệng:

"Bài đồng dao..."

Thì Tiên Dung át lấy lời ta mà bảo:

"Ta biết chuyện có bán thần trót gánh hậu quả thay ngài. Ngài liệu mà ôm nỗi ân hận áy náy này đến suốt đời đi!"

Ta không cãi được, mặc cảm tội lỗi có dâng trào lên trong lòng ngực, cấu xé nát bấy. Trước khi đến cõi Trời, ta cũng được biết rằng một khi đèn trời rơi xuống sẽ gây họa cho chúng sinh, nào ngờ chính ta là người đẩy cái họa ấy xuống. Nay, dẫu muôn dân đã được bảo vệ, nhưng vết tích đau đớn vẫn còn nằm lại trên thân người kia, ta không thể hững hờ vờ như không biết được.

Tiên Dung nói xong thì kéo theo Chử Đồng Tử quay ngoắt đi về phủ. Chưa đầy nửa canh giờ sau, lính Trời lại tới, lôi ta xồng xộc ra cho thần Sấm hành hình.

Thông thường, mỗi khi có thần tiên chịu phạt lôi hình, vạn dặm trời cao sẽ cùng nổi giông gió, khí thế mào đầu khiến người người e sợ. Lôi hình trấn áp càng nặng, mây trời càng vón đen nhiều phần. Song ta chỉ bị phạt năm đạo thiên lôi, đất trời cũng chẳng buồn suy suyển mấy. Năm đạo thiên lôi đối với ta không nặng nề, cùng lắm chỉ rạch vài đường trên lưng, chưa tới mức máu thịt lẫn lộn, nhơ nhớp.

Chuyện ở trên trời ắt hẳn thế đã xong. Chẳng ai muốn ta góp mặt ở đây nữa, thuận theo tự nhiên, ta trở về. Để phải đạo và để làm nguôi bớt nỗi áy náy trong ta, trước nhất phải đến trị thương, cảm tạ vị bán thần đã không tiếc thân mình, xả thân cứu giúp.

***

Mặc dù đã đến chân núi Tản Viên, nơi trăm ngọn đèn rơi xuống nhưng ta không tài nào tìm được tung tích của vị ấy. Nếu đã ở núi Tản, hẳn y có giao hảo với Sơn Tinh như ta vậy. Tuy biết thế nhưng sau sự vụ kia, ta không còn mặt mũi gặp các vị thần nữa và còn tệ hơn nếu phải gặp người mà trên trời dưới đất ai cũng biết chúng ta đứng ở hai bờ chiến tuyến.

Ta tìm vị bán thần mấy ngày liền, chỉ thiếu điều dỡ tan tành quả núi, thế mà vẫn lần không ra. Run rủi làm sao, linh thú của Sơn Tinh, một con linh dương bặm trợn, thấy ta dị quặc liền đánh đuổi. Chạy đến cùng đường, chỉ còn một hang núi sâu, ta cũng đành chạy vào. Đi được một đoạn ngắn, ta sẩy chân xuống chỗ đất trũng. Ta lấy tay quẹt đất cát lẫn với lá khô ra thì thấy một cái hốc trông như miệng giếng. Ngó nghiêng một hồi, ta quyết định nhảy xuống coi xét tình hình.
Nơi đây tối tăm mù mịt, còn âm ẩm, ngai ngái cực kỳ khó chịu, nền đất thì không chỗ nào là bằng phẳng. Hình như trong không khí còn quyện chút mùi máu, mùi khét. Đây là chỗ nhiều thú rừng xâu xé nhau, có mùi máu thì chẳng đã, đằng này lại còn mùi khét thì ở đâu ra? Chẳng lẽ chúng biết nướng nhau? Chẳng hiểu sao nơi thâm sơn cùng cốc thế này mà lại có người xuống.

Hoặc giả, chó ngáp phải ruồi, ta tìm đúng nơi rồi chăng? 

Mùi ấy ở rất gần, đi dăm ba bước là đã tới. Trước mặt ta là một người con gái chui sâu vào trong cái hốc chỉ vừa chừng ba người, nằm xấp thoi thóp, vẻ như đang ngủ.

Nàng ta vận y phục chỉnh tề, tóc tai dù đã chải chuốt nhưng khi ngủ thì lòe xòe, rũ lên cả mặt. Song y phục thì làm sao át được hai ba thứ mùi tức tưởi trên người, ta vẫn nghe rõ mồn một. Hơn nữa, ta cảm nhận được luồng sức mạnh sơn thần chảy trong huyết mạch người nằm đó. Đây quả đúng là người ta cần tìm.

Thế nhưng ta còn băn khoăn một điều, vị bán thần ấy là nữ giới? Ngay lập tức, ta gạt phăng đi suy nghĩ ấy. Thân nam hay thân nữ nào có liên quan đến tấm lòng cường vỹ bao la vì bách tính muôn dân của một người?

Ta rón rén bước từng bước, khẽ cúi đầu xem xét vì sợ đánh thức nàng khỏi giấc ngủ. Ngặt nỗi nàng nằm trong hốc tối quá, ta búng tay, tạo ra một quả cầu nước phát sáng tiện bề soi đường. Vị kia ngọ nguậy xoay người. Cái búng tay rất khẽ ấy lại vô tình làm bán thần thức giấc. 

Trong khi ta lúng túng không biết chạy đi đâu, thì nàng đã ngồi dậy, lùi sâu thêm nữa vào trong hốc. Bấy giờ, ta cơ hồ nhận ra rằng, nàng đã sợ ánh sáng. Lòng ta dâng lên nỗi ân hận vô độ, ta nhìn nàng bằng ánh mắt vừa tội lỗi, vừa cảm thương. Tuy nhiên nếu có sợ, ta đoán có lẽ chỉ sợ ánh lửa, chứ không hẳn sợ ánh sáng. 

Tay ta cầm lấy quả cầu nước, tiến gần đến bán thần hơn để cho nàng biết nó vô hại, rõ ràng nó không tỏa nhiệt.

Bán thần ngồi gọn lỏm trong cái hốc nhỏ, nhìn ta với ánh mắt rụt rè. Ta đưa quả cầu nước đến gần mặt nàng hơn, bấy giờ mới soi rõ người cứu ta một mạng.

Nàng có ngũ quan thanh thoát, mang đậm vẻ đẹp núi rừng phương Nam, nước da bánh mật, trái hẳn với ngũ quan trời phú. Ban đầu, trong ánh mắt nàng nhìn ta ánh lên vài tia sợ sệt, nhưng sau đanh thép và cứng cỏi vô vàn. Đôi môi hồng mím chặt. Ánh mắt dù non trẻ nhưng có vẻ xanh trong và sâu hun hút như nước ở Động Đình hồ (4) . Mặc dù trong bóng tối nhưng ta vẫn thấy được cái vẻ mình hạc xương mai, liễu yếu đào tơ, mỏng manh như cánh hoa trước gió của bán thần. Thật khó lòng tưởng tượng tấm lưng kia đã chống đỡ tai họa ẩm ương do ta gây ra.

Ta khuỵu một gối xuống, ngước mắt lên nhìn bán thần, ở cách ta chỉ chừng hai gang tay. Ta hạ giọng hỏi nhỏ:

"Chẳng hay, ngài tên họ là gì? Thân thế ra sao? Ta có thể giúp ngài khám vết thương được không?" Nói ra xong, ta lại thấy mình không phải lễ quá. Bởi lúc đầu ta đinh ninh bán thần là nam, đã suy nghĩ những gì mình cần nói, cần thưa để tạ tội, ai ngờ là một thiếu nữ, xem chừng còn chưa lớn... Ta vội chữa "Ý ta là ta sẽ hóa phép chữa thương giúp ngài, chẳng cần thăm khám chi đâu."

"Nói ngươi là ai trước, ta sẽ cho ngươi biết thân thế ta." Bán thần cất giọng lảnh lót như chuông reo song cũng không kém phần đanh thép. 

Nàng nói thì ta mới biết ta quên cả việc giới thiệu mình. Ta nhàn nhạt: 

"Ta không có tên, ta chỉ tồn tại trong cuộc chiến với Sơn Tinh, trong con sóng cuốn lên tận trời, và trong tiếng oán thán của nhân dân khi thác lũ."

Nói xong, nàng đưa mắt dò xét ta một lượt từ trên xuống dưới. Mắt nàng lóe lên tia hứng khởi, phỏng đoán một điều quá rõ ràng:

"Ngài là Thủy Tinh."

"Ừ!" Ta trầm giọng.

"Vậy sao bảo không tên?" Lúc này nàng lại nhìn ta bằng đôi mắt phán xét, đoạn hắng giọng. "Ta tên Phượng Minh, cha ta là Sơn Tinh."

Nghe đến đây, ta ngây người như phỗng. Thảo nào trông nàng cũng hơi quen, thì ra là con của Sơn Tinh với mỵ nương Ngọc Hoa. Là bán thần mang nửa sức mạnh thần núi, còn mạnh mẽ được dường như thế, lẽ ra ta phải hiểu ra sớm hơn. Rồi thì phải giải quyết làm sao? Ta làm tổn thương con gái của bằng hữu nặng nề như thế này. Tuy tuổi đã ngót nghét ngàn, nhưng ta vẫn quá nhỏ bé so với đứa trẻ mười lăm tuổi đang ngồi trước mắt. Mọi sự bàng hoàng, lúng túng đều biểu lộ rõ trên gương mặt ta, đến nỗi con bé an ủi:

"Ngài khỏi phải lo. Chuyện hiềm khích giữa ngài và cha thì người ngoài mới hiểu lầm, ta lớn lên bên cha mẹ từ ngày nhỏ, biết ngài lực bất tòng tâm, thuận theo đạo trời mà."

Ta cười khổ, day thái dương:

"Chuyện đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là vết thương trên lưng..." Đến đây ta không biết xưng hô thế nào cho phải nữa. Nàng, con, cháu, em tất thảy đều nghe kỳ quặc. Ta đành bấm bụng gọi ngài như ban đầu, ngang bằng với cách ta xưng hô với Sơn Tinh. 

"Sao ngài biết ta bị thương, còn biết ta sợ ánh lửa?" Phượng Minh chớp chớp mắt.

"Vì tai ương ấy do ta gây ra..." Ta hắng giọng, cúi đầu, "Trong lúc say khướt, ta lỡ vung tay, hất đổ đèn trời..."

"Thiếu chút nữa ngài đã làm khổ muôn dân trăm họ rồi." Phượng Minh nói dài, hơi ủ rũ nhưng không có vẻ gì là nặng lời chì chiết hết. Có lẽ biết ta thấy tội lỗi, nên Phượng Minh lại nói tiếp một cách nhí nhảnh hơn, "May thay có ta gánh thay cho nên đâu cũng vào đó cả."

Ta ngước nhìn Phượng Minh, ngưỡng mộ vẻ thấu đời mà ngây ngô lạc quan của thiếu nữ.

"Oa... Thế thì ngọn sóng cao tít chọc thủng lên trời cũng do ngài tạo ra à?" Phượng Minh nhớ ra, tiếp tục thánh thót.

Nghe vậy, ta khẽ gật đầu, rồi lại cúi gằm mặt xuống.  

Bẵng đi một lúc không nói gì, chỉ nghe tiếng suối ngầm róc rách, tiếng gió tạt vách núi, Phượng Minh nhích lại gần hơn vuốt lọn tóc lòa xòa trước mặt ta, an ủi:

"Không sao cả, sửa sai với một người dễ hơn sửa sai với vạn người ấy mà. Người quân tử dám làm dám nhận còn gì bằng. Ngài nói đến giúp ta trị thương đấy sao?"

Ta ngây ra vì lời khen của Phượng Minh. Một lần nữa, ta lại để Phượng Minh nhắc mới nhớ mình cần làm gì. Song thú thực, ta phải công nhận, Phượng Minh chẳng có vẻ gì là giống tuổi thật của nàng cả, huống hồ tuổi mười lăm ấy chỉ như một khoảnh khắc thoáng qua trong tuổi đời dài hàng ngàn năm sau này của nàng.

Ta đâu biết rằng, nàng phải trải qua nhiều lần tuổi mười lăm về sau nữa.

----
(1)  An Trị Vương Khai Minh Chế: Thục Chế (chữ Hán: 蜀制) là nhân vật hư cấu trong văn học của người Tày thế kỷ XX ở Việt Nam. Theo truyện, ông là vua đầu tiên của nước Nam Cương, cha ruột của Thục Phán. Thục Chế được miêu tả là người đàn ông tráng niên lực lưỡng, với mái tóc đen trải dài đến tận ngang hông. Ông có 1 vũ khí đắc ý là cái liềm to và dài quá khổ. Nhiều người Tày ở Cao Bằng còn coi ông là thủy tổ của dân tộc Tày. (theo Wikipedia).

(2)  Thục vương (chữ Hán: 蜀王, trị vì: ?-316 TCN) hoặc Lô Tử Bá Vương (芦子霸王) là thụy hiệu của vị quân chủ cuối cùng Khai Minh thị nước Thục thời Xuân Thu Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc ở khu vực Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, không rõ tên thật ông là gì nhưng có thể biết chắc rằng ông là hậu duệ đời thứ 12 của Thục Tùng đế Biết Linh.

(3) Mỵ nương: cách gọi con gái của vua thời Hồng Bàng.

(4) Hồ Động Đình: "Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục.
Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải...".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro