2. Thầy học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một sáng nọ, lá rụng đầy sân. Hiên chưa kịp buông câu thở dài vì chẳng biết bao giờ mới quét được hết thì mắt nàng đã sáng lên khi bắt gặp ánh nắng nhè nhẹ xuyên qua từng cành cây trơ trọi. Hiên chạy ra ngoài, hồ hởi đón những giọt nắng mai. Từng chút ấm áp mơn trớn da thịt, tựa như chút sức sống hiếm hoi của đất trời muốn dành cho vạn vật. Quầng sáng chiếu rọi nụ cười của nàng.

Nàng bước trên những lớp lá khô, nghe thanh âm giòn tan dưới chân rồi cười khúc khích. Mắt nàng long lanh trông nhìn màn mây lững lờ, dang tay đón lấy nắng ấm. Hiên muốn hít vào cho thỏa thích, như để ôm trọn cái dịu nhẹ của ban mai.

- Mùa đông mà có những ngày thế này thì thích thật nhỉ?

Giọng Nguyên Trừng vang lên ngay sau lưng, khiến Hiên giật thót. Nàng luống cuống cúi chào, vẻ mặt ngượng nghịu thấy rõ. Nguyên Trừng nhìn lên tán cây, bắt lấy một chiếc lá vừa rơi xuống, khiến nó nằm gọn trong bàn tay mình. Hiên thấy vậy thì nảy ra một ý:

- Thưa... đức ông đã bao giờ nghe đến trò bói toán bằng lá đa chưa ạ?

- Ta chưa.

Hiên thấy mình có dịp trổ tài, liền hí hửng:

- Vậy đức ông có muốn thử không? Đơn giản lắm ạ.

Nguyên Trừng gật đầu:

- Được, ngươi thử nói xem.

Nàng lấy một chiếc lá to, không quá già nhưng cũng không quá non, với độ dẻo dai vừa đủ, rồi cẩn thận ướm vào bàn tay hắn.

- Đầu tiên, đức ông hãy đặt chiếc lá này vào tay, sao cho vừa khớp, đầu của cuống trùng với đầu cổ tay.

Nguyên Trừng làm theo, không biết Hiên định bày trò gì, nhưng vẫn cứ nghe thử.

- Sau đó, đức ông hãy nắm bàn tay lại, nắm thế nào cũng được. Khi nào con hô "xong" thì hãy mở ra.

Nguyên Trừng siết những ngón tay lại.

- Xong! Mở ra được rồi ạ.

Hiên vừa cầm lấy chiếc lá, vừa giải thích:

- Trò này hồi xưa con được dạy. Mỗi người sẽ nắm chiếc lá theo một cách khác nhau, từ đó tạo ra những nếp gấp khác nhau. Mỗi kiểu nếp gấp sẽ tạo ra một thông điệp về vận số. Để con xem xem, kết quả của đức ông là gì.

Hiên chăm chú xem xét, trong khi Nguyên Trừng vẫn cứ đứng đối diện, nhìn gương mặt đăm chiêu của nàng. Nhìn kĩ, lần đầu tiên hắn mới nhận ra nàng có một hàng mi cong, đôi mắt đen láy, và gò má hơi ửng hồng dưới nắng của nàng thi thoảng lại nâng lên theo khóe miệng lẩm nhẩm đôi ba điều. Hắn nhìn ngắm cả biểu hiện dần dần chuyển sang chần chừ và bối rối của nàng nữa. Nguyên Trừng gặng hỏi:

- Sao? Có kết quả chưa?

Hiên bặm môi. Nàng không dám nói ngược lại với những gì mình biết, vì như thế sẽ lộ ngay. Nhưng nếu nói thật, thì nàng cũng chẳng dám thốt ra những lời dự đoán chua chát ấy. Tuy kết quả không nói đến sự chết chóc thê thảm, nhưng vẫn tệ, nó cho thấy rằng, cuộc đời Nguyên Trừng sẽ sống trong những giằng xé trước sau, tới chết cũng chỉ có thể thỏa chí bằng những nỗ lực mỏi mòn.

- Thưa... Nếp gấp thế này thì con quên cách đọc rồi ạ. – Hiên đành nói dối. – Đức ông thứ lỗi, đã lâu lắm rồi con mới làm lại, mà đầu óc thì nhớ nhớ quên quên.

Nguyên Trừng nhìn ra vẻ mặt luống cuống ấy, nhưng không muốn bắt bẻ. Chắc lại là một điềm gì không may.

- Không sao. Mấy trò bói toán, trước nay ta cũng chẳng tin lắm.

Hắn hít một hơi thật sâu, cố kìm lại chút cảm xúc bâng khuâng mơ hồ, rồi chầm chậm nhìn lên tán cây trên đầu. Một chiếc lá rơi nghiêng trong làn gió thoảng, đậu lên mái tóc Hiên. Nguyên Trừng liền phủi xuống. Bàn tay hắn chạm vào mái tóc nàng, khiến Hiên bối rối ngước lên.

Lần đầu tiên, nàng mới nhìn được thật sâu vào đáy mắt Nguyên Trừng. Một màu nâu mênh mang, tuy thâm trầm nhưng ẩn tàng những cơn sóng triền miên, khắc khoải.

- À... thôi con xin phép đi quét sân. – Nàng nhanh nhảu, sau khi nhận ra hành động thất thố của mình.

Nguyên Trừng hắng giọng, nói:

- Thôi, cái đó để người khác làm. Bây giờ ngươi cùng ta ra cửa Bắc, tiếp đón một người quan trọng.

Nhân vật quan trọng được nhắc đến hóa ra là người thầy cũ của Nguyên Trừng. Đó là một ông lão năm nay đã ngoài sáu mươi. Nghe tin thầy có dịp về Tây Đô, Nguyên Trừng liền mời đến phủ ở lại vài hôm, vừa là để giúp thầy thăm thú loanh quanh, vừa là để thầy trò có dịp ôn lại chuyện xưa cũ.

- Ôi chà. – Ông lão nhìn thấy Nguyên Trừng, liền khen ngợi. – Ngày xưa ta thấy anh đã ra dáng trai tráng vạm vỡ rồi, mà giờ trông còn cứng cáp, nghiêm chỉnh hơn. Đúng là làm đến Tả Tướng quốc rồi nó phải khác.

Nguyên Trừng cười, thầy nói câu gì cũng vâng dạ. Biết thầy thích trà sen nên hắn đã cho người chuẩn bị sao chế từ trước. Nhìn xung quanh, thấy vườn tược gọn gàng, không phô trương mà chỉ giản lược, nhưng vẫn đủ thoáng đãng, thư thái, ông lão lấy làm hài lòng lắm. Một buổi nhàn đàm với người xưa, âu cũng chỉ cần có thế.

- Trước nay đều vậy nhỉ, anh vẫn rất giản dị. – Không nói hẳn ra, nhưng đây rõ ràng là một lời khen.

Nguyên Trừng mỉm cười, nét cười phảng phất buồn. Xa hoa ư? Hắn lấy tư cách gì để sống xa hoa trên sự điêu háo của dân chúng đang oằn mình trong những bất ổn của thời cuộc?

- Dạ, con thấy thế này là đủ rồi.

Thưởng trà một lúc, Nguyên Trừng mở lời sang chuyện khác:

- Thưa... Con nói cái này, e là có phần hơi ngại. Nhưng bấy lâu nay, khi nghiền ngẫm sách vở thánh hiền, con vẫn có nhiều điều chưa hiểu, nên đã chép hết những chỗ khúc mắc lại, đợi sau này nhờ người luận giảng cho thấu tỏ. Mà nay lại có thầy ở đây...

- Ôi, có gì đâu mà phải vòng vo thế. – Ông lão thấy Nguyên Trừng đến tuổi này mà vẫn ham mải sách vở thì mừng lắm. – Hiếu học là tốt chứ sao, làm gì có ai thông tuệ mọi lẽ trên đời. Huống chi, ta mà giúp được con thì ta có nề hà gì.

Như thể chỉ chờ có vậy, Nguyên Trừng sai người mang sách vở từ thư phòng ra. Xong xuôi, Hiên định đi khỏi, cho hai thầy trò có không gian riêng để đàm đạo. Nhưng Nguyên Trừng lại bảo:

- Ngươi cứ ở đây, có gì còn hầu trà cho thầy trò ta chứ.

Giọng điệu sai bảo của Nguyên Trừng khiến ông lão không hài lòng lắm, nhưng cũng chẳng buồn nói gì. Chỉ là ông thấy cứ bắt người ta đứng mãi thì cực quá. Nguyên Trừng biết vậy nhưng mặc kệ. Hắn cứ thế giở sách, hỏi han thầy những chỗ chưa hiểu:

- Thưa... ở đây vị quan Tư đồ năm xưa chỉ viết đúng ba chữ, thế thì có nghĩa gì ạ?

Thầy say mê luận giảng một cách cặn kẽ, giọng điệu ôn tồn, chậm rãi nhưng khúc chiết, gãy gọn. Hiên đứng nghe, vừa được khai thông một số điều, nhưng vẫn có đôi chỗ thắc mắc, nên vẻ mặt nàng băn khoăn thấy rõ. Nguyên Trừng liếc qua, nhận ra ngay, nên lại hỏi thầy tiếp:

- Nhưng... trong Kinh thi đâu có đề cập đến việc ấy?

Ông lão ngạc nhiên vì Nguyên Trừng lại hỏi câu đó, nhưng vẫn kiên nhẫn giảng giải:

- Kinh thi không chỉ điểm, nhưng ngẫm kĩ sẽ thấy.

Rồi ông say sưa luận giải chi tiết, đến nỗi ông cảm giác như không còn phân tích được nữa thì thôi. Hiên càng nghe càng thấy hay, không có gì khúc mắc nên vẻ mặt hồ hởi thấy rõ, cứ như được chạm tới ngọn nguồn câu chữ vậy. Nguyên Trừng mỉm cười:

- Con hiểu rồi. Thầy đúng là một vị ân sư lỗi lạc.

Nhưng sự nào có dừng ở đó. Cứ mỗi một lần hỏi, Nguyên Trừng lại hỏi đến tận gốc rễ, khiến đôi lúc ông phải phát bực. Ông lão bị hỏi nhiều đến độ thất vọng, ông tự ngẫm trong đầu, chẳng lẽ sở học của trò lại thụt lùi tới mức đó hay sao? Nhưng vì sự nhiệt tình nên ông cứ cố giúp đỡ, chỉ là nét buồn rầu trên gương mặt thì không giấu đi được.

Ngược lại, Hiên vui vẻ lắm, nàng thấy lòng mình rạo rực, bừng sáng. Cả một buổi đứng chôn chân nhưng không thấy mỏi, mà tiếp thu được bao nhiêu thứ thâm viễn, sâu xa. Đêm ấy, nàng ngồi trong buồng ở, cặm cụi chong đèn chép chữ cả đêm, lần mò sách vở loạt soạt. Bà Mây thấy thế, liền nhắc:

- Lo mà ngủ sớm đấy nhá. Xong thì xếp sách gọn gàng vào, không mai mà tao thấy bừa là tao đem đi nhóm bếp đấy.

- Dạ. – Hiên chỉ đáp gọn, rồi lại vùi đầu vào sách vở.

Tuy nhắc là nhắc vậy, nhưng bà thừa hiểu, nàng là đứa mà một khi đã ham mải thứ gì thì khó mà cản nổi. Hôm nọ đức ông cậy mình thông tuệ kiến thức căn bản nên sai Hiên đem mấy sách cũ đi đốt. Nàng tiếc rẻ nên lén lút giữ lại để tự mày mò. Từ nhỏ đã vậy, ở làng bên có ông thầy đồ già thi thoảng lại mở lớp cho cả đám trẻ vào học, cứ mỗi lần như thế, Hiên lại tìm cách ra ngoài nghe giảng. Con chữ với nàng như một niềm say mê. Thôi thì, giữa cuộc đời này, tìm cho mình một cái thú cũng là đáng lắm chứ.

Nhưng trằn trọc thế nào, bà Mây lại quay sang, nói:

- Mà này, tao bảo.

- Dạ, sao thế bác? - Hiên vẫn chúi mũi vào mấy con chữ.

- Nếu mà có mối nào thì cứ bảo, để có gì tao xem thử, rồi xin đức ông cho mày rời phủ mà lấy chồng.

Nàng ngước lên, đối diện với ánh mắt của bà Mây:

- Sao tự nhiên...

- Tự nhiên cái gì, tuổi mày người ta lấy chồng hết rồi chứ còn sao. Với cả... hình như tao thấy có cái thằng...

- Dạ thôi. - Hiên tìm cách ngắt lời, trước khi bà Mây định kể lể rằng có một mối tốt nào đó đang để ý nàng. - Cái đó con cũng không vội, với lại sống thế này cũng tốt chứ sao.

Bà Mây ngồi hẳn dậy, nhìn nó:

- Đúng, sống thế này cũng vẫn rất tốt. Người hầu gặp chủ hiền thì sao không tốt. Nhưng chính vì tốt...

Hiên nghe ra sự ngập ngừng trong lời nói của người đối diện. Bà Mây tiếp tục:

- Nhưng chính vì tốt... Nên càng phải làm đúng phận sự. Ý tao là mày phải làm đúng, không kém, nhưng cũng đừng có hơn.

- Dạ. - Nàng đáp gọn, sau vài giây khắc luận giải ý tứ trong lời bà.

Bà Mây lại nằm xuống, quay mặt vào bờ tường. Cảnh tượng ban sáng giữa Nguyên Trừng và Hiên khiến bà cảm thấy bất an. Bất an vì rất nhiều lẽ.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro