Chương 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Bunba cùng với hai con vào ở chiến khu đã gần một tuần. Ôstáp và Ăngđờri rất ít quan tâm đến việc thao luyện quân sự. Ở đây, người ta không thích lý thuyết, không muốn bận tâm vào việc tập tành, mất thì giờ: thanh niên phải học tập rèn luyện ngay trong ngọn lửa chiến đấu và chính vì thế mà họ thường đi giáp chiến luôn. Đối với người Cô-dắc , phải dùng thời giờ trong những lúc không đánh nhau để tập quân sự là một điều chán ngắt. Tuy vậy họ vẫn tập bắn, thỉnh thoảng tổ chức phi ngựa và đi săn trong thảo nguyên. Còn rỗi thì chè chén tiệc tùng. Tính phóng khoáng và sôi nổi của họ như thế đây. Cuộc đời ở chiến khu là một ngày hội liên miên, một cuộc khiêu vũ ầm ỹ và miên man vô tận. Đố kiếm được một người Cô-dắc làm thợ, mở quán hay buôn bán. Thường họ chỉ say khướt từ sáng đến chiều. Còn một đồng leng keng dính túi, chưa chui hết vào tiệm rượu, thì vẫn còn chè chén say sưa.

Tục lệ rượu chè tiệc tùng ấy hình như nó quyến rũ vô cùng. Đây không phải là lối uống tiêu sầu của bọn lưu linh đi tìm lãng quên trong chén rượu, mà chính là biểu hiện của nỗi hoan lạc chan chứa và lôi cuốn nhất. Ai đến đây đều quên lửng mọi nỗi lo phiền. Họ đoạn tuyệt với quá khứ và kết bạn với những con người vui vẻ, cũng tứ cố vô thân, nhưng sống tự do và suốt đời say sưa vui vẻ như họ. Hết thảy đã tạo nên một nỗi vui mừng điên cuồng không có hoàn cảnh nào khác tạo ra được. Những chuyện cũ, những đối thoại, cùng nhau giữa người Cô-dắc thường rất hài hước, đầy ý nhị. Giá tính tình không điểm đam như người Dapôrô thì ai nghe cũng phải cười rộ. Ngày nay người ta còn phân biệt người Ucraina với bà con Slavờ khác của họ ở tính tình điềm đạm ấy.

Niềm vui ấy bồng bột, nhưng không phải cái vui ở quán rượu trong đó người ta lãng quên mình vào cuộc truy hoan âm thầm truy lạc. Niềm vui ấy gần giống như cái vui của một bọn học trò cùng trường. Điều khác nhau là ở chỗ: không phải ngồi lắng nghe những lời giảng bài buồn tẻ của thầy giáo, ở đây người ta lao vào những trận xung phong, từng đoàn năm ngàn ky binh một; để thay cho cái sân hẹp chỉ vừa đủ chơi bóng. họ có trước mắt cả một thảo nguyên mênh mông vô tận, bờ cõi canh phòng sơ sài.

 Bên kia biên giới, một cái đầu Tác-ta xảo quyệt khi ẩn khi hiện đang rình mò, hoặc cặp mắt sắc lẻm dưới nếp khăn màu lục của một gã Thổ Nhi Kỳ, đang theo dõi họ. Điều khác nhau nữa là ở chỗ: không phải người khác tụ tập họ đến đây, mà chính họ đã tự nguyện bỏ cha mẹ, rời quê hương, dút áo ra đi. Ở đây có những người suýt bị bọn độc ác treo cổ, đột nhiên thoát cái chết vô danh và sống trở lại, chà! Một cuộc sống huy hoàng biết mấy! Lại có những người suốt đời không bao giờ giữ được đồng xu nhỏ. Có người coi đồng mười rúp như cả một gia tài nhưng vì gặp bọn Do Thái quyến rũ mà thường không còn một trinh dính túi. Cũng có nhiều học sinh trường dòng không chịu nổi roi vọt, học không nhớ một chữ, cũng đến đây. 

Nhưng cũng có những học sinh đã từng làu thông thánh hiền kinh sử và biết cả nước Cộng hòa La Mã là gì. Người ta lại gặp ở đây những dũng sĩ Cô-dắc sau này lập chiến công trong quân đội vua chúa Ba Lan; đó là những hiệp sĩ anh hùng sống trong khói lửa mà lẽ sống ở đời chả phải ai trọng thì đến làm tôi mà mục đích là ở chỗ được dọc ngang chinh chiến, (một hiệp sĩ có bao giờ chịu xa rời trận mạc). Cũng có khá đông những người vào chiến khu chỉ cốt để lấy tiếng, được mang danh ta đây là chiến sĩ.

Vậy thì ai vắng mặt ở đây?
Hình như cái nước cộng hoà lạ lùng ấy là một nhu cầu của thời đại. Những người ham mê chinh chiến và chiến lợi phẩm (lọ quý, đồ thêu, vàng thoi bạc nén) không bao giờ sợ thiếu việc. Chỉ những kẻ say mê sắc đẹp là không có hy vọng gì ở đây vì không có khách má hồng nào được lọt vào lòng chiến khu, ngay cả ở ngoại ô nữa.

Ôstáp và Ăngđờri rất ngạc nhiên thấy tại sao có lắm người vào chiến khu mà không hề bị hỏi là ai, từ đâu đến, tên họ là gì? Họ đến đó như trở về nhà sau một thời gian vắng mặt. Người mới đến, tới trình diện trước viên thủ lĩnh Kôsêvôi, Viên này thường tiếp khách mới bằng mấy câu như sau:

- Chào anh! Anh có tin chúa Giêsu không?

- Có, tôi tin. - Khách mới trả lời.

- Có tin Chúa Ba Ngôi không?

- Có, tôi tin.

- Anh có đi nhà thờ không?

- Có.

- Thôi, được! Anh ưng đơn vị nào thì vào đơn vị đó.

Thế là xong nghi thức.

Cả chiến khu chỉ có một nhà thờ. Cả xứ sẵn lòng bảo vệ nhà thờ đó đến giọt máu cuối cùng, nhưng nhịn đói và chịu khổ hạnh thì chẳng ai ưng.

(1) ôsêvôi: tổng chỉ huy bầu hằng năm của người Cô-dắc .

Vì lòng tham vơ vét nên ở đây chỉ có người Do Thái, người Ácmêni - và cả người Tác-ta nữa, chúng liều đến đây sinh sống và buôn bán ở ngoại ô chiến khu. Người Cô-dắc vốn hào phóng, coi tiền như rác, hễ mua gì thì quen thói bốc trời, một tay vốc được bao nhiêu là họ trao cả cho lái buôn. Tuy vậy, số phận những con buôn tham lam cũng bấp bênh lắm. Chẳng khác nào chúng xây nhà bên núi lửa, vì khi hảo hán Cô-dắc mà thiếu tiền thì họ chẳng kiêng gì chuyện sinh sự phá tan cửa hàng của chúng và thủ luôn cả đồ đạc hàng hóa.

Chiến khu gồm độ sáu mươi đơn vị hầu như những nước cộng hòa độc lập; hay đúng hơn, giống như những nhà trường ở đấy người ta lo liệu đủ cho học sinh. Không ai để ý bon chen và không hề giữ riêng vật gì. Viên chỉ huy đã lo hết, vì lẽ đó người Cô-dắc gọi vị này là "bố". Chính ông giữ tiền bạc, lo quần áo, cơm gạo và cả củi lửa nữa. Người Cô-dắc giao phó của cải cho ông. Thỉnh thoảng giữa hai đơn vị xảy ra xích mích, chúng liền kéo đi đánh nhau, hai bên đứng dàn đầy bãi rộng: thế rồi quả đấm rào rào như mưa, mãi cho đến lúc phân cao thấp. Đánh đấm xong, mọi người lại kéo nhau đánh chén. Chiến khu như thế đấy; đối với tuổi thanh niên, nó có sức hấp dẫn lôi cuốn biết bao.

(1) Do Thái: một dân tộc ở Trung Cận Đông, nhiều nhất là ở Israel; ngoài ra họ sống lưu lạc rải rác khắp thế giới, hầu hết nước nào cũng có. Do một thành kiến cổ truyền của bọn phong kiến và tư sản dựng lên, người Do Thái vẫn bị coi là giống người bần tiện, gian dối, bẩn thỉu. Ở Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, người Do Thái được đối đãi bình đẳng và được hưởng mọi quyền lợi như các dân tộc khác.

Ôstáp và Ăngđờri đem hết bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lao mình vào cuộc sống quay cuồng đó và quên hết quê mẹ, nhà tu, quên hết tất cả những gì bấy lâu xâm chiếm tâm hồn họ. Rồi họ bắt đầu cuộc đời mới. Điều gì cũng làm cho họ ham thích: cuộc sống vui nhộn của chiến khu, phép tắc đơn giản của chính quyền và cả pháp luật ở đây nữa. Người Cô-dắc ăn trộm, dầu chỉ ăn trộm một đồ chơi cỏn con, cũng xem như một vết nhơ cho toàn thể. Người ta trói anh chàng vào một cái cột, đặt bên cạnh một cái dùi rồi bất cứ ai đi qua cũng phải đánh một cái, kỳ cho đến chết. Ai mắc nợ đến hạn mà không trả thì sẽ bị trói vào một khẩu đại bác, kỳ cho đến lúc có người bạn thương tình trả nợ dùm thì mới được tha.

Nhưng điều đập mạnh vào tâm trí Ăngđờri hơn cả là hình phạt ghê rợn xử kẻ sát nhân, mà chàng đã tự mắt được trông thấy. Người ta đào một cái huyệt ngay trước mắt kẻ giết người, rồi cứ để còn sống mà xô xuống, đoạn đặt lên mình nó cỗ quan tài đựng xác người thiệt mạng, xong rồi thì lấp đất lên! Ăngđòri nhớ mãi cái hình ảnh khủng khiếp của kẻ sát nhân bị chôn sống nằm dưới cỗ quan tài ghê sợ.

Chẳng bao lâu, hai chàng thanh niên đã lừng danh trong đám Cô-dắc. Thường thường hai anh em cùng đi với các bạn đồng đội, có khi đi với toàn đội hoặc với vài đội láng giềng để săn bắn các thứ chim, nai, hoãng, sẵn có rất nhiều trong thảo nguyên. Hoặc họ đi thả lưới đánh cá trong các sông hồ đã dành cho từng đội một. Cá đánh được, toàn đội sẽ hưởng chung. Tuy việc ấy không có gì đặc biệt khó khăn để thử thách hai thanh niên Cô-dắc , nhưng gan dạ và lanh lẹ, hai chàng thường tỏ ra trội trong các cuộc chơi, So với các bạn thanh niên khác, chẳng những là tay thiện xạ, họ lại còn bơi ngược dòng sông Đniép nữa. Thành tích ấy đã làm cho hai tân binh này được kết nạp long trọng vào hàng ngũ những chiến sĩ Cô-dắc thiện chiến.

Ý Bunba thì khác hẳn. Lão tướng muốn cho hai con lăn mình làm việc khác. Lão chẳng ưa cuộc đời nhàn tản này, mà phải làm một việc khác thực sự quan trọng hơn. Lão mưu tính nhiều việc, tìm cách lôi cuốn người Dapôrô đi tới một kế hoạch táo bạo nào đó để rèn luyện các con cho ra trò, cho xứng danh con nhà võ tướng. Bữa đó, lòng xiết bao nôn nóng, lão tướng tìm đến gặp viên thủ lĩnh và nói hắn rằng:

- Này! Thủ lĩnh ơi! Có lẽ nên để cho bọn Dapôrô chúng ta đi tiêu khiển tỉ chút chứ!

- Không thể đi đâu được! - Viên thủ lĩnh đáp, vừa nói, lão vừa rút cái tấu ở miệng, nhổ toẹt sang bên cạnh.

- Sao, hết đường rồi à? Muốn quật bọn Thổ, bọn Tác-ta thì lúc nào chẳng được?
- Không, Thổ không đánh, mà Tác-ta cũng thôi! - Viên thú lĩnh vừa nói vừa ung dung đưa tẩu thuốc lên môi.

- Vì sao vậy?

- Vì sao à? Vì chúng ta đã thể giữ hòa hảo với quốc vương nước Thổ.

- Nó là đứa vô đạo. Chúa và kinh thánh đã dạy ta phải diệt bọn vô đạo cơ mà!

- Không được! Nếu không có thề bồi hứa hẹn gì thì còn có thể, nhưng bây giờ thì chịu thôi, không thể thế được.

- Sao? Không thể được à? Ông dám mở miệng nói là không thể được à? Tôi có hai con trai, chúng đều trẻ và khỏe, chúng chưa được xuất trận, ấy vậy mà ông nỡ nói là không thể được. Thế ra người Dapôrô chúng ta không thể nam chinh bắc chiến nữa à?

- Đúng thế!

- Vậy là theo ý thủ lĩnh, ta đành tiêu hao lực lượng ta trong cảnh nhàn cư à? Đế cho người Cô-dắc chết như con chó, không làm nên sự nghiệp thờ nước và thờ chúa à? Vậy thì chúng ta đến đây làm gì, chúng ta sống mà làm gì kia chứ? Ông là người tai mắt, ông hãy giảng cho tôi nghe: chúng ta sống để làm gì? Và bầu ông làm thủ lĩnh để chơi à?

Viên thú lĩnh không trả lời câu đó. Lão vốn là một Cô-dắc cứng cổ. Trầm ngâm một lát, lão nói:
- Dầu sao, vẫn không thể gây chiến được!

- Không chiến tranh?- Bunba hỏi lại.

- Không!

- Nghĩa là đừng nghĩ đến việc đấm đá gì nữa?

- Đừng có nghĩ mà vô ích.

Bunba nghĩ thầm: "Được rồi, bố già này, bố chưa biết tay ta!"

Tức khắc, Bunba quyết định đối phó. Lão hội ý với vài người bạn, rồi sửa một tiệc rượu, mời mọi người đến dự. Sau đó, mấy anh Cô-dắc hăng rượu đổ cả ra quảng trường của chiến khu, đi thẳng tới trước cái cột cờ, là nơi thường hội họp. Ở đấy có treo chiêng chỉ dùng để triệu tập họp toàn ban lúc cần thiết, người ta gọi là họp hội đồng. Không tìm thấy dùi chiêng vì có người giữ, họ cầm thanh củi đánh chiêng ầm lên. Người giữ chiêng, một anh Cô-dắc trợn mắt cao lớn, con mát độc long lim dim, chạy tới trước tiên:

- Ai cả gan đánh chiêng đó? - Hắn la lên.

- Im mồm! Lấy dùi chiêng ra đây. Đánh đi!

Mấy viên chỉ huy say rượu, trả lời như vậy. Người giữ chiêng bèn móc túi lấy dùi: hắn đã biết trước những chuyện như thế này sẽ kết thúc ra sao rồi. Chiêng kêu vang, người Dapôrô đổ đến như ong đen nghịt cả quảng trường của chiến khu, sắp thành một vòng lớn. Đến hồi thứ ba thì các nhà chức trách ra: Viên thủ lĩnh tay cầm chiếc chùy là huy hiệu chức vị của mình, viên pháp quan cầm ấn tín của đoàn quân, viên lục sự cầm lọ mực và viên étxaun cầm trượng. Đầu lĩnh cùng ba vị chức sắc đi theo ngả mũ, kính cẩn quay về bốn phương cúi chảo. Đoàn Cô-dắc đứng hiên ngang, tay chống nạnh. Thủ lĩnh hỏi:

"Họp để làm gì? Các ông muốn điều chi?"

Tiếng la ó, tiếng xỉ vả ngắt lời lão.
- Bỏ chùy xuống đó, trả lại chúng tôi ngay lập tức, bố ơi! Chúng tôi không cần bố nữa.
Những kẻ không say muốn can ngăn. Nhưng rồi thì kẻ tỉnh cũng như người say đều túm lại đánh nhau túi bụi. Tiếng kêu inh ỏi, cuộc ẩu đả lan khắp. Viên thủ lĩnh muốn phân trần đôi lời, nhưng lão vốn biết dân Cô-dắc này mà hăng máu lên thì có thể bóp lão chết tươi, như mắt lão đã được thấy nhiều lần, trong những trường hợp như thế này, nên lão bèn khúm núm chào mọi người, đặt chùy xuống, lủi vào đám đông, đi mất.

- Thưa anh em, chúng tôi có phải trả lại huy hiệu không? Ba viên pháp quan, lục sự và étxaun vừa hỏi vừa đưa sẵn con dấu, lọ mực, trượng, để nộp lại.

- Không! Mời các ông ở lại. - Mọi người la lớn.

- Chúng tôi chỉ hận ông thủ lĩnh thôi. Lão đó chỉ là một mụ già. Anh em cần một người trượng phu đúng mực kial Mấy người Cô-dắc cựu trào hỏi: "Bây giờ cử ai lên thay?

- Chúng tôi cử Kukubencô, - một số đáp.

- Không, không cử Kukubencô! - Bọn người khác nói.

- Thằng ấy măng quá! Miệng nó còn hơi sữa!

- Sylô đáng làm thủ lĩnh của chúng ta đấy!

- Chúng tôi muốn suy tôn Sylô. - Nhiều tiếng khác la to lên.

- Xếp đi! Xếp Sylô đi! - Bọn người khác la lớn, kèm theo nhiều câu chửi lại:

- Cô-dắc gì nó, đồ chó đẻ đã trộm cắp như thằng Tác-ta. Cho thằng sâu rượu ấy vào bao tải buông trôi sông đi!

- Bôrôđaty! Ta bầu Bôrôđaty! - Một nhóm khác gào lên như vậy.

- Đếch cần nó. Mẹ nó chửa hoang! Cóc cần!

Bunba nói thầm vào tai một nhóm:- Đề cử Kiếcđiaga đi!

Đám đông bèn rống lên:

- Kiếcđiaga! Kiếcđiagal

- Bôrôđaty! Borôđaty!
- Đylôl

- Cút đi Sylô!

- Kiếcđiaga!

- Kiếcđiaga! Mỗi người được đề cử, nghe gọi đến tên, liền đứng ra ngoài hàng, để tỏ ra không dự phần cổ động cho cá nhân mình.

- Kiếcđiagal Kiếcđiaga! - Tiếng gào càng to.

- Bôrôđaty! Cuối cùng người ta tranh luận bằng quả đấm. Rút cuộc, Kiếcđiaga thắng. Có tiếng la:
- Đi tìm Kiếcđiaga.

Khoảng mười người Cô-dắc tách khỏi đám đông và tới thẳng nhà Kiếcđiaga để báo tin lão đắc cử. Có người đứng không vững nữa vì say mềm. Kiếcđiaga là một Cô-dắc lão luyện, khôn ngoan, mưu mẹo. Lão đã rút lui về trong cureng mình, hầu như coi việc bên ngoài như gió thoảng. Khi thấy có toán Cô-dắc đến nhà, lão hỏi:

- Các ông cần việc gì?

- Mời ông theo chúng tôi. Chúng tôi đã bầu ông làm thủ lĩnh.

- Tôi van các ông. Tôi đâu có xứng đáng vinh dự ấy! Làm thủ lĩnh đâu có đến lượt tôi! Chức vị lớn đó, tôi đâu có làm nổi! Có dễ trong cả chiến khu không còn ai hơn tôi à?

- Đi! Không một hai gì cả.

Đoàn Dapôrô gào to. Hai người túm lấy tay lão, vừa đi, vừa đấm vào lưng lão, vừa thúc giục ầm lên: "Bố già ơi đừng có mà lủi! Nhận lấy danh dự anh em đã dành cho!" Cứ thế mà lôi lão sềnh sệch đến hội nghị Cô-dắc . Mấy người kéo lão tới, hỏi lớn:

- Này các vị? Các vị có ưng bầu ông Cô-dắc này làm thủ lĩnh không? Đám đông đáp:
- Có! Tất cả đồng ý!

Tiếng hoan hô kéo dài vang lừng trên khắp cánh đồng. Một trong những bô lão cũ cầm cái chùy lên và trao cho người mới được suy tôn. Theo phong tục cổ, Kiếcđiaga từ chối. Lão từ chối một lần thứ hai. Và chỉ đến lần thứ ba, lão mới bằng lòng nhận vinh dự ấy. Tiếng hoan hô lại nổi dậy từ trong đám đông và vang xa khắp đồng ruộng. Bốn người Cô-dắc râu dài, hoa râm, từ trong đám đông bước ra. (Ở chiến khu làm gì có vị cao niên, vì ở đấy chẳng có ai được chết già). Họ nắm mỗi người một nắm bùn (vì có trận mưa đêm) rồi trát lên đầu viên thủ nh mới. Bùn chảy dòng trên má, làm cho mặt lão Kiếc lọ lem. Lão đứng thản nhiên, cảm ơn mọi người về vinh dự đó.

Cuộc bầu cử ồn ào thế là xong. Không biết kết quả có làm cho người khác vui sướng bằng lão tướng Bunba vui sướng không: chẳng những lão trả thù được viên thủ lĩnh cũ, mà còn bầu được người chiến hữu già, đã từng cùng lão vượt qua bao hiểm nghèo trong nhiều cuộc chiến chinh thủy lục. Mọi người giải tán để ăn mừng cuộc bầu cử. Đúng là một bữa tiệc, Ôstáp và Ăngđòri chưa từng trông thấy. Các quán hàng bị phá nát, rượu mật, vốtka, và rượu bia đổ lênh láng. Quân Cô-dắc lấy hết, chẳng trả xu nào. Mấy người chủ quán vẫn còn mừng, cho là may phúc được thoát thân. Tiếng thét, tiếng hát ca ngợi chiến công oanh liệt kéo dài thâu đêm!

Sáng trăng suông chiếu trên đoàn người đánh nhạc, tay gảy đàn băngđura và balalaica. Trăng cũng chiếu rọi xuống những người hát thánh kinh ở nhà thờ, vì tại chiến khu người ta luyện những người này để ca ngợi chiến công của người Dapôrô cũng như để chúc tụng Chúa Trời.
Canh tàn, dù người khỏe rượu đến đâu rồi cũng phải say mềm, mệt lử. Một chàng Cô Dắc rơi bịch xuống đất, ngủ lăn như chết. Xa nữa, có người khác, tay đỡ bạn, chan chứa bày tỏ tâm tình với nhau, nước mặt đầm đìa, rồi thì cả hai cùng ngã xuống. Đây, đông người nằm dài thành từng toán, đó, một người đi kiếm mãi một nơi nghỉ cho vừa ý, đã lăn đùng trên một khúc gỗ. Người sau rót, còn đứng được thì nói lảm nhảm, cuối cùng rượu ngâm đến nơi, hắn cũng lăn ra như bao người khác. Chẳng mấy chốc, cả chiến khu đã chìm đắm trong giấc ngủ miên man.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro