Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày ngày, ta đều chăm Phượng Minh, mong nàng mau khỏe. Trước nhất, nàng chỉ ta lối ra nằm ở một cái hốc khác, ngược hướng mặt trời, đi chừng bốn năm thước là tới. Tìm được lối ra thực tiện bề cho việc đi lại coi sóc Phượng Minh. Tuy thế nhưng ta thân nam, việc trị vết thương trên lưng đằng sau lớp y phục rõ là không phải phép, nhỡ sau này còn đánh mất cả danh tiết nàng. Cho nên ta theo lời Phượng Minh đi tìm xảo xứng của nàng đến mà giúp ta việc ấy.

Phượng Minh nói rằng nhờ có thần lực của Sơn Tinh, lưng nàng đã khôi phục năm sáu phần, nhưng vẫn chưa khỏi hẳn. Vậy phần ta sẽ dùng bài thuốc dân gian mà ta biết để giúp Phượng Minh trị liệu. Thoạt tiên phải dùng nước rửa vết thương. Ta dùng thứ nước có tác dụng chữa lành, khôi phục mầu nhiệm, rút từ trụ Trấn Hải giữa bể để làm nền. Đoạn, bỏ thêm lá trầu không, lá phèn đen vào, đưa xảo xứng rửa vết thương cho Phượng Minh.

Sau, ta tìm dầu vừng, dầu lạc, mỡ trăn trộn lại. Thuốc này dùng để bôi, giữ cho vết thương mềm, nhuận. Lá mỏ quạ một phần, nghệ vàng một phần, giã nát, vắt nước cốt mà bôi lên vết bỏng.

Nhiều ngày qua, vết bỏng của Phượng Minh cũng thuyên giảm thêm vài phần, ta bắt đầu tìm cách để nàng làm quen lại với ánh lửa, dẫu sao lửa trong sinh hoạt, trong tập tục, trong văn hóa Lạc Việt là thứ không thể thiếu.

Mỗi khi đêm xuống, ta đều ra ngoài để bắt đom đóm cho Phượng Minh. Ban đầu, ta chỉ bắt một hai con. Phần bụng đom đóm phát ra tia sáng nho nhỏ, lung linh mà đáng lẽ Phượng Minh sẽ thích chí ngay từ khi nhìn thấy. Hai con đom đóm bay là là trước mắt, Phượng Minh hơi nép người ra sau. Song khi quen dần với sự xuất hiện của chúng, Phượng Minh nới lỏng phòng tuyến sợ hãi của mình. Khi giả vờ quay đi, ta còn liếc thấy nàng dợm đưa tay lên mà bắt lấy đom đóm.

Ngay cả việc đơn giản như bắt đom đóm thôi, ngày nào Phượng Minh cũng không tiếc lời khen ta. Nghe khen ta sung sướng đến nở cả mũi. Số lượng đom đóm ta bắt ngày càng nhiều. Có lúc dưới miệng giếng rợp những chấm sáng li ti mà ấm áp. Có khi chúng dệt thành một dải sáng chờn vờn vắt vẻo trên những khối đá. Về sau, ta bỏ nhiều con vào một vỏ trứng để tạo ra nguồn sáng lớn hơn đôi chút, Phượng Minh cũng dần chấp nhận và không lấy làm sợ.

Dĩ nhiên, bắt mãi thì còn đâu là đom đóm? Mấy dặm quanh cánh rừng ở lưng núi Tản mất bóng loài có lửa ở bụng này. Nghĩ hẳn cũng tới lúc, ta hóa phép lửa thật cho Phượng Minh dần quen. Trước tiên, vẫn là những tia lửa nhỏ như thể những tia lửa nổ lép bép bên bếp lò của những người phụ nữ. Tia lửa chóng tàn, đương nhiên sự sợ hãi của Phượng Minh cũng tan đi nhanh chóng như chấm lửa ấy.

May thay Phượng Minh phối hợp ăn ý để điều trị, ba tháng sau nàng đã vượt qua nỗi sợ lửa của chính mình, lòng ta cũng nguôi ngoai phần nào tội lỗi.

Vừa bước ra khỏi hang, Phượng Minh đã tung tăng, thảnh thơi bay nhảy. Ta vận thường ngắn ngang đầu gối. Áo có diềm khâu, diềm tua, thân áo quấn sang trái, mang thắt lưng đồng, mũ lông chim, áo choàng lông vũ, giắt một thanh đao nhỏ bên hông. Phượng Minh cũng mang áo choàng lông vũ, áo cùng váy quấn thân sang trái, cùng cạp váy và chiếc xế. Tai đeo khuyên tròn bằng ngọc. Cổ đeo ba lớp vòng mã não dài ngắn nối tiếp nhau. Trông chúng ta có vẻ quý tộc nhưng thực chất cũng chỉ là con nhà thường dân vậy.

Nàng mê nhất những sáng ngắm bình minh trên đỉnh núi Tản Viên, những chiều say hoàng hôn bên bờ Nam Hải. Kinh đô Phong Châu, nhân dân sinh sống ở phố núi rộn ràng, náo nhiệt đến nổi thiếu nữ Phượng Minh chẳng kìm nổi sự thích thú nhảy chân sáo khắp nơi. Núi Tản Viên ở đây như một cái cột chống đỡ hiên ngang, sừng sững cho nhân dân nương tựa.

Một dãy những tấm vải hay trang phục màu sắc hiện ra trước mắt. Theo hiểu biết hạn hẹp của ta, những chiếc váy hoa rực rỡ, xòe ra như cánh quạt kia của người Mèo quý lắm. Nó là kết tinh của biết bao tài hoa, công sức, sự điềm đạm, tỉ mỉ được truyền dạy bao đời. Phượng Minh phóng tầm mắt, lướt một lượt qua hết những chiếc váy hoa. Chốc chốc, khi Phượng Minh cao hứng, nàng hóa phép thêm rất nhiều váy hoa trên mỏm đá, trên sào giăng cho phụ nữ tộc Mèo, tô điểm thêm hoa cho núi rừng bát ngát.

Ta chẳng hiểu vì sao Phượng Minh lại say mê cái trò nhắm mắt buông chính mình từ trên đỉnh Vệ Linh xuống đồng ruộng trùng trùng bên dưới, rồi nàng lại hóa phép biến mất khỏi không gian. Nói nôm na là nhảy từ trên núi xuống. Còn nhớ khi xưa, Phù Đổng Thiên Vương sau khi dẹp yên giặc Ân thì phi ngựa sắt về núi Vệ Linh, cởi áo giáp, cưỡi ngựa đạp mây bay lên trời.

Phượng Minh kể lại với ta cảm giác khi ấy, thích lắm, khoáng đạt mà tự do lắm. Dẫu không biết ngàn năm sau nữa nàng còn giữ thú vui đó hay không nhưng chí ít cho đến hiện tại, nàng đã được làm tất thảy điều bản thân mong muốn.

Lắm lúc ta khéo léo hỏi Phượng Minh vì sao nặng nghĩa với thế gian như thế. Những lúc ấy, Phượng Minh chỉ cười hiền rồi lắc đầu quay đi. Mãi sau này ta mới biết lý do nàng làm vậy là vì không muốn đắm mình trong những khắc điêu linh.

Lại đến khi đêm buông xuống mùa đông lạnh giá bao trùm phố núi, Phượng Minh kéo ta hòa vào dòng người, uống rượu hát ca, nhảy múa bên đống lửa bập bùng của người Pà Thẻn. Đó là lễ hội nhảy lửa đậm dấu ấn ở nơi đây. Không khí lễ hội vô cùng linh đình, náo nức.

Trên bãi đất rộng nhất ở đình làng, mọi người xúm xít lại quanh nhau cho ấm áp. Mọi người đến đây đều mang theo củi lửa, góp vào chung của làng, của tộc. Người Pà Thẻn tin rằng, ngọn lửa là linh thiêng và sẽ ban cho họ sức mạnh phi thường, che chở, nâng niu dân tộc.

Trước nhất, thầy mo sẽ làm lễ khấn thần linh, dâng lên thần linh một bát hương, đàn sắt, gà, rượu và tiền giấy như lễ vật. Sau đấy, các thanh niên trai tráng trong làng sẽ lần lượt ngồi đối diện với thầy để "nhập đồng" và chính thức bắt đầu nhảy lửa.

Nhiệm vụ của thầy tế là tạo ra âm nhạc trong suốt hội nhảy bằng tiếng đàn, bằng lời khấn rì rầm mang theo âm hưởng tâm linh huyền ảo mà ta không tài nào nghe rõ. Những thanh niên trai tráng trong làng để mình trần, giậm nhảy những điệu mạnh mẽ đầy hùng khí quanh đống lửa lớn.

Càng về sau, những người hòa vào hội nhảy càng nhiều. Họ tiến đến gần đống lửa, hòa mình vào khúc nhạc và lời khấn rầm rì của thầy tế. Cùng sự chứng giám của đất trời, họ bật hết sức mình để nhảy với niềm tin thần linh sẽ ban phát sức mạnh. Khi thấm mệt, họ trở về ngồi, lát sau lại ra nhảy tiếp. Luân phiên mãi như thế.

Ở lần nhảy cuối cùng, thầy mo lúc này sẽ bước tới, hòa vào dòng người đang nhảy và nhảy chung. Thông thường, những thầy mo sẽ đội mũ lông sặc sỡ, mặc áo đỏ, toát ra chất uy phong tương tự như hình ảnh đám lửa rực cháy. Vừa linh thiêng, vừa huyền bí hoang sơ, mang đậm văn hóa núi rừng.

Đôi khi mải tập trung vào ngọn lửa mà ta quên béng nhìn xung quanh. Đến khi để ý thì có vẻ nhiều người cũng làm "việc riêng" của mình. Dưới ánh lửa đỏ bập bùng, trai gái sẽ thể hiện tình ý chẳng ngần ngại. Họ nắm tay nhau, ôm nhau, trao nhau lời thề hẹn bạc đầu.

Sống ngót nghét ngàn năm mà ta chỉ có thể đứng dưới ánh lửa hội này một mình, phần hổ thẹn, phần thấy chát chúa quá! Nếu có thể, ta cũng hoài vọng một lời thề hẹn bạc đầu.

***

"Ta sinh ra không tên không họ, nay xin được xưng tên Triều Dương mà lập đàn. Dưới tầng tầng uy nghi, đường bệ của các đấng tối cao trong trời đất, Triều Dương ta lập lời thề, rằng phải bảo vệ công chúa Phượng Minh, đời đời trả nghĩa!"

Đó là lời thề ta lập dưới đàn tế trời sau một tháng trai giới thanh tịnh. Nhờ lời nhắc của nàng, kêu ta sống phải có tên để người đời sau, người ở lại có cái mà ghi nhớ, mà ta đã suy nghĩ cho mình một cái tên. "Triều Dương" trong tên ta chẳng phải là ánh ban mai hay mặt trời chi đâu. Đối với ta ngày nào mà chẳng như ngày nọ, ngày kia. Chẳng qua ta muốn dùng âm tự gợi nhớ đến bể, nơi ta sinh ra và chết đi phải thuộc về. Và thực tình, ta xưng tên không phải chỉ vì lập đàn khấn tế...

Truyền thuyết mà nhiều người biết về ta hẳn là chuyện lên bờ hỏi cưới mỵ nương, sau không cưới được nàng lại gây sóng gió mưa bão cho nhân gian. Người đời kể rằng ta lên đất liền hỏi cưới vị mỵ nương Ngọc Hoa của Hùng Vương thứ mười tám, Hùng Duệ Vương. Chạm trán với thần núi Tản Viên, hay còn được gọi là Sơn Tinh, ta đã thua một bàn thua trông thấy. Sau đó thẹn quá hóa giận, ta hô sấm gọi gió, sóng bể cùng cuồng phong cuốn phăng bao nhiêu mạng người và của cải, chỉ để thỏa chí anh hùng, phân tài với Sơn Tinh và hòng cướp lại mỵ nương.

Câu chuyện đến đấy vẫn đúng. Thế nhưng ta không phải phường nhỏ nhen ích kỷ "năm năm báo oán, đời đời đánh ghen" như trong lời trà dư tửu hậu. Ta ghét cay ghét đắng bài đồng dao ấy. Khi xưa ta và hắn hãy còn ngông cuồng bồng bột. Trận đầu tiên kéo dài những ba năm, người người lầm than, khắp nơi đều vang rền tiếng oán thán. Đấu đến khi sức cùng lực kiệt, trận chiến cũng đi tới vãn kết. Bao nhiêu lầm than ở nhân gian đã quá đủ để ta ân hận, nghiêm túc kiểm điểm vì những lỗi lầm đã gây ra, nghĩ xem ta còn xứng đáng làm Thần Bể nữa chăng, hay đã đến lúc ta nên tìm người kế nhiệm.

Suy đi tính lại, đúng là bọn ta, thần thánh, có nhiều đặc quyền hơn con người phàm trần thật, bọn ta có thể quyết định nên tiếp tục tại chức hay không, có thể quyết định kiếp sau trở thành gì, có thể để bản thân ra đi mà không hề nhọc nhoài đau đớn.

Lại nói về việc ta đã bị hiểu lầm, thực chất luận việc ấy, ta chỉ đang hành sự theo luật trời, mỗi năm mang thủy binh, gây ra thiên tai thác lũ, đó cũng là ý của bề trên, ta không thể làm trái. Chứ cái mối oan nghiệt kia làm sao mà kéo dài đến vậy? Đâu phải vị thần nào cũng là thần mùa màng, thần gia hộ?

Thế mà người đời hễ thấy mặt ta thì cứ đinh ninh cho rằng ta còn ôm mối hận ngày xưa với Sơn Tinh, còn ghen ghét hạnh phúc của hai người họ nên mới nổi trận tam bành. Kỳ thực, ta với Sơn Tinh vốn đã làm hòa từ lâu, một người gây lũ, một người phòng chắn cũng do nhà Trời phân phó mà thôi, quy luật tự nhiên dưới bàn tay của tạo hóa. Một là chấp thuận, hai là ta phải nhượng vị.

Lần đầu tiên, ta không phải giải thích mà có người đã hiểu được chức trách của ta, thực lòng ta cảm thấy được Phượng Minh xoa dịu rất nhiều. Phượng Minh tuy nhỏ nhưng suy nghĩ sâu sắc, ý chí quật cường, khi trưởng thành hẳn có thể nói gót cha nàng, làm được việc lớn.

Những ngày tháng rộn ràng đỏ lửa ở nơi này bên Phượng Minh, ước gì ta có thể khắc ghi mãi đến vạn năm sau.


Xảo xứng: cách gọi nữ nô thời Hồng Bàng.


Nam Hải: Theo Lĩnh Nam chích quái, quyển 1, Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) thì nước Văn Lang:


Đông giáp Nam Hải (南海), tức bể Đông; Tây tới Ba Thục (巴蜀); Bắc tới hồ Động Đình (洞庭湖); Nam tới nước Hồ Tôn Tinh (胡猻精), còn gọi là nước Hồ Tôn (胡孫). Hồ Tôn Tinh về sau trở thành nước Chiêm Thành (占城).


Phong Châu (bộ Văn Lang): kinh đô thời vua Hùng. Tới nay, người ta vẫn chưa xác định được chính xác vị trí đặt kinh thành thời Hùng Vương. Nhiều ý kiến cho rằng kinh đô thời này, nằm giữa khoảng từ thành phố Việt Trì ngày nay cho tới khu vực Đền Hùng thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.


Theo Việt sử lược thì An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa ở Việt Thường. Theo Lĩnh Nam chích quái, Bản A 2914 tại Viện Hán Nôm, thì Núi Tản Viên là kinh đô nước Việt Thường. Điều này cũng trùng khớp với Việt sử lược khi nói Hùng Vương ở bộ Gia Ninh và Thái Bình hoàn vũ ký chú thích bộ này có núi Tản Viên.


Nhưng Địa điểm Cổ Loa chính là Phong Khê, lúc đó là một vùng đồng bằng trù phú có xóm làng, dân chúng đông đúc, sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và thủ công nghiệp. Việc dời đô từ Phong Châu về đây, đánh dấu một bước ngoặt phát triển của dân cư Việt cổ, giai đoạn người Việt chuyển trung tâm quyền lực từ vùng Trung du bán sơn địa về định cư tại vùng đồng bằng. Tức Phong Châu là miền núi, Phong Khê là vùng đồng bằng. Thêm nữa, vị trí núi Ba Vì cũng gần Việt Trì (Phong Châu) hơn Bắc Ninh (Phong Khê) ngày nay. Cho nên giả thuyết này và núi Tản thuộc Phong Châu được dùng trong truyện.


Phụ nữ H'Mông vùng Đông Bắc thường phơi bộ váy áo của mình trên đá. Trên nền xám lạnh và khô của đá là một mặt trời xòe rộng, rực rỡ sắc màu. Phụ nữ H'Mông vùng Tây Bắc thường phơi váy trên những chiếc sào, bộ váy xếp đôi xòe rộng như một chiếc quạt khổng lồ. Đất trời miền núi với thiên nhiên hoang sơ và sự cần cù nhẫn nại, khéo léo của người phụ nữ H'Mông đã kết tinh tài hoa trong chiếc váy.


Núi Sóc (còn gọi là núi Mã, núi Đền, núi Vệ Linh) là ngọn núi lớn đầu tiên của dãy Tam Đảo về phía đông nam, nằm trên địa phận huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Việt Nam.


Nguồn: https://www.facebook.com/tam.nqsh/posts/pfbid02QmtjV7viXw1oPebRE2A61ajk7j3bvQbyeLMczaBWnEfKR5WCq54KvonNA9kJLjwwl

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro