I - Chương 3: Chút lưỡng lự

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Anh sợ nhất là start-up kiểu này, con nhà giàu đi khởi nghiệp. Em có thất bại thì về với vòng tay bố mẹ. Còn tiền bị đốt sạch thì ai chịu cho nhà đầu tư bọn anh?"

"..."

"Sao thế? Không nói gì à?"

"Anh nói đúng quá, làm sao em cãi được."

"Ha ha. Hèn chi im là đúng rồi."

"Ý em là, em im lặng vì những lo lắng của anh là có cơ sở. Em không nói, bởi có những việc phải làm mới chứng minh được. Nếu chỉ nói không thôi thì em còn đứng ở đây làm gì?"

Coi cái đoạn cut này khoảng chục lần rồi mà tôi vẫn không thể dứt ra được, chẳng trách vì sao màn gọi vốn của Minh lại viral cỡ đó. Mức độ lan rộng của mấy video "giựt giựt" trên TikTok tập này khiến người làm Marketing như tôi còn phải choáng váng. Tôi tự nhủ, với ngoại hình, thần thái và khả năng đối đáp như thế, cái tên Vũ Đăng Minh không lên xu hướng thì kể cũng phí.

Sau hôm đó, người ta không những lan truyền thông tin về start-up mà còn "đào mộ" rất nhiều thành tích học tập và lý lịch đẹp không tì vết của Minh. Đến cả trang thông tin chính thức của chuyên Việt Ninh cũng nhanh tay vào nhận cựu học sinh nữa là. Nó còn không quên nhắc tên trường cấp ba trong cuộc phỏng vấn ngoài hậu trường:

"Nếu để nói điều gì đã thôi thúc mình khởi nghiệp thì có lẽ cảm hứng đến một phần nhờ những ngày tháng học tập ở chuyên Việt Ninh. Hồi đó, chúng mình được khuyến khích tự tay triển khai rất nhiều dự án như tập san, gian hàng hội xuân và nhiều cuộc thi khác. Tuy không liên quan trực tiếp đến công nghệ và khởi nghiệp, nhưng nó tạo cho mình tự duy từ ý tưởng mà làm nên thành quả như thế nào. Cảm giác tự hào về thành quả đó đã động lực lớn để mình tin vào khả năng của bản thân."

Tôi gật gù đồng tình. Tôi gửi video rồi nhắn tin cho nó:

"Trả lời như này thì mày nên đi thi hoa hậu luôn đi cho mát."

Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn không thể chịu nổi cái tính úp mở của nó. Đến khi chương trình gần lên sóng rồi nó mới chịu tiết lộ chuyện gọi vốn thành công.

- Chúc mừng nhá.

Tôi cụng ly với nó, trong quán pub ngân vang vài bài nhạc nhẹ xen lẫn những tiếng nói chuyện nhỏ to. Nhìn từ đầu đến chân, vẫn thấy Minh ăn mặc y nguyên như cũ. Tôi trêu:

- Sắp nổi tiếng rồi, ăn mặc đa cấp lên để còn làm màu trên Facebook chứ. Tao thấy mấy đầu báo giật tít về mày chẳng kiếm được tấm nào nét nét mày tự chụp ngoài hình profile trông như ảnh thẻ trên LinkedIn.

Nó gạt đi, dường như chẳng quan tâm mấy:

- Thôi, cái đó mất thời gian lắm. Mô hình B2B kiểu này không có đặc thù tạo hình ảnh founder long lanh đâu.

Tôi cảm thán:

- Người ta có câu "đen tình đỏ bạc" quả không sai.

- Là sao? - Nó nhíu mày thắc mắc.

- Thì đó, đỏ bạc là công việc của mày bắt đầu thuận lợi vì gọi vốn thành công, còn "đen tình" là vì hôm bữa Lam chọn kí sách của ông Huy kia thay vì...

Tôi chưa kịp nói hết câu, Minh đã ngắt lời:

- Vớ vẩn.

- Hả?

Minh lôi tập thơ nhỏ ra, mở trang sách hôm nọ cho tôi nhìn. Thì ra, hôm đó Lam không kí nhưng đã kịp in dấu vân tay lên ngay chữ "duy nhất" ấy. Tôi trầm trồ:

- Ái chà, hèn chi thấy mày cứ tủm tỉm.

Minh nói thêm:

- Anh kia là sếp của Lam, em ấy không dễ dàng làm mất lòng cấp trên thế đâu.

- Cũng phải. Nhưng hai người đó không phải là gì của nhau đó chứ?

- Theo như tao để ý thì không đâu. Nhưng mà... - Minh ngập ngừng. - Có vẻ hai người rất thân thiết trong công việc, cùng lên sóng nhiều dự án lắm. Mập mờ như thế...

Minh không nói hết câu nhưng tôi cũng đủ nhận ra sự khó chịu trong lòng nó. Nhớ lại hồi cấp ba, cũng chính là sự mập mờ đó là thứ dày vò Minh nhiều nhất khi nó nhận ra Lam thích mình mà mình lại lỡ tự đặt bản thân vào vị trí tiễn thoái lưỡng nan. Dường như không muốn tôi đào sâu thêm, nó liền chuyển chủ đề:

- Còn mày thì sao, vẫn hẹn hò với em Phương hôm nọ hả?

- Ừ. Có điều...

Tôi quyết định kể cho Minh nghe chuyện hôm nọ. Lúc mà Phương đòi tôi đi đến một quán cà phê mới nổi gần đây, tôi đã khá dè dặt. Bởi vì quán đó nằm ngay cạnh chỗ workshop làm bánh quy mà tôi với Chi năm nào cũng tới gần dịp Nô-en. Lúc đó, vì quán kia quá đông mà workshop bên cạnh lại khá bắt mắt nên Phương muốn qua xem thử. Tôi không tiện giải thích nên cũng đành nghe theo, chẳng ngờ trong lúc ngồi làm thì thấy Chi bước vào cửa.

Ánh mắt chúng tôi chạm nhau, chưa bao giờ khó nói tới thế.

- Tại sao mày lại đứng dậy rồi ra ngoài, lại còn kéo tay Chi lại?

Dường như nghe xong câu chuyện từ tôi, bản thân nó cũng không ngờ đến việc tôi cư xử như vậy. Trước sự chất vấn của Minh, tôi thở dài:

- Vì... tao không nghĩ là Chi vẫn giữ thói quen đó hàng năm, lúc bọn tao còn hẹn hò.

Minh không tha cho tôi:

- Tại sao chuyện đó lại khiến mày suy nghĩ?

Ừ thì... tại sao chứ? Câu đó tôi cũng chẳng trả lời được. Minh càng hỏi, tôi càng rối. Nốc cạn chén rượu trên tay, men say nhắc tôi nhớ lại chuyện tình sáu năm đang dần lùi xa ấy.

- Mày biết không, lúc chia tay, Chi nói với tao là... "bọn mình thực sự không thể dung hòa được". Tao cứ nghĩ về câu đó mãi, nghĩ về những lần bọn tao cãi nhau, rồi to tiếng với nhau.

Minh ngồi đó, im lặng nghe tôi lè nhè.

- Bây giờ tao cũng không hiểu là mình thực sự muốn gì nữa. Ánh mắt Chi lúc chạm mặt tao ở workshop khiến tao không thể ngừng suy nghĩ.

- Mày có chắc là mình đang phân vân không? Hay là mày có câu trả lời sẵn rồi?

Đối diện với câu hỏi đó của Minh, tôi chợt nhớ lại chuyện nó kể về viên xúc xắc mà thầy giáo chủ nhiệm hồi cấp ba đã đưa cho. Rằng cứ thử tung viên xúc xắc lên, để nó quyết định thay mình, khi ấy, tâm trạng nhẹ nhõm hay nuối tiếc trong lòng sẽ cho mình biết bản thân thực sự muốn gì. Tôi ngước mắt nhìn ra ngoài cửa, ngập ngừng bảo với nó:

- Nếu người bước vào quán tiếp theo là nữ, tao sẽ tìm cách quay lại với Chi.

Minh không nói gì, lặng lẽ quan sát cánh cửa cùng tôi.

Người tiếp theo bước vào là nam.

Cảm nhận ánh mắt Minh quét qua người mình, tôi vô thức gõ mấy ngón tay lên mặt bàn, rồi lại nhìn chén rượu đỏ quạch.

- Nếu thế thì... đúng là tao thấy tiếc nuối thật. Thật sự... tao không muốn sáu năm kết thúc như thế.

- Mà... mày là dân kinh tế nhỉ?

- Nói nhảm cái gì vậy?

Tôi chẳng kịp nghe nó, liền đứng dậy thanh toán rồi rời khỏi, cứ thế để lại một hàm ý mà mãi sau này tôi mới có thể hiểu được. Rằng, "trong kinh tế học, có một thứ gọi là chi phí chìm."

Giây phút ấy, mặc kệ sự can ngăn của Minh, tôi lập tức phi xe đến nhà Chi. Ở trước cửa, tôi cố đứng vững mà không phải dựa vào bờ tường lạnh ngắt. Tôi gọi tên em rất nhiều lần. Trong ánh đèn vàng nhập nhoạng của con ngõ nhỏ, cuối cùng Chi cũng xuất hiện trước mặt tôi, khoác chiếc áo len vương mùi oải hương thoang thoảng. Giọng Chi quở trách:

- Anh làm gì mà say khướt như vậy?

Tôi chầm chậm tựa đầu vào bờ vai mảnh khảnh của Chi, lảm nhảm:

- Trời rét quá, đi ngoài đường lạnh tay ghê.

Chi cố đứng vững trước sức nặng của tôi nhưng vẫn tỏ ra khó chịu trước mùi rượu nồng nặc. Em khẽ chạm vào tay tôi, dường như là để truyền chút hơi ấm. Được đà, tôi nói thêm:

- Tay lạnh, mà môi cũng lạnh nữa nè.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro