5. Phần 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[12]

Đó là bà chủ nhà.

Bà ấy vốn sống ở tầng trên, lúc mở cửa ra liền kinh ngạc, "Các người là ai? Hứa Đào đâu?".

Ngôi nhà này không được cách âm tốt lắm.

Không thể ngăn cản được cuộc cãi vã của bốn người bọn họ.

Bà chủ nhà là người thích sự yên tĩnh, khi tôi sống ở đây, chưa bao giờ ồn ào.

Sau khi được hỏi câu này, tôi trơ mắt nhìn bốn người, bọn họ giống như bị ai đó bóp cổ, đột nhiên không còn phát ra âm thanh.

Một lúc lâu sau, mẹ tôi mở lời.

"Chúng tôi là người nhà của Hứa Đào. Nó đã mất rồi, chúng tôi đến đây để thu dọn đồ đạc của nó".

Bà chủ nhà bàng hoàng không dám tin, sau đó chợt rơi nước mắt.

Lúc lên lầu, bà ấy vừa khóc vừa lẩm nhẩm, "Thật là một cô gái tốt, tại sao lại không may mắn như vậy...".

Tôi không được may mắn.

Từ khi sinh ra đến bây giờ, vẫn luôn là như vậy.

Sau khi bị cắt ngang, bọn họ không thể tiếp tục cãi nhau được nữa, bắt đầu thu dọn đồ đạc của tôi.

Thật ra cũng chẳng có gì để thu dọn.

Tôi đến và ra đi tay trắng.

Chỉ có một chút vướng bận trong lòng, nhưng tôi không muốn nhớ đến nữa.

Cuối cùng, mẹ tôi ngồi bên cạnh sofa, lật hồ sơ bệnh án của tôi.

Lại là một buổi hoàng hôn.

Ánh chiều hoàng hôn đỏ như máu xuyên qua lớp cửa kính, len lỏi vào trong phòng.

Có tiếng còi xe bên ngoài cửa sổ.

Động tác của bà dừng lại, vẻ mặt càng trở nên đờ đẫn.

Lại nhớ lại điều gì sao?

Chẳng hạn như lúc ở bên lề đường vào buổi tối hôm đó.

Mẹ giữ tôi lại và bị tôi đẩy ra.

Không chút do dự, bà ấy thu lại tình yêu dành cho tôi.

Đối với tôi, mẹ vẫn sẽ luôn keo kiệt như vậy.

"Chuyện này này cũng có thể trách tôi sao?".

Bà ấy khép lại tập hồ sơ ghi chép cuộc trò chuyện, giọng khàn khàn cất lên: "Từ nhỏ con bé đã không hiểu chuyện, không thân thiết với tôi, trong ba đứa con, tôi dĩ nhiên sẽ thích người thân thiết hơn với mình".

Không đâu.

Mẹ ơi, mẹ sai rồi.

Mẹ đã hiểu sai nguyên nhân và kết quả.

Khi mới được đón về nhà, trong vô thức con nhận ra được sự lạnh nhạt của mẹ, cho nên vẫn luôn thăm dò.

Hứa Kiều nói với bà muốn phụ giúp việc nhà, mẹ cười nói trẻ con thì có thể làm được việc gì, mau đi nghỉ đi.

Con nói muốn giúp mẹ rửa chén, mẹ lập tức đồng ý.

Lại bởi vì con làm vỡ một cái chén mà mẹ chọc trán con, mắng con vụng về.

"Mẹ".

Một lần nữa, giọng tôi khàn đi, nói những lời mà họ chẳng bao giờ nghe thấy được.

Trong giọng nói nức nở vụn vỡ, không thể che giấu được nữa.

"Mẹ, mẹ đưa con đến thế giới này, mà con cái gì cũng không thể hiểu".

"Mẹ yêu con như thế nào, con sẽ yêu mẹ lại như vậy".

Tình yêu của con là một tấm gương, phản chiếu lại tình thương của mẹ.

Tất cả mọi thứ.

Những câu nói mỉa mai, những cảm xúc nổi loạn mà con bộc lộ, tất cả đều là những thứ mẹ đã dạy cho con.

Trong gia đình này, sự quan tâm của mẹ đối với con khác hẳn so với những người kia.

Con đã từng ở trong bụng mẹ, cùng kết nối huyết mạch suốt mười tháng.

Loại kết nối này vẫn là sợi tơ không ngừng tồn tại cho đến khi sau khi tôi được sinh ra.

Cho dù tôi đã cách xa hàng ngàn dặm, vẫn bị nó lôi kéo một cách mơ hồ.

Cho nên sau khi chết đi, vẫn là bị sức mạnh này dẫn dắt, linh hồn tôi cũng trở về bên cạnh mẹ.

Tôi đã cố gắng thuyết phục bản thân thế giới này rất lớn, cuộc sống còn dài, không cần phải mắc kẹt trong chiếc lồng của gia đình mình.

Tôi sẽ đi ngắm núi.

Ngắm biển.

Thu lại vũ khí sắc nhọn.

Mỗi ngày uống thuốc đúng giờ.

Nhưng khi đi ngang qua một thành phố, nhìn thấy một cô bé cầm bóng bay màu đỏ trong công viên giải trí, nắm tay mẹ mình đi qua.

Tôi đột nhiên ngẩn người.

Nhìn theo cô bé.

Giống như hồi Tiểu học, bạn cùng bàn vui vẻ kể cho tôi nghe.

Cậu ấy vì làm bài kiểm tra không tốt nên bị mẹ mình mắng.

Cậu ấy cố ý chạy ra khỏi nhà, mẹ cậu ấy vất vả lắm mới tìm được, ôm cậu ấy vào lòng rồi bật khóc.

Dì ấy nói sợ cậu ấy đi lạc, nói sẽ không bao giờ mắng cậu ấy nữa.

Lúc đó tôi vẫn chưa biết.

Một đứa trẻ được yêu thương mới có thể làm được chuyện này.

Cho nên, trong một lần mẹ nhốt tôi vào phòng tiện ích để dạy dỗ.

Tôi đẩy cửa và chạy ra ngoài.

Tôi bỏ chạy khỏi nhà.

Ngồi trên chiếc xích đu cũ của tiểu khu, nhìn những ngôi sao trong bóng đêm, trong vòng lặp đi lặp lại.

Nếu mẹ lo lắng chạy đến tìm tôi.

Tôi phải nói gì đây.

Dù sao thì đó cũng là mẹ của mình, không thể để cho mẹ buồn lòng được.

Vậy thì chỉ cần nói với mẹ, sau này hãy đối xử tốt với mình một chút là được.

Nhưng tôi chờ đến tận nửa đêm.

Mặt trăng bị những đám mây đen che kín, bầu trời đổ cơn mưa, những ngôi sao cũng biến mất.

Cả người ướt sũng, tôi trở về nhà.

Trong nhà im ắng, mọi người đều đã đi ngủ hết rồi.

Ai có thể đi tìm tôi được chứ?

Sáng hôm sau, tôi mang theo cặp sách ra ngoài, mẹ tôi ngồi ở bàn ăn sáng, lạnh nhạt nói: "Còn dám về đây? Tao còn tưởng mày muốn ở bên ngoài cả đời, trong nhà lại có thể bớt đi một miệng ăn".

Đứa trẻ được yêu thương mới có quyền được làm nũng.

Trong thời thơ ấu của mình, tôi chưa bao giờ có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đó.

Tôi đã hỏi mẹ tại sao rất nhiều lần.

Tôi gần như cầu xin bà ấy yêu thương tôi.

Không cần phải yêu tôi nhất.

Chỉ cần yêu tôi thôi.

Giống như đối với Hứa Trạch và Hứa Kiều, như vậy là đủ rồi.

Cũng không phải là không thể, nhưng tại sao tôi lại không được.

Tại sao vậy.

Không có câu trả lời.

Màn đêm buông xuống.

Mẹ tôi lật sang một trang khác.

Còn chưa kịp đọc, phía cảnh sát lại gọi điện đến.

"Xin lỗi bà, mấy ngày nay bắt được phạm nhân, trong sở có chút bận rộn nên không thể đến được. Con gái bà vẫn còn một ít di vật ở đây, nếu có thời gian thì bà hãy đến nhận lại".

Bà ấy và Hứa Trạch cùng ra ngoài

Mẹ tôi cúi đầu đi được một lúc, bỗng nhiên hỏi Hứa Trạch, "Con nói xem, Hứa Đào có phải rất hận mẹ hay không?".

"Không, không đâu".

Trong biểu hiện của Hứa Trạch rõ ràng lộ ra vẻ hoảng sợ, vài giây sau mới gượng gạo nói được một câu.

"Mẹ, dù sao thì mẹ cũng là người đã sinh ra chị ấy... Giống như tên sát nhân kia đã nói, trước khi chết chị ấy còn gọi tên mẹ, thì làm sao mà... có thể trách mẹ được".

Nói đến đây, nó đột nhiên im lặng.

Hứa Trạch cũng đã hai mươi mốt tuổi, không còn là đứa trẻ không hiểu chuyện.

Nó không ưa tôi.

Nhưng lại không có ác ý, biểu hiện rõ ràng và chủ động giống như Hứa Kiều.

Suốt hầu hết thời gian, Hứa Trạch đều lặng lẽ đứng phía sau Hứa Kiều, làm người ủng hộ chị ấy?

Nhưng hành vi của một đứa trẻ, chẳng qua là bắt chước những hành động của người lớn trong gia đình.

Nếu như không được ba mẹ ngấm ngầm đồng ý, Hứa Trạch và Hứa Kiều tuyệt đối sẽ không dám nhằm vào tôi như vậy.

Tôi đi theo họ, lần nữa đến đồn cảnh sát.

Cảnh sát đưa cho mẹ tôi túi đựng di vật.

Những thứ bên trong rất đơn giản, một chuỗi chìa khóa, một gói khăn giấy, một chiếc điện thoại bị nứt vỡ.

Và một chiếc vòng vàng bị nhuộm màu đỏ của máu, đã hoàn toàn xiêu vẹo.

Bên trong còn có một tấm thiệp bị nhàu nát.

[Chúc mừng sinh nhật mẹ]

Ánh trăng như thêu dệt.

Mẹ tôi ngẩn người nhìn chăm chú vào chiếc vòng vàng đó.

Nhìn chăm chú vào chữ viết tay bị mờ bởi vết máu trên tấm thiệp.

Thật lâu sau đó.

Đôi mắt vốn luôn lạnh nhạt mang theo sự cay nghiệt mỗi khi nhìn tôi, dần dần dâng lên một tầng sương mờ.

Ngày thứ bảy sau khi tôi qua đời, năm tôi hai mươi lăm tuổi.

Lần đầu tiên trong đời, cuối cùng thì mẹ cũng rơi nước mắt vì tôi.

[13]

Kim đồng hồ xoay ngược trở lại một tháng trước.

Sau khi trả lời điện thoại, ngày hôm sau, tôi đến công ty. Đồng nghiệp phòng bên cạnh kể với tôi rằng cô ấy đang mang thai.

"Hy vọng là con gái".

Cô ấy đặt tay lên chiếc bụng phẳng lì của mình, trên môi không giấu được nụ cười dịu dàng, "Tôi thích con gái nhất".

"Sau khi mang thai tôi rất thích ăn cam, sau này đặt tên ở nhà của đứa nhỏ là Cam".

Cô ấy là tuýp người phụ nữ mạnh mẽ, tính cách cũng nóng nảy nhất trong bộ phận.

Nhưng khi nhắc đến đứa con của mình, trên gương mặt của cô ấy lại mang theo biểu cảm của sự yên tĩnh, nhẹ nhàng mà trước đây tôi chưa từng thấy qua.

Cô ấy nhận ra tôi đang ngây người nhìn, liền quay sang nhìn tôi, "Hứa Đào, sao vậy?".

"Không có gì".

Tôi lắc đầu.

Đêm đó, tôi đã mơ một giấc mơ, mơ về chuyện trước khi tôi được sinh ra.

Mẹ tôi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện mình mang thai, bà cũng nhẹ nhàng sờ bụng mình như vậy.

Bà ấy nói: "Đào Đào, gọi là Đào Đào đi, lúc mang thai con mẹ rất thích ăn đào".

Đó là những gì tôi đã nghĩ, là tình yêu mà tôi hằng mong ước.

Một lần nữa, tôi đến gặp bác sĩ.

Ông ấy nói: "Nếu không thể thoát ra được thì quay đầu thử đi ngược lại xem".

Có một số chứng bệnh, không phải thứ nào cũng có thể làm thuyên giảm bớt bằng thuốc.

Mà biến thành tâm ma vây hãm lấy tôi.

Tôi đi mua chiếc vòng bằng vàng đó.

Hai tháng nữa là sinh nhật của mẹ tôi.

Chủ quầy hàng với nụ cười niềm nở hỏi tôi, "Có muốn viết thiệp chúc mừng cho mẹ không?".

Tôi nói có, sau đó nhận lấy cây bút từ chị ấy.

Tôi muốn, thử lại một lần.

Thử lại một lần nữa.

Bây giờ tôi không còn là đứa trẻ không hiểu gì nữa, mẹ tôi cũng đã có tuổi và sức khỏe dần yếu đi.

Có lẽ giữa chúng tôi còn có thể nói chuyện.

Đáng buồn, đáng thương và đáng ghét.

Tôi luôn có hy vọng.

Luôn hy vọng bà ấy có thể yêu thương tôi.

Nhưng, không còn cơ hội nữa.

Tôi đã trả lời cuộc gọi đó vào ngày mưa đêm hôm đó.

Cho nên, số phận của tôi vốn đã được định sẵn từ một tháng trước.

Tro cốt và di vật của tôi được đưa về, đặt trong một nghĩa trang ở ngoại ô thành phố.

Anh trai song sinh của tôi, cũng an nghỉ tại đó.

Lọ tro cốt của anh ấy rất nhỏ.

Vào ngày chôn cất tôi, bầu trời một mảng u ám, nhưng không có lấy một giọt mưa.

Mẹ tôi đứng trước bia mộ cả một ngày.

Nỗi buồn và sự hối hận của bà ấy dần dần xuất hiện.

Tôi tưởng bản thân sẽ được giải thoát và hạnh phúc.

Nhưng thực tế thì, khi nhìn mẹ tôi đau khổ, trong lòng tôi chỉ có sự hờ hững vô tận.

Nỗi đau, cảm xúc chồng chất trong nhiều năm qua của tôi đã bùng nổ và cạn kiệt đi trong mấy tiếng đồng hồ đó

Đêm đến, khi bà ấy về nhà, tôi lặng lẽ ngồi trên sofa.

Mẹ tôi đã nghỉ hưu.

Hứa Trạch trở lại trường học, ba tôi bận rộn công việc ở nhà máy, Hứa Kiều thì trở về ngôi nhà nhỏ của chị ấy và Tống Phi.

Sau khoảng thời gian ngắn ngủi đó, mọi người lại bắt đầu quay trở về cuộc sống của mình.

Một lúc lâu sau, khóe môi bà ấy bỗng giật giật, để lộ một nụ cười.

"Đào Đào, bây giờ chia còn lại hai chúng ta... dừng lại ở đây thôi".

[14]

Hôm sau, mẹ tôi dậy sớm đi chợ.

Vì thường xuyên mua hải sản, nên ngay khi vừa đi ngang qua, chủ sạp nhiệt tình mời gọi, nói tôm hôm nay rất to, rất tươi.

"Chắc chắn con gái nhà chị rất thích ăn".

Mẹ tôi giật mình, "Con gái tôi bị dị ứng với hải sản".

Chủ sạp nhìn bà một cách kỳ lạ, sau đó không nói thêm gì, lại đi chào mời với những người khách hàng khác.

Mẹ tôi cầm giỏ tre, đi xung quanh mấy quầy rau củ.

Bà cầm cà rốt lên rồi lại đặt xuống.

Cầm ớt xanh lên rồi lại đặt xuống.

Hành động thật sự kỳ lạ.

Cho đến nỗi, chủ sạp rau củ cẩn thận nhắc nhở, "Chị muốn làm món gì, em có thể giới thiệu cho chị".

Tôi thấy mẹ đứng đó, cố gắng nghĩ lại, đôi mắt mang theo sự bối rối.

Đột nhiên hiểu ra.

Bà ấy không biết tôi thích ăn gì.

Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng có đặc quyền được lựa chọn món ăn như Hứa Kiều, cũng không kén ăn như Hứa Trạch.

Cuối cùng, chủ sạp lấy ra một chiếc giỏ tre nhỏ từ chiếc tủ phía dưới, đẩy nó tới trước mặt mẹ tôi.

"Hôm nay mới nhập từ Chu Thành về một ít nấm rất tươi. Chị có muốn mua một ít về nấu thịt không?".

Chu Thành.

Nấm.

Hai từ này giống như một con dao sắc nhọn đâm vào thần kinh, mẹ tôi nắm chặt một nắm nấm tươi, bỗng nhiên bà khom lưng, nước mắt từng giọt từng giọt rơi xuống.

"Đào Đào".

"Đào Đào".

Số lần ở trước mặt tôi mẹ cất giọng gọi thân mật như vậy chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng bây giờ tôi đã chết rồi, làm sao có thể nghe được đây?

Bà không mua gì cả, mang giỏ tre trống rỗng trở về nhà.

Ngồi yên lặng một lúc, mẹ tôi đứng dậy, gọi điện thoại cho Hứa Kiều.

Giọng bà rất lạnh nhạt, "Cây đàn piano của con nửa năm đã không dùng đến rồi, nếu cần nữa thì mẹ sẽ thuê người chuyển đến nhà cho con. Nếu không cần thì mẹ sẽ gọi người thu gom phế liệu đến mang đi".

Hứa Kiều đột nhiên bật khóc, nghẹn ngào nói: "Mẹ, mẹ làm gì vậy? Không lẽ con đi lấy chồng rồi thì không còn là con gái trong nhà, không đáng để có một căn phòng của mình ở nhà hay sao?".

"Phòng ngủ của con vẫn để lại cho con".

Sắc mặt của mẹ tôi không chút thay đổi, "Phòng của Hứa Đào, mẹ phải dọn dẹp sạch sẽ".

Hứa Kiều không nói thêm gì.

Con người không thể biết trước được tương lai.

Trước khi chết, tôi gọi cho chị ấy nhưng lại bị cúp máy, mặc dù không đến mức làm cho Hứa Kiều phải chịu trách nhiệm về cái chết của tôi.

Nhưng lại làm cho vị trí của chị ấy trong gia đình này cũng không còn được như trước.

Mẹ tôi làm việc rất nhanh chóng.

Sáng hôm sau phòng đàn đã được dọn dẹp trống trơn.

Bà đi dạo quanh khu bán đồ nội thất, cố gắng tìm ra chiếc giường và tủ quần áo giống hệt với cái đã bị bỏ đi trước đó.

Nhưng cuối cùng vẫn không thể tìm được cái nào giống như vậy.

Mẹ tôi lấy ra vài bộ quần áo từ phòng tiện ích, treo vào trong tủ từng cái từng cái một.

Cũng không có quá nhiều đồ.

Hơn nữa, tất cả đều là tôi mua lúc còn đi học, cho dù còn sống, cũng không thể mặc được.

Sau đó bà ấy ra ngoài, tìm một thợ thủ công của một tiệm vàng, sửa lại chiếc vòng tốt nhất có thể, đeo nó lên tay.

Di ảnh tôi được đặt trong phòng, mỗi ngày điều đầu tiên mẹ tôi sau khi thức dậy là vào phòng tôi lau dọn di ảnh sạch sẽ.

Tôi không hiểu những điều bà ấy làm là gì?

Bù đắp sao?

Hay là muốn lòng mình được thanh thản hơn một chút?

Khi còn sống, tôi khao khát nhận được tình yêu của mẹ trong tuyệt vọng.

Thậm chí chỉ cần cho tôi một chút tình yêu thương thôi cũng được.

Nhưng sau khi tôi chết đi mới nhận lại được.

Tôi bay tới bay lui trong phòng, trong lòng có chút bực dọc, muốn quét sạch hết đồ vật trên giá sách, muốn kéo tấm ga trải giường mà bà ấy vừa thay đem vứt đi.

Chỉ vào bà ấy mắng chửi những lời lẽ cay độc như vô số lần cãi vã trước đây.

Đừng giả vờ nữa, mẹ à.

Để giảm bớt cảm giác tội lỗi trong lòng, mẹ đang lầm tưởng bản thân mình yêu thương con.

Chẳng lẽ ngay cả bản thân mẹ cũng tin hay sao?

Nhưng tôi không nói ra được.

Có nói ra, bà ấy cũng không thể nghe thấy được.

Lần đầu tiên tôi nhận ra, điều tàn nhẫn của sự tồn tại dưới dạng linh hồn là như thế nào.

Khi nào tôi mới có thể rời đi và đi đầu thai đây?

Vẫn là trong trạng thái như vậy, vĩnh viễn bị mắc kẹt trong ngôi nhà không thuộc về mình.

Thờ ơ lạnh nhạt quan sát cuộc sống hạnh phúc của gia đình bọn họ.

May mắn thay, rất nhanh đã có câu trả lời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#zhihu