Chương 10: Người bạn mới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đường Đất Lớn ngày hôm nay cũng giống như hôm qua, thậm chí còn vắng người hơn, tiếng chim hót ríu ra ríu rít trên những ngọn tre cao vút.

Ra tới chợ, Tô Tử Diệp dừng chân trước sạp hàng xén của một người phụ nữ trung tuổi. Đợi cho người khách tới trước đã mua hàng xong, hắn đi tới trước sạp hàng bày năm sáu thúng gạo lớn nhỏ khác nhau, hỏi thẳng: - Bác gái à, bác có loại gạo nào rẻ tiền một chút không?

Người đàn bà chủ sạp nghe thế thì hồ hởi chỉ tay vào mấy thúng gạo, miệng cười lộ hai hàm răng nhuộm đen nhánh, trả lời: - Có đây có đây, ngươi xem đi. Muốn rẻ thì có gạo hẩm, một đồng hai bát. Còn đây là gạo tấm, gạo mới một đồng một bát vơi, gạo cũ một đồng một bát đầy, khẳng định là rẻ nhất chợ. Ngươi muốn mua loại nào?

Gạo hẩm là thứ gạo để lâu ngày đã bị biến chất, thường có mùi hôi do ẩm mốc hoặc mối mọt, thường được mua về cho lợn cho gà chứ chẳng phải là thứ cho người ăn. Còn tấm là những hạt gạo có chất lượng kém bị vỡ ra trong quá trình xay giã, màu nâu nhạt do phần lớn vẫn chưa được xát bỏ hết lớp cám, nhưng dù sao cũng là gạo có thể ăn được.

Thực tế thời này đa số người dân cả đời chỉ ăn cơm nấu bằng gạo tấm. Năm nào được mùa, không phải độn thêm khoai thêm sắn đã là mừng. Chỉ có những nhà giàu mới thường xuyên được ăn cơm gạo trắng nguyên hạt. Gạo trắng mà nấu lên, hạt cơm nở mềm, dẻo thơm hơn gạo tấm nhiều, nhưng giá cũng đắt gấp đôi.

Tô Tử Diệp không cần nghĩ ngợi, bỏ hai đồng tiền ra mua gạo tấm cũ. Người đàn bà bán hàng xúc cho hắn hai bát gạo đầy tới miệng, đổ vào trong túi vải bố hắn mang theo từ nhà đi.

.

Thấy còn sớm, Tô Tử Diệp đi dạo vài vòng quanh chợ. Không biết vì sao chợ bản ngày hôm nay thưa thớt hơn nhiều so với hôm qua.

Hắn không biết rằng hôm qua là đầu tháng. Những ngày mùng Một và ngày rằm, chợ bản đặc biệt đông.

Trong chợ bán rất nhiều mặt hàng, các loại thịt thà rau cỏ, tương dầu mắm muối, nông cụ vải vóc đều đủ cả. Tô Tử Diệp không biết giá trị một đồng tiền là lớn hay nhỏ, cho nên hắn lấy gạo làm giá trị quy đổi. Ví dụ như một cân thịt lợn bằng bốn tới năm cân gạo tấm, thịt gà còn đắt hơn nữa. Các loại thuỷ sản tôm cua cá ốc thì rẻ hơn một chút, gấp hai tới ba lần gạo.

Lúc Tô Tử Diệp biết được giá cả một cân muối trắng, hắn nhịn không được phải thở dài, lòng thấy hối hận không thôi. Giá một cân muối trắng có thể mua được năm cân gạo, vậy mà ngày hôm qua Tô Tử Diệp đã vô tư lấy từng vốc từng vốc muối để rửa đồ ăn.

Bằng ấy muối, ít nhất phải đổi được hai bát gạo tấm nữa. Cũng tương đương với công sức nửa buổi sáng hắn vất vả chạy đi mua đồ cho người ta.

Chuyện này làm Tô Tử Diệp chợt nhớ ra một điều, có những thứ rất rẻ ở thế giới hiện đại, nhưng trong quá khứ từng đắt tới mức không ngờ. Thậm chí ở nhiều nơi, muối còn được dùng như một đơn vị tiền tệ để trao đổi. Nguyên nhân thì có rất nhiều, bị hạn chế về mặt địa lý, bị đánh thuế quá nặng, và cả năng suất lao động quá thấp.

Chỉ tìm hiểu qua cho biết giá cả các loại hàng hoá, Tô Tử Diệp đi bộ trở về nhà.

.

Về tới nhà cũng không còn sớm, Tô Tử Diệp bắt tay vào nấu cơm. Hắn định bụng buổi chiều sẽ đi bắt chuột đồng nhiều một chút, ăn bù cho bữa tối, còn lát nữa thì đã có việc khác để làm.

Trong góc ao sau nhà có một đám rau muống nước đã già cỗi, lá vàng vọt bị nắng gió hanh hao đốt cho xoăn queo, lác đác những bông hoa màu tím nhạt. Tô Tử Diệp chỉ đành lội ao, ống quần vén cao đến quá đùi, ở một chỗ nước nông ven bờ hái được một rổ toàn là những cọng muống già cứng đã táp gần hết lá.

Củ chuối đào được ngày hôm qua chỉ ăn một nửa, còn đủ cho Tô Tử Diệp ăn bữa trưa nay. Củ chuối luộc đã chát, rau muống già cũng chát nốt, xơ cứng như nhai rơm, chấm với nước lã pha muối trắng mặn chát. Tô Liên Hoa và Nguyễn thị thì ăn cháo hắn nấu.

Con chó nhỏ Tiểu Hoàng bị cột dưới bếp, trưa nay phần của nó là một chút cháo loãng. Ăn qua loa xong bữa cơm, Tô Tử Diệp thả cho nó chơi với Hoa Hoa, rồi đem bát đũa ra ao rửa.

Sau khi xong việc, hắn lại mang thúng ra ao vớt bèo. Mùa đông lạnh nhưng ao bèo vẫn xanh tươi. Mỗi khi rửa bát, những cánh bèo nhỏ xíu cứ bám đầy trên hai cánh tay và trên mớ nồi bát, rất khó chịu.

Bèo vớt lên được một đống tạp nham khá lớn. Có những cây bèo cái to bằng cả bàn tay, lá cong cong hình vỏ sò, những cánh bèo tấm bé xíu bằng cúc áo, bèo cám dày đặc li ti như hạt vừng, bèo hoa dâu có các lá tròn mọc thành từng chùm tua rua.

Chỗ bèo này phơi khô còn có thể dùng làm phân bón rất tốt cho đất.

Tới đầu giờ chiều, Tô Tử Diệp dặn dò Liên Hoa ngoan ngoãn ở nhà, sau đó lại một mình vác gùi tre đi tới chân núi nhặt củi.

Sau khi vác được một bó củi lớn về tới nhà, xếp chung với số củi ngày hôm qua thành một đống lớn trong bếp, rồi chỉ kịp uống một gáo nước giếng lạnh giải khát, hắn lại bận rộn xách chiếc thúng rách ra đồng bắt chuột.

.

Cánh Đồng Nhỏ hoang vắng vẫn mù mịt khói rơm, chuột ngày hôm nay nhiều chẳng kém ngày hôm qua. Chẳng mấy chốc, Tô Tử Diệp đã bắt được mười mấy con chuột đồng.

Vừa mới vồ được thêm một con chuột nữa, khi đang lúi húi thò tay vào trong thúng, Tô Tử Diệp chợt bị doạ giật nảy cả người. Ba con chuột lớn bằng cổ tay vừa được ném xuống nằm xụi lơ trước mặt hắn.

Tô Tử Diệp ngẩng đầu lên, nhìn thấy một người thiếu niên đang đứng trước mặt.

Thiếu niên có thân hình cao lớn, làn da ngăm đen, đôi mắt sáng lấp lánh bên dưới mái tóc đen bù xù và hai hàng lông mày đặc biệt dày rậm, đang lẳng lặng nhìn Tô Tử Diệp. Giữa trời mùa đông mà tên này chỉ mặc một bộ quần áo mỏng vá chằng vá đụp, ống quần đã cộc đến bắp chân. Nhưng hắn vẫn thẳng lưng đứng đó, chẳng có vẻ gì là lạnh cả.

Tô Tử Diệp nhìn tên thiếu niên cao hơn mình nửa cái đầu, không biết vì sao hắn lại nhìn mình như vậy. Hắn gượng cười, hỏi: - Cho ta hả?

Người thiếu niên kia nhẹ gật đầu. Nụ cười trên mặt Tô Tử Diệp đã tự nhiên hơn một ít, hắn nói: - Vậy cảm ơn nhé.

Rồi hắn thò tay bắt nốt con chuột đồng trong thúng, thẳng tay hoá kiếp cho nó, sau đó xách đuôi cả bốn con chuột, đứng lên.

Lúc này người thiếu niên mới lên tiếng hỏi với giọng tò mò: - Ê ngốc, ngươi bắt chuột để làm gì vậy?

Tô Tử Diệp thản nhiên trả lời: - Để ăn.

Thiếu niên im lặng, ánh mắt nhìn Tô Tử Diệp không giấu nổi vẻ thương hại.

Tên này mặc dù cao to hơn Tô Tử Diệp nhiều nhưng dáng vẻ vẫn còn non nớt, có lẽ chỉ hơn hắn khoảng một hai tuổi, vẫn còn chưa biết cách che đậy cảm xúc trên khuôn mặt. Cũng chính bởi vì thế, ánh mắt kia đối với Tô Tử Diệp mà nói lại càng có sức sát thương.

Tô Tử Diệp ra vẻ ngượng ngùng cúi đầu, trong lòng có chút buồn bực. Nhìn tên này có vẻ gia cảnh cũng không khá giả gì, người như vậy mà còn thương hại mình, mình đáng thương đến thế cơ à?

Đôi bên bỗng dưng chìm vào im lặng. Mãi một lúc, người thiếu niên lại hỏi: - Tiểu Diệp ngốc, hôm qua ta nhìn thấy ngươi bắt chuột, cũng là để ăn à?

Ồ, tên này còn biết tên của mình nữa à. Hôm qua hắn nhìn thấy mình ở đây, vậy mà mình không hề hay biết. Tô Tử Diệp nghĩ thầm, gật đầu thừa nhận.

Vẻ thương hại trong mắt thiếu niên càng đậm. Nếu không phải là sắp chết đói đến nơi, thì ai lại chịu đi bắt chuột ăn? Từ nhỏ tới giờ hắn chưa thấy ai ăn thịt chuột. Ngay cả thứ thịt đến chó còn chê thì người sao có thể ăn được cơ chứ? Cũng chỉ có mèo mới thích ăn thịt chuột mà thôi.

- Ăn thịt chuột thì làm sao? Tô Tử Diệp không nhịn được, khó hiểu hỏi lại.

Thiếu niên trả lời: - Cha ta nói rằng thịt chuột rất hôi, ăn không ngon.

Lão cha hắn thuở nhỏ cũng đã từng đi bắt chuột ăn, bởi vì năm đó xảy ra nạn đói. Rõ là hắn đang cho rằng nhà Tô Tử Diệp không còn gì để ăn mới phải ăn thịt chuột. Ơ mà hình như đúng là như thế thật.

Tô Tử Diệp nghe thế thì cười nói: - Không phải, thịt chuột ăn rất ngon.

Rồi hắn nói tiếp: - Ngươi muốn ăn thử không?

Tên thiếu niên ngay lập tức lắc đầu. Hắn nhìn con chuột trên tay Tô Tử Diệp, không giấu được vẻ chán ghét. Cái thứ suốt ngày đào hang chui rúc dưới đất như này, thịt chắc chắn là rất hôi.

Đến lượt Tô Tử Diệp nhìn tên này với ánh mắt nhìn một thằng ngốc. Người ở đây cũng thật là ngốc, thịt chuột ngon như vậy mà lại không biết ăn.

Bị tên ngốc Tiểu Diệp nhìn với ánh mắt ấy, sức sát thương cũng không hề nhẹ chút nào. Thiếu niên kia đang bực bội chuẩn bị phát tác thì bỗng thấy Tô Tử Diệp xoay người, đi xung quanh vơ lấy một bó rơm khô lớn, quay về.

Tô Tử Diệp đưa một nắm rơm cho hắn, nói: - Ngươi giúp ta chạy ra đống rơm đang cháy đằng kia mồi lửa, chúng ta đốt lửa sưởi ấm một chút, có được không?

Thiếu niên liền nghĩ chủ ý này không tệ, thời tiết như này có ai mà không lạnh? Hắn cũng đang lạnh run, liền nói: - Không cần, ta có mang theo đá lửa đây rồi.

- Vậy chờ ta một lát đã nhé.

Tô Tử Diệp lấy con dao nhỏ trong người ra, chọn hai con lớn nhất trong số đám chuột đồng bắt được, dùng lưỡi dao rạch một đường nhỏ ở phần bụng dưới của chúng.

Hắn moi sạch nội tạng, sau đó xếp hai con chuột đồng nằm úp sấp lên trên một đống rơm nhỏ, rồi nói với người thiếu niên kia: - Tốt rồi, ngươi mau đánh lửa đi.

Thiếu niên lấy từ trong người ra một hòn đá lửa và một con dao, thành thục mồi lửa. Chẳng mấy chốc, đống rơm đã cháy bùng lên.

Hai tên nhóc ngồi sưởi ấm bên cạnh đống lửa đang cháy bập bùng, không ngừng ném thêm rơm khô vào trong.

Thiếu niên mở miệng hỏi Tô Tử Diệp: - Tiểu Diệp, mẹ ngươi để cho ngươi bắt chuột ăn hay sao?

Tô Tử Diệp lắc đầu trả lời: - Mẹ ta đang ốm nặng.

Cũng không nói rõ Nguyễn thị có cho phép hay là không.

Người thiếu niên gật gù ra vẻ đã biết, không nói gì nữa. Trước nay thiếu niên và Tô Tử Diệp không thân nhau, hắn hỏi thuần tuý chỉ vì tò mò, cũng chẳng có ý định sẽ giúp đỡ ai hết. Nhà hắn còn không đủ ăn, lấy đâu ra mà cho người khác.

Tô Tử Diệp nhìn người thiếu niên, chợt nhớ ra là mình chưa biết tên hắn, bèn ngại ngùng hỏi: - Này, ngươi tên là gì?

Thiếu niên nghe thấy vậy thì cau mày, liếc mắt nhìn Tô Tử Diệp: - Thằng ngốc này, không nhớ tên của ta sao?

Tô Tử Diệp cười ha ha, chống chế: - Thật ngại quá. Ngươi biết đấy, trí nhớ ta trước giờ vẫn không tốt.

Người thiếu niên hừ nhẹ, nhưng vẫn trả lời: - Trần Bình Thạch!

Ngừng một chút, hắn lạnh lùng nói thêm: - Lần sau cũng đừng có quên.

Tô Tử Diệp cười tít mắt, gật đầu cam đoan: - Được rồi được rồi, ta nhất định sẽ nhớ kỹ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro